Nội dung của nguyên lý này nói đến quy luật về sự tăng trưởng trong nông nghiệp không phải bị kiểm soát bởi tổng lượng tài nguyên sẵn có, mà bởi nguồn tài nguyên khan hiếm, tức những yếu tố giới hạn. Trong nông nghiệp, khi trồng cây hay gieo hạt, người ta quan sát được rằng việc gia tăng lượng các chất dinh dưỡng có sẵn không làm nâng cao sự tăng trưởng của cây trồng. Giả sử một cây trồng cần có các loại dinh dưỡng như K, Na, Fe, P,… nếu gia tăng thêm hàm lượng dinh dưỡng các chất mà cây đã có đủ thì tác dụng không được thêm bao nhiêu. Thế nhưng chỉ cần một loại dinh dưỡng bị thiếu hụt, chẳng hạn cây bị thiếu sắt (Fe) thì cây đó sẽ không thể phát triển được. Cho nên, bí quyết nằm ở chỗ phải gia tăng lượng các chất dinh dưỡng bị giới hạn thì sự tăng trưởng của cây trồng mới được cải thiện. Nguyên lý trên được tóm gọn bằng câu nói:
“Sự sẵn có của các chất dinh dưỡng có nhiều trong đất nhất cũng chỉ mang lại hiệu quả bằng mức với sự sẵn có của các chất dinh dưỡng có ít trong đất nhất.”
Để dễ hình dung hơn về nguyên lý Liebig, bạn có thể tưởng tượng đến một sợi dây xích được tạo nên bởi các mắt xích khác nhau. Nếu như tác động một lực kéo mạnh sợi dây xích thì mắt xích yếu nhất sẽ bị bung ra đầu tiên làm sợi dây đứt xích. Cho nên, nguyên lý này cũng có thể nói là:
“Độ bền của sợi dây xích không phụ thuộc bởi những mắt xích chắc khỏe mà ngược lại, độ bền của sợi dây xích lại phụ thuộc vào mắt xích yếu nhất.”
Một hình ảnh khác còn trực quan hơn nữa, đó chính là hình ảnh một thùng gỗ, mà sau này người ta thường gọi là thùng Liebig để giải thích quy luật Liebig. Cụ thể:
“Dung tích của một thùng gỗ được ghép bởi các thanh gỗ có độ dài khác nhau không ảnh hưởng bởi những thanh dài nhất mà ngược lại, bị giới bạn bởi thanh ghép ngắn nhất.”
Mực nước trong thùng chỉ có độ cao bằng với độ dài của thanh gỗ ngắn nhất ghép lên thùng gỗ đó. Nếu muốn gia tăng dung tích của thùng gỗ, người ta bắt buộc phải khắc phục độ dài của những thanh gỗ ngắn nhất. Đây là một hình ảnh trực quan mà có lẽ ai cũng hiểu và nhìn nhận ra. Thế nhưng, ứng dụng nguyên lý này vào trong cuộc sống, có rất nhiều điều đáng để suy ngẫm mà không phải ai cũng biết.
ĐỪNG COI THƯỜNG ĐIỂM YẾU CỦA BẠN
Từ góc nhìn của nguyên lý Liebig, chúng ta có thể nhận ra một sự thật rằng đôi khi thành công hay thất bại lại phụ thuộc nhiều vào một yếu tố cực kỳ quan trọng, đó chính là điểm yếu.
Thời đi học, nguyên tắc xét duyệt học sinh giỏi là một ví dụ. Chắc hẳn chúng ta vẫn còn nhớ nguyên tắc để một học sinh cấp trung học đạt danh hiệu học sinh giỏi bao gồm hai điều kiện là tổng điểm trung bình các môn học từ 8,0 trở lên và không có bất kỳ một môn học nào có điểm trung bình dưới 6,5.
Như vậy, nếu một học sinh có gần như tất cả các môn học đạt điểm trung bình môn là 9,0 nhưng giả sử chỉ một môn học điểm trung bình 6,0 thì học sinh đó sẽ không đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ở đây, môn học điểm trung bình 6,0 chính là điểm yếu – chỉ một yếu tố nhưng tước đi thành công xét về mặt danh hiệu của học sinh đó. Nếu muốn giải quyết vấn đề trên thì bạn học sinh đó không còn cách nào khác là phải khắc phục môn học 6,0 kia tốt lên, đến một ngưỡng tối thiểu là 6,5. Một ví dụ đơn giản thời đi học nhưng lại là một quy luật ở trong cuộc sống lý giải vì sao rất nhiều người không đạt được một cơ hội có thể giúp họ thay đổi cuộc đời chỉ vì không đáp ứng được một vài điều kiện không phải quá khó. Chẳng hạn như một bạn trẻ khi đi làm ở một công ty nọ, một cơ hội được đi công tác ở nước ngoài để nâng cao chuyên môn, thậm chí là cơ hội việc làm thăng tiến tốt hơn rất nhiều, nhưng với điều kiện là phải đáp ứng được tiêu chuẩn “x chấm” Ielts. Bạn trẻ này rất năng động, có tư duy, có năng lực và nhiệt huyết nhưng vẫn không nắm lấy được cơ hội bởi vì chưa khắc phục được điểm yếu của mình – là yêu cầu tối thiểu của cơ hội đó.
