Đây là cuốn sách nổi tiếng trên thế giới về phát triển bản thân và tài năng lãnh đạo. Cuốn sách đã được xuất bản hơn 20 triệu bản với hơn 38 ngôn ngữ, và luôn nằm trong danh sách sách bán chạy nhất kể từ năm 1989 đến nay.
Tác giả Stephen R. Covey (1932-2012), ông là nhà giáo dục, doanh nhân, tác giả, và diễn giả người Mỹ. Ông là tác giả của nhiều cuốn sách hàng đầu thế giới về nghệ thuật lãnh đạo, và phát triển bản thân.
7 thói quen “giải quyết” những thách thức và giúp chúng ta thành đạt
Trong kỷ nguyên này, chúng ta luôn đối mặt với những thách thức: sợ hãi và tự ti; suy nghĩ tuyệt vọng, bế tắc; những trách nhiệm nặng nề; khao khát và tham vọng sở hữu; mất cân bằng trong cuộc sống; ích kỷ; xung đột và khác biệt với người khác; mong muốn được người khác lắng nghe… Và nhiều người có thể viết ra hàng chục trang giấy về những khó khăn và thách thức mà họ phải đang đối diện hằng ngày.
Vậy thì đâu là giải pháp cho những thách thức này?
Chúng ta hãy đón nhận sự thay đổi và để bảy thói quen của những người thành đạt trở thành thói quen của chính chúng ta. Khi ấy, chúng ta không chỉ đương đầu với mọi thách thức một cách tích cực, mà còn trở thành một con người khác: một con người thành đạt, hiệu quả về cá nhân và những mối quan hệ xung quanh.
Thói quen
Thói quen là những khuôn mẫu nhất quán, đôi khi vô thức, thể hiện tính cách thường xuyên của chúng ta. Chúng quyết định sự hiệu quả của hoạt động và tạo nên sức mạnh bên trong của chúng ta. Có thể nói rằng thói quen là một trong những nhân tố quan trọng quyết định số phận của mỗi người.
Thói quen, nhất là thói quen xấu, có sức hút rất lớn và rất khó thay đổi hay từ bỏ. Nếu hiểu được bản chất của thói quen và có một quyết tâm cao, chúng ta có thể từ bỏ thói quen xấu và học thói quen tốt.
Để xây dựng một thói quen chúng ta cần phải có cả 3 yếu tố: (1) Tri thức: làm gì và tại sao; (2) Kỹ năng: làm như thế nào và (3) Khát vọng:động cơ, ý muốn hành động.
Hiệu quả chính là sự cân bằng P/PC
Câu chuyện ngỗng đẻ trứng vàng của Aesop(27) kể rằng:
Một nông dân may mắn có được con ngỗng đẻ trứng vàng. Và cứ mỗi ngày, con ngỗng lại đẻ thêm một quả trứng vàng. Nhờ vậy, người nông dân trở nên giàu có và tham lam hơn, rồi anh ta quyết định giết con ngỗng để lấy hết trứng trong bụng của nó. Nhưng con ngỗng không có một quả trứng nào ở trong bụng, kể từ đó người nông dân không còn được hưởng quả trứng vàng nào nữa.
Câu chuyện cho thấy, hiệu quả thực sự là một hàm số gồm hai biến số: sản phẩm – là những gì được sản xuất (trứng vàng) và phương tiện – là năng lực để sản xuất (con ngỗng).
Nếu chúng ta áp dụng mô hình cuộc sống tập trung vào sản phẩm (những quả trứng) mà bỏ qua phương tiện sản xuất (con ngỗng) chúng ta sẽ mất đi phương tiện sản xuất. Nhưng nếu chúng ta chỉ chăm sóc con ngỗng mà không quan tâm đến trứng vàng thì cũng sẽ không có gì để nuôi sống con ngỗng.
Tính hiệu quả phụ thuộc vào cả hai yếu tố: P là sản phẩm (Production) và PC là năng lực sản xuất (Production Capability). Sự cân bằng P/PC chính là cốt lõi của tính hiệu quả.
Một công ty hiệu quả không thể chỉ quan tâm đến khách hàng mà xem nhẹ nhân viên. Một người hiệu quả không vì làm việc quá sức mà không quan tâm giữ sức khỏe của mình.
Sự cân bằng P/PC luôn tồn tại và có giá trị trong mọi lĩnh vực cuộc sống. Nó là định nghĩa, là mô thức của sự thành đạt và cũng là cơ sở hình thành nên bảy thói quen.
