Ngày 26/9/2018, tại Hà Nội, Cục Tin học và thống kê tài chính, Viện Chiến lược và chánh sách tài chính, Bộ Tài chính phối hợp với IDG Vietnam đã tổ chức Hội thảo – Triển lãm Vietnam Finance lần thứ 15 với chủ đề “Chuyển đổi số ngành Tài chính”. Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai và Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng đã phát biểu định hướng tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng phát biểu tại Hội thảo
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Thành Hưng cho biết thời gian qua, tại Việt Nam đã có nhiều các hội nghị, hội thảo liên quan đến Cách mạng công nghiệp (CMCN) 4.0 cũng như nền kinh tế số. Qua đó khái niệm chuyển đổi số đã được đề cập, tuy nhiên, mới chỉ được đề cập đến trong những phạm vi hẹp, thường được hiểu phạm vi áp dụng trong các tổ chức, doanh nghiệp. Khái niệm chuyển đổi số cũng thường được hiểu là việc số hóa, việc ứng dụng CNTT để thúc đẩy phát triển sản xuất, cung ứng dịch vụ...
Vậy, Chuyển đổi số nên được hiểu như thế nào trong một lĩnh vực, hoặc ở tầm quốc gia? Theo Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng có thể hiểu đơn giản là: Thế giới đang bước vào cuộc CMCN 4.0/nền kinh tế số và Việt Nam không thể đứng ngoài xu thế tất yếu đó. Vậy, những gì Việt Nam cần phải hành động để chuẩn bị và chủ động thích ứng với CMCN 4.0 chính là quá trình Chuyển đổi số, hay nói cách khác, tiến hành tốt việc Chuyển đổi số sẽ giúp Việt Nam (và cả các quốc gia khác cũng vậy) chủ động và thích ứng với CMCN 4.0 hướng tới một Quốc gia số/Quốc gia thông minh. “Chuyển đổi số phải được coi là sự phát triển về lượng dẫn đến sự thay đổi về chất, cụ thể trong kinh doanh, đó là sự thay đổi về mô hình kinh doanh chứ không chỉ là thúc đẩy sản xuất hay mở rộng phạm vi kinh doanh”.
Tiếp theo, Thứ trưởng cho rằng: “Chuyển đổi số là một quá trình, chứ không phải là một đích đến. Chuyển đổi số không phải là số hóa dữ liệu, cũng không phải đơn thuần là ứng dụng CNTT, mặc dù cốt lõi của nó vẫn là công nghệ”.
Theo Thứ trưởng phân tích, vấn đề quan trọng nhất của Chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam xoay quanh một từ, đó là là dữ liệu. Nói một cách đơn giản: nếu chưa có dữ liệu, chúng ta cần tạo ra dữ liệu và lưu trữ nó; nếu đã có dữ liệu nhưng chưa sử dụng được, ta cần phải áp dụng công nghệ, đầu tư nhân lực để sử dụng được nó; nếu đã có dữ liệu và sử dụng được nó, ta cần xem xét đến việc chia sẻ và bảo vệ được các dữ liệu này từ đó tạo động lực phát triển cho nhiều ngành nghề khác, cho toàn xã hội và người dân. Một trong những tiêu chí đo lường mức độ thành công của Chuyển đổi số là việc theo dõi cách thức tạo ra và sử dụng, chia sẻ và bảo vệ dữ liệu thế nào.
Tại Việt Nam, trong bối cảnh hiện nay, Thứ trưởng cho biết: “Lĩnh vực tài chính và ICT được đánh giá là có mức sẵn sàng cao nhất cho Chuyển đổi số dựa trên khối lượng dữ liệu khổng lồ đang được tạo ra hàng ngày”.
Các công nghệ ‘lõi’ như trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (Big data), Internet Vạn vật (IoT) vẫn đang và sẽ là nhân tố quan trọng để có thể tạo đột phá trong phát triển, thúc đẩy tiến trình Chuyển đổi số.
