Hiệp định EVIPA: Cân bằng hơn giữa bảo vệ lợi ích của nhà đầu tư và lợi ích của cộng đồng, quốc gia

Cùng với Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVFTA), Quốc hội đã thông qua Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA). Xung quanh Hiệp định này, PLVN đã có cuộc trao đổi với bà Vũ Thị Châu Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thưa bà, bấy lâu nay EVFTA được đề cập khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng trong khi EVIPA rất ít được đề cập. Phải chăng Hiệp định này không thiết thực so với EVFTA?

- EVFTA quy định các vấn đề thương mại và nội dung về tự do hóa đầu tư trực tiếp, trong khi EVIPA quy định về bảo hộ đầu tư (bao gồm đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp) và giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và nhà đầu tư (NĐT). Hiệp định này có các cam kết nhằm đảm bảo an toàn cho vốn và tài sản của NĐT EU tại Việt Nam và NĐT Việt Nam tại EU như: Đối xử công bằng và thỏa đáng, bảo hộ an toàn đầy đủ cho NĐT nước ngoài; Cam kết không trưng thu quốc hữu hóa trái pháp luật tài sản của NĐT và bồi thường thỏa đáng trong trường hợp trưng thu, quốc hữu hóa; Cam kết bồi thường cho NĐT trong trường hợp tài sản của NĐT bị phá hoại do việc dùng vũ lực không cần thiết trong trường hợp chiến tranh; Cam kết cho phép NĐT tự do chuyển vốn và lợi nhuận ra nước ngoài và các cam kết bảo hộ đầu tư khác.

EVIPA kết hợp với nội dung về tự do hóa đầu tư trong EVFTA sẽ tạo ra khuôn khổ pháp lý quốc tế đầy đủ, an toàn, ổn định, tiến bộ cho hoạt động đầu tư của doanh nghiệp (DN) hai bên trên lãnh thổ của nhau.

 

Bà Vũ Thị Châu Quỳnh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Có nghĩa là đối tượng chủ yếu của Hiệp định này là các NĐT nước ngoài?

- Đối tượng của EVIPA là NĐT EU ở Việt Nam và NĐT Việt Nam ở EU. DN Việt Nam có hoạt động đầu tư ở các nước thành viên EU sẽ được bảo hộ theo Hiệp định này. Ngoài ra, Hiệp định có quy định về không phân biệt đối xử đối với hoạt động đầu tư trên lãnh thổ Việt Nam của NĐT EU và của NĐT Việt Nam.

So với các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU thì EVIPA có gì khác, thưa bà?

- Những khác biệt chủ yếu giữa EVIPA và các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương hiện hành giữa Việt Nam và các nước thành viên EU gồm:

- Thứ nhất, EVIPA bổ sung các quy định nhằm bảo đảm quyền ban hành và điều chỉnh chính sách của quốc gia nhận vốn đầu tư, cụ thể là khẳng định quyền ban hành chính sách nhằm đảm bảo các mục tiêu bảo vệ sức khỏe cộng đồng, môi trường, trật tự an toàn xã hội, đạo đức xã hội, bảo vệ xã hội, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ đa dạng văn hóa; quy định các ngoại lệ về an ninh, ổn định tài chính và kinh tế vĩ mô…

- Thứ hai, cam kết trong EVIPA được xây dựng chi tiết hơn các Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư song phương mà Việt Nam đã ký với các quốc gia thành viên EU. Hiệp định quy định tiêu chí rõ ràng đối với từng hành vi mà Nhà nước không được thực hiện và quy định rõ ràng điều kiện để NĐT hưởng lợi ích từ từng điều khoản của Hiệp định. Việc này giúp giảm rủi ro liên quan đến việc có nhiều cách giải thích khác nhau về nội dung Hiệp định.

- Thứ ba, EVIPA quy định việc giải quyết tranh chấp giữa Nhà nước và NĐT theo cơ chế thường trực với thủ tục chi tiết, rõ ràng, quy trình xét xử theo hai cấp. Cơ chế này góp phần hạn chế khả năng NĐT lựa chọn người giải quyết tranh chấp, tăng tính độc lập, khách quan, nhất quán, minh bạch của việc giải quyết tranh chấp.

Tất cả các điểm khác biệt nêu trên đều hướng đến cân bằng hơn giữa bảo vệ lợi ích của NĐT và lợi ích của cộng đồng, của quốc gia.

Xin bà cho biết, lộ trình triển khai EVIPA sau khi Quốc hội phê chuẩn?

- Sau khi Quốc hội phê chuẩn, Hiệp định cần được tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn theo pháp luật của nước mình thì mới có hiệu lực.

Để bảo đảm thi hành EVIPA, Chính phủ đã giao Bộ Tư pháp phối hợp với các bộ, ngành rà soát các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành ở cấp Trung ương để kiến nghị sửa đổi, bổ sung văn bản cần thiết.

Kết quả rà soát cho thấy, cơ chế thi hành phán quyết chung thẩm của Cơ quan giải quyết tranh chấp theo EVIPA tại Điều 3.57 Hiệp định EVIPA chưa được quy định trong pháp luật Việt Nam. Do vậy, Chính phủ đề nghị ban hành Nghị quyết của Quốc hội phê chuẩn EVIPA và một Nghị quyết riêng của Quốc hội về cơ chế thi hành phán quyết EVIPA.

Sau khi Hiệp định có hiệu lực, để phát huy tối đa những lợi ích mang lại từ Hiệp định này, Nhà nước cần thực hiện đồng bộ các nhóm giải pháp về: Tăng cường công tác xây dựng pháp luật, thể chế để thực thi Hiệp định; Nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam và tính sẵn sàng đối với việc tận dụng các cơ hội từ Hiệp định; Kiểm soát, phòng ngừa tranh chấp giữa Nhà nước và NĐT.

Bên cạnh những biện pháp từ phía Nhà nước, các DN cũng cần phải chủ động đổi mới, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, năng suất lao động nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tận dụng đối xử ưu đãi mà Việt Nam đạt được thông qua EVIPA và EVFTA.

Xin cám ơn bà!

Thanh Thanh (thực hiện)

Tags