Xác định chi phí phần mềm triển khai cho cơ quan Nhà nước sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.

Trong thực tế hiện nay, việc xác định giá trị phần mềm nội bộ đang được các bộ, ngành, địa phương thực hiện theo hướng dẫn tại Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/8/2011 hay còn gọi là phương pháp usecase. Trong quá trình thực hiện, một số vướng mắc gặp phải như: cách phân loại các trường hợp sử dụng theo mức độ B, M, T; ý nghĩa và cách xác định giá trị xếp hạng của hệ số phức tạp - kỹ thuật công nghệ, hệ số tác động môi trường và nhóm làm việc; xác định giờ công H (do đơn giá nhân công chưa thống nhất) để tính chi phí phần mềm.

Mặt khác, tại khoản 5 Điều 28 Nghị định 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước quy định: nội dung hồ sơ phục vụ xác định chi phí và phương pháp xác định chi phí phần mềm nội bộ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Do đó, tại Quyết định số 1649/QĐ-BTTTT ngày 08/10/2019 ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Bộ Thông tin và Truyền thông tại Nghị định 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ quy định quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, Cục Tin học hóa được Bộ giao chủ trì xây dựng Quyết định ban hành hướng dẫn xác định chi phí phần mềm nội bộ (thay thế Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/08/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc hướng dẫn xác định chi phí phát triển, nâng cấp phần mềm nội bộ).

Nội dung cơ bản của dự thảo Quyết định ban hành hướng dẫn xác định chi phí phần mềm nội bộ và những điểm mới

Về phương pháp xác định chi phí phần mềm nội bộ theo phương pháp tính chi phí, dự thảo Quyết định ban hành hướng dẫn xác định chi phí phần mềm nội bộ (gọi tắt là dự thảo Quyết định) vẫn giữ nguyên phương pháp xác định khối lượng, phương thức tính toán, trên cơ sở nỗ lực giờ công để thực hiện các trường hợp sử dụng (Usecase) được hướng dẫn tại Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/08/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông. Tuy nhiên nội dung dự thảo Quyết định tập trung vào việc hoàn thiện, khắc phục các vướng mắc của Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/08/2011. Các nội dung  thay đổi như sau:

Thứ nhất, về hình thức xây dựng văn bản, hướng dẫn xác định giá trị phần mềm nội bộ được ban hành theo hình thức Quyết định.

Thứ hai, về phạm vi điều chỉnh, dự thảo Quyết định đã nêu cụ thể phạm vi điều chỉnh bao gồm “Quyết định này hướng dẫn xác định chi phí xây dựng, phát triển, nâng cấp, mở rộng phần mềm nội bộ trong hoạt động lập và quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước”, không còn chung chung như tại Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT.

Thứ ba, về hướng dẫn Hồ sơ phục vụ xác định chi phí phần mềm nôi bộ, dự thảo quyết định tham chiếu theo Điều 18 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP ngày 05/9/2019 của Chính phủ có bổ sung các nội dung hồ sơ phục vụ việc xác định chi phí phần mềm nội bộ (Nghị định này thay thế Nghị định số 102/2009/NĐ-CP ngày 06/11/2009 của Chính phủ).

Thứ tư, dự thảo Quyết định đã hướng dẫn cụ thể nhằm tháo gớ vướng mắc trong quá trình triển khai Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/08/2011 về việc đưa ra các hướng dẫn cụ thể, rõ nghĩa về các khái niệm về tác nhân, mức độ B-M-T của các trường hợp sử dụng và phù hợp với các giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến hiện nay, cụ thể:

Tác nhân được phân loại như sau:

- Loại đơn giản: Giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface - API).

- Loại trung bình: Giao diện dòng lệnh (Command Line Interface - CLI) hoặc giao diện thông qua một giao thức nào đó nhưng không phải giao diện lập trình ứng dụng (API).

- Loại phức tạp: Giao diện đồ họa người dùng (Graphical User Interface - GUI).