Tuy nhiên đối với lĩnh vực tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng đặc biệt lưu ý một công nghệ đang ảnh hưởng rất nhiều đến lĩnh vực tài chính thế giới cũng như tại Việt Nam, đó là blockchain. Thực chất Blockchain có thể được áp dụng trong hầu hết các ngành nghề nhưng hiện nay phổ biến nhất vẫn là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng với nhu cầu minh bạch, tiết kiệm và xóa bỏ các rào cản trung gian.
Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, “Con đường tiến hành Chuyển đổi số sẽ diễn ra không hề êm ả như những gì ta vẫn hay nghe nói”. Thách thức đối với Chuyển đổi số tại Việt Nam sẽ là: Nguồn lực và Kỹ năng; Văn hóa và nhận thức; An toàn, an ninh mạng;. Cho dù Việt Nam có tiến hành Chuyển đổi số hay không thì khi đoàn tàu CMCN 4.0 đến, chúng ta cũng sẽ bị ảnh hưởng. Với 2 yếu tố đầu, có thể thấy rõ mức độ ảnh hưởng và phản ứng của người dân, doanh nghiệp cũng như xã hội khi Uber hay Crypto Currency vào Việt Nam.
Đối với thách thức về an toàn, an ninh mạng: lĩnh vực tài chính đã chứng kiến một sàn giao dịch chứng khoán ngừng hoạt động trong 2 ngày đầu năm 2018. Và ngay cuối tuần vừa rồi, hàng loạt dịch vụ trong đó có dịch vụ thanh toán trung gian lớn cũng đã ngừng dịch vụ trong nhiều tiếng đồng hồ liên quan đến sự cố tại trung tâm dữ liệu. Đây là những vấn đề thực sự đáng quan tâm trong quá trình chuyển đổi số.
Về ứng dụng CNTT trong ngành Tài chính, Thứ trưởng cho biết trong những năm qua, Bộ TTTT luôn đánh giá cao ngành Tài chính trong việc triển khai ứng dụng CNTT, phát triển Chính phủ điện tử (CPĐT). Bộ Tài chính luôn trong top dẫn đầu các Bộ, cơ quan ngang Bộ, đặc biệt là việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao rất hiệu quả. Ngay trong tháng 3/2018, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính đã ban hành Nghị quyết số 02 với các nội dung thực sự có tầm nhìn và nhận thức đúng đắn vai trò của Chuyển đổi số trong Các mạng công nghiệp lần thứ 4.
Với những kết quả đạt được như trên, cùng sự quyết tâm của ngành Tài chính, đặc biệt là Lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng bày tỏ tin tưởng và mong rằng ngành Tài chính sẽ là một trong các ngành đi đầu trong triển khai chuyển đổi số tại Việt Nam, phù hợp với xu thế mới. Trước hết là chuyển đổi số ngay trong công tác quản lý nhà nước của ngành, như việc ứng dụng công nghệ số trong việc trả lời, giải đáp các thủ tục hành chính tự động; kiểm tra, giám sát, quản lý rủi ro, chống gian lận trong lĩnh vực thuế, hải quan, chứng khoán,... Nhưng quan trọng hơn thế, ngành tài chính cần xác định và thúc đẩy được vai trò của mình đối với xã hội.
Chia sẻ thêm tạị Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, hiện nay, Bộ TTTT đang triển khai xây dựng Khung kiến trúc CPĐT phiên bản mới và Đề án Chuyển đổi số quốc gia. Thêm vào đó cũng không thể thiếu được hành lang pháp lý đáp ứng nhu cầu chia sẻ, liên thông dữ liệu, góp phần thúc đẩy sự phát triển của dữ liệu mở đồng thời bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bộ TTTT trong thời gian sắp tới sẽ phối hợp chặt chẽ với các Bộ Công an và các Bộ, ngành liên quan để xây dựng Nghị định quy định các vấn đề về chia sẻ, liên thông dữ liệu, thúc đẩy dữ liệu mở, Nghị định về định danh và xác thực điện tử và Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân. Bộ TTTT là cơ quan quản lý chuyên ngành ICT, luôn mong muốn và sẵn sàng phối hợp, đồng hành và hỗ trợ ngành tài chính trong công tác chuyển đổi số.
