Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đã từng rơi vào tình huống khi ta mua một món đồ mới và lập tức tìm mua những món đồ khác hợp để đi kèm với nó, chẳng hạn như một chiếc túi xách và đôi giày hợp với chiếc váy mới, hay tấm phủ bàn phím, đế tản nhiệt, túi chống sốc, balo riêng...cho chiếc laptop mới....Đây là một trạng thái tâm lý rất rất phổ biến, và người ta còn có hẳn một cái tên để gọi nó - Hiệu ứng Diderot. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm phần nào về hiệu ứng thú vị này, cũng như một vài gợi ý để không bị cuốn theo nó.
Tôi không phải một nhà tâm lý học, càng không phải một nhà triết học. Nhưng, tôi đã dành kha khá thời gian suy ngẫm về mục đích mà chúng ta theo đuổi, những thứ chúng ta sở hữu, những thứ chúng ta mua, và thấy rằng tìm hiểu về những suy nghĩ sâu bên trong mỗi con người là một đề tài hết sức hấp dẫn.
Mua một bộ quần áo mới ư? Không. Bạn sẽ phải mua thêm môt chiếc giày mới, một chiếc cặp mới, một chiếc đồng hồ mới, thậm chí một chiếc ốp điện thoại mới để “fix” nguyên bộ. Đi siêu thị để mua nguyên liệu làm lẩu cho một bữa ăn ư? Không. Bạn sẽ phải mua thêm (rất) nhiều thứ khác nữa. Sự thật rằng khi chính thức bước vào vòng xoáy của hiệu ứng Diderot, bạn sẽ trở thành người mua hàng rất “nhiệt tình” và kết quả là một số lượng lớn món đồ sẽ phải nằm trong kho nhà bạn vĩnh viễn! Đã đến lúc bạn cần trang bị cho mình đủ nhận thức và kiến thức để trở thành một người mua hàng thông minh.
Có vô vàn lý do để chúng ta mua nhiều đồ hơn những gì chúng ta cần. Có những lý do khách quan đến từ xã hội bên ngoài, trong khi những lý do khác lại xuất phát từ trong chính bản thân chúng ta. Dù là khách quan hay chủ quan, thì hiểu tường tận nguyên nhân tại sao chúng ta mua nhiều hơn những gì mình cần cũng là điều rất đáng để tìm hiểu.
Đây cũng chính là lý do làm hiệu ứng Diderot trở nên thú vị đối với tôi. Động cơ cho hành động mua sắm quá mức này được ghi nhận bởi một nhà triết học người Pháp tên Denis Diderot ở thế kỉ 18, và cho đến nay, nó vẫn hết sức phổ biến trong cuộc sống của chúng ta.
Denis Diderot sinh năm 1713 trong một gia đình thợ rèn khá giả. Tuy nhiên, do khước từ ước muốn của dòng họ, Diderot đã phải sống một cuộc sống khá khó khăn, thậm chí nghèo đói.
Bước ngoặt đời ông là khi con gái đám cưới, không có tiền lo của hồi môn, ông được chính Nữ hoàng Catherine bỏ tiền ra số tiền lớn mua lại bộ toàn bộ thư viện sách của ông. Diderot thoát cảnh nghèo đói.
Để thưởng cho mình, ông mua một chiếc áo choàng đắt tiền. Và mọi việc bắt đầu từ đây. Có áo choàng, ông bắt đầu suy nghĩ phải mua thêm một số thứ phụ kiện xung quanh để tôn thêm vẻ sang trọng của chiếc áo. Cuộc mua sắm bắt đầu với hàng loạt đồ dùng trong nhà – và hậu quả là ông đã tiêu hết số tiền có được, quay về cuộc sống nghèo khó.
Hiệu ứng Diderot cho rằng, khi chúng ta sở hữu một món đồ mới, chúng ta thường có xu hướng mua những món đồ theo vòng xoáy nhằm tạo nên sự hòa hợp với một món đồ mình vừa có. Đây cũng chính là "cái bẫy" mua sắm mà hầu hết trong chúng ta không thể tránh khỏi.
Nói theo cách khác, việc mua một món đồ thường dẫn đến việc mua những món khác. Ta có thể thấy điều này trong những ví dụ nhỏ bên dưới đây.
