Khi chính phủ Thái Lan chính thức công bố Kế hoạch phát triển kinh tế và xã hội lần thứ 12, những người từ khu vực tư nhân tỏ ra băn khoăn không biết nên bắt đầu như thế nào, trong khi các quan chức chính phủ cũng không chắc chắn về những gì họ nên điều chỉnh hoặc làm thế nào để thực hiện hiệu quả kế hoạch vừa được đề ra. Nhưng tất cả đều coi đây là động lực để xã hội Thái Lan tiến lên.
Kế hoạch này của chính phủ Thái Lan có tên gọi là “Digital Thailand” (Thái Lan Số), được đưa ra vào tháng 4 năm 2016. Bản kế hoạch khuyến khích người dân Thái sử dụng công nghệ số theo cách hiệu quả nhất, từ tìm kiếm cơ hội nghề nghiệp tốt hơn cho đến phát triển kỹ năng học tập. Công nghệ số được phát triển để đem lại sự tiện lợi và hiệu quả cao hơn, giảm chi phí và loại bỏ các hạn chế về mọi mặt cho khu vực công và tư nhân.
Kế hoạch “Digital Thailand” được đề ra bao gồm 6 chiến lược chính:
Chiến lược đầu tiên là thiết lập cơ sở hạ tầng truyền thông cơ bản để tạo thuận lợi cho mọi người dân nói chung. Giống như một tuyến đường giao thông, cơ sở hạ tầng truyền thông cơ bản được xây dựng nhằm kết nối tất cả khu vực trên toàn quốc từ năm 2017.
Chiến lược thứ hai tập trung vào việc số hóa nhiều mặt của đời sống, dự kiến sẽ mang đến cơ hội kinh tế và thương mại lớn hơn cho người dân Thái Lan. Công nghệ số sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc tăng năng suất, giảm các chi phí không cần thiết và tối đa hóa các kênh phân phối.
Chiến lược thứ ba là xây dựng chính phủ điện tử trong đó người dân Thái được chuẩn bị để có thể tiếp cận các dịch vụ số.
Chiến lược thứ tư liên quan đến việc chuẩn bị nhân lực số ở tất cả các cấp độ của các cơ quan chính phủ.
Chiến lược thứ năm nhằm tối đa hóa năng lực kỹ thuật số của mọi người, thúc đẩy họ tập trung hơn vào công nghệ số và sử dụng nó theo những cách hiệu quả và phù hợp nhất.
Cuối cùng, chiến lược thứ sáu là tạo niềm tin trong việc sử dụng công nghệ số và phương tiện truyền thông trực tuyến.
Trên thực tế, người dân Thái Lan đã khá quen thuộc với thuật ngữ Chính phủ điện tử, hay Chính phủ điện tử trực tuyến vì nó đã được quảng bá ra công chúng trong vài năm qua. Tuy nhiên, mặc dù được gọi là Chính phủ điện tử và được đổi tên thành Chính phủ Số, nhưng mục tiêu cơ bản vẫn không thay đổi.
Rõ ràng Chính phủ điện tử cho thấy một phạm vi công việc và trách nhiệm lớn hơn của chính phủ nước này. Thái Lan hy vọng qua công cuộc chuyển đổi số, mỗi người dân Thái Lan đều sở hữu một thiết bị điện tử cầm tay sử dụng cho công việc và hoạt động thường ngày. Với việc sử dụng thiết bị yêu thích này, mọi người có thể truy cập trực tiếp vào các cổng thông tin công cộng hiệu quả và thuận tiện hơn.
Để thúc đẩy sự tồn tại của Chính phủ điện tử, một số cơ quan chính phủ được yêu cầu tìm kiếm các giải pháp số cho hoạt động của họ, đặc biệt là các dịch vụ công cộng. Trong khi người dân Thái Lan thường sử dụng ứng dụng Line để mua sắm hàng hóa và dịch vụ thì các quan chức chính phủ vẫn dựa nhiều vào giấy tờ để quản lý. Thẻ căn cước thông minh đã được phát cho người dân từ hơn 10 năm nay, nhưng phần lớn các cơ quan chính phủ chưa sử dụng chúng một cách hiệu quả. Người dân chỉ sử dụng thẻ căn cước công dân này trong một số giao dịch tại một số ít cơ quan của chính phủ.
Mục tiêu của chính phủ Thái Lan là hoàn thành được 6 chiến lược nói trên trong vòng 5 năm.
Hệ sinh thái khởi nghiệp đã bùng nổ ở Đông Nam Á trong những năm qua. Thái Lan là một thị trường rộng mở cho những người trẻ tuổi với khao khát kinh doanh. Đất nước này được coi là một trong những điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư. Chính phủ Thái Lan đã nỗ lực xây dựng hệ sinh thái công nghệ đổi mới sáng tạo của đất nước.
