Thương mại điện tử: Cơ hội cho doanh nghiệp SMEs

(thitruongtaichinhtiente.vn) - Thương mại điện tử giúp doanh nghiệp SMEs cắt giảm được chi phí so với kinh doanh truyền thống và tăng tỷ lệ tiếp cận khách hàng mới cũng như tỷ lệ khách hàng 'quay lại'.

Khác với số hóa dữ liệu là chuyển mọi thông tin từ dạng vật lý ở thế giới thực sang dạng kỹ thuật số thì chuyển đổi số là sự chuyển đổi toàn diện về mô hình, cơ cấu tổ chức, quy trình, ... để thích ứng với cách thức kinh doanh mới của doanh nghiệp, từ đó áp dụng công nghệ để số hóa, hướng tới 3 mục tiêu chính gồm tối ưu hóa quy trình hoạt động, nâng cao trải nghiệm khách hàng và tạo ra mô hình kinh doanh mới.

Chuyển đổi số mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp như giảm chi phí giao dịch và quản lý (theo đánh giá của Mckinsey & Co có thể giảm từ 30-80% ), tăng khả năng tiếp cận thị trường, thông tin, dữ liệu, kết nối, hợp tác, cơ hội kinh doanh mới (dựa trên công nghệ số như thương mại điện tử, kinh doanh số, phân tích dữ liệu, nhà máy thông minh, thành phố thông minh…) và tăng khả năng tham gia chuỗi giá trị toàn cầu và khu vực; tham gia hệ sinh thái kinh tế điện tử kết hợp sản xuất, tài chính, y tế, bảo hiểm, du lịch, giáo dục, thương mại, và kinh doanh bất động sản…

Ngoài ra, doanh nghiệp có cơ hội ứng dụng công nghệ hiện đại để hỗ trợ phát triển và cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng cao hơn, cải tiến qui trình; tăng năng suất lao động, linh hoạt, an toàn, bảo vệ môi trường … Từ đó, tăng năng lực cạnh tranh, có cơ hội để đổi mới, đột phá, ra quyết định trên cơ sở phân tích dữ liệu lớn (mô hình thương mại số, sản xuất và phân phối thông minh).

Ảnh minh họa

Đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs) tại Việt Nam, báo cáo của Tổng cục Thống kê cho biết, năm 2019 có 30% doanh nghiệp bắt đầu quá trình chuyển đổi số từ bước nghiên cứu, tìm hiểu đến triển khai.

Báo cáo năm 2019 của Cisco về "Chỉ số phát triển kỹ thuật số của doanh nghiệp vừa và nhỏ khu vực châu Á - Thái Bình Dương" cũng cho thấy, tại Việt Nam, các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như thiếu kỹ năng số và nhân lực (17%), thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh để cho phép chuyển đổi kỹ thuật số (16,7%) và thiếu tư duy kỹ thuật số hoặc các thách thức về văn hóa kỹ thuật số trong doanh nghiệp (15,7%) ... Trong khi đó theo báo cáo phân tích của Forrester (công ty nghiên cứu thị trường của Hoa Kỳ), trong số những doanh nghiệp được khảo sát, chỉ có 11% thành công trong quá trình chuyển đổi số, 89% doanh nghiệp còn lại "lạc lối" trong quá trình chuyển đổi số.

Đi liền với chuyển đổi số là phát triển thương mại điện tử - một trong các lĩnh vực tiên phong của nền kinh tế số, nơi các công nghệ tiên tiến của cuộc CMCN 4.0 được ứng dụng rộng rãi để tăng hiệu quả của chu trình kinh doanh, góp phần hiện đại hóa hệ thống phân phối, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, phát triển thị trường, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số.

Tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 tổ chức mới đây, ở phiên chuyên đề về thương mại điện tử, một số ý kiến chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp SMEs đã nhận thấy được tiềm năng, lợi ích của thương mại điện tử cho công việc kinh doanh, đồng thời có những kiến thức nhất định về vị trí, vai trò và xu thế của thương mại điện tử trên thế giới và ở Việt Nam. Tuy nhiên, số lượng doanh nghiệp SMEs có nhận thức cao về vấn đề này lại không nhiều, phần lớn ở mức trung bình, bắt đầu quan tâm đến thương mại điện tử và chưa thực sự hiểu biết về nội dung, lợi ích và xu thế phát triển của thương mại điện tử.