Tuần trước, vợ tôi dẫn theo cô con gái 9 tuổi đi mua sắm chuẩn bị cho năm học mới. Trong danh sách mua đồ của con bé có 1 chiếc cặp sách mới. Sau khi xem qua các lựa chọn, con bé chọn được một chiếc. Nhưng chiếc cặp mới này lại không hợp với túi đựng đồ ăn trưa mà bé vẫn dùng năm ngoái - nên gần như ngay lập tức, một món đồ mới được thêm vào danh sách - túi đựng đồ ăn trưa, mặc dù chiếc túi năm ngoái vẫn còn dùng tốt.
Sự xuất hiện của món đồ mới (cặp sách) kéo theo mong muốn tiêu tiền nhiều hơn nữa. Nhưng cũng như tôi đã nói ở trên, đây chỉ là một ví dụ đơn giản. Quanh ta có hàng tá những biểu hiện của hiệu ứng Diderot nữa:
- Ta mua một chiếc áo hoặc váy, và ngay lập tức tìm mua một đôi giày mới hợp với nó.
- Ta sắm được một chiếc ghế mới, và tự nhiên, ta thấy bàn trong phòng khách sao mà cũ kĩ và tồi tàn, cần phải thay mới.
- Ta mua một chiếc xe mới, và bắt đầu tiêu tiền mua nước rửa xe, mua xăng đắt hơn, hay thẻ gửi xe.
- Ta chuyển vào nhà mới, và nhân dịp này thay mới toàn bộ đồ đạc trong phòng ngủ.
Trong mỗi tình huống, sự thực là ta đã có đủ giầy để dùng, cũng như bàn ghế và đồ đạc phòng ngủ vẫn còn dùng tốt. Nhưng vì sự xuất hiện của món đồ mới, chúng ta lập tức bị kéo vào chuỗi mua sắm liên tục.
Denis Diderot đã quan sát, và ghi nhận hiện tượng này trong một bài luận của ông mang tên "Nỗi hối hận khi chia tay chiếc áo choàng cũ của tôi". Trong câu chuyện này, ông được tặng một chiếc áo choàng mới, lịch thiệp. Tuy nhiên, sau khi nhận được chiếc áo, Denis bỗng nhận ra rằng, so với chiếc áo thì những món đồ khác của ông trông thật tầm thường và mờ nhạt. Ông bắt đầu thay mới chúng, tất cả đồ đạc, kể cả tranh treo tường. Và kết truyện, Denis thú nhận: "Đối với chiếc áo cũ, tôi là chủ nhân tối cao của nó, nhưng với chiếc áo mới, tôi chỉ là đầy tớ".
Bằng cách này, Diderot đã giải thích tại sao mua một món đồ thường dẫn đến việc mua tiếp những món khác. Nhưng điều quan trọng hơn, là ông chỉ ra rằng chúng ta bắt đầu nhận dạng tài sản mình sở hữu và tìm kiếm những món khác vừa vặn với cái khuôn đặc trưng ta tạo ra. Việc mua những món đồ thời trang, hiếm khi là do công dụng của chúng - không phải ta chỉ đang tìm kiếm những thứ để che cơ thể. Thay vào đó, những món đồ thời trang (và cả những thứ khác nữa) là cơ hội cho chúng ta thể hiện bản thân mình.
Nhưng trong bài viết này, tôi muốn nói nhiều hơn về ý tưởng , cách mà mua một món dẫn tới việc mua nhiều món khác - cả những món ngoài dự tính. Vì một khi đã hiểu được nguyên tắc cơ bản, bạn có thể thoát ra khỏi vòng lẩn quẩn đó.
Làm thế nào chúng ta có thể vượt qua hiệu ứng Diderot trong cuộc sống, cũng như từ chối việc mua sắm không cần thiết này? Dưới đây là một vài ý kiến của tôi:
-
Hãy cảnh giác khi nó bắt đầu. Đó là khi bạn bị cuốn vào chuỗi mua sắm không phải vì bạn thực sự cần một món gì đó, mà chỉ bởi vì có món nào đó mới xuất hiện.
