Từ chuyện cậu bé chắn cừu, nghĩa về giá trị của niềm tin

Một ngày nọ có một cậu bé chăn cừu buồn rầu ngồi trên sườn núi nhìn những con cừu. Để làm vui vẻ cho mình, cậu hít một hơi thật sâu rồi la lên, Sói! Sói! có sói đang đưổi bắt cừu!

Dân làng chạy ngay lên núi để giúp cậu bé đuổi chó sói. Nhưng khi họ đến đỉnh núi thì không thấy con chó sói nào hết. Cậu bé nhìn những khuôn mặt đang giận dữ của dân làng và cười. Rồi họ tức giận bỏ xuống núi.

Hôm sau cậu bé lại la toáng lên “Sói! Sói! Có sói đang đuổi bắt cừu!” Vì sự vui sướng nghịch ngợm của mình, cậu bé lại thấy người dân chạy lên núi để giúp cậu đánh đuổi sói.

Nhưng khi người dân không thấy chó sói đâu. Cậu bé chỉ nhe răng cười nhìn họ tức giận xuống núi một lần nữa.

Về sau khi cậu bé nhìn thấy một con sói thực sự đang rình mò đàn cừu của cậu. Rất hoảng sợ, cậu bé vắt chân lên chạy đi dùng hết sức gọi toáng lên “Sói! Sói!”

Nhưng dân làng nghĩ rằng cậu bé lại lừa họ nên không ai chạy lên núi.

Khi trở về làng, một cụ già đã khoác tay lên cậu bé và an ủi “sáng mai chúng ta sẽ giúp cháu tìm những con cừu bị mất, không ai tin một kẻ nói dối ngay cả khi họ đang nói thật cháu ạ !”

Câu chuyện trên là một câu chuyện cổ tích nổi tiếng mà tôi nghĩ ai cũng từng một lần nghe qua, nhưng liệu họ có khắc ghi bài học mà nó mang lại hay không thì tôi cũng không rõ lắm.

Cha ông chúng ta lại có một câu nói khác “‘Một lần bất tín, vạn lần bất tin”, cũng cùng đề cập đến cùng một bài học mà câu chuyện Chú bé chăn cừu đề cập.

Đã từ lâu chúng ta dần mất niềm tin vào những lời hứa, những câu chuyện chót lưỡi đầu môi mà chúng ta được nghe từ những nhân vật đại chúng. Những lời giải thích “đúng quy trình”, những lời hứa “mọi thứ sẽ tốt đẹp hơn”, và chúng ta chợt nhận ra, sau nhiều lời hứa hươu, hứa vượn thì không có mấy thứ trở thành sự thật. Phải chăng, thời bây giờ chúng ta dựa vào những thứ khác để tin?

Thời mà niềm tin bị đánh mất, những công nghệ như Blockchain lên ngôi với lời hứa sẽ bảo mật và an toàn. Nhưng niềm tin có giá rất đắt. Để thay thế niềm tin, người ta thiết lập nhiều quy trình và dùng các công cụ kiểm tra, và chi phí cho điều đó rất đắt. Giả sử công ty thuê bạn không tin vào bạn, họ sẽ có đủ các loại biện pháp để kiểm tra phòng ngừa việc bạn có thể đánh cắp bí mật của công ty. Tương tự như vậy, nếu bạn có một đứa con, và con bạn có một lần ăn cắp, bạn sẽ thường xuyên khóa tủ và phòng, kiểm tra túi áo, túi quần của con, thường xuyên kiểm tra cặp sách, theo dõi hành vi mua sắm…

Khi bạn mua một món hàng mà bạn không có đủ niềm tin vào đơn vị cung cấp, bạn sẽ không dùng chợ thương mại điện tử, thay vào đó bạn sẽ đến các cửa hàng, xem sản phẩm sau đó mới chọn mua. Việc xem sản phẩm rồi mới chọn mua là cái giá quy đổi của niềm tin.