Theo khảo sát của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM), trong số gần 5000 doanh nghiệp được khảo sát (khoảng 90% là các doanh nghiệp SMEs) thì có hơn 70% doanh nghiệp không có nhân sự chuyên trách về thương mại điện tử. Ngoài ra, chỉ có khoảng hơn 40% doanh nghiệp xây dựng website trong khi website luôn được đánh giá là một kênh quan trọng khẳng định giá trị thương hiệu và có tính bền vững nhất cho doanh nghiệp trên môi trường trực tuyến.

Bà Lương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Văn phòng Chuyển đổi số và Quản lý dự án (Ngân hàng SHB) đánh giá kinh tế nền tảng sẽ là xu hướng của thương mại điện tử trong tương lai. Công nghệ sẽ dần xoá nhoà ranh giới
ngành và làm thay đổi cấu trúc chuỗi giá trị và ..  Đến năm 2025, quy mô kinh tế nền tảng sẽ tăng lên 30 lần dù hiện mới chiếm khoảng 1,5%- 2% quy mô kinh tế toàn cầu. Có khoảng 12 hệ sinh thái nổi bật của thành phần kinh tế nền tảng Việt Nam như nội dung số, giáo dục, du lịch, dịch vụ công.... trong đó thương mại điện tử đóng vai trò đặc biệt. Bà Hạnh cho rằng, các doanh nghiệp SMEs hiện nay đang hoạt động mạnh ở những lĩnh vực có tỷ suất lợi nhuận khiêm tốn, công nghệ thấp do không có lợi thế về quy mô, tiềm lực tài chính, thị phần.... Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào năng lực, kinh nghiệm quản lý điều hành cũng như mối quan hệ của chủ doanh nghiệp. Vấn đề vốn là một trong những rào cản lớn của doanh nghiệp nhỏ và vừa, thậm chí là siêu nhỏ.

12 hệ sinh thái nổi bật của thành phần kinh tế nền tảng Việt Nam.

Từ thực tế này, theo bà Hạnh, dịch vụ tài chính số của các ngân hàng thương mại cổ phần sẽ có cơ hội tham gia hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong đó, "ngân hàng mở" là giải pháp toàn diện tạo nền tảng dịch vụ tài chính số cho mọi thành phần trong hệ sinh thái, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, có nhiều cách khác nhau để ngân hàng hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số để thâm nhập 12 hệ sinh thái bằng cách tham gia như một thành viên, điều phối hệ sinh thái hoặc tự xây dựng và điều tiết hệ sinh thái.

Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, trong hành trình chuyển đổi số của doanh nghiệp đã xuất hiện đa kênh thương mại điện tử một cách chuyên nghiệp như Tiki, Lazada, Sendo, Shopee, Alibaba, Amazon.... Có những sàn thương mại điện tử đạt hơn 100 triệu lượt truy cập mua sắm mỗi ngày, hoạt động trên 18 quốc gia. Việc tiếp cận khách hàng đa kênh tăng 35% doanh thu mỗi giao dịch và tăng tỷ lệ khách hàng quay lại 2,7 lần. Đi kèm với đó là các nền tảng thanh toán, giao nhận cũng phát triển như ví điện tử Momo, VNpay, Napas, GHN, Viettel Post.... Tất cả những điều này tạo nên một hệ sinh thái công nghệ trong thương mại điện tử, giúp các doanh nghiệp SMEs tiết kiệm chi phí đầu tư ban đầu, linh hoạt theo quy mô doanh nghiệp để từ đó thúc đẩy chuyển đổi số dễ dàng và thực tế hơn.

Cũng tại hội thảo này, ông Nguyễn Kim Hùng, Viện trưởng Viện Khoa học quản trị doanh nghiệp và kinh tế số Việt Nam (VIDEM) đánh giá, tiềm năng thị trường bán lẻ trực tuyến rất lớn, thanh toán trực tuyến dần trở nên phổ biến, Chính phủ đã và đang quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển...  và thương mại điện tử giúp doanh nghiệp cắt giảm được chi phí so với kinh doanh truyền thống. Tuy nhiên, mức độ cạnh tranh thị trường này ngày càng khốc liệt. Thương mại điện tử không phải là "cuộc chơi" ngắn hạn và việc xây dựng lòng tin khách hàng, quản lý chất lượng sản phẩm trên sàn thương mại điện tử là những thách thức không nhỏ đối với các doanh nghiệp.

Theo ông Hùng, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể để phát triển thương mại điện tử, trong đó cần hỗ trợ hạ tầng cơ sở cho các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh,…; hỗ trợ chính sách (hoàn thuế VAT, hỗ trợ phí tham gia sàn,…) cũng như giảm thiểu thanh tra kiểm tra trong một khoảng thời gian nhất định và xây dựng cổng đào tạo trực tuyến về chuyển đổi số và thương mại điện tử.