Tiền mã hóa (crypto) được "chơi" như thế nào?

Tôi đang chuẩn bị nộp khoản thuế khá lớn từ lợi nhuận mua bán crypto của mình trong năm nay.

Mua crypto phải chấp nhận có thể mất hết tiền

Crypto, tiền mã hóa, đã trở thành tài sản hợp pháp được công nhận ở nhiều nước, gồm ở Anh nơi tôi đang sống. Các ứng dụng giao dịch tài sản này và kế toán của tôi đều có những công cụ hỗ trợ nộp thuế crypto. Chính phủ Anh thừa nhận nó là một tài sản, cấp phép cho các dịch vụ tiền mã hóa hoạt động dù thống đốc Ngân hàng trung ương Anh, Andrew Bailey, vẫn cảnh báo "ai mua crypto phải chấp nhận có thể mất hết tiền".

Tham gia thị trường này từ năm 2012, tôi xác định là một cuộc dạo chơi. Những gì mình bỏ ra có thể trở về 0 bất cứ lúc nào.

Chơi cho vui, rồi tôi đã kiếm được một khoản tiền từ nó, nhưng không nhiều. Vì không đủ niềm tin, tôi bán crypto để trang trải cho một số khoản chi tiêu và để học thêm một khóa về dữ liệu. Nếu tôi chịu giữ thêm thì có lẽ giờ đây, tôi đã là chủ vài căn nhà ở Anh bằng tiền mặt.

Người bạn Pakistan cùng chơi với tôi từ ngày cùng sống ở Manchester may mắn hơn khi bán Bitcoin ở giá hơn 1.000 USD vài năm sau đó, đủ để mua một căn nhà lớn ở Canada. Nhưng nếu anh giữ tới lúc này thì số Bitcoin đó có lẽ đủ mua cả dãy phố ở Vancouver, nơi anh đang sống. Nhưng anh và tôi vẫn may hơn người đã dùng mấy nghìn đồng Bitcoin để mua một chiếc pizza.

Năm 2018, Kraus, chuyên gia thuộc một quỹ đầu cơ châu Âu đã bảo với tôi rằng một trong những người giàu nhất thế giới mà quỹ của Kraus đang phục vụ muốn mua tiền mã hóa như một món đầu tư. Nhiều bạn của ông cũng muốn "chơi thử". Kraus là người đầu tiên khiến tôi nhận ra cuộc chơi này sẽ vượt ra khỏi khuôn khổ của những cộng đồng giấu mặt trên Internet. Giới nhà giàu sẽ mua và sở hữu tiền mã hóa và rồi những tài sản số hóa khác như cách mà họ đang sưu tập tranh hay rượu quý.

Và giờ thì không chỉ giới nhà giàu. Quỹ hưu trí của các giáo viên Canada, Hàn Quốc và của lính cứu hỏa ở Mỹ đã mua crypto. Nếu hai năm trước, ai nói đến việc quỹ hưu trí quản lý lương hưu của vài nền kinh tế lớn mua crypto, hẳn bị coi là hoang tưởng. Nhưng nay thì những quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới như của Na Uy, các ông hoàng Ả Rập cũng như một số quỹ hưu trí đã đầu tư nhiều hơn vào crypto một cách gián tiếp hay trực tiếp.

Hiệu quả đầu tư tương xứng với rủi ro phải gánh chịu

Một trong những nguyên nhân là vì giới quản lý quỹ nhận ra đầu tư vào crypto mang lại lợi nhuận lớn trong khi rủi ro không lớn như họ tưởng. Một nghiên cứu về tài sản này đăng trên tạp chí khoa học British Accounting Review năm ngoái cho thấy, hiệu quả đầu tư tương xứng với rủi ro phải gánh chịu, tức không khác quy luật thông thường của các tài sản truyền thống.

Tiền mã hóa đã tham gia danh mục đầu cơ của người giàu, trực tiếp tác động đến cả ngành quản lý tài sản nghìn tỷ đô của thế giới. Và trong những làn sóng đầu tư tài sản ảo, ai cũng sợ lỡ tàu.

Các dự án lừa đảo sinh sôi nảy nở

Nhưng trong cơn sốt của nhiều người sợ lỡ tàu, các dự án lừa đảo cũng sinh sôi nảy nở. Vụ nhóm người tạo ra đồng tiền mã hóa Squid game, đột ngột bán tháo "kiếm một mớ" rồi bỏ chạy khiến nhiều nhà đầu tư mất trắng là ví dụ điển hình của mặt trái trên thị trường tài sản ảo. Các dự án game NFT tràn lan trên mạng dễ dàng huy động vài triệu USD mà không có nổi một website hay đội ngũ vận hành là ví dụ khác. Các dự án phát triển tài sản số, huy động vốn không có mục tiêu gì cụ thể là một biểu hiện của bong bóng dotcom mới.