Mức độ của các trường hợp sử dụng B-M-T:

- Trường hợp sử dụng loại B: Trường hợp sử dụng có các giao dịch mô tả yêu cầu chức năng nghiệp vụ của phần mềm, không bao gồm các chức năng được phân loại M và T.

- Trường hợp sử dụng loại M: Trường hợp sử dụng có các giao dịch mô tả yêu cầu chức năng kết nối, liên thông, chia sẻ dữ liệu với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật, phần mềm, cơ sở dữ liệu liên quan.

- Trường hợp sử dụng loại T: Trường hợp sử dụng có các giao dịch mô tả yêu cầu chức năng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), chuỗi khối (blockchain) và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR) để hỗ trợ ra quyết định.

Thứ năm, dự thảo Quyết định đã định nghĩa lại một số hệ số, bổ sung mã hệ số trong Bảng tính toán hệ số phức tạp kỹ thuật - công nghệ, Bảng tính toán hệ số tác động môi trường và nhóm làm việc, hệ số phức tạp về môi trường, xác định độ ổn định kinh nghiệm và nội suy thời gian lao động giúp cho việc tính giá trị phần mềm chính xác hơn.

Bảng tính toán hệ số phức tạp kỹ thuật - công nghệ:

TT

Các hệ số

Trọng số

Giá trị xếp hạng

Kết quả

Ghi chú

I

Hệ số KT-CN (TFW)

 

 

 

 

1

Xử lý phân tán

2

 

 

 

2

Mức độ quan trọng của hiệu năng

1

 

 

 

3

Hiệu quả sử dụng cho người dùng

1

 

 

 

4

Độ phức tạp của xử lý bên trong

1

 

 

 

5

Khả năng tái sử dụng mã nguồn

1

 

 

 

6

Dễ cài đặt

0,5

 

 

 

7

Dễ vận hành

0,5

 

 

 

8

Khả năng chuyển đổi

2

 

 

 

9

Dễ dàng bảo trì

1

 

 

 

10

Xử lý đồng thời

1

 

 

 

11

Mức độ hỗ trợ bảo mật

1

 

 

 

12

Sự phụ thuộc vào mã lệnh của bên thứ ba

1

 

 

 

13

Mức độ hỗ trợ đào tạo người sử dụng

1

 

 

 

II

Hệ số phức tạp về KT-CN (TCF)

 

 

 

 

Ý nghĩa của các hệ số TFW và cách xác định giá trị xếp hạng đã được hướng dẫn một cách cụ thể, rõ ràng theo hướng định lượng, ví dụ, đối với Hệ số “Xử lý phân tán” (TFW1).

- Ý nghĩa hệ số:

+ “Xử lý phân tán” được xác định trên cơ sở mô tả yêu cầu xử lý, trao đổi thông tin giữa các lớp/thành phần của hệ thống trong mô hình tổng thể, mô hình lô-gic của hệ thống thông tin.

+ Xử lý phân tán là việc xử lý được thực hiện trên các lớp/thành phần khác nhau.

- Hướng dẫn xác định giá trị xếp hạng:

+ Giá trị xếp hạng của hệ số TFW1 phụ thuộc vào độ phức tạp của trường hợp xử lý dữ liệu phân tán phức tạp nhất trong hệ thống.

+ Giá trị xếp hạng TFW1 càng cao tương ứng với việc hệ thống càng yêu cầu xử lý phân tán phức tạp. Giá trị xếp hạng TFW1 được xác định theo bảng dưới đây:

Giá trị xếp hạng

Hướng dẫn cụ thể cho từng giá trị

0

Không yêu cầu xử lý phân tán.

1

Yêu cầu một lớp/thành phần của hệ thống tạo dữ liệu và truyền cho các lớp/thành phần khác của hệ thống để xử lý thủ công (có sự can thiệp của con người).

2

Yêu cầu một lớp/thành phần của hệ thống tạo dữ liệu và truyền cho các lớp/thành phần khác của hệ thống để xử lý tự động (không cần con người can thiệp vào việc xử lý).

