Muji, chiến lược nhận diện thương hiệu “ngược đời” và công thức "Less Is More"

Ngày nay, bất kỳ thương hiệu nào muốn thành công đều phải sở hữu một bộ nhận diện hoành tráng và có chiến lược tiếp cận khách hàng cụ thể. Nhận diện thương hiệu từ lâu đã không đơn giản là màu sắc hoặc logo công ty, mà nó chính là thông điệp và sứ mệnh mà các doanh nghiệp muốn khách hàng của mình có thể cảm nhận. 

Ông Satoru Matsuzaki, Chủ tịch của Ryohin Keijkaku, công ty điều hành Muji chia sẻ tại một hội nghị diễn ra ở Singapore vào thứ Năm tuần trước: "Chúng tôi tin rằng mình có thể ‘giải phóng’ người tiêu dùng bằng cách loại bỏ tất cả những yếu tố không cần thiết ở sản phẩm của mình. Tất cả sản phẩm của chúng tôi đều hướng tới những điều cơ bản nhất và rất dễ sử dụng. Chính khách hàng là người đã làm tăng giá trị cho chúng".

Muji được cho là một trong những công ty "ngược đời" nhất thế giới. Trong khi nhiều nhà thiết kế khác đang cố gắng tạo ra các sản phẩm mới hơn và phức tạp hơn để thu hút thêm người mua thì Muji lại tìm cách để tối giản hóa. Chiến lược này của hãng có thể được coi là "phản thiết kế, phản tiêu dùng". Chúng ta hãy cùng tìm hiểu bài viết dưới đây.

Quá trình hình thành và phát triển

Sau Chiến tranh thế giới thứ 2, Nhật Bản nghiễm nhiên trở thành “phép màu kinh tế” vì có tốc độ hồi phục đáng nể và nhanh chóng trở thành nền kinh tế đứng thứ hai thế giới. Các thương hiệu nội địa lúc này ưu tiên chiến lược thổi phồng và phô trương sản phẩm, lý giải lý do tại sao hàng hóa Nhật thời điểm này vô cùng đắt đỏ nhưng chưa chắc đã đi đôi với chất lượng.

Hành trình trở thành thương hiệu toàn cầu của Muji bắt đầu từ những năm 1980 tại Nhật Bản. Cái tên Muji là từ viết tắt từ Mujirushi Ryohin, có nghĩa là “không thương hiệu, chất lượng cao”.

Thuở sơ khai, thương hiệu này chuyên cung cấp các loại đồ gia dụng và thực phẩm. Xuất phát với danh sách hàng hóa vô cùng khiêm tốn với 9 món đồ gia dụng và 31 loại thực phẩm, nay đã lên đến con số hàng nghìn mặt hàng đủ chủng loại khác nhau từ mỹ phẩm đến nội thất và thậm chí cả xe hơi. 

Sự xuất hiện của Muji có thể xem như một bước ngoặt làm thay đổi xu hướng và nhu cầu mua hàng của người dân quốc gia này cho đến nay. Ở thời điểm hiện tại, thương hiệu này đã có hơn 700 cửa hàng tại 30 quốc gia và được định giá gần 6 tỷ đô. 

Fun fact: Năm 2001, thời điểm mà hầu hết các thương hiệu xe hơi có trào lưu tạo ra những chiếc xe hào nhoáng và bóng bẩy nhất, thì Muji lại một lần nữa đi ngược thời cuộc. Cụ thể, họ kết hợp với Nissan để sản xuất ra chiếc xe hơi mang tên 2001 Muji Car 100. Chiếc xe này không hề có thương hiệu trên mình, cũng không sở hữu sắc sơn nổi bật, tất cả điều này chính xác là những gì mà Muji đang hướng đến. 

Chiếc xe mà MUJI và Nissan kết hợp sản xuất vào năm 2001

Chiến lược nhận diện thương hiệu “ngược đời”

Có thể nói Muji đã có bước đi vượt thời gian khi chọn đơn giản và tối ưu hóa từ thương hiệu đến quy trình tạo ra sản phẩm từ những năm 1980, trước cả thời điểm mà chủ nghĩa tối giản bắt đầu trở thành một lối sống toàn cầu. Bên cạnh đó, họ còn thành công trong việc thu hút được một nhóm khách hàng cố định, những người đã quá chán nản với chủ nghĩa tiêu thụ. 

Thu hút được một nhóm đối tượng là chuyện quá đơn giản, vậy Muji đã làm gì để giữ chân nhóm khách hàng này gần 40 năm qua?

Đơn giản hóa mọi thứ từ để nâng cao chất lượng sản phẩm

Lý do đầu tiên giúp Muji giữ chân được một lượng khách hàng trung thành là bởi chất lượng sản phẩm của họ. Cân bằng giữa việc sở hữu thiết kế thu hút và chất lượng sản phẩm là điều không đơn giản. Tuy vậy, Muji đã tìm ra “chìa khóa” cho câu hỏi khó nhằn trên bằng 3 nguyên tắc: lựa chọn nguyên liệu, tối ưu hóa quy trình sản xuất và đơn giản hóa đóng gói.