Chuyển giao công nghệ là gì ? Quy định pháp luật về chuyển giao công nghệ

1. Chuyển giao công nghệ là gì ? Khái niệm về chuyển giao công nghệ

Chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp, bí quyết, kiến thức kĩ thuật.

Theo Bộ luật dân sự, đối tượng chuyển giao công nghệ gồm:

1) Các đối tượng sở hữu công nghiệp (gồm sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hoá, quyền sử dụng đối với tên gọi xuất xứ hàng hoá và quyền sở hữu các đối tượng khác do pháp luật quy định) có hoặc không kèm theo máy móc thiết bị mà pháp luật cho phép chuyển giao;

2) Bí quyết, kiến thức kĩ thuật về công nghệ dưới dạng phương án công nghệ, các giải pháp kĩ thuật, quy trình công nghệ, phần mềm máy tính, tài liệu thiết kế, công thức, thông số kĩ thuật, bản vẽ, sơ đồ kĩ thuật có kèm hoặc không kèm theo máy móc thiết bị;

3) Các dịch vụ kĩ thuật, đào tạo nhân viên kĩ thuật, cung cấp thông tin về công nghệ chuyển giao;

4) Các giải pháp hợp lí hoá sản xuất,

Cá nhân, pháp nhân, các chủ thể khác là chủ Sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc có quyền định đoạt các đối tượng sở hữu công nghiệp, là chủ sở hữu bí quyết, kiến thức kĩ thuật có quyền chuyển giao công nghệ.

2. Thị trường công nghệ là gì ? Quy định về thị trường công nghệ

Thị trường công nghệ là những người có nhu cầu mua, thuê, mướn và người có nhu cầu bán hoặc cho thuê, mướn công nghệ tiếp xúc với nhau để trao đổi, mua bán, cho thuê mướn công nghệ.

Thuật ngữ "thị trường công nghệ" có thể được hiểu một cách phong phú và đa dạng hơn do tính đa dạng của thuật ngữ "thị trường" và các hoạt động liên quan đến việc trao đổi, mua bán, dịch vụ về công nghệ. Công nghệ được hiểu là tập hợp các phương tiện để biến đổi các nguồn lực thành sản phẩm một cách ưu việt nhất. Việc trao đổi, mua bán các phương pháp, bí quyết công nghệ này trên thị trường không đơn giản là các hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá, tài sản, dịch vụ bình thường mà liên quan đến rất nhiều vấn để giữa bên cung và bên cầu. Có thể là từ quyết định về mục đích sử dụng công nghệ của bên mua để sản xuất ra cái gì? sản xuất thế nào? phương án chuyển giao? và được xác định bằng sự điều chỉnh của giá cả.

Bên cạnh đó, là hàng loạt các hoạt động dịch vụ như: việc triển khai thực nghiệm và sản xuất thực nghiệm công nghệ; các hoạt động liên quan đến sở hữu trị tuệ, chuyển giao công nghệ; các dịch vụ về thông tin, tư vấn, đào tạo, bổi dưỡng, phổ biến, ứng dụng công nghệ và kinh nghiệm thực tiễn... “Thị trường công nghệ" cũng còn được hiểu như là một khuôn khổ vô hình, trong đó, người có nhu cầu cung cấp công nghệ, người có nhu cầu mua, thuê, đón nhận công nghệ và những người có liên quan tiếp xúc với nhau để trao đổi thoả thuận về một hay nhiều loại công nghệ, một công đoạn hay toàn bộ quá trình sử dụng công nghệ để thoả mãn nhu cầu lợi ích của mình. Đồng thời, họ cùng nhau xác định về giá cả và công nghệ trao đổi. Ở “thị trường công nghệ”, các hoạt động được coi là một quá trình mà nhờ đó, các quyết định sản xuất, tiêu thụ liên quan đến công nghệ được điều phối thông qua điều chỉnh giá cả. Đây cũng được coi là yếu tố đóng vai trò trung tâm thị trường. “Thị trường công nghệ”, “phát triển thị trường công nghệ” là thuật ngữ được xuất hiện sau khi Việt Nam thực hiện chuyển đổi nền kinh tế sang vận hành theo cơ chế thị trường. Phát triển thị trường khoa học và công nghệ được coi là định hướng chiến lược trong phát triển khoa học và công nghệ nói chung, đồng thời, góp phần hoàn thiện đồng bộ các yếu tố thị trường trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

3. Đối tượng chuyển giao công nghệ là gì ?

