4 xu hướng thay đổi môi trường làm việc năm 2021

Quan tâm đến đời sống tinh thần của lao động, hay sự phổ biến hơn của làm việc linh hoạt có thể là xu hướng đáng chú ý năm nay.

Năm 2020 với sự có mặt của Covid-19 làm rung chuyển nhiều công ty và mô hình kinh doanh. Điều này làm thay đổi các ưu tiên và kế hoạch khi các giám đốc cố gắng tìm cách vượt qua môi trường đang thay đổi nhanh chóng.

2021 cũng có thể là năm đầy biến chuyển lớn khác. Sau đây là trích lược một số xu hướng mà các chuyên gia của Harvard Business Review cho rằng sẽ định hình môi trường làm việc trong năm nay và về sau.

Nhà tuyển dụng sẽ chuyển từ đầu tư vào trải nghiệm nhân viên sang đầu tư vào cuộc sống của nhân viên. Đại dịch khiến các lãnh đạo doanh nghiệp tăng cường khả năng quan sát nhân viên, những người đang phải đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống cá nhân và trong công việc chưa từng có.

Rõ ràng việc hỗ trợ nhân viên trong đời sống cá nhân một cách hữu hiệu không chỉ giúp họ có cuộc sống tốt hơn mà còn có thể làm việc hiệu quả hơn. Theo khảo sát ReimagineHR năm 2020 của Gartner, các nhà tuyển dụng có hỗ trợ nhân viên trong cuộc sống cho biết số nhân viên có sức khỏe tinh thần tốt hơn tăng 23% và số đạt sức khỏe thể chất tốt hơn tăng 17%.

Họ cũng nhận thấy số lượng nhân viên làm việc đạt hiệu quả tốt tăng 21% so với các công ty không có cùng mức độ hỗ trợ. Đó là lý do năm 2021 sẽ là năm mà việc các nhà tuyển dụng hỗ trợ sức khỏe tinh thần, tài chính, và thậm chí những thứ trước đây được xem nằm ngoài giới hạn, như giấc ngủ, sẽ trở thành phúc lợi cao dành cho nhân viên.

Tính linh hoạt trong thời gian, địa điểm làm việc có thể được nhiều công ty chấp nhận hơn. Ảnh: Pixabay.

Tính linh hoạt trong thời gian, địa điểm làm việc có thể được nhiều công ty chấp nhận hơn. Ảnh: Pixabay.

Tính linh hoạt sẽ thay đổi tùy từng địa điểm và thời điểm. Trong khi cho phép nhân viên làm việc từ xa trở nên phổ biến trong năm 2020, làn sóng làm việc linh hoạt tiếp theo sẽ xảy ra theo mong muốn trong công việc của nhân viên.

Khảo sát ReimagineHR cho thấy chỉ 36% nhân viên đạt hiệu suất cao ở các công ty có thời gian làm việc tiêu chuẩn 40 giờ một tuần. Các công ty cho phép nhân viên linh hoạt về thời gian, địa điểm và mức độ làm việc, nhận thấy 55% nhân viên làm việc đạt được năng suất cao.

Vì vậy, vào năm 2021, các chuyên gia hy vọng sẽ chứng kiến sự gia tăng các công việc mới mà nhân viên sẽ được khẳng định bằng năng lực, hơn là số giờ làm việc theo thỏa thuận.

Hỗ trợ sức khỏe tinh thần cũng là bình thường mới. Trong vài năm qua, nhà tuyển dụng tại Mỹ đã đưa ra những lợi ích mới hỗ trợ nhân viên, như, tăng thời gian nghỉ thai sản. Ngay cả trước đại dịch, nghiên cứu của Gartner cho thấy 45% khoản tăng ngân sách phúc lợi được phân bổ cho các chương trình phúc lợi về tinh thần và cảm xúc.

Và đại dịch đã đưa vấn đề phúc lợi lên hàng đầu khi các nhà tuyển dụng nhận thức rõ hơn bao giờ hết cách sức khỏe tinh thần ảnh hưởng đối với nhân viên và đối với công ty ở nơi làm việc.

Đến cuối tháng 3, 68% công ty Mỹ đưa ra ít nhất một phúc lợi mới về sức khỏe hỗ trợ nhân viên trong suốt đại dịch. Vào năm 2021, các nhà tuyển dụng sẽ tiến xa hơn nữa bằng cách mở rộng phúc lợi cho sức khỏe tinh thần. Điều này làm phát sinh những ngày họ đóng cửa toàn bộ công ty vì "sức khỏe tinh thần tập thể" nhằm nâng cao nhận thức của nhân viên về vấn đề quan trọng này.

Các nhà tuyển dụng sẽ tìm cách thuê nhân tài bổ sung các khoảng cách năng lực. Số kỹ năng các nhà tuyển dụng tìm kiếm đang tăng lên đáng kể. Số lượng kỹ năng yêu cầu trong tin tuyển dụng tại Mỹ năm 2020 tăng 33% so với 2017.Vì vậy, các công ty có khả năng không thể đào tạo năng lực cho nhân viên chính thức đủ nhanh để đáp ứng nhu cầu đang thay đổi.

Bên cạnh đó, vài công ty sẽ từ bỏ việc cố gắng đào tạo các kỹ năng mới mà thay vào đó chỉ thuê và trả công cho những kỹ năng đó, khi thực sự cần đến. Các công ty khác sẽ mở rộng việc thuê nhân viên theo hợp đồng và thời vụ hoặc mở rộng mối quan hệ hợp tác với các công ty để "thuê" nhân viên trong thời gian ngắn nhằm đáp ứng nhu cầu về kỹ năng họ đang đối mặt.

Phiên An (theo Harvard Business Review)

Tags