Hiệu ứng quả cầu tuyết lăn trong kinh doanh

Warren Buffett đã từng nói: “Cuộc đời như một quả bóng tuyết, điều quan trọng là bạn phải tìm ra được những bông tuyết đủ sức kết dính và một sườn đồi đủ dài để nó lăn đi…”

HIỆU ỨNG TUYẾT LĂN TO DẦN (Snowball Effect)

Hiệu ứng tuyết lăn to dần (Snowball Effect) đúng như tên gọi của nó. Hiệu ứng này chính là sự to dần đều của một vật cố định. Quá trình bắt đầu từ trạng thái ban đầu có ý nghĩa nhỏ và tự nó phát triển, trở nên lớn hơn (nghiêm trọng hơn, to lớn hơn) và cũng có thể nguy hiểm hoặc tai hại.

Trong thực tế, hiệu ứng hòn tuyết lăn to dần là sự tương đồng phổ biến là với việc lăn một quả cầu tuyết xuống sườn đồi phủ đầy tuyết. Khi nó lăn, quả bóng sẽ tích thêm nhiều tuyết hơn trên bề mặt và làm tăng khối lượng lẫn thể tích.

Hiệu ứng hòn tuyết lăn to dần (Snowball effect) được ứng dụng trong kỹ thuật hàng không vũ trụ, nó được sử dụng để mô tả hiệu ứng nhân bản trong việc tái hiện nhiên liệu. Việc giảm trọng lượng của thân máy bay sẽ cần ít lực nâng hơn, nghĩa là đôi cánh có thể nhỏ hơn. Do đó lực đẩy ít hơn là cần thiết và do đó động cơ nhỏ hơn, dẫn đến tiết kiệm trọng lượng lớn hơn so với ban đầu.

Một quả cầu tuyết to bằng quả bóng tennis sau khi lăn qua quãng đường 2.000m có thể trở thành một khối bóng tuyết khổng lồ có đường kính lên tới 10m. Đó là bởi vì trong quá trình lăn, nó sẽ cuốn theo tuyết trên suốt đoạn đường. Càng lăn lâu, quả bóng tuyết càng cuốn thêm nhiều tuyết, và khiến cho nó có sức mạnh to lớn, đủ khả năng để phá tan nhiều chướng ngại vật. Đó là ý nghĩa của hiệu ứng tuyết lăn.

Cách đây gần 400 năm, nếu bạn nói tới chiếc Smartphone đang rất thông dụng ở thời hiện tại với những tính năng ưu việt của nó, có thể bạn sẽ bị treo cổ vì bị cho là phù thủy. Ở thời điểm đó, phương tiện tân tiến nhất giúp con người nói chuyện được với nhau ở khoảng cách vài chục mét là hai chiếc lon rỗng được nối với những sợi dây dài và mảnh.

Đó là sáng kiến của Robet Hooke. Nhưng cũng từ nền tảng cơ bản đó mà các nhà khoa học đã tiếp tục nghiên cứu và lần lượt cho ra đời chiếc điện thoại quay số đầu tiên, đến những chiếc di động có thể nghe gọi, nhắn tin văn bản... và nay là những chiếc smart phone hiện đại kết nối con người trên khắp thế giới.

Rõ ràng, Robet Hooke đã tạo nên một quả cầu tuyết nhỏ có sức kết dính thu hút được sự quan tâm, đầu tư và nghiên cứu của rất nhiều bộ óc tài ba để làm nên một quả cầu thật lớn có tính thời đại như hiện nay. Và chắc chắn không dừng lại ở đây, sau 10 năm, 20 năm hoặc 200 nữa, điện thoại di động sẽ mang những dáng hình khác, tính năng khác mà có thể ở thời điểm hiện tại bạn chưa thể tưởng tượng nổi.

Trong ngành kinh doanh cũng vậy. Khi thế giới ngày càng “phẳng” và những lĩnh vực lạ lùng nhất cũng liên tục được phát hiện để đầu tư thì thị trường ngày càng trở nên thách thức. Để tìm được lối đi cho mình và khẳng định thương hiệu, doanh nghiệp sẽ phải tìm đến những thị trường ngách, chọn những lối đi chưa ai dám đi, và chấp nhận khởi nghiệp từ một quả tuyết lăn.

Vào năm 2015, cộng đồng mạng xôn xao về hình ảnh những chiếc túi xách được làm từ bao bì đựng cám con cò xuất hiện tràn lan tại Nhật Bản. Đây thực chất là những sản phẩm mang thương hiệu Blue Dragon của cặp vợ chồng người Việt – Mỹ sống tại Sài Gòn. Lấy cảm hứng từ những bao đựng cám con cò rất thông dụng tại Việt Nam, họ đã thiết kế và cho ra đời những chiếc túi rất bền, chắc và độc đáo. Không những thế, những sản phẩm này còn được xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản và được rao bán trên trang thương mại điện tử uy tín Amazon…

Đương nhiên, trong suốt quá trình khẳng định chất lượng sản phẩm, họ đã gặp phải không ít khó khăn, nhưng khi trái cầu tuyết cứ lăn, lăn mãi, thì những kinh nghiệm kinh doanh đã bồi đắp cho họ để sản phẩm không chỉ được thị trường chấp nhận mà còn ngày càng phát triển vững bền.

A.D

Theo Trí thức trẻ