Năm 2018: năm khởi đầu, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình chuyển đổi số ngành Tài chính
Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai đã phát biểu cho biết những định hướng về chuyển đổi số trong ngành Tài chính.
Theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, ngày 04/05/2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg về việc tăng cường năng lực tiếp cận cuộc CMCN 4.0 nhằm đẩy mạnh phát triển hạ tầng CNTT, thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực, hướng đến mục tiêu phát triển một nền kinh tế số. Theo đó, ngành Tài chính phải trở thành đơn vị tiên phong trong việc chuyển đổi số nhằm tăng năng lực quản lý tài chính, tạo nền tảng cho các ngành kinh tế khác cùng tiến nhanh.
Trong Nghị quyết số 02-NQ/BCSĐ, Ban Cán sự Đảng Bộ Tài chính cũng đã xác định nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới là: “Hoàn thành các mục tiêu về Chính phủ điện tử, đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan tạo điều kiện doanh nghiệp nhanh chóng hấp thu và phát triển công nghệ sản xuất mới. Từng bước ứng dụng công nghệ mới thời kỳ CMCN lần thứ 4 nêu trên vào các lĩnh vực của ngành Tài chính theo hướng lấy người dùng làm trung tâm. Hình thành hệ sinh thái Tài chính số trên cơ sở dữ liệu mở ngành Tài chính, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, các cơ quan, tổ chức dễ dàng, bình đẳng trong việc tiếp cận thông tin ngành Tài chính”
Từ định hướng đó, Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết Bộ Tài chính xác định năm 2018 là năm khởi đầu, thúc đẩy mạnh mẽ tiến trính chuyển đổi số ngành Tài chính trong một chương trình, mục tiêu dài hạn. Trên thực tế, trong nửa đầu năm 2018, Bộ Tài chính đã và đang nghiên cứu, ứng dụng nhiều công nghệ mới, là công nghệ “lõi” của cuộc cách mạng 4.0 cũng như đang tiệm cận gần đến CMCN 4.0 gồm: công nghệ mạng xã hội (Social), công nghệ di động (Mobility), công nghệ phân tích dữ liệu lớn (Analytics), công nghệ điện toán đám mây (Cloud) và công nghệ an toàn thông tin (Security).
Cũng từ những nỗ lực đó, tháng 7/2018, Bộ TTTT đã công bố Bộ Tài chính xếp hạng nhất về việc ứng dụng CNTT, phát triển CPĐT. Kết quả này đã ghi nhận chính xác nỗ lực thúc đẩy ứng dụng CNTT nhằm chuyển đổi số ngành Tài chính. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thành công trong ngành Tài chính là điều không hề dễ dàng.
Dù đã nỗ lực ứng dụng nhiều công nghệ mới nhưng cơ bản, theo Thứ trưởng Vũ Thị Mai, nền tảng CNTT ngành Tài chính của Việt Nam vẫn còn chưa bắt kịp nhiều quốc gia phát triển trong khu vực và trên thế giới. Việc kết nối và tự động hóa các quy trình nghiệp vụ của các ngành Hải quan, Thuế, Kho bạc còn chưa đồng nhất với hệ thống, tiêu chuẩn chung của thế giới vô tình đã tạo ra rào cản cho việc phát triển.
Hội thảo - Triển lãm Vietnam Finance 2018 về công tác chuyển đổi số giới thiệu về lộ trình đầu tư, lộ trình thực hiện công tác chuyển đổi số ngành Tài chính và trao đổi kinh nghiệm, phương hướng áp dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong nước và quốc tế giúp tăng cường hiệu quả, minh bạch trong quản lý tài chính, hướng đến nền tài chính số tiên tiến, hiện đại, phục vụ đắc lực cho nền kinh tế số.