Tôi còn nhớ lúc tôi còn nhỏ, ở Huế, mỗi khi ra chợ, cô tôi phải trả giá rất nhiều lần vì chị em tiểu thương rất thích nói thách. Và dù cô tôi có bảo “chị nói giá đúng đi” để em quyết định mua, thì cái giá họ đưa ra vẫn không phải là cái giá cuối cùng. Và cho đến khi người ta nói giá đúng, cô tôi vẫn phải thử trả vài lần mới dám ra quyết định của mình. Bạn thấy đấy, khi không tin được nhau, mọi thứ trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Tôi là một người trung thực, lúc còn bé có thể tôi không hoàn toàn như vậy, nhưng bây giờ tôi có thể tự hào là tôi rất trung thực. Nhưng sự trung thực không đồng nghĩa với có thể đạt được niềm tin. Tôi nhớ có lần tôi mượn bà chị của tôi hai trăm ngàn đồng, và để mượn được số tiền đó, tôi đã phải rất vất vả trình bày đủ các lý do. Một lần khác, tôi cần một khoản tiền lớn để mua máy tính và tôi phải ngỏ lời mượn một người bà con, kết cục là một lời bao biện dù tôi biết rằng họ có rất nhiều tiền, nhưng họ không sẵn sàng để cho tôi mượn. Bạn biết không, tôi không trách họ, bởi tôi không đầu tư để tạo niềm tin cho họ. Nếu bạn muốn mượn tiền ai đó, bạn phải biết cách tạo dựng niềm tin.

Những năm đầu tôi ở Sài Gòn, là những năm tôi phải vay nợ triền miên, và cách duy nhất để vay được, đó là ngân hàng. Bạn có thấy lạ không, tôi lại có chữ tín với ngân hàng cơ đấy. Tôi chưa bao giờ có tạm trú ở T.P. Hồ Chí Minh, tôi không có tài khoản lớn, tôi không có tài sản thế chấp, nhưng ngân hàng vẫn cho tôi mượn vì họ có cơ chế để kiểm tra và xác lập niềm tin. Họ đòi sao kê bảng lương, họ đòi hợp đồng lao động, hai thứ đó là chứng cứ phù hợp và mạnh mẽ nhất để chứng mình đối tượng đi vay có cơ sở để mượn tiền và có khả năng để trả nợ hay không, tiếp nữa họ sẽ kiểm tra IC để xem tôi có nợ xấu hay không. Tôi đã từng nợ tiền khá nhiều (lý do cá nhân) và chỉ nợ ngân hàng, vì tôi thấy thật mất công sức để đi thuyết phục người khác cho mình mượn tiền.

Một hôm nọ, có người hỏi tôi tại sao người ta biết chơi hụi là rủi ro mà vẫn chơi, để rồi sau đó chủ hụi bỏ trốn, mang theo dăm ba chục tỷ. Những chuyện như vậy xảy ra như cơm bữa mà sao người ta vẫn tin. Lúc đó tôi mới giải thích cho bạn mình về cái quy trình tạo dựng niềm tin để mượn tiền của người khác.

Tôi bảo bạn ấy, hãy bắt đầu mượn người ta những số tiền rất nhỏ, với lời giải thích là cần cho việc kinh doanh, và sau đó hãy trả thật đúng hạn và kèm theo quà cảm ơn, dù rằng bạn chả có kể hoạch gì với khoản tiền đó. Sau đó bạn hãy chờ đủ lâu rồi mượn lại với số tiền nhỏ hơn, và vẫn nhớ là cần đúng hạn, lý do luôn là kinh doanh cần vốn đối ứng nhanh, nhớ trả lại cho họ một quà. Sau đó bạn sẽ tăng số tiền mượn lên và vẫn trả đúng hạn. Bạn chả cần kinh doanh gì cả. Đồng thời, sau đó bạn sẽ bắt đầu mượn nhiều người hơn, lấy tiền người nọ đập qua trả nợ cho người kia, trích tiền nợ để trả tiền hoa hồng, lấy tiền nợ sắm ô tô, áo quần bóng bẩy. Bạn càng bóng bẩy, nói nhiều về kinh doanh, về các cơ hội làm ăn, người ta lại càng tin vào bạn. Sau đó bạn dần dần càng kinh doanh lớn hơn, chi mạnh tay hơn, “lời về nhiều hơn”. Đến cuối cùng, bạn quyết định làm một cú để chốt lời, mượn số tiền lớn từ rất nhiều người, hứa hẹn trả lãi cao gấp đôi ngân hàng (dù bạn nợ nhiều vì tiêu xài hoang phí), và tổ chức các sự kiện linh đình mừng làm ăn thành công các kiểu. Ai hỏi bạn sao giàu vẫn vay, bạn sẽ trả lời, làm lớn cần nhiều tiền lắm, như bầu Đức giàu vậy mà vẫn vay kìa. Cú chót của bạn sẽ là số tiền mượn từ nhiều người, mỗi người dăm ba trăm triệu , một số người  vài tỷ. Rồi bạn chợt nhận ra mình đi quá xa, nợ đã quá kiểm soát, và thể là bạn “bùng” để giữ lại số tiền còn lại. Các loại vay nợ rồi bùng thường diễn ra như thế, và hầu như ai cũng tin vào người đi mượn dù rằng có những dấu hiệu hiển nhiên (mà họ thực sự không đủ tinh ý để quan tâm).

