“Chuyển đổi số” là một trong những từ khóa được tìm kiếm và thảo luận nhiều nhất trong năm 2020. Đặc biệt, những diễn biến phức tạp của dịch COVID-19 đã thách thức các phương thức kinh doanh và quản trị truyền thống, đòi hỏi giới doanh nghiệp cần đổi mới và trang bị các công nghệ để duy trì tính liên tục trong từng tác vụ vận hành thường nhật.
Theo thống kê từ Tập đoàn hệ thống công nghệ Hoa Kỳ Cisco: quá trình số hóa của các doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam có thể đóng góp từ 24-30 tỷ USD vào GDP trong năm 2024. Tuy nhiên, hơn 70% doanh nghiệp SME tại Việt Nam vẫn đang phản ứng thụ động với những thay đổi của làn sóng công nghệ.
Trên thương trường, các doanh nghiệp vừa và nhỏ vẫn luôn là những cá thể dễ bị tổn thương, và đang đứng trước thách thức số hóa hay là chết của thời đại 4.0.
Vậy những lưu ý nào dành cho các chủ doanh nghiệp trên hành trình chuyển đổi số phía trước?
Hãy cùng nhau khám phá trong bài viết này.
1. Không phải tất cả mọi vấn đề của doanh nghiệp đều cần phải được số hóa
Tâm lý chung của nhiều chủ doanh nghiệp là áp dụng cùng lúc nhiều xu hướng công nghệ trong khi chưa đánh giá kỹ về nhu cầu, cũng như nguồn lực của doanh nghiệp và thời gian cần để triển khai hoàn thiện từng công nghệ.
Hãy bình tĩnh trong một thế giới gấp gáp để tìm ra vấn đề cốt lõi nhất của doanh nghiệp và triển khai một giải pháp công nghệ duy nhất trong một thời điểm để giải quyết bài toán đó.
2. Hoàn tất việc áp dụng công nghệ không đồng nghĩa chuyển đổi số thành công
Sự thành công của chuyển đổi số nằm ở cốt lõi văn hóa và tư duy nhân sự của doanh nghiệp. Một doanh nghiệp có nền tảng văn hóa luôn chú trọng nuôi dưỡng sự đổi mới, nhân viên phát triển tư duy số hóa, thì khi đó công nghệ mới có thể phát huy được hết tiềm năng và đem lại những kết quả kinh doanh thực tiễn.
Để xây dựng được văn hóa và nguồn nhân lực thiết yếu cho chuyển đổi số, doanh nghiệp cần thực hành và theo đuổi một chiến lược lâu dài, kiên định.
3. Chỉ những ông lớn trong làng công nghệ mới đủ nguồn lực để triển khai chuyển đổi số
Các doanh nghiệp cần loại bỏ suy nghĩ rằng chuyển đổi số là lãnh địa độc quyền của các unicorn và startup công nghệ cao, bởi đây là sân chơi công bằng cho tất cả mọi đơn vị, trong đó, bất kì ai đủ nhanh nhạy cũng có thể tìm được cơ hội cho riêng mình.
Vấn đề chính trong chuyển đổi số tại các doanh nghiệp truyền thống không nằm ở thiếu hụt các nguồn lực mà ở các giới hạn do hệ thống, cơ chế, quy trình và bộ máy tổ chức tạo ra. Do đó, để tăng tốc trên hành trình chuyển đổi số, cần thiết lập khả năng thích ứng nhanh, khả năng linh hoạt, và tinh thần sáng tạo tại doanh nghiệp.
4. Áp dụng công nghệ với sự quyết đoán
Không chủ doanh nghiệp nào mong muốn doanh nghiệp mình sẽ là một trong những công ty biến mất trong vòng 10 năm tới.
Muốn xây dựng một doanh nghiệp tồn tại bền vững trên thị trường cạnh tranh khốc liệt ngày nay, điều quan trọng là khả năng nhạy bén để nhận diện những công nghệ mới, phù hợp với nhu cầu, thực trạng của doanh nghiệp, đồng thời nhanh chóng triển khai, áp dụng chúng vào hoạt động vận hành thường nhật của đơn vị mình.
5. Đầu tư hơn nữa cho quản lý và phân tích dữ liệu
Lưu trữ, phân tích và sử dụng dữ liệu đang nhận được sự chú ý hơn bao giờ hết. Kể từ năm 2010 đến nay, ngành công nghiệp Big Data đang tăng trưởng với tốc độ 10% mỗi năm, đạt giá trị hơn 100 tỉ USD.
Quản lý và phân tích dữ liệu hiệu quả trở nên quan trọng hơn bao giờ hết trong kỷ nguyên 4.0, khi mọi quyết định kinh doanh giờ đây không còn phụ thuộc vào trực giác của những người đứng đầu doanh nghiệp mà được xây dựng trên cơ sở vững chắc về thông tin thị trường, khách hàng và đối thủ.
6. Nhanh chóng triển khai những công nghệ tiên phong – RPA và AI
RPA – Robotic Process Automation hay Tự động hóa quy trình nghiệp vụ, là công nghệ trong đó các robot phần mềm được lập trình để mô phỏng các thao tác của con người trên môi trường máy tính, điển hình như nhập liệu, tra cứu, di chuyển dữ liệu (sao chép, dán, xóa…).
Các RPA Bot sẽ tự động hóa những công việc mang tính chất lặp đi lặp lại, có quy luật, ít ngoại lệ, qua đó, tiết kiệm thời gian, loại bỏ hoàn toàn lỗi sai của con người và tăng hiệu suất cho cả doanh nghiệp.
AI – Artificial Intelligence hay Trí tuệ nhân tạo, là thuật ngữ chung để chỉ khả năng thực hiện các nhiệm vụ mà thông thường cần đến sự can thiệp và trí tuệ của con người của các hệ thống máy tính.
Sự ra đời của 2 công nghệ tân tiến, RPA và AI, đã tạo nên bước nhảy vọt trong tự động hóa thông minh các quy trình nghiệp vụ, giảm bớt sự tham gia của con người trong các nhiệm vụ mang tính trùng lặp để tập trung vào các hoạt động sáng tạo hoặc yêu cầu năng lực giải quyết vấn đề phức tạp.