“Thuyết con mèo” được coi là sáng tạo của nhà chính trị Trung Quốc Đặng Tiểu Bình. Nó rộ lên ở khu vực Bắc và Nam Á một giai đoạn. Trên thực tế không ai phủ nhận những giá trị tốt của thuyết này, nhưng như một nhà báo BBC từng nói đại để: trong một số lĩnh vực, châu Á cứ tưởng mình sáng tạo ra một cái gì đấy, nhưng thực ra người châu Âu đã làm từ lâu rồi. Tại Việt Nam, không ít người coi thuyết mèo như một biệt dược chữa bách bệnh và tôn sùng nó tới mức mê tín.
“Thuyết con mèo” từ copy đến sáng tạo
Thuyết “con mèo” nổi tiếng, nhưng không phải Đặng Tiểu Bình là người phát kiến ra. Nó có xuất xứ từ bộ tiểu thuyết Liêu trai chí dị của Bồ Tùng Linh tác giả nổi tiếng trong văn học cổ đại Trung Hoa ( Đây là bộ truyện ngắn, nhưng TQ coi mỗi truyện là 1 tiểu thuyết, khái niệm này khác Việt Nam). Tại quyển 3, cuối thiên Khu quái (Trừ tà) có câu: “Dị sử thị viết: hoàng li hắc li, đắc thử giả hùng.” (Mèo vàng mèo đen, chỉ cần bắt được chuột thì đều là mèo tốt). Liêu trai chí dị bao gồm 16 quyển chia làm 431 tập truyện chính và 17 truyện phụ, tổng 448 tập về những truyện kỳ quái mà Bồ Tùng Linh sưu tập được. Đây cũng được coi là một đỉnh cao trong thể loại truyện ngắn cổ điển Trung Quốc.
Đặng Tiểu Bình, có một đặc điểm là rất mê đọc Liêu trai chí dị. Trác Lâm , vợ của Đặng cho biết, Ông thường mang Liêu trai chí dị theo đọc trong mỗi chuyến công cán. Tờ Văn vựng báo của Hongkong có đăng bài cho biết, Đặng Tiểu Bình từng yêu cầu nhân viên tháo cuốn Liêu trai chí dị ra thành các trang rời, khi ra ngoài thì mang theo vài thiên, lúc rỗi thì đọc..
Chính nhờ nghiền ngẫm tập truyện cổ nổi tiếng này mà Đặng đã đúc rút được chân lý trên, và gắn nó vào thực tiễn cuộc sống Trung Quốc thời điểm lịch sử bấy giờ, thành một quan điểm lãnh đạo đường lối phát triển nông nghiệp. Nhưng rất tiếc, quan điểm ấy bị vùi dập.
Vào tháng 7/1962, Đặng Tiểu Bình đã phát biểu "Thuyết con mèo" của mình tới 2 lần, lần thứ nhất trong Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 7 khóa 3 Đoàn Thanh niên Đảng cộng sản Trung Quốc; lần thứ hai, trong bài phát biểu tại Hội nghị Ban bí thư Trung ương Đảng thảo luận về vấn đề làm thế nào để khôi phục nền nông nghiệp. Nội dung này được diễn đạt đầy đủ như sau: "Bất kể mèo vàng hay mèo đen, phương pháp nào có lợi cho khôi phục sản xuất thì áp dụng phương pháp đó. Tôi tán thành việc nghiêm túc nghiên cứu khoán sản lượng đến từng hộ gia đình". (Đặng Tiểu Bình văn tuyển - Làm thế nào để khôi phục sản xuất nông nghiệp)
Thời điểm ấy, nền kinh tế Trung Quốc đang lâm vào khủng hoảng. Tại một số địa phương đã xuất hiện hình thức như khoán sản lượng đến từng hộ gia đình, giống khoán 10 Việt Nam. Những hình thức này mặc dù giúp phần nào khôi phục sản xuất, được nhân dân ủng hộ, nhưng trong cơ chế quản lý kinh tế quan liêu khi đó bị coi là “bất hợp pháp”. Đặng Tiểu Bình dùng so sánh “mèo vàng mèo đen” này, chủ yếu là để nói một cách hình ảnh rằng: Trong quan hệ sản xuất, không thể hoàn toàn áp dụng một hình thức cố định bất biến, mà hình thức nào tại địa phương nào có thể khôi phục và phát triển sản xuất một cách dễ dàng và nhanh chóng thì áp dụng hình thức đó.
Tháng 8/1962, Chủ tịch Trung Quốc lúc đó là Mao Trạch Đông tại hội nghị Bắc Đới Hà, coi tư tưởng này là “gió nghịch chiều”, dẫn đường đến chủ nghĩa tư bản. Trong Đại cách mạng văn hóa, thuyết này cũng bị phê phán kịch liệt, bị gọi là “thuyết duy lực lượng sản xuất”.
