Chuyện người ăn xin và chiếc cần câu cá: Kiến thức, kỹ năng hay thái độ quan trọng nhất?

Có người có tài, học thức cao song vẫn không thành công. Ngược lại, có những người tuy rất bình thường nhưng thành công lại mỉm cười với họ. Chuyện thành – bại, được- mất phụ thuộc rất lớn vào thái độ sống của ta.

Đã bao giờ bạn tự hỏi, vì sao cùng tốt nghiệp đại học như nhau, cùng ở xuất phát điểm như nhau nhưng lại có người lẹt đẹt mãi với công việc nhàm chán, người thì sau vài năm đã bỏ xa bè bạn một quãng dài, sở hữu công việc với thu nhập cả nghìn đô? 

Nếu đứng trước chuyện đó, bạn AQ cho rằng chỉ là do người kia gặp may còn mình lận đận là do số thì bạn hãy đọc câu chuyện về người ăn xin dưới đây. 

Chuyện kể rằng, ở làng chài nọ có một thanh niên đi câu cá. Trên đường, anh gặp một người ăn xin sắp chết đói., thương tình nên anh bắt trong giỏ của mình một con cá đưa cho người ăn xin. Người ăn xin đã nướng cá ăn và thoát được cơn đói.

Anh thanh niên về rất vui vẻ, gặp anh bạn hàng xóm liền kể lại việc tốt mình đã làm được. Nhưng anh bạn hàng xóm đã lắc đầu và bảo rằng anh làm như vậy không chắc đã tốt. “Không chỉ cho cá, cậu nên cho người ăn xin cần câu để ông ta tự mình kiếm sống. Không tin, ngày mai cậu đi qua sẽ thấy người ăn xin đó vẫn bị cơn đói hành hạ”.

Ngày hôm sau, anh thanh niên rủ anh bạn hàng xóm đi câu cùng. Khi trở về, quả nhiên hai người gặp lại người ăn xin đang nằm lả bên vệ đường. Lần này, anh thanh niên cho người ăn xin cá còn anh hàng xóm cho người ăn xin cần câu. Cả hai trở về trong tâm trạng vui vẻ vì đã làm được việc tốt.

Trên đường về, hai người gặp một anh bạn khác cùng xóm. Cả hai hào hứng kể lại câu chuyện vừa rồi cho anh bạn nghe nhưng lại nhận về cái lắc đầu. “Các cậu làm vậy chưa ổn. Cho người ăn xin cần câu rồi, nếu không chỉ cho ông ta cách câu thì ông ta câu thế nào được cá. Ngày mai trở lại, các cậu sẽ thấy người ăn xin vẫn bị đói thôi.”

Ngày hôm sau, cả ba người cùng đi câu cá. Khi trở về, đúng như lời anh hàng xóm kia nói, 3 người gặp lại người ăn xin đang nằm cạnh chiếc cần câu bên vệ đường. Anh thanh niên lại cho người ăn xin cá, anh hàng xóm này sửa lại cần câu, anh kia thì cẩn thận dạy người ăn xin cách câu cá. Cả ba trở về trong tâm trạng đầy hưng phấn, tin chắc từ nay ông ấy sẽ không sợ đói nữa. 

Chuyện người ăn xin và chiếc cần câu cá: Kiến thức, kỹ năng hay thái độ quan trọng nhất? - 3

Trên đường về, cả 3 gặp một lão ngư trong làng, người đã gắn bó cả đời với biển. Sau khi nghe câu chuyện được 3 chàng trai hào hứng kể lại, lão ngư ngẫm nghĩ một lát rồi lắc đầu:

“Các cậu đã làm đúng, nhưng lão nghĩ chưa đủ. Lão sợ thiếu một điều có lẽ còn quan trọng hơn. Các cậu chỉ cho người ăn xin công cụ, kỹ năng, phương pháp, lão tin ông ta sẽ vẫn đói. Các cậu biết tại sao không?", lão ngư hỏi.

"Thứ nhất, người ăn xin làm nghề này nhiều năm, nó đã ngấm vào máu và trở thành thói quen của ông ta. Trong đầu ông ấy không có khái niệm tự đi kiếm cơm cho mình, mỗi buổi sáng thức dậy chỉ nghĩ đến việc làm sao để xin được ăn. Điều đầu tiên các cậu cần giúp ông ta định hình lại suy nghĩ.