Đối tượng chuyển giao công nghệ là tổng thể các kiến thức, phương pháp gia công, sản xuất, chế tạo... kinh doanh sản phẩm trên cơ sở áp dụng những thành tựu khoa học, kĩ thuật và kinh nghiệm, đối tượng trong hợp đồng chuyển giao công nghệ.

Đối tượng chuyển giao công nghệ bao gồm:

1) Các đối tượng sở hữu công nghiệp như sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu hàng hóa và các đối tượng khác đang trong thời hạn được pháp luật Việt Nam bảo hộ và được phép chuyển giao;

2) Các bí quyết kĩ thuật, kiến thức kĩ thuật về công nghệ dưới dạng phương án công nghệ, các giải pháp kĩ thuật, công thức, thông số kĩ thuật, bản vẽ, sơ đồ kĩ thuật, chương trình máy tính, thông tin dữ liệu về công nghệ chuyển giao có kèm hoặc không kèm theo máy móc thiết bị;

3) Các giải pháp hợp lí hóa sản xuất, đổi mới công nghạ. Các công nghệ theo quy định của pháp luật không được chuyển giao hoặc không đáp ứng các quy định của pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động, bảo đảm sức khoẻ con người, bảo vệ môi trường thì không là đối tượng chuyển giao công nghệ.

Việc chuyển giao công nghệ phải được thực hiện trên cơ sở hợp đồng chuyển giao. Trường hợp pháp luật có quy định thì phải được đăng kí tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Ngoài ra, bên chuyển giao phải thực hiện các hình thức dịch vụ hỗ trợ chuyển giao công nghệ để bên nhận có được năng lực công nghệ nhằm tạo ra sản phẩm và/hoặc dịch vụ với chất lượng được xác định trong hợp đồng chuyển giao công nghệ gồm:

1) Hỗ trợ trong việc lựa chọn công nghệ, hướng dẫn lắp đặt thiết bị, vận hành thử các dây chuyền thiết bị nhằm áp dụng công nghệ được chuyển giao;

2) Tư vấn quản lí công nghệ, tư vấn quản lí kinh doanh, hướng dẫn thực hiện các quy trình công nghệ được chuyển giao;

3) Đào tạo huấn luyện, nâng cao trình độ chuyên môn và quản lí của công nhân, cán bộ kĩ thuật và cán bộ quản lí để nắm vững công nghệ được chuyển giao;

4) Máy móc, thiết bị, phương tiện kĩ thuật kèm theo một hoặc một số nội dung về công nghệ chuyển giao.

4. Hợp đồng chuyển giao công nghệ là gì ?

Hợp đồng chuyển giao công nghệ là hợp đồng ghi nhận sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân chuyển giao cho nhau các đối tượng sở hữu công nghiệp như bí quyết, kiến thức kĩ thuật về công nghệ, các giải pháp kĩ thuật, phần mềm máy tính, tài liệu thiết kế, công thức, thông số kĩ thuật, bản vẽ, sơ đồ kĩ thuật... Việc chuyển giao công nghệ có thể được thực hiện thông qua hợp đồng kinh tế, hợp đồng dân sự hoặc thông qua việc góp vốn bằng giá trị công nghệ trong các dự án đầu tư.

Tùy theo đối tượng, nội dung hợp đồng chuyển giao công nghệ về cơ bản bao gồm các thỏa thuận: kết quả áp dụng công nghệ; chất lượng công nghệ; thời hạn và địa điểm chuyển giao công nghệ; phạm vi và mức độ bí mật của công nghệ; các dịch vụ kĩ thuật, dịch vụ hỗ trợ, tư vấn công nghệ; hợp tác và cung cấp thông tin về công nghệ; giá cả; phương thức thanh toán; đào tạo liên quan đến công nghệ; trách nhiệm của các bên về bảo vệ công nghệ; nghĩa vụ hợp tác và thông tin của các bên. Hợp đồng chuyển giao công nghệ phải được lập thành văn bản và phải đăng kí hoặc xin phép cơ quan nhà nước có thẩm quyền, nếu pháp luật có quy định.

