Vnexpress: Hệ thống “trợ lý ảo” được kỳ vọng trợ giúp thẩm phán tra cứu thông tin, hỗ trợ đoán định tình huống hoặc xác định tội danh.
Đây là phần mềm có khả năng thực hiện các yêu cầu tìm kiếm thông tin nhanh dựa trên câu hỏi, khẩu lệnh của thẩm phán nhằm hỗ trợ tra cứu, tìm kiếm, rút ngắn thời gian xử lý vụ việc. "Trợ lý ảo" giao tiếp bằng cả tiếng nói và chữ viết, không chỉ hoạt động như một "thư ký" tòa án mà còn hướng dẫn áp dụng pháp luật cho từng tình huống xét xử. Ví dụ, một vụ tranh chấp đất đai xảy ra năm bao nhiêu sẽ được hướng dẫn áp dụng pháp luật của giai đoạn nào, cụ thể ra sao?, đại diện TAND Tối cao giải thích.
Tương lai, "trợ lý ảo" được kỳ vọng có khả năng "hỗ trợ đoán định tư pháp". Người dùng lúc này chỉ cần nạp dữ liệu về hành vi, tình huống pháp lý... để hệ thống trả lời trường hợp này phạm tội danh hoặc thuộc tranh chấp dân sự dạng nào? Ngoài thẩm phán, người dân cũng có thể tham khảo kết quả này để quyết định có khởi kiện ra tòa hay chọn hình thức khác như hòa giải, nhờ trọng tài...
Theo TAND Tối cao, việc xây dựng "trợ lý ảo" là cách số hóa nguồn tài nguyên tri thức từ kinh nghiệm xử án các thẩm phán, cán bộ tòa án. Những kiến thức đó cần được truyền lại bằng công nghệ thông tin để các thế hệ sau kế thừa, tham khảo. Hiện, 100 thẩm phán, chuyên gia đã được huy động tham gia dự án. Họ cũng là những người thẩm định, xem xét nội dung nào được số hóa, nạp vào phần mềm. Các thẩm phán cả nước có thể phản hồi, chấm điểm, đưa ra các tình huống cho "trợ lý ảo" để dự án ngày càng hoàn thiện và "thông minh hơn".
Từ tháng 6/2021, hệ thống được nghiên cứu xây dựng và trở thành một phần quan trọng của dự án "tòa án điện tử". Ngày 15/10, báo cáo Chủ tịch nước, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết dự kiến đầu năm 2022, "trợ lý ảo" sẽ được áp dụng.
Trên thế giới, "trợ lý ảo" được áp dụng ở Ấn Độ, Australia, một số nước Châu Âu... Tại Trung Quốc, thẩm phán AI và trợ lý thẩm phán AI được sử dụng từ năm 2019.
Thẩm phán AI làm việc trực tuyến 24/24h, được tích hợp những câu hỏi thường gặp trong quá trình tố tụng, sử dụng công nghệ nhận dạng thông minh để đọc và định vị từ khóa câu hỏi, từ đó giải đáp đúng thắc mắc của người dân.
Trợ lý ảo của thẩm phán ở Trung Quốc có thể tóm tắt trọng tâm tranh chấp, dự đoán kết quả phán xét, tính toán các con số và tự động tạo tài liệu phán quyết sau khi thẩm phán đưa ra phán quyết cuối cùng.
Trợ lý thẩm phán AI được đánh giá giúp giảm đáng kể công việc mang tính thủ tục lặp đi lặp lại, rườm rà; nâng hiệu suất công việc của thẩm phán và tối ưu hóa việc phân bổ nguồn lực. Theo Chinanews, từ khi ra mắt năm 2019 đến nay, trợ lý thẩm phán AI đã được áp dụng trong gần 1.000 trường hợp, phục vụ hơn 2.300 người.
Trong một phiên tòa mới đây ở thành phố Hàng Châu, trợ lý thẩm phán AI đã giúp hoàn tất việc xét xử đồng thời 10 vụ tranh chấp cho vay tài chính đơn giản trong vòng 30 phút. Trên nền tảng xét xử trực tuyến, trợ lý ảo có thể đóng vai trò như người chủ trì, hướng dẫn đương sự trả lời, lấy bằng chứng, thẩm vấn chéo... bất cứ khi đương sự nêu yêu cầu, không cần phải theo giờ hành chính.
Song Minh - Tuệ Anh