Rủi ro có vẻ đang dồn cho những người mới đến - người mới nhảy vào "chơi crypto". Khái niệm "F0 crypto" cũng giống như F0 chứng khoán năm ngoái. Những người chơi crypto lâu năm như tôi đã kiếm được khoản tiền lớn và đã bảo toàn vốn, số còn lại nếu mất hết cũng coi như huề. Chỉ những F0 mới đang tiếp tục bơm bong bóng này lên bằng dòng tiền mới.

Tôi không nhớ nổi đã có bao nhiêu "người cũ" trên thị trường chứng khoán Việt Nam tham khảo mình vì muốn "chơi thử" crypto. Vài nhóm bạn trẻ làm việc cùng tôi về crypto vừa cho biết đã huy động thêm được vài triệu "đô" cho các dự án mới, dễ hơn trước rất nhiều. Đa số người mới muốn tham gia chưa hiểu nhiều về crypto. Rủi ro với họ là rất lớn.

Thứ nhất, Việt Nam chưa có luật định về các tài sản số hóa nói chung và crypto nói riêng. Không ai biết các hợp đồng ủy thác đầu tư liên quan đến tài sản crypto có giá trị pháp luật không. Thứ hai, nhiều người chơi thậm chí không hiểu về các khái niệm cơ bản như blockchain, chưa từng mở một ví crypto và không biết cả cách phân biệt các mạng ERC-20 với BEP20.

Rủi ro với những nhà đầu tư non nớt như vậy rất lớn. Tôi tin rằng tiền mã hóa, NFT game hay bất kỳ thị trường tài sản nào, tuy có nhiều tiềm năng trở thành một trào lưu kéo dài ít ra vài năm, nhưng không phải bất kỳ ai lao vào là kiếm được tiền.

Muốn đầu tư bất kỳ cái gì phải bỏ công sức và thời gian tìm hiểu kỹ. Mọi thị trường đều có rủi ro và cơ hội. Nhà đầu tư phải tự học về tài chính, công nghệ và các kỹ thuật để tìm ra các cơ hội đó. Không nên đầu tư vì bạn bè đầu tư, càng không nên so sánh rằng người kia kiếm được 10 lần, 20 lần mà mình kiếm được ít. Mỗi người có khẩu vị rủi ro và sản phẩm đầu tư thích hợp riêng của mình.

Đó là với nhà đầu tư. Còn chính phủ cũng không thể thờ ơ khi mà những nước đi trước đã công nhận tài sản mã hóa, đã cấp phép, thu thuế được cho ngân sách và có luật lệ giám sát thị trường này. Đã có 103 nước chấp nhận hoặc đang xây dựng luật đối với tiền mã hóa.

Không cần nhìn đâu xa, nước láng giềng Singapore đang là một hiện tượng. Quốc đảo đã công bố đặt mục tiêu trở thành một trong những trung tâm hàng đầu thế giới về tiền mã hóa. Nhiều công ty có giá trị lớn do người Việt khởi nghiệp trong lĩnh vực crypto đang đặt ở đây. Không chính phủ nào dám nói họ đang đi đúng hướng với lĩnh vực mới mẻ này, nhưng duy trì tình trạng không chính thức của tiền mã hóa trong một nền kinh tế có mức độ chấp nhận loại tài sản này không hề nhỏ như Việt Nam có lẽ không còn thích hợp, thậm chí bất lợi cho việc quản lý thị trường tài chính và ngân sách đang bị thất thu.

Công nhận crypto là một tài sản

Chính phủ có thể bắt đầu từ những việc đơn giản như công nhận crypto là một tài sản và do đó nhà nước có thể thu thuế các giao dịch, quản lý bằng luật pháp, và nhà đầu tư cũng được bảo vệ. Thực ra, nhiều chuyên gia đã cho rằng đây là con đường tất yếu các chính phủ phải đi.

Dù còn rất nhiều yếu tố phải nghiên cứu liên quan đến chính sách quản lý nền kinh tế, chống rửa tiền, an ninh quốc gia, nhưng nhà chức trách không thể bỏ qua các diễn tiến đang thay đổi mạnh mẽ với loại tài sản này. Tân thị trưởng New York, Eric Adams, vừa đề nghị dạy crypto trong trường học vì nó dần trở thành kiến thức cơ bản về tài chính cá nhân mới.

Hồ Quốc Tuấn (Giảng viên, Đại học Bristol, Anh)

Category