Hội thảo Vietnam Finance 2018 bao gồm Phiên Báo cáo toàn thể và 03 Phiên Chuyên đề với sự tham gia của 25 diễn giả trong nước, quốc tế:
Phiên Báo cáo toàn thể sẽ trình bày những vấn đề tổng quan trong lộ trình, định hướng chuyển đổi số ngành tài chính do các lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính như Viện Chiến lược và Chính sách Tài chính, Cục Tin học và Thống kê tài chính trình bày. Tiếp theo là các bài báo cáo của đại diện lãnh đạo tập đoàn PwC về kinh nghiệm xây dựng nền Tài chính số và báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ tiên tiến Nhật Bản về kinh nghiệm ứng dụng một số công nghệ 4.0 tiêu biểu trong ngành Tài chính. Sau đó là các bài báo cáo của các tập đoàn CNTT trong nước và quốc tế về chủ đề chuyển đổi số ngành Tài chính.
Chuyên đề 1: “Chuyển đổi số lĩnh vực Kho bạc Nhà nước” sẽ giới thiệu lộ trình chuyển đổi số ngành Kho bạc. Tiếp theo là giới thiệu một số công nghệ, giải pháp góp phần vào công tác chuyển đổi số lĩnh vực Kho bạc Nhà nước như Trí tuệ nhân tạo phục vụ việc hỗ trợ các hệ thống ứng dụng CNTT, công nghệ chuỗi khối cho ứng dụng trao đổi thông tin thu giữa Kho bạc nhà nước - Ngân hàng - cơ quan thu, Giải pháp đảm bảo An ninh mạng.
Chuyên đề 2: “Chuyển đổi số lĩnh vực Hải quan” giới thiệu lộ trình chuyển đổi số ngành Hải quan giới thiệu một số công nghệ, giải pháp góp phần vào công tác chuyển đổi số lĩnh vực Hải quan như Xây dựng ứng dụng Hải quan điện tử trên nền tảng API, Ứng dụng công nghệ blockchain trong lĩnh vực Hải quan, Phân tích và xử lý dữ liệu lớn nhằm nâng cao hiệu quả quản trị rủi ro ngành Hải quan.
Chuyên đề 3: “Chuyển đổi số lĩnh vực Thuế” giới thiệu lộ trình chuyển đổi số ngành Thuế. Chuyên đề cũng giới thiệu một số công nghệ, giải pháp góp phần vào công tác chuyển đổi số lĩnh vực Thuế như mô hình quản lý thuế và giám sát việc thu thuế nhà nước trong thời kỳ CMCN 4.0, ứng dụng công nghệ 4.0 trong công tác triển khai hóa đơn điện tử, công nghệ chatbot trong công tác hỗ trợ người nộp thuế.
Ngoài các chuyên đề Hội thảo, khu vực triển lãm Vietnam Finance 2018 đem đến những trải nghiệm chân thực về các mô hình, các sản phẩm/giải pháp CNTT hiện đại giúp thúc đẩy tiến trình xây dựng nền tài chính số. Các đại biểu dự Hội thảo sẽ được trao đổi trực tiếp với những nhà cung cấp sản phẩm, thiết bị công nghệ hàng đầu thế giới để đươc giải đáp những thắc mắc xoay quanh vấn đề ứng dụng công nghệ tiên tiến trong quá trình chuyển đối số hiện nay với sự tham gia của các công ty, tập đoàn CNTT tiêu biểu trong nước và quốc tế như: Microsoft, IBM, HP, Dell, CISCO, Hitachi, Fujitsu, PwC, Juniper Network, Polycom, FPT, CMC, HPT, MISA, Thái Sơn soft, Netnam, HCHV ASIA…