Hợp đồng chuyển giao công nghệ được Bộ luật dân sự năm 1995 quy định thành một mục độc lập tại Phần thứ sáu Chương IlI - Chuyển giao công nghệ (từ Điều 809 đến Điều 828). Đến Bộ luật dân sự năm 2005, hợp đồng chuyển giao công nghệ được quy định tại Điều 757 Phần thứ sáu Chương XXXVI - Chuyển giao công nghệ.

5. Các loại hình dịch vụ chuyển giao công nghệ

Việc quy định chuyển giao công nghệ nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân hoạt động chuyển giao công nghệ; phát triển thị trường khoa học và công nghệ, hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia với doanh nghiệp là trung tâm; nâng cao trình độ, tiềm lực công nghệ quốc gia nhằm bảo đảm quốc phòng, an ninh, phát triển nhanh và bền vững kinh tế – xã hội.

– Môi giới chuyển giao công nghệ.

– Tư vấn chuyển giao công nghệ.

– Đánh giá công nghệ.

– Thẩm định giá công nghệ.

– Giám định công nghệ.

– Xúc tiến chuyển giao công nghệ.

Theo đó, phạm vi quyền chuyển giao công nghệ được quy định:

Theo điều 8 Luật chuyển giao công nghệ năm 2006:

1. Chủ sở hữu công nghệ có quyền chuyển giao quyền sở hữu, quyền sử dụng công nghệ.

2. Tổ chức, cá nhân được chủ sở hữu công nghệ cho phép chuyển giao quyền sử dụng công nghệ có quyền chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó.

3. Tổ chức, cá nhân có công nghệ là đối tượng sở hữu công nghiệp nhưng đã hết thời hạn bảo hộ hoặc không được bảo hộ tại Việt Nam có quyền chuyển giao quyền sử dụng công nghệ đó.

Ngoài ra, nguồn gốc chuyển giao công nghệ được hiểu là:

Quan hệ hợp tác quốc tế. Các nước phát triển không đồng đều và yêu cầu công nghệ đa dạng vì thế xuất hiện cung và cầu gặp nhau. Các nước đang phát triển cần có nhanh công nghệ - nước khác có công nghệ cần bán thu lợi nhuận. Ngay tại các nước phát triển không phải công nghệ gì cũng có cho nên vẫn cần công nghệ nhập - Đặc biệt ngày nay các nước có “biên giới mềm” - tạo điều kiện giao lưu trao đổi công nghệ. Trong nhiều lĩnh vực, các nước có điều kiện phát triển xã hội khác nhau, nhưng đều có mục tiêu lợi nhuận nên cần có phân công lao động quốc tế tạo điều kiện chuyển giao công nghệ.

Kéo dài vòng đời công nghệ. Đối với một sản phẩm (hay đối với một công nghệ), các nhà sản xuất và kinh doanh, các nhà nghiên cứu và triển khai, các hãng,...bao giờ cũng muốn kéo dài chu trình sống của công nghệ (hay sản phẩm). Nếu không có CGCN thì lợi nhuận chỉ thu được ở giai đoạn cao trào (chiếm lĩnh thị trường), có xuất hiện CGCN thì thoái trào hay suy vong ở thị trường này sẽ phát triển và chiếm lĩnh ở thị trường khác.

Đẩy mạnh đổi mới. Muốn sản phẩm của mình cạnh tranh được trên thị trường thông thường sản phẩm thắng tên thị trường là sản phẩm hàm chứa chất xám cao. Muốn vậy không có con đường nào khác là luôn đổi mới công nghệ. Đổi mới từng phần, từng công đoạn hay đổi mới toàn bộ tuỳ theo chiến lược sản phẩm và năng lực công nghệ. Nhưng đổi mới công nghệ không thể không chú ý tới CGCN- đổi mới công nghệ là nhu cầu của CGCN.

Tranh thủ đầu tư nước ngoài. Có nhiều cách tranh thủ vốn đầu tư nước ngoài, nhưng hiện nay có lẽ để tranh khía cạnh này người ta tận dụng đầu tư chất xám từ nước ngoài, tận dụng liên doanh, liên kết...