Bóng đá cũng là một ví dụ tiêu biểu ứng dụng định luật này. Trong một trận bóng đá mang tính chất sống còn, chẳng hạn như một trận chung kết của một giải đấu cấp khu vực giữa hai đội thi đấu với nhau, theo bạn chiến thuật thi đấu liệu có quan trọng?
Câu trả lời hiển nhiên là có. Khi đó, các đội bóng sẽ phải tìm hiểu rất kỹ về đối thủ, về điểm mạnh, điểm yếu, sở trường, sở đoản, cách thi đấu, lối chơi,… đến từng chi tiết nhỏ để đưa ra chiến thuật hợp lý. Ở trong bóng đá, chúng ta thường thấy một chiến thuật phổ biến là mỗi đội sẽ luôn tập trung vào điểm yếu của đối thủ. Chẳng hạn nếu đối thủ có vị trí hậu vệ cánh phải là cầu thủ kém nhất đội, thường xử lý bóng lóng ngóng và hay để mất bóng thì đội tuyển đó sẽ thường xuyên tập trung vào những pha lên bóng hướng vào vị trí của hậu vệ cánh phải này thay vì cánh trái. Nếu như ví các cầu thủ trên sân giống như các thanh gỗ ghép lại thùng gỗ thì cầu thủ hậu vệ cánh phải đó chính là thanh gỗ ngắn nhất. Và hiển nhiên, không có lý do gì đối thủ lại không khai thác triệt để “thanh gỗ ngắn nhất” này. Cho nên, bây giờ bạn đã hiểu vì sao có những trận bóng, có những đội hàng tấn công rất mạnh nhưng vì sai lầm hàng phòng ngự dẫn đến thất bại như cách mà người ta vẫn nói đó là “công làm, thủ phá”. Như vậy, đội bóng kia nếu muốn gia tăng sức mạnh và tránh bị thua lãng xẹt thì việc khắc phục điểm yếu cốt lõi “thanh gỗ ngắn nhất” là điều bắt buộc phải làm.
Thành công của một doanh nghiệp cũng bị ảnh hưởng bởi những nhân viên kém nhất. Khi bạn đến một cửa hàng hoặc một nhà hàng, bạn có đánh giá cả một đội ngũ chỉ vì một nhân viên phục vụ bạn thiếu chuyên nghiệp không? Câu trả lời là có!
Như bạn thấy đó, một nhà hàng hoặc một công ty có thể có hàng chục nhân viên, cả trăm nhân viên, thậm chí là hàng ngàn nhân viên nếu đó là thương hiệu có nhiều chi nhánh. Có thể sản phẩm hoặc dịch vụ đó cực kỳ tốt, nhưng nếu vô tình một mắt xích nhỏ nào đó, có thái độ hoặc kỹ năng phục vụ dịch vụ không chuyên nghiệp, điều đó sẽ dẫn đến sự không hài lòng hay cảm xúc khó chịu của khách hàng. Khách hàng đó họ sẽ không quan tâm đến những nhân viên khác phục vụ như nào, bởi vì cảm xúc tiêu cực của khách hàng trong một trải nghiệm là điều không thay đổi được. Một khi họ khó chịu, họ sẽ than phiền sản phẩm, dịch vụ đó với người thân, bạn bè, đồng nghiệp của họ. Có thể một khách hàng không làm ảnh hưởng nhiều đến một doanh nghiệp, nhưng chắc chắn mất đi một khách hàng (có thể là VIP) chỉ vì một nhân viên yếu kém là một điều đáng tiếc không nên xảy ra. Như thế, chỉ một mắt xích làm việc kém đã vô tình ảnh hưởng đến hình ảnh và uy tín của cả một thương hiệu. Và đó là lý do mà vì sao bạn thấy ngày nay các doanh nghiệp lớn, họ nâng cao chuẩn mực tối đa đối với cả những mắt xích làm ở vị trí đơn giản nhất như bảo vệ. Một người bảo vệ chu đáo, nhiệt tình, vui vẻ, biết niềm nở với khách hàng có thể giúp doanh nghiệp tránh nguy cơ mất đi nhiều khách hàng VIP. Hóa ra, thành công đôi khi lại đến từ những yếu tố như vậy.
Nguyên lý Liebig đối với cuộc sống của một người thì sao? Chắc hẳn bạn cũng đã từng gặp những ví dụ kể về một cá nhân mất đi cả sự nghiệp lớn chỉ vì một điểm yếu không thể khắc phục được.