Bảy thói quen của người thành đạt bao gồm:
Ba thói quen về thành quả cá nhân: chủ động lựa chọn; lựa chọn mục tiêu; hành động cho điều quan trọng nhất;
Ba thói quen về thành quả tập thể: tư duy cùng thắng; lắng nghe và thấu hiểu; hợp tác, thể hiện sự độc lập;
Một thói quen về sự đổi mới phát triển.
Và bảy thói quen không phải là một tập hợp rời rạc mà là sự kết hợp chặt chẽ với phương pháp tịnh tiến liên tục nhằm nâng cao hiệu quả cá nhân và các mối quan hệ của cá nhân đó.
Thói quen thứ nhất: Luôn chủ động
Khác với các động vật khác, mỗi người chúng ta đều có quyền tự do lựa chọn phản ứng, hành động khi nhận được kích thích.
Người chủ động luôn biết cách sử dụng quyền tự do lựa chọn phản ứng khi nhận được kích thích và có khả năng phản ứng đúng trong hầu hết các điều kiện và hoàn cảnh.
Đây là yêu cầu thiết yếu của một người thành đạt và hạnh phúc. Họ chủ động suy nghĩ và dùng những ngôn từ chủ động.
Thay vì nói “Tôi không thể làm gì được nữa”, thì họ nói “Hãy tìm cách khác”; thay vì nói “Anh ta làm tôi phát điên”, thì họ “Tôi biết kiềm chế cảm xúc của mình”; thay vì nói “Tôi không thể”, họ nói “Tôi có thể” hay “Tôi chọn…”, thay vì xem yêu là một cảm xúc, người chủ động họ xem yêu là một động từ. Tình yêu thúc đẩy chúng ta hành động: hy sinh, cho đi và hạ thấp cái Tôi của mình.
Dựa vào bốn khả năng thiên phú của con người là trí tưởng tượng, lương tâm, ý chí độc lập và khả năng tự nhận thức, người chủ động xác định họ là “người sáng tạo mọi thứ và chịu trách nhiệm với mọi hành vi của mình”.
“Người chủ động” thì sẽ tập trung trí tuệ, sức lực, thời gian của mình vào Vòng tròn Ảnh hưởng (Circle of Influence) gồm những sự vật, sự việc họ có thể kiểm soát, quản lý. Với năng lượng tích cực của mình, họ ngày càng mở rộng vòng tròn ảnh hưởng.
Còn “Người bị động” thì ngược lại, họ tập trung vào Vòng tròn Quan tâm (Circle of Concern) gồm những vấn đề nằm ngoài khả năng kiểm soát, ngoài khả năng ảnh hưởng, tác động của họ.
Sự tập trung ngược này, thay vì tập trung vào vòng tròng ảnh hưởng, họ lại tập trung vào vòng tròn ảnh hưởng sẽ dẫn đến thái độ đổ lỗi, lên án và không chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Việc tập trung vào Vòng tròn Quan tâm cộng với bỏ mặc những điều có thể làm được sẽ làm cho Vòng tròn Ảnh hưởng bị thu nhỏ lại.
Thói quen thứ hai: Bắt đầu từ mục tiêu đã được xác định
Chúng ta hãy suy nghĩ sâu sắc về mục tiêu của mình là gì. Rất nhiều người đã sống và đạt được những thành tựu “phù du” và cuối đời nhận ra mình chưa đạt được một mục tiêu đúng đắn nào.
Mỗi chúng ta có thể có một trọng tâm hay phối hợp nhiều trọng tâm khác nhau cho cuộc đời của mình: gia đình, tiền bạc, công việc, tài sản, thú vui, bạn bè, đối thủ, tôn giáo, bản thân, vợ chồng…
Người thành đạt sẽ tạo cho mình một trọng tâm phối hợp để có thể đạt được bốn yếu tố: An toàn, Định hướng, Khôn ngoan và Năng lực ở đỉnh cao. Nhờ vậy, người thành đạt luôn ở thế chủ động cũng như kết hợp hài hòa mọi mặt cuộc sống.
Để có thói quen “bắt đầu mục tiêu đã được xác định”, chúng ta phải thiết lập một bản tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân. Tuyên ngôn này lấy giá trị và nguyên tắc làm nền tảng và thể hiện rõ chúng ta muốn trở thành người thế nào (tính cách), sẽ làm gì (cống hiến, thành tích).
Chúng ta không chỉ quản lý cuộc đời mình – làm đúng – mà còn phải lãnh đạo cuộc đời mình – làm điều đúng – để luôn hướng tới mục tiêu đã được xác định.