-
Phân tích và tính toán tổng khoản tiền sẽ tiêu tốn. Một cửa hàng có thể bán sale off một bộ đồ nào đó, nhưng nếu mua bộ đồ đó làm bạn phải mua thêm đôi giày mới hay túi xách để đi kèm với nó thì rõ ràng bạn sẽ phải trả nhiều hơn so với cái giá của nó ban đầu.
-
Tránh những khoản chi tiêu không cần thiết. Nhận ra hiệu ứng Diderot là điều rất cần thiết, và vượt qua nó cũng không hề dễ dàng. Ban đầu có thể bạn sẽ không thay thế bàn mới, nhưng cuối cùng, vào một lúc nào đó, bạn sẽ lung lay và quyết định mua một chiếc khác hợp hơn với cái tràng kỉ mới. Có những lúc, chúng ta có nhu cầu chính đáng để mua cái gì đó mới, nhưng cách tốt nhất để vượt qua hiệu ứng này là không bao giờ được phép để nó lấn át bạn ngay từ ban đầu.
-
Tự nhắc nhở bản thân rằng tài sản không định hình bạn là ai. Tài sản không đem lại cho bạn sự giàu có trong cuộc sống này, chúng cũng không định nghĩa bạn hay sự thành công của bạn - đừng quan tâm những gì nhà marketing nói (họ chỉ cố thuyết phục bạn mua hàng mà thôi).
-
Tự giới hạn và đặt câu hỏi cho bản thân. Đây là biện pháp cuối cùng và nó đòi hỏi sự nhận thức và khả năng điều khiển hành vi, nhận thức của bạn. Mỗi khi mua một món đồ nào đó, hãy hỏi bản thân: “Mình có thực sự cần nó không, cuộc sống sẽ ra sao nếu có/không có món đồ đó?”
-
Mua đồ vì tính hữu dụng, thay vì vẻ bên ngoài của chúng. Cái bạn cần là gây ấn tượng với người khác bằng cuộc sống của chính bạn, chứ không phải những thứ bạn sở hữu.
Để mắt tới hiệu ứng Diderot trong cuộc sống, và khi bạn nhận ra sự xuất hiện của nó xung quanh mình, nó sẽ ít làm ảnh hưởng đến ngôi nhà và ví tiền của bạn bằng những khoản mua sắm không cần thiết.
Kết
Mong rằng sau khi đọc và hiểu về hiệu ứng Diderot, bạn có thể áp dụng các cách trên đây vào thực tiễn cuộc sống để trở thành người mua hàng thông minh. Mặc dù xu hướng tự nhiên của chúng ta là tiêu dùng nhiều hơn, mỗi người cần biết thế nào là đủ và lấp đầy nhu cầu cuộc sống với số lượng tối ưu.
Có thể sẽ có nhiều ý kiến cho rằng hiệu ứng này không phải điều gì quá to tát hay ảnh hưởng quá lớn đến mức ta phải chú ý và kìm hãm nó. Tại sao không làm bất cứ điều gì mình muốn, miễn là nó làm ta thỏa mãn và không gây ảnh hưởng gì đến những người xung quanh? (Ảnh hưởng rõ ràng nhất ta có thể thấy, là ví tiền của bạn sẽ hụt đi một phần đáng kể còn đồ đạc trong nhà bạn sẽ đầy lên trông thấy trước cả khi bạn kịp nhận ra lý do vì sao.)
Tất nhiên, bài viết trên đây chỉ phản ánh ý kiến chủ quan của tác giá - một người theo chủ nghĩa tối giản (minimalism), sẽ tốt hơn nếu ta kiểm soát được hành động của mình (và cả tình trạng ví tiền của mình nữa) nếu ta chỉ tập trung vào những món đồ thật sự cần thiết - những thứ chúng ta cần, chứ không phải những thứ chúng ta muốn. Xét cho cùng, hãy cứ làm những gì bạn thích, nhưng đừng làm quá nó lên là được :v.
*Tham khảo
Regrets for my Old Dressing Gown, or A warning to those who have more taste than fortune
HIỆU ỨNG DIDEROT: VÌ SAO BẠN DỄ TIÊU TIỀN VÀO NHỮNG THỨ KHÔNG CẦN THIẾT
The “Diderot Effect” Turns You Into a Weak, Mindless Consumer