COVID-19: Cơ hội hay rủi ro cho ngành tổ chức sự kiện
Mặc dù đại dịch Covid-19 đã gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến các lĩnh vực kinh tế, xã hội, làm đình trệ mọi hoạt động trong một thời gian dài. Tuy nhiên chúng ta cũng không thể phủ nhận rằng, chính Covid lại đang tạo ra một "cú hích" giúp thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số diễn ra nhanh hơn. Trong đó, một trong những lĩnh vực chuyển đổi mạnh mẽ nhất trong thời gian này phải kể đến tổ chức sự kiện.
Thực chất, việc chuyển đổi số trong ngành sự kiện đã diễn ra từ lâu nhưng khá chậm chạp. Chỉ khi gặp phải đại dịch COVID-19, các hội nghị, sự kiện offline không thể được tổ chức bình thường như trước thì tổ chức sự kiện trực tuyến mới bắt đầu trở thành ưu tiên hàng đầu bắt buộc các công ty sự kiện phải đẩy nhanh tốc độ số hóa để sống sót và tồn tại.
Ngoài ra, khi không còn lựa chọn nào khả dĩ hơn, chuyển đổi số trong ngành sự kiện không chỉ là phương án cứu rỗi cho một ngành nghề trong mùa dịch mà hơn hết còn là hướng đi tất yếu của thì tương lai.
Trước sự lây lan của đại dịch COVID-19, nhiều sự kiện phải chuyển đổi sang tổ chức trực tuyến.
Chuyển đổi số - kỷ nguyên mới của ngành sự kiện
Những thay đổi nhanh chóng về mặt công nghệ đang dần tái định hình tương lai của ngành sự kiện trên mọi mặt. Các thương hiệu hàng đầu, thay vì nằm im chịu lỗ chờ chết, đã chọn cách thích nghi với đại dịch, chuyển hướng tổ chức. Kết quả mang lại thực sự đầy hứa hẹn về một viễn cảnh đắm chìm trong công nghệ.
Kỳ thực, 2020 như một tấm bản lề cho kỷ nguyên mới của ngành sự kiện khi Covid-19 chỉ là tác nhân cuối cùng để lật tấm bản lề chuyển đổi số đó. Trí thông minh nhân tạo (AI) là câu trả lời đầy thuyết phục của cả nhân loại cho việc đón đầu xu thế công nghệ. Giờ là lúc ngành sự kiện cần bước ra khỏi “vùng an toàn”, nhập cuộc chuyển đổi số để tự cứu mình.
Ngành sự kiện đang đứng trước bước ngoặt chuyển đổi số để tồn tại và phát triển trong bối cảnh bình thường mới.
Concert toàn cầu “One World: Together At Home” do Lady Gaga khởi xướng, kết hợp với WHO tổ chức để gây quỹ toàn cầu hồi tháng 4 vừa qua là một minh chứng. Sự kiện thu hút sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như lượng khán giả theo dõi trực tuyến lên đến hơn 20 ngàn người đã cho thấy tiềm năng to lớn của sự kiện trực tuyến. Rất nhiều chuyên gia đã chọn concert này để nghiên cứu cho thành công đáng mong đợi của công nghệ tổ chức sự kiện, ở hình thức trực tuyến. Và những kết luận rút ra có thể khiến bạn ngạc nhiên.
Bởi lẽ, chuyển đổi số trong tổ chức sự kiện mang lại những trải nghiệm hoàn toàn mới cho người tham gia và dĩ nhiên, sự hứng thú cũng tăng lên. Thêm vào đó, về phía nhà tổ chức, họ chỉ cần những dụng cụ công nghệ hiện đại có kết nối internet là có thể lan tỏa sự kiện của mình đi đến mọi ngóc ngách của thế giới. Điều mà sự kiện trực tiếp khó thực hiện được.
Đó cũng là lý do vì sao Samsung mang màn hình cong do chính thương hiệu này phát triển lên sân khấu Unpacked 2020. Ông lớn công nghệ của Hàn Quốc dựa vào yếu tố thị giác để mang đến một sự kiện mãn nhãn thực sự cho người xem, từ đó đóng đinh vào tâm trí khán giả về một thương hiệu công nghệ đột phá, hiện đại, phủ sóng toàn cầu.
Thay đổi hay là chết, đó là câu hỏi mà các nhà tổ chức sự kiện cần đặt ra lúc này trước những khó khăn thực sự do Covid-19 mang lại. Chi phí thấp và hàng loạt những lợi ích tối ưu về không gian, thời gian… đang giúp sự kiện trực tuyến “dẫn điểm” so với sự kiện trực tiếp.
Có thể nói, chuyển đổi số trong tổ chức sự kiện đang thực sự là vấn đề sống còn của một ngành nghề, trong bối cảnh cả thế giới buộc phải chuyển dịch trạng thái vì đại dịch.
Nguồn: Brandsvietnam