Thói quen thứ ba: Ưu tiên cho điều quan trọng nhất
Chúng ta quản lý thời gian theo ma trận gồm bốn phần:
Phần thứ nhất: (bên trái, phía trên) gồm những hoạt động khẩn cấp và quan trọng;
Phần thứ hai: (bên phải, phía trên) gồm những hoạt động không khẩn cấp nhưng quan trọng;
Phần thứ ba: (bên trái, phía dưới) gồm những hoạt động khẩn cấp nhưng không quan trọng;
Phần thứ tư: (bên phải, phía dưới) gồm những hoạt động không khẩn cấp và cũng không quan trọng.
Những người không thành đạt dùng đến 90% thời gian cho phần thứ nhất (Quan trọng và Khẩn cấp) và 10% cho phần thứ tư (Không quan trọng và Không khẩn cấp).
Một số khác dành thời gian cho phần thứ ba (Khẩn Cấp, Không Quan trọng) nhưng lại luôn nghĩ rằng mình đang ở phần thứ nhất.
Người thành đạt sẽ dành rất ít thời gian cho phần thứ ba và thứ tư. Họ cũng sẽ tối thiểu hóa thời gian dành cho phần thứ nhất để tập trung thời gian quý báu của họ vào phần thứ hai (Không khẩn cấp – Quan trọng). Phần này gồm những công việc như: xây dựng các mối quan hệ, viết bản tuyên ngôn sứ mệnh cá nhân, lập kế hoạch dài hạn… – chúng là những việc quan trọng, cần thiết nhưng ít khi được thực hiện vì không cấp bách.
Để có thể tập trung vào ô thứ hai này và nói “Không” với muôn vàn những sự việc không quan trọng, người thành đạt phải luôn dựa vào các nguyên tắc, sứ mệnh cá nhân, vai trò và mục tiêu đã định.
Công cụ được dùng để lập các hoạt động thuộc phần tư thứ hai cần phải đáp ứng sáu tiêu chí quan trọng sau:
- Tính chặt chẽ: phải có sự hài hòa, thống nhất và gắn kết giữa tầm nhìn với sứ mệnh, giữa vai trò với mục tiêu, giữa các ưu tiên với kế hoạch, giữa ý muốn với kỷ luật;
- Tính cân bằng: cân bằng cuộc sống và không bỏ qua một yếu tố quan trọng nào như sức khỏe, gia đình, chuẩn bị cho nghề nghiệp hay phát triển bản thân;
- Nên dùng đơn vị thời gian cơ bản là tuần
- Quan tâm đến khía cạnh con người;
- Tính linh hoạt: công cụ phải phục vụ con người chứ không phải ngược lại, và công cụ phải thể hiện phong cách, nhu cầu và cách thức của chúng ta;
- Tính gọn nhẹ: dễ mang theo và dễ sử dụng.
Để trở thành người tự quản ô thứ hai hiệu quả, chúng ta cần xác định, nhận diện tất cả vai trò của mình như làm cha, làm chồng, làm con, làm giám đốc kinh doanh, làm bạn… và có những mục tiêu quan trọng riêng cho mỗi vai trò để theo đuổi và thực hiện.
Tài khoản tình cảm và sáu cách ký gửi vào tài khoản tình cảm
Tài khoản tình cảm là một cách nói ẩn dụ mô tả mức độ tin cậy được xây dựng trong một mối quan hệ. Đó là cảm giác an toàn, độ tin cậy giữa chúng ta và người khác.
Giả sử chúng ta ký gửi vào tài khoản tình cảm của một người bạn bằng sự nhã nhặn, tốt bụng, chân thành và giữ các cam kết với bạn mình thì chúng ta đã thiết lập một khoản dự trữ. Sự tin cậy của người bạn dành cho chúng ta sẽ cao hơn, và khi cần chúng ta có thể nhờ đến sự tin cậy đó.
Có sáu cách ký gởi vào tài khoản tình cảm của một người khác bao gồm:
(1) hiểu rõ từng cá nhân,
(2) quan tâm đến những điều nhỏ nhặt nhất,
(3) giữ uy tín, luôn giữ đúng lời hứa,
(4) làm rõ kỳ vọng của mối quan hệ,
(5) thể hiện sự chính trực của bản thân
(6) thành thật nhận lỗi khi phạm sai lầm.
