Có một cơ chế định giá phần mềm đã trở thành mong mỏi của nhiều đơn vị ứng dụng CNTT cũng như các công ty lập trình của Việt Nam. Các dự án mua sắm phần mềm của các cơ quan, doanh nghiệp Nhà nước được đánh giá sẽ đóng góp một vai trò rất quan trọng cho sự phát triển của thị trường phần mềm trong nước. Tuy nhiên, việc "dè dặt" trong việc mua những dự án phầm mềm phục vụ cho quản lý và sản xuất một phần xuất phát từ sự phức tạp và thiếu những căn cứ cho việc định giá phần mềm.
Năm 2003, Ban điều hành đề án 112 của Chính phủ có ban hành “Quy trình xây dựng và triển khai phần mềm ứng dụng thuộc đề án 112”, có hướng dẫn việc xác định và lập dự toán kinh phí xây dựng phần mềm ứng dụng thuộc phạm vi đề án 112. Nhưng đó chỉ là những quy định trong phạm vi một đề án, không áp dụng rộng rãi cho tất cả các dự án ứng dụng CNTT được.
Vì thế, sau khi lấy ý kiến của nhiều chuyên gia và các đơn vị ứng dụng CNTT cũng như các công ty bán phần mềm, đồng thời dựa trên một đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ do ông Trần Minh Tiến, Viện trưởng Viện chiến lược BCVT và CNTT làm chủ đề tài, 17-10-2008, Bộ TT-TT đã ban hành Công văn số 3364 Hướng dẫn xác định giá trị phần mềm.
Tuy nhiên, sau khi văn bản được lưu hành, từ các cơ quan quản lý nhà nước đang chuẩn bị các dự án lớn về ứng dụng CNTT đến các doanh nghiệp đang tham gia thực hiện các dự án phần mềm ứng dụng CNTT đều có nhiều ý kiến và quan điểm đánh giá khác nhau về cách tính, phương pháp xác định giá trị phần mềm. Đã chín tháng kể từ khi có hướng dẫn này, nhiều bộ ngành cho biết vẫn chưa thể áp dụng.
Ông Nguyễn Thanh Hưng, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin thuộc Bộ Công thương thừa nhận, đúng là Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT-TT đã tiên phong làm một việc rất khó nhưng lại cần thiết đối với ngành CNTT Việt Nam. Lần đầu tiên cơ quan quản lý về CNTT đã ban hành được một văn bản áp dụng trên phạm vi toàn quốc như vậy. “Chúng tôi đã mong đợi rất nhiều và hy vọng đó là một hướng dẫn thật đơn giản, dễ hiểu. Nhưng khi nhận được văn bản, chúng tôi lại thấy nó quá phức tạp để thực hiện”, ông Hưng tâm sự.
Ông Hưng cho biết, ngay sau khi có văn bản 3364, Bộ Công thương đã giao cho Cục Thương mại điện tử và CNTT hướng dẫn triển khai cho toàn ngành, nhưng đến nay Cục chưa làm gì cả vì chưa hiểu hết văn bản. “Áp dụng cho Cục chúng tôi còn chưa làm được, thì làm sao có thể hướng dẫn triển khai cho các đơn vị khác được!”, ông Hưng than thở.
Cùng quan điểm này, ông Võ Anh Trung, Trưởng phòng phát triển ứng dụng, Cục Tin học và thống kê tài chính, Bộ Tài chính nói: “Bảng tính toán giá trị phần mềm phức tạp quá. Mặc dù khi công văn 3364 ra đời, chúng tôi đã gửi ngay cho các đơn vị thử tính theo cách này, nhưng không tính được nên đành áp dụng theo cách truyền thống là định giá phần mềm theo chức năng”.
Càng cụ thể càng thiếu
Theo ông Nguyễn Hoài Thu, Giám đốc Trung tâm Tư vấn nghiệp vụ và hỗ trợ đánh giá hiệu quả đầu tư CNTT thuộc Cục Ứng dụng CNTT, Bộ TT-TT, công văn 3364 đưa ra nhiều biện pháp áp dụng trong định giá phần mềm, trong đó có nêu cụ thể các bước định giá, còn việc xác định giá trị phần mềm trong văn bản chỉ có ý nghĩa tham khảo. “Việc xác định giá thành của một phần mềm là điều không thể. Chúng tôi chỉ ban hành văn bản này để thúc đẩy đầu tư ứng dụng CNTT bằng ngân sách Nhà nước mà thôi”, ông Thu nói.
“Văn bản này áp dụng được với gia công phần mềm thì đúng hơn là với lập trình phần mềm. Các hướng dẫn về chi phí khi làm phần mềm trong văn bản này chưa thể đủ được mà mới chỉ dừng ở mức phát triển phần mềm, còn các công đoạn khác thì chưa tính đến”, ông Dương Dũng Triều, Phó Tổng giám đốc FIS thuộc Tập đoàn FPT nhận xét.