Tuy nhiên sau này, ở thời kỳ mở cửa và hội đủ quyền lực, Thuyết của Đặng Tiểu Bình đã chứng minh được sự ưu việt của nó đặc biệt áp dụng trong cải cách quan hệ sản xuất cải tạo được hình ảnh Trung quốc “như người kéo xe ba gác kiếm tiền, đi đánh nhau hết sạch rồi lại trở về với chiếc xe ba gác kiếm tiền” theo cách nói của Tôn Dật Tiên – thành một Trung Quốc phát triển.
Biệt dược không phải chữa được bách bệnh.
Sự thành công “thuyết mèo” của Đặng Tiểu Bình có nhiều ý nghĩa. Nó dạy con người biết học cổ nhân tiếp thu và sáng tạo văn hóa tinh hoa. Nhưng cho rằng nó chữa bách bệnh thì quyết là sai lầm.
Trên thực tế hình ảnh gợi ra trong Liêu trai chí dị là một hình tượng văn học mở, bản chất là một ẩn dụ tinh túy uyên thâm phổ quát, nhưng không phải vì thế mà áp dụng cho tất cả. Ý nghĩa cụ thể có thể gợi ra các liên tưởng về con người, hành động, vật thể… Ý nghĩa trừu tượng có thể liên tưởng về đường lối, tư tưởng chỉ đạo, ý nghĩ… tất cả những cái đó dù là gì cũng không câu lệ nó là ai, là gì, như thế nào? Miễn là đạt hiệu quả, mục tiêu...
Nếu xét theo chiều hướng này thì thực chất không có “mèo đen” hoặc “mèo vàng” mà chỉ có “mèo bắt được chuột”, còn lại là mèo ngố hoặc mèo nhựa, mèo gỗ…là những loại mèo không bắt được chuột. Giả thiết có cách làm 1 và cách làm 2 thực hiện cùng phát triển nền nông nghiệp thành công; thì trên thực tế đó không phải là “2 mèo” mà là 1 mèo có nhiều cách làm mà thôi.
Tuy nhiên đó không phải là vấn đề chính, nếu chỉ vì mục tiêu mà bất chấp cách làm, bất chấp hình thức thể hiện thì mới là nguy hại. Ví dụ cách trị nước, hoặc mở rộng bờ cõi thời trung cổ người Trung quốc dùng Bá đạo (sức mạnh khuất phục) hoặc Vương đạo (Nhân nghĩa chinh phục). “2 con mèo” này cùng bắt được chuột. Nhưng một đằng là máu chảy, một đằng là hòa bình. Thực tế lịch sử quan hệ với Việt Nam Đặng đã đục bỏ 16 chữ vàng chọn cách tạo chiến tranh biên giới 1979 để …bắt chuột? Và rồi để lại một vết nhơ trong sự nghiệp chính trị huy hoàng của ông ta.
Khi viết thuyết mèo, chủ ý của Đặng muốn nói đến sự năng động không có gì bất biến. Do vậy chính thuyết mèo cũng không phải là bền vững. Bản thân Ông khi hành xử trong giai đoạn cầm quyền từng có những tuyên bố “không có bạn vĩnh viễn và không có kẻ thù vĩnh viễn”. Ngay cả Đức Khổng Tử cũng bị coi là “Tên tướng phản động nhất Trung Quốc”! Bàn điều này để nói một vấn đề, thuyết mèo có những sự hạn chế của nó. Người sử dụng thuyết mèo phải có bản lãnh cao cường nhìn nhận được những giá trị ở tầm chiến lược, lâu dài, biết được làm lúc nào , cho đối tượng nào và khắc chế được “những tác dụng phụ” của nó thì mới áp dụng.
Do vậy nhiều vấn đề cứ đặt mục đích “bắt được chuột” mà dùng mèo có thể gây ra những hậu họa khôn lường về sau. Người dùng thuyết mèo, nếu coi đó là cục nhân sâm ngàn năm tuổi, thì hãy nhớ nhân sâm không chữa trị được bệnh đau bụng.
Trên thực tế, "thuyết con mèo” có phải do Đặng Tiểu Bình đưa ra đầu tiên hay không thực ra không quan trọng, điều quan trọng là Đặng Tiểu Bình có thể phát dương tinh thần của câu nói ấy để đem lại lợi ích cho người dân Trung Quốc. Ông đã vận dụng “thuyết mèo vàng mèo đen” một cách xác đáng, đối với người Trung Quốc mà nói, đây thực sự là một ví dụ mẫu mực về học tập tinh hoa văn hóa truyền thống, thể hiện tinh thần cầu thị, lối tư duy, tác phong công việc và nguyên tắc luôn lấy thực tế làm xuất phát điểm – kim chỉ nam của công cuộc hiện đại hóa đang đưa Trung Quốc lên hàng cường quốc kinh tế hiện nay.