Bạn thấy đấy người ta rất dị ứng nếu bạn mượn tiền để tiêu xài. Nhưng người ta sẽ cân nhắc nếu bạn mượn tiền để đầu tư, kinh doanh. Và đó là cái bẫy ngọt ngào dành cho nhiều người. Bởi khi người ta đã muốn làm cho bạn tin, bạn sẽ phải tin thôi.

Ví dụ về tiền bạc và niềm tin sẽ khiến bạn dễ hiểu hơn về niềm tin và cái giá của nó.

Để suôn sẻ trong mọi chuyện bạn phải biết đầu tư và tạo dựng niềm tin với mọi người. Và một khi bạn đã lừa dối, cái giá để mua lại được niềm tin là rất đắt.

Câu hỏi đặt ra là, trong xã hội nhiều sự nhiễu nhương này, bạn có nên đặt niềm tin vào xã hội, vào các doanh nghiệp, vào mọi người hay không?

Với tôi, câu trả lời là có, và tôi đặt niềm tin với những nguyên tắc thông minh. Tôi sẽ không đánh bạc bằng cách cho vay tiền. Tôi sẽ trao niềm tin những người tôi nghĩ là đáng tin và sẽ tính toán đến phương án xử lý nếu rủi ro xảy ra, nghĩa là niềm tin đã bị đánh mất. Và tôi sẽ chấp nhận rủi ro đó, và niềm tin phải chăng  là một khoản đầu tư rủi ro?

Không đặt niềm tin vào bất cứ ai, bạn sẽ chẳng làm được điều gì to tát.

Nhẹ dạ cả tin, bạn có thể sẽ mất tất cả.

Nhưng xem niềm tin như là một tài sản, quản lý niềm tin như quản lý đồng vốn đầu tư, và lập kế hoạch để giải quyết rủi ro. Chủ động trong khi xảy ra khủng hoảng. Nhờ vậy bạn sẽ thiếp lập được mối quan hệ tin cậy với nhiều người hơn, và chuyển qua chiến lược khác khi niềm tin vào một người đã bị đánh mất.

Nếu sống trong cuộc đời này mà không có niềm tin, bạn sẽ là người khổ nhất thế gian.

Bạn sẽ ra đường làm sao khi nhìn đâu bạn cũng thấy nguy cơ gặp kẻ cướp. Bạn sẽ làm sao làm việc được nếu nhìn đồng nghiệp nào bạn cũng thấy nguy cơ tranh công và đổ việc cho người khác. Bạn sẽ làm sao có được người yêu vì nhìn đâu cũng thấy bóng dáng sở khanh. Bạn sẽ ra sao nếu bạn làm sếp mà không tin vào năng lực của nhân viên mình?

Tự bạn trả lời các câu hỏi trên, bạn sẽ thấy vì sao mình không nên tước đi cái quyền được tin tưởng của người khác.

Niềm tin, với tôi là một tài sản quý giá. Tôi tự hào khi thấy moi người tin vào mình. Tôi vui khi tới đâu ai cũng sẳn sàng bán hàng cho mắc nợ (dù tôi chả mấy khi nợ ai). Tôi hạnh phúc vì gia đình tôi luôn tin tưởng vào tôi. Và quan trọng hơn cả tôi có niềm tin vào chính mình.

Niềm tin có giá trị lớn. Đặt niềm tin sai chỗ bạn sẽ mất rất nhiều. Nhưng khi bạn quyết định không tin ai, bạn đang phí hoài tài sản lớn nhất của chính mình.

Có tin thì mới có yêu!

Nguồn: tumivn
TP Hồ Chí Minh 12-Apr-19