Đấu thầu hiệu quả (Effective Bidding) và đấu thầu minh bạch (Transparent Bidding) là gì?

Đấu thầu hiệu quả (Effective Bidding)

Đấu thầu hiệu quả - danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Effective Bidding.

Đấu thầu hiệu quả là việc đấu thầu sử dụng nguồn tiền của nhà nước hoặc do nhà nước quản lí phải đảm bảo hiệu quả về mọi mặt, cả kinh tế lẫn xã hội.

Nội dung đấu thầu hiệu quả

Về mặt kinh tế, đấu thầu phải lựa chọ được những nhà thầu đáp ứng các yêu cầu của bên mời thầu với chi phí thấp nhất. Hiệu quả về kinh tế còn được thể hiện ở chi phí và thời gian tổ chức đấu thầu. Hoạt động đấu thầu được thực hiện theo một qui trình với nhiều công việc mang tính chất hành chính do chính phủ hoặc nhà tài trợ qui định.

Nếu qui trình được thiết lâp một cách thiếu khoa học, cứng nhắc hoặc phức tạp sẽ dẫn tới tăng chi phí cũng như tăng thời gian cho việc tổ chức đấu thầu.

Đôi khi với mong muốn tăng cường kiểm soát chất lượng hoạt động đấu thầu nên một số quốc gia đã đưa ra những qui trình hết sức phức tạp với sự tham gia của nhiều cơ quan quản lí nhà nước. Đây là một quan điểm chưa thật hợp lí vì nó làm tăng chi phí gián tiếp và làm ảnh hưởng tới tiến độ của hoạt động đấu thầu.

Hiệu quả về mặt kinh tế đôi khi mâu thuẫn với hiệu quả về mặt xã hội khi hoạt động đấu thầu được thực hiện trong những trường hợp rất khẩn cấp như phòng ngừa, hoặc khắc phục các sự cố thiên tai, bệnh dịch của một địa phương hoặc một quốc gia. Sức khỏe, tính mạng và tài sản của người dân được đặt lên hàng đầu trong những trường hợp này. 

Vì thế, trong trường hợp khẩn cấp, bên mời thầu có thể phải lựa chọn nhà thầu với mức giá cao hơn mức bình thường.

Đấu thầu minh bạch (Transparent Bidding)

Đấu thầu minh bạch – danh từ, trong tiếng Anh được dùng bởi cụm từ Transparent Bidding.

Đấu thầu minh bạch được hiểu là mọi thông tin trong hồ sơ mời thầu cũng như quyết định do các chủ thể liên quan đến hoạt động đấu thầu đưa ra phải được cung cấp đầy đủ, rõ ràng, đáng tin cậy để không gây ra sự hiểu nhầm cho các bên khác. Các thông tin và quyết định không được đưa ra một cách tùy tiện mà phải dựa trên cơ sở khoa học, khách quan, luật pháp…

Tiêu chí đánh giá hồ sơ dự thầu được xây dựng một cách khoa học và dễ dàng lượng hóa, tránh sử dụng các tiêu chí định tính nhằm giúp các nhà thầu có thể đánh giá được khả năng của chính mình. Thông tin do bên mời thầu cung cấp phải giúp các nhà thầu biết được rằng họ cần làm gì và làm như thế nào khi tham gia đấu thầu. 

Nguồn: vietnambiz
(Theo Giáo trình Đấu thầu, NXB Đại học Kinh tế Quốc dân)