Trò chơi quản trị trong doanh nghiệp là gì? Ưu nhược điểm

Khái niệm

Trò chơi quản trị trong tiếng Anh gọi là: Role play.

Trong trò chơi quản trị, những người học được chia về một số công ty, mỗi công ty sẽ có 4-6 thành viên tham gia. Các nhóm của công ty này phải cạnh tranh với các công ty khác ở cùng một thị trường hoặc khác thị trường. 

Mỗi công ty xác định mục tiêu chủ yếu của mình và có thể đưa ra các quyết định khác nhau. 

Một vấn đề cần lưu ý là mỗi công ty không được biết về các quyết định của các công ty khác mặc dù các quyết định đó có ảnh hưởng đến hoạt động của công ty mình. Thông thường các dữ liệu trong 2-3 năm được cô đọng trong trò chơi này. 

Ưu nhược điểm

Ưu điểm: 

+ Trò chơi giúp cho người học thực tập làm quen với việc phải đương đầu các rắc rối trong kinh doanh qua trò chơi được mô phỏng từ thực tế kinh doanh; 

+ Trò chơi thú vị, hấp dẫn người học vì tính sinh động, thực tế và tính cạnh tranh của nó; 

+ Giúp người học phát triển khả năng giải quyết các vấn đề cũng như biết xác lập các chiến lược, chiến thuật, hoạch định chính sách để đưa ra các quyết định; 

+ Giúp cho người học có khả năng phát triển khả năng thủ lĩnh và khả năng làm việc hợp tác với mọi người xung quanh. 

Nhược điểm: 

+ Các giải pháp trong trò chơi do người học đưa ra còn đơn điệu, rập khuôn máy móc không phong phú như trong cuộc sống; 

+ Các chương trình trò chơi đều do con người tạo nên và các phương án phản ứng đều do người lập trình tạo ra nên nhiều lúc không đúng như thực tế trong cuộc sống.

Trò chơi quản trị là một trong những phương pháp đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lí.

Chương trình đào tạo dành cho các cán bộ quản lí chủ yếu là đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản trị cho các cán bộ quản lí của doanh nghiệp. Nội dung của chương trình đào tạo này chủ yếu là cung cấp các kiến thức và kĩ năng quản trị, làm thay đổi quan điểm quản lí và nâng cao kĩ năng thực hành.

Các phương pháp đào tạo khác nhằm nâng cao năng lực quản trị cho cán bộ quản lí bao gồm:

- Luân phiên thay đổi công việc;

- Kèm cặp trực tiếp tại nơi làm việc: Người học sẽ làm việc trực tiếp với người họ sẽ thay thế. Người dạy có trách nhiệm hướng dẫn người học cách thức giải quyết tất cả các vấn đề trong phạm vi trách nhiệm mà họ phụ trách;

- Phương pháp nghiên cứu tình huống;

- Học tập qua hành động.

Đào tạo là quá trình cung cấp có hệ thống các kiến thức, kĩ năng cần thiết cho người lao động nhằm giúp họ hoàn thiện năng lực để giải quyết các công việc cụ thể hiện tại của tổ chức.

(Tài liệu tham khảo: Quản trị nhân sự, TS. Trương Minh Đức, Cục Phát triển Doanh nghiệp - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2012)