“Gót chân Achilles” (Asin) là một câu ngạn ngữ nổi tiếng nói về điểm yếu của mỗi con người. Achilles là con trai của Peleus – một chiến binh mạnh mẽ với Thetis – nữ thần biển cả. Chàng sở hữu sức mạnh phi thường, thân thể mình đồng da sắt có thể miễn dịch mọi đao kiếm trên đời, có sức mạnh bất khả chiến bại nhưng cuối cùng lại bị tử trận vì một mũi tên trúng vào gót chân – nơi điểm yếu duy nhất của Achilles khi vẫn còn là da thịt phàm nhân. Achilles gần như không có bất kỳ điểm yếu nào trên cơ thể của mình, nhưng cuối cùng lại chết vì một điểm yếu duy nhất.
Michael Jackson – người được mệnh danh là King of pop, là cái tên có sức ảnh hưởng bậc nhất nền văn hóa nghệ thuật toàn cầu kể từ những năm đầu của thập niên 80. Ông từng sở hữu những album âm nhạc bán chạy nhất mọi thời đại, là người xuất hiện nhiều nhất danh sách với 5 album (trong đó Thriller đứng đầu với con có số tiêu thụ trên 65 triệu bản). Ông cũng là một trong số ít nghệ sĩ hai lần được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll, cùng hàng loạt kỷ lục Guinness, 13 giải Grammy, 13 đĩa đơn quán quân trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 của Mỹ, có số lượng trên 400 triệu album được tiêu thụ trên toàn thế giới, đã giành hàng trăm giải thưởng, là nghệ sĩ thu âm được trao giải thưởng nhiều nhất trong lịch sử âm nhạc đại chúng. Nếu vậy thì có điều gì khiến hình ảnh của ông đã bị tổn hại dữ dội cũng như bị dư luận lên tiếng? Liệu có phải là bê bối cáo buộc ông vì tội xâm hại tình dục trẻ em những năm 90 và sau đó những sự căng thẳng liên quan đến luật pháp kéo dài đã khiến ông dần lệ thuộc vào các chất kích thích. Có nhiều người, đôi khi sự nghiệp cả đời lại bị phá hủy bởi một bê bối, mà như người xưa từng nói “Kiếm củi 3 năm thiêu một giờ!”.
Trong giao tiếp thuyết phục thì như nào? Có nhiều người luôn muốn đi tìm bí quyết cho việc học cách thuyết phục người khác, nhưng đôi khi họ lại không làm được là bởi vì vô tình chưa áp dụng nguyên lý Liebig.
Ở góc độ của rèn mình luyện người với NLP (Lập trình ngôn ngữ tư duy) thì thuyết sao cho phục là một nghệ thuật. Bạn thử nghĩ xem, khi tranh luận với một người về một vấn đề, hoặc nếu bạn muốn thuyết phục một người làm một điều gì đó thì bạn nên đưa ra nhiều lý do hay chỉ nên đưa ra một lý do duy nhất? Có lẽ nhiều người tin rằng càng đưa ra nhiều lý do, thì lời lẽ sẽ càng thuyết phục. Sự thật thì không phải như vậy. Nếu như mỗi lý do bạn đưa ra giống như một thanh gỗ của thùng gỗ thì việc đưa ra nhiều lý do sẽ dẫn đến việc bạn để lộ ra cả những thanh gỗ dài lẫn những thanh gỗ ngắn. Thanh gỗ ngắn chính là lý lẽ sơ hở. Khi một người đưa ra quá nhiều lý do thì hiển nhiên sẽ có những lý do không thuyết phục, khi đó đối phương chỉ cần phản biện lại là người này lập tức cảm thấy đuối lý. Cho nên, nếu muốn thuyết phục hoặc tranh luận một ai đó, bạn chỉ cần đưa ra một lý do duy nhất, nhưng là lý lẽ mạnh mẽ nhất mà bạn có được. Ngược lại, nếu muốn phản bác ý kiến của một ai đó, hãy tìm lý do kém thuyết phục nhất của họ (thanh gỗ ngắn nhất) và chỉ tập trung vào đó. Chỉ cần thấu hiểu nguyên tắc này thì bạn làm luật sư phản bác đối phương, làm người bán hàng thuyết phục khách hàng, làm con cái thuyết phục cha mẹ, làm người thương lượng thuyết phục đối tác,… mọi chuyện trở nên thật dễ dàng.
Như vậy, với góc nhìn ứng dụng từ nguyên lý Liebig, chúng ta đã hiểu được sự ảnh hưởng của “thanh gỗ ngắn nhất”, hay “mắt xích yếu nhất” đến thành công của mỗi người hay một tổ chức hay một lĩnh vực. Một khi đã hiểu được sự tác động của những yếu tố giới hạn, chúng ta có thể biết cách và có những sự khắc phục để đạt được những yêu cầu tối thiểu đối với những yếu tố đó. Dĩ nhiên, con người thì không một ai hoàn hảo. Do vậy, không quan trọng là mỗi người có điểm yếu hay không có điểm yếu. Điều quan trọng là nhận ra được điểm yếu và có kế hoạch để hạn chế, cũng như khắc phục ở một mức cần thiết phải có để đạt được những thành công.
*Bài viết độc quyền tại Tâm lý học ứng dụng
Edward