Khái niệm
Du lịch 4.0 trong tiếng Anh được gọi là Tourism 4.0.
Du lịch 4.0 được hiểu là du lịch trong thời đại công nghiệp 4.0.
Du lịch 4.0 là phát triển du lịch một cách thông minh với sự hỗ trợ của công nghệ số, để tạo ra và cung cấp các dịch vụ thuận tiện nhất cho khách du lịch và làm du khách hài lòng.
Trong thực tiễn, du lịch 4.0 là một sáng kiến của tổ chức Du Lịch Thái Lan với mục đích thúc đẩy tinh thần kinh doanh, hỗ trợ du lịch và khởi sự du lịch cũng như thúc đẩy đổi mới du lịch trong nước.
Theo sáng kiến này, tổ chức Du Lịch Thái Lan hoạt động như một cơ quan tư vấn và điều phối viên bằng cách thúc đẩy việc thành lập các liên minh và hợp tác giữa các đại lí khác nhau, tạo điều kiện cho việc tiếp cận tài trợ, đào tạo và tư vấn chiến lược cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Do đó, một số sáng kiến đã được đưa ra kể từ khi thành lập chương trình, góp phần thúc đẩy môi trường kinh doanh năng động ở Thái Lan.
Cơ hội phát triển du lịch Việt Nam trong thời đại công nghiệp 4.0
Tại Việt Nam, tỉ lệ người sử dụng internet để đặt các dịch vụ du lịch chưa phải là thế mạnh (mới chỉ chiếm 34%), chủ yếu vẫn là hình thức đặt dịch vụ trực tiếp với các nhà cung cấp. Tuy nhiên, con số này được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong những năm tiếp theo.
Đây chính là cơ hội cho Du lịch Việt Nam để thúc đẩy và khai thác lĩnh vực thương mại điện tử, nếu cần thiết chúng ta có thể hướng dẫn thêm cho khách du lịch và khuyến khích các doanh nghiệp du lịch sử dụng thương mại điện tử trong các giao dịch. Từ đó chúng ta có thể bắt kịp với các nước khác trên thế giới.
Khách du lịch càng ngày càng tiếp cận nhiều hơn với internet và các ứng dụng hỗ trợ tìm kiếm thông tin và mua sắm trực tuyến. Theo số liệu của công ty IDM Việt Nam, trong 5 năm trở lại đây, nhu cầu tìm kiếm các thông tin về du lịch trên mạng tại Việt Nam tăng hơn 32 lần.
Trong đó, mỗi tháng có hơn 5 triệu lượt tìm kiếm bằng tiếng Việt về các sản phẩm du lịch như tour trong nước, tour nước ngoài, đặt phòng khách sạn, các loại hình du lịch.... Đặc biệt, vào những mùa cao điểm của du lịch nội địa như du lịch hè, số lượt tìm kiếm có thể lên đến 8 triệu lượt.
Đây cũng là một cơ hội để du lịch Việt Nam nếu tận dụng được lợi thế của thương mại điện tử thì sản phẩm du lịch sẽ đến được với du khách nhiều hơn nữa và gia tăng các giao dịch trực tuyến. Từ đó, du lịch Việt Nam không chỉ thu được lợi nhuận từ các giao dịch mà còn tiết kiệm được một số khoản chi phí cho việc marketing và tiếp thị.
Các doanh nghiệp kinh doanh du lịch Việt Nam có thể hợp tác với goda hay Booking.com nhằm thúc đẩy quá trình quảng bá và giao dịch thương mại điện tử. Sau đó từng bước tạo ra các trang thương mại điện tử riêng cho các tỉnh thành phố và phát triển thương mại toàn quốc.
Trong năm 2017, Quốc hội thông qua Luật Du lịch (sửa đổi) và Tổng cục Du lịch đang xây dựng Đề án ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành du lịch đến 2020 và tầm nhìn đến 2030.
Đó là những chuyển động mạnh mẽ nhất từ phía cơ quan quản lí nhằm tạo điều kiện cho du lịch Việt Nam tận dụng các tiện ích của công nghệ thông tin trong kinh doanh du lịch.
(Tài liệu tham khảo: Kỉ yếu hội thảo Nền kinh tế số trước bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, ĐH Kinh tế TP. Hồ Chí Minh, NXB Thông tin và Truyền thông, 2018)
Via vietnambiz