Phân biệt "Phương án", "tình huống" và "kịch bản"

"Phương án", "tình huống" và "kịch bản" là những đơn vị từ ngữ/ khái niệm khác nhau, tuy có những nét nghĩa tương đồng.

"Phương án" được hiểu là "dự kiến về cách thức, trình tự tiến hành công việc trong hoàn cảnh, điều kiện nhất định nào đó" (Từ điển tiếng Việt, sách đã dẫn, tr 1017) trong khi "tình huống" được hiểu là "sự diễn biến của tình hình, xét ở mặt cần phải đối phó" (Từ điển tiếng Việt, sđd, tr 1275).

Còn "kịch bản" lại là một nội dung nào đó đã được chuẩn bị sẵn. Như vậy, nếu vẽ một đường thẳng theo trục thời gian tuyến tính từ trái qua phải thì "tình huống" là cái gần với hiện tại nhất, thậm chí trùng khít với hiện tại.

Trong khi đó, "phương án" thuộc về tương lai gần, là thứ chưa xảy ra nhưng có thể nó sẽ đến rất nhanh. Với từ "kịch bản" thì sắc thái về vận động không cao như "phương án" hay "tình huống", nó chỉ là thứ chuẩn bị sẵn và chưa xác định rõ khi nào sẽ dùng. Như vậy, trên trục thời gian, "kịch bản" đa phần là thứ đã xuất hiện ở trước thời điểm hiện tại. Nhận rõ sự khác biệt giữa ba khái niệm này là việc cần thiết để việc sử dụng từ ngữ được chính xác.