Thứ hai, các cậu đều biết không phải cứ thả mồi xuống là có cá cắn câu, có khi phải mất cả tiếng, cả buổi mà thậm chí chẳng được con cá nào. Bài học thứ hai mà ông ta phải học là sự kiên trì.

Thứ ba, có một yếu tố cực kỳ quan trọng giải thích việc vì sao cả đời ông ta chỉ đi ăn xin, đó chính là niềm tin. Mấy ngày trước, ta có trò chuyện với người ăn xin đó một lúc. Ta hỏi ông ta một câu: "Sức lực của ông vẫn dồi dào như vậy, sao không học một nghề gì đó mà kiếm sống? Ông có thể đi câu cùng tôi!".

Các cậu có biết ông ta trả lời sao không? Ông ta nói: “Ông giỏi, tôi không theo ông được, tôi sinh ra đã mang phận ăn xin rồi. Cha mẹ tôi trước đây cũng làm nghề này. Số tôi sinh ra đã khổ sẵn vậy rồi, tôi sẽ chẳng làm được điều gì nên hồn đâu".

Điều người ăn xin này thiếu không phải là công cụ hay kỹ năng mà ông ta thiếu thái độ sống đúng đắn.

Chưa thực sự tin lời lão ngư, hôm sau cả 3 thanh niên rủ lão ngư đi câu, chẳng ngờ trên đường về nhà vẫn gặp người ăn xin nọ đang vất vưởng bên lề đường. 3 thanh niên xin lão ngư hãy chỉ cho người ăn xin thái độ sống đúng đắn song ông ngần ngại:

“Thái độ sống phải được rèn luyện, đào luyện thường xuyên nhờ sự định hướng, tác động của gia đình, nhà trường và xã hội, không thể ngày một ngày hai mà có được. Và quan trọng, phải tự thân rèn luyện".

Đọc xong câu chuyện trên, bạn có lẽ phần nào đã tìm ra câu trả lời cho sự khác biệt giữa những người xuất phát từ cùng một điểm nhưng lại cách xa nhau chỉ sau vài năm. 

Theo UNESCO, 3 thành tố hợp thành năng lực của con người là: kiến thức, kỹ năng và thái độ. Hai yếu tố sau thuộc về kỹ năng sống, có vai trò quyết định trong việc hình thành nhân cách, bản lĩnh, tính chuyên nghiệp. Các chuyên gia cho rằng, trong đó, kiến thức chiếm 4%, kỹ năng chiếm 26% còn 70% quyết định là thái độ.

Đừng ngạc nhiên khi thấy những nhà tuyển dụng sẵn sàng đánh trượt bạn và lựa chọn một người có bằng cấp thấp hơn bạn. Họ là những người làm nhân sự lọc lõi, sự lựa chọn đó không hề dựa trên sự may mắn hay thiên vị. Càng ở những vị trí cao hơn, họ càng quan trọng thái độ và kỹ năng của người đó. 

Thái độ không đơn giản là yếu tố thuộc về cảm xúc, cũng không phải là kết quả của bất kỳ tác động bên ngoài nào, thái độ là yếu tố thuộc về nhân sinh quan và nó là một phần của kỹ năng sống. Thái độ quyết định thành công, quyết định cách chúng ta hành động. Thái độ tích cực sẽ biến trở ngại thành cơ hội, chuyển thất bại sang thành công. 

Tuổi trẻ vốn không sợ thất bại, đừng bao giờ để mình tự rơi vào bi kịch, cho rằng mình là kẻ bất tài khi mới chỉ vấp ngã một vài lần. Giải pháp để giúp bạn vượt qua khó khăn còn tùy thuộc vào hoàn cảnh, câu chuyện riêng của từng người song chỉ cần thay đổi những động thái đơn giản, đó là thái độ, bạn sẽ thay đổi cuộc đời.

Mới bỏ ra chút công sức đã nghĩ đến việc báo đáp, vừa bắt tay vào làm đã muốn phần lợi ích riêng cho mình thì cơ hội và thành quả sẽ còn cách rất xa bạn. Mở miệng là nhắc đến khó khăn, có chút thăng tiến đã hống hách, sự thành công đã cách bạn quá xa rồi.

Nguồn: Internet