Thói quen thứ tư: Tư duy cùng thắng (win-win)
Sáu mô thức của mối quan hệ tương tác bao gồm:
(1) cùng thắng,
(2) thắng/thua,
(3) thua/thắng,
(4) thua/thua,
(5) chỉ có thắng,
(6) cùng thắng hoặc không giao kèo.
Trong thực tế cuộc sống, đa số các tình huống đều có mối quan hệ tương thuộc, do đó tư duy cùng thắng, tức hai bên cùng có lợi là phương án phù hợp nhất.
Nguyên tắc cùng thắng là nguyên tắc cơ bản mang đến thành công trong mọi tương tác của con người. Nó bao gồm năm mặt tương thuộc, khởi đầu là tính cách, sau đó là các mối quan hệ để hình thành những thỏa thuận.
Nó phải được nuôi dưỡng trong một môi trường có cấu trúc và quy tắc được xây dựng trên cơ sở tư duy cùng thắng. Nguyên tắc cùng thắng không thể nào đạt được bởi những người có tư duy thắng/thua, thua/thắng hay thua/thua.
Thói quen thứ năm: Lắng nghe và thấu hiểu
Con người hay có thói quen áp đặt suy nghĩ chủ quan của mình lên hoàn cảnh của người khác. Một ẩn dụ cho cách áp đặt này như sau: bác sĩ mắt đề nghị các bệnh nhân nhìn không rõ hãy dùng cặp mắt kính mà ông đang sử dụng, vì Ông cho rằng ông thấy rõ thì họ cũng sẽ thấy rõ!
Để tránh xu hướng áp đặt hay đưa ra những lời khuyên vội vã này thì chúng ta cần phải lắng nghe và thấu hiểu người khác.
Để rèn luyện thói quen giao tiếp hiệu quả, bạn không nên chỉ dựa vào kỹ thuật giao tiếp mà hãy xây dựng cho mình một thái độ lắng nghe và thấu hiểu để dẫn đến sự cởi mở và tin cậy. Chúng ta cũng cần mở các tài khoản tình cảm để tạo sự thông hiểu giữa hai tâm hồn.
Thói quen thứ sáu: Hiệp lực
Đoàn kết hiệp lực bao giờ cũng mạnh hơn từng phần cộng lại. Hợp tác, đồng tâm hiệp lực là yêu cầu cốt yếu của mô thức lãnh đạo lấy nguyên tắc làm trọng tâm. Nó là chất xúc tác giúp liên kết và giải phóng những sức mạnh to lớn bên trong mỗi con người chúng ta.
Đồng tâm hiệp lực luôn đem lại kết quả tốt hơn. Nó là kết quả trọn vẹn của nhiều thói quen khác. Nó đem lại sự thành công trong một thực tại tương thuộc – đội nhóm làm việc tập thể, xây dựng tập thể, phát triển sự đoàn kết và sáng tạo với những người khác.
Hợp tác không có nghĩa là đồng nhất mọi người. Ngược lại, hợp tác coi trọng sự khác biệt của mỗi người chúng ta về trí tuệ, tình cảm, tâm lý, quan điểm và cách nhìn nhận vấn đề.
Thói quen thứ bảy: Rèn luyện, phát triển bản thân
Thói quen thứ bảy chính là thói quen duy trì, phát triển và gia tăng tài sản của chính bản thân chúng ta. Chúng ta phải luôn rèn luyện và đổi mới ở bốn mặt sau:
(1) Về Thể chất: luyện tập thể dục thể thao, dinh dưỡng, kiểm soát áp lực;
(2) Về Trí tuệ: học và đọc, hình dung, lập kế hoạch, viết;
(3) Tinh thần: giá trị, cam kết, nghiên cứu, thiền định;
(4) Quan hệ xã hội, tình cảm: phục vụ, thấu hiểu/thông cảm, hợp tác, an toàn nội tại.
Đổi mới và rèn luyện là một nguyên tắc và cũng là quá trình giúp chúng ta phát triển và tiến lên theo đường xoắn ốc của sự tăng trưởng và liên tục đổi mới.
Con đường phát triển này đòi hỏi chúng ta phải học, cam kết và làm nó hằng ngày với mức độ ngày càng cao hơn.Không có mức độ nào là đủ cao để ngừng lại.
Chúng ta phải liên tục phát triển, liên tục học – cam kết – thực hiện, liên tục thực hiện – học – cam kết và liên tục cam kết – thực hiện – học… Cứ luân phiên và liên tục như thế theo đường tăng trưởng xoắn ốc.
Tóm tắt sách 7 Thói Quen Để Thành Đạt
Người tóm tắt: Lâm Minh Chánh