Đồng tình với ông Triều, bà Nguyễn Thị Thuận, Phó cục trưởng Cục Ứng dụng CNTT, Tổng cục Thuế cho rằng, việc xác định chi phí phần mềm, trong hướng dẫn mới chỉ dừng lại ở khảo sát, thiết kế, phân tích, xây dựng, ứng dụng, nhưng còn những công việc khác trong triển khai phần mềm chưa được tính đến. “Giai đoạn triển khai chúng tôi cũng phải thuê đối tác. Vì thế, chi phí hỗ trợ triển khai phải tính ít nhất 2 tháng”, bà Thuận đề nghị.
Mức lương lao động bình quân được áp dụng để tính trong hướng dẫn định giá phần mềm cũng là một nội dung khiến những nhà cung cấp phần mềm thắc mắc. Ông Dương Dũng Triều cho rằng, lương kỹ sư lập trình phần mềm mà lấy theo lương nhà nước thì quá thấp. Bậc cao nhất (kỹ sư bậc 8/8) là 79.000 đồng/giờ, tương đương 632.000 đồng/ngày, vẫn quá thấp so với mức lương thực tế FPT phải trả cho kỹ sư lập trình. Một dự án phần mềm mà tính theo giá tối đa này này thì có nghĩa là toàn kỹ sư bậc 8/8 thực hiện lập trình!
Còn ông Nguyễn Kim Cương, Phó tổng giám đốc CMC Soft thì kiến nghị đổi cách tính bằng ngày lương sang tính bằng giá nhân công và có hướng dẫn cụ thể về mức giá nhân công cho kỹ sư phần mềm bao gồm lập trình viên và cán bộ cung cấp dịch vụ với mức nhân công xê dịch từ 1 triệu đến 2,5 triệu/ngày công theo giá thực tế của các công ty lập trình đã phải tính cho người lao động.
Sửa thế nào?
Tại Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử vừa diễn ra tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân cùng nhiều diễn giả đều thống nhất quyết tâm đưa công nghiệp phần mềm là ngành kinh tế mũi nhọn và định hướng xây dựng tiềm lực mạnh về CNTT. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng đã chỉ ra bất cập cần phải khắc phục ngay, đó là mâu thuẫn giữa văn bản pháp luật về quản lý đầu tư và việc mua sắm, đầu tư thiết bị CNTT. Trong khi các thiết bị CNTT, phần mềm thay đổi nhanh chóng thì các văn bản quy định về đầu tư mua sắm thiết bị “chưa theo kịp” nên đã gây ra những cản trở nhất định. Một trong các “bất cập” quan trọng là vấn đề xác định giá trị phần mềm ở Việt Nam hình như được đánh giá quá thấp. Vì thế, Bộ TT-TT đang tiếp tục lấy ý kiến đóng góp của các bên để sửa đổi, bổ sung Công văn 3364.
Trong Tọa đàm lấy ý kiến về định giá phần mềm diễn ra cuối tuần trước, ông Võ Mạnh Quyền, Phó cục trưởng Cục Thương mại điện tử và CNTT, Bộ Công thương cho rằng, Bộ nên chỉ định một dự án dùng thử phương pháp định giá này trước để rút kinh nghiệm, rồi khi đã thực thi thành công thì mới ứng dụng rộng rãi.
Đồng tình với việc đưa hướng dẫn này thử nghiệm trước khi áp dụng, ông Võ Anh Trung kiến nghị Bộ xây dựng một “phần mềm định giá phần mềm” để các đơn vị tính toán cho dễ.
Bà Nguyễn Thị Thuận thì đề nghị văn bản hướng dẫn định giá nên chia ra hai loại: xây dựng phần mềm mới và nâng cấp phần mềm, vì nâng cấp có thể bớt đi một số công đoạn có trong hướng dẫn, còn xây dựng phần mềm mới thì lại thiếu nhiều công đoạn trong hướng dẫn chưa có.
Cần phân loại và giới thiệu các phương pháp khác nhau phù hợp với từng loại phần mềm khác nhau là ý kiến của ông Nguyễn Khắc Lịch, Trưởng phòng CNTT, Tập đoàn VNPT.
Ông Võ Anh Trung lại “hoài cổ” nghĩ đến phương pháp định giá phần mềm quy định trong đề án 112 và đề nghị Bộ nên kế thừa phương pháp này vì nó khá đơn giản.
Tại tọa đàm, quan điểm tìm một phương pháp định giá đơn giản hơn được nhiều người đồng tình. “Bởi người Việt Nam thường đi từ đơn giản đến phức tạp. Việc gì ngay từ đầu đã phải tính toán phức tạp quá thì sẽ khó thực hiện, ông Nguyễn Thanh Hưng đúc rút.
Đại diện đơn vị tổ chức Tọa đàm, ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam cho biết, những ý kiến tại buổi tọa đàm sẽ được Hội đưa vào kiến nghị chính thức gửi Bộ TT-TT để góp ý vào dự thảo sửa đổi, bổ sung điều chỉnh mới.
Hy vọng những điều chỉnh sắp tới của Bộ sẽ gỡ bớt khó khăn cho việc định giá phần mềm, góp phần giúp ngành phần mềm Việt Nam phát triển.
LÂM THẢO