3

Yêu cầu xử lý phân tán, dữ liệu được truyền theo một chiều (dữ liệu được xử lý tại một lớp/thành phần của hệ thống và được truyền qua lớp/thành phần khác của hệ thống xử lý tiếp).

4

Yêu cầu xử lý phân tán, dữ liệu được truyền theo hai chiều (dữ liệu được xử lý tại một lớp/thành phần của hệ thống và được truyền qua lớp/thành phần khác của hệ thống xử lý tiếp, sau khi xử lý xong, dữ liệu được truyền ngược lại cho lớp/thành phần ban đầu của hệ thống).

5

Yêu cầu hệ thống có thể tự động phân bổ tài nguyên (CPU, RAM, ...) một cách hợp lý cho các lớp/thành phần của hệ thống khi xử lý phân tán hoặc yêu cầu hệ thống tự động lựa chọn lớp/thành phần thích hợp nhất để xử lý.

Bảng tính toán hệ số tác động môi trường và nhóm làm việc, hệ số phức tạp về môi trường, xác định độ ổn định kinh nghiệm và nội suy thời gian lao động:

TT

Các hệ số tác động môi trường

Trọng số

Giá trị xếp hạng

Kết quả

Độ ổn định kinh nghiệm

I

Hệ số tác động môi trường và nhóm làm việc (EFW)

 

 

 

 

1

Có áp dụng quy trình phát triển phần mềm

1,5

 

 

 

2

Kinh nghiệm phát triển ứng dụng tương tự

0,5

 

 

 

3

Kinh nghiệm về hướng đối tượng

1

 

 

 

4

Kinh nghiệm của trưởng nhóm lập trình

0,5

 

 

 

5

Tính chủ động

1

 

 

 

6

Độ ổn định của các yêu cầu

2

 

 

 

7

Sử dụng các nhân viên làm bán thời gian

-1

 

 

 

8

Kinh nghiệm sử dụng ngôn ngữ lập trình

-1

 

 

 

II

Hệ số phức tạp về môi trường (EF)

 

 

 

 

III

Độ ổn định kinh nghiệm (ES)

 

 

 

 

IV

Nội suy thời gian lao động (P)

 

 

 

 

Ý nghĩa của các hệ số EFW và cách xác định giá trị xếp hạng cũng được hướng dẫn cụ thể tương tự Bảng tính toán hệ số phức tạp kỹ thuật - công nghệ nêu trên.

Thứ sáu, dự thảo Quyết định đã bãi bỏ bảng dự kiến trình độ và kinh nghiệm cần có của nhân công lao động.

Thứ bảy, về mức lương lao động bình quân (H), dự thảo đề xuất “Mức lương lao động bình quân theo giờ được xác định bằng mức lương lao động bình quân theo tháng, chia cho 26 ngày, chia cho 8 giờ.”

Đối với xác định giờ công H, sau khi Bộ ban hành Thông tư hướng dẫn xác định đơn giá nhân công trong quản lý chi phí đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sẽ hoàn thiện phương pháp này.

Thứ tám, dự thảo Quyết định tham chiếu hướng dẫn trong Thông tư số 04/2020/TT-BTTTT ngày 24/2/2020 của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền Thông quy định về lập và quản lý chi phí dự án đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và bãi bỏ các phương pháp khác trong Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/8/2011 như phương pháp so sánh, phương pháp chuyên gia, phương pháp kết hợp sử dụng số liệu theo công bố của các cơ quan khác có chức năng …, do các phương pháp để xác định chi phí phần mềm nội bộ đã được quy định tại Điều 19, Điều 28 Nghị định số 73/2019/NĐ-CP.

Kết luận

Dự thảo Quyết định ban hành hướng dẫn xác định chi phí phần mềm nội bộ về cơ bản đã khắc phục được các vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai Công văn số 2589/BTTTT-ƯDCNTT ngày 24/8/2011, đồng thời phù hợp với thực tiễn và góp phần hoàn chỉnh hệ thống pháp luật quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin.

Đỗ Thị Thảo Hiền