Cơ quan Đổi mới Quốc gia (NIA) – một cơ quan của chính phủ được thành lập để khuyến khích sự đổi mới – đã thực hiện một chương trình hỗ trợ tài chính cho các công ty khởi nghiệp, giúp họ tiến bộ nhanh hơn và tiếp cận được nguồn tài trợ 44 tỉ baht.
Mục tiêu chính của cơ quan này là trong thập kỷ tới có thể nâng đỡ 3000 công ty khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nuôi dưỡng hệ sinh thái khởi nghiệp và tạo ra sự tăng trưởng. Cơ quan này cũng hợp tác với Công viên số True Digital Park (TDPK) – một trung tâm đổi mới kỹ thuật số đầu tiên của đất nước và là trung tâm có quy mô lớn nhất Đông Nam Á.
Có trụ sở tại Bangkok, Công viên số TDPK là một điểm đến khởi nghiệp toàn cầu, một sân chơi của sự đổi mới. Nó cung cấp không gian cho những người khởi nghiệp làm việc và học tập. Những sáng kiến như thế này đã nhấn mạnh quyết tâm chuyển đổi số của Thái Lan.
Khi nói về chuyển đổi số, hầu hết mọi người chỉ nghĩ đơn giản là chuyển đổi các quy trình và hoạt động thủ công hàng ngày sang dạng kỹ thuật số. Tuy nhiên, quá trình phức tạp hơn thế nhiều.
Chuyển đổi số trong kinh doanh liên quan đến việc thay đổi cơ bản cách thức hoạt động của công ty để mang lại giá trị. TDPK là nơi những nhà khởi nghiệp có thể tìm thấy những người cùng chí hướng. Nó cũng là nơi cung cấp các kiến thức hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo.
Vào tháng 9 năm 2019, TDPK đã tổ chức hội thảo công nghệ Togetherness of Possibilities (Tập trung mọi Khả năng) nhằm mục đích truyền cảm hứng, chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các công ty khởi nghiệp, doanh nghiệp và cơ quan chính phủ.
Tại hội thảo này, các đối tác của TDPK từ khu vực công và tư nhân đã đem đến giới thiệu những công nghệ mới nhất. Các giám đốc điều hành và doanh nhân hàng đầu trong khu vực cũng đến chia sẻ các kinh nghiệm đổi mới doanh nghiệp.
Các giám đốc điều hành doanh nghiệp tham dự hội thảo Togetherness of Possibilities
Công viên số TDPK phán ánh cam kết của chính phủ Thái Lan đối với sự phát triển bền vững của cả nước cũng như khu vực. Chính phủ Thái Lan nhận ra những khó khăn mà các công ty khởi nghiệp địa phương gặp phải khi tiếp cận các nhà đầu tư hoặc thị trường rộng lớn hơn. Chính vì vậy, thông qua TDPK, chính phủ đã tích cực tạo ra các cơ hội và đưa ra các biện pháp giúp những người khởi nghiệp có được tầm nhìn toàn cầu hơn. TDPK đã có sự hợp tác với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp của Malaysia, Singapore, Việt Nam để chia sẻ kinh nghiệm và khuyến khích đầu tư.
Mặc dù khởi đầu chậm chạp nhưng hệ sinh thái khởi nghiệp Thái Lan đang tăng tốc và thu hút sự chú ý từ khắp nơi trên thế giới.
Theo nghiên cứu “Mở khóa tác động kinh tế của chuyển đổi số ở châu Á- Thái Bình Dương” do Microsoft phối hợp với IDC công bố vào năm 2018, năm 2021 chuyển đổi số sẽ bổ sung khoảng 9 tỉ USD (2800 tỉ baht) vào GDP của Thái Lan và tốc độ tăng trưởng tăng 0,4% hàng năm.
Nghiên cứu này dự đoán một sự tăng tốc mạnh mẽ trong chuyển đổi số tại các nước khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm 2017, khoảng 4% GDP của Thái Lan có được từ các sản phẩm và dịch vụ số như di động, đám mây, Internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo.
“Thái Lan rõ ràng đang trên đường chuyển đối số mạnh mẽ”, ông Dhanawat Suthumpun, Giám đốc điều hành của Microsoft (Thái Lan) nói. “Trong vòng bốn năm tới, chúng tôi hy vọng sẽ thấy khoảng 40% GDP của Thái Lan là từ các sản phẩm và dịch vụ kỹ thuật số”.