Một cây sậy có thể bẻ cong thân mình để chống chọi với bão tố, trong khi cây sồi to lớn lại có thể bị quật đổ.
Một mạng nhện có thể chống chọi được với cơn gió mạnh thổi qua, trong khi các vật khác tưởng như chắc chắn hơn lại bị thổi bay.
Vậy đâu là sức mạnh của cây sậy hay mạng nhện? Đó chính là khả năng “siêu linh động”. Cây sồi rắn chắc luôn đứng thẳng và ngẩng cao đầu một cách đầy kiêu hãnh nhưng cuối cùng lại bị quật đổ bởi một trận bão lớn đi qua, trong khi cây sậy uốn cong thân mình để có thể bám vào đất tốt hơn, tránh đường cho sự giận dữ của thiên nhiên đi qua. Xét về mặt sinh học, cây sậy hay mạng nhện đều có kết cấu uyển chuyển và linh hoạt hơn các vật chất khác, do đó tạo nên sức chịu đựng tốt hơn các kết cấu rắn chắc khác. Đây cũng chính là lý do tại sao các mái nhà được lợp bằng sậy hoặc rơm có thể chống chọi với mưa bão tốt hơn so với các mái nhà được ghép bằng phiến đá, gạch hoặc tấm bê tông.
Một thí dụ khác trong cuộc sống thường ngày là công viêc điều khiển giao thông. Điều gì xảy ra nếu chỉ dựa vào đèn tín hiệu giao thông hoạt động tự động cả ngày mà không có sự điều khiển của cảnh sát giao thông tại một số thời điểm trong ngày (giờ cao điểm)? Chúng ta có thể bắt gặp máy móc thay thế con người ở khắp mọi nơi, nhưng nếu chỉ dựa vào tự động hóa hoàn toàn sẽ làm mất đi sự linh hoạt; công việc điều tiết giao thông trở nên kém hiệu quả và có thể dẫn đến sự hỗn loạn. “Linh hoạt” (hay linh động) là sản phẩm của tạo hóa ban cho con người. Máy móc không thể thay thế con người để tạo ra sự linh hoạt.
Liệu những người “đa nghi như Tào Tháo” có phải là hình mẫu tốt? Hay một người “ba phải” có thể dung hòa được tất cả các mối quan hệ? “Đa nhân cách” có giúp bản thân thích nghi tốt trong cuộc sống?... Tất cả nằm ở chính bản thân chúng ta. Chúng ta có đủ mềm dẻo và linh hoạt để thích ứng với từng tình huống hay không. Và chúng ta cần một tỉ lệ pha trộn các kỹ năng như thế nào để có thể đưa ra một cách giải quyết tốt nhất.
LINH ĐỘNG ĐỂ PHÁT TRIỂN BẢN THÂN THÀNH CÔNG, BỀN VỮNG
Có những cá nhân khi làm việc cho doanh nghiệp cũ được trả lương hậu hĩnh do có sự đóng góp lâu dài và đạt tới mức độ tín nhiệm cao. Nhưng khi sang doanh nghiệp mới, anh ta có thể không có được đánh giá cao như vậy. Tại sao vậy? Đó là vì các “giá trị cốt lõi” của anh ta chưa đủ mạnh để thích ứng với các môi trường khác nhau. Anh ta tự biến mình thành một bản sao cứng nhắc trong môi trường cũ mà thiếu sự linh hoạt trong sự phát triển nghề nghiệp của mình. Trong một môi trường mới, cho dù bạn là người thực sự tài năng, bạn vẫn cần có một khoảng thời gian để chứng minh năng lực cùng với một “phong độ” ổn định để có thể đạt được mức độ tín nhiệm tương đương như ở công ty cũ. Việc thăng tiến nhanh hay chậm trong môi trường mới phụ thuộc rất nhiều vào các kỹ năng cốt lõi tạo nên chính công việc đó, chứ không phải thành tích trong quá khứ của bạn…
Chúng ta cũng biết nước là một chất lỏng có thể tồn tại ở bất cứ đâu. Khi đổ nước vào cốc, nó sẽ tự điều chỉnh hình dạng theo đúng hình dạng của cốc. Khi đổ nước vào hộp, nó sẽ có hình dạng hộp. Khả năng “linh động” của nước đã cho chúng ta một bài học về sự linh hoạt để thích ứng.
Linh hoạt gắn liền với sự đánh đổi. Trong thí dụ ở trên, cây sậy chấp nhận thua thiệt về tầm vóc so với cây sồi và các cây to lớn khác nhưng lại là cây có thể thích ứng được với các thời tiết khắc nghiệt. Trong cuộc sống chúng ta luôn phải đối mặt với những sự đánh đổi, thí dụ bạn bỏ ra một giờ để được xem một bộ phim thì bạn mất đi một giờ để làm những việc khác. Các quyết định sai lầm thường xuất phát từ việc bỏ qua xem xét các chi phí chìm, chi phí cơ hội. Khi bạn dùng A đổi B thì bạn được lợi ích B’ nhưng bạn cũng đã bỏ qua lợi ích A’ nào đó.
Một nhân viên sẽ nghĩ rằng công việc anh ta không liên quan đến quản lý cho nên anh ta không phải mất thời gian vào đọc các cuốn sách quản lý. Đó là một quan niệm sai lầm. Thực tế mỗi một cá nhân đều cần một kỹ năng quản lý cho cuộc sống của mình. Không có nó sẽ không thể nâng cao hiệu quả công việc. Bổ sung cho mình các kiến thức kỹ năng quản lý cũng chính là giúp cho công việc của bản thân linh hoạt và hiệu quả hơn. Bấu cứ khóa học nào cho dù đó là quản trị kinh doanh (MBA), quản lý tài chính, quan hệ công chúng… cũng sẽ gián tiếp giúp một nhân viên làm tốt công việc của mình, bởi vì anh ta hoàn toàn có thể đạt được đích nhanh hơn thông qua một lăng kính khác mà lăng kính hiện tại không nhìn thấy được. Và chính điều này đã nâng cao mức độ linh hoạt cho bản thân.
LINH ĐỘNG TRONG TÍNH CÁCH
Kiên định, thẳng thắn, quyết đoán… là những tính cách được đánh giá là tốt. Tuy nhiên trong một số tình huống sẽ trở thành các rào cản. Người kiên định luôn giữ vững lập trường, nhưng đôi lúc cũng cần phải thay đổi nếu cách giải quyết trở nên lỗi thời. Tương tự như vậy không phải lúc nào cũng nhận xét một cách thẳng thắn, cụ thể. Đôi khi cũng cần trừu tượng hóa hay khái quát hóa vấn đề để có thể thích nghi được với hoàn cảnh. Cần tránh lối suy nghĩ phiến diện, cầu toàn.
LINH ĐỘNG THÚC ĐẨY THÀNH CÔNG TRONG CÔNG VIỆC, KINH DOANH
Muốn hoàn thành công việc tốt nhất, bạn phải luôn luôn đặt “tính cụ thể” lên trên mỗi hành động, nhưng không vì thế mà thiếu đi tính tổng thể, tính thống nhất. Hai đặc tính này sẽ giúp giải quyết vấn đề có chiều sâu hơn. Mỗi một sự việc cũng cần phải được nhìn dưới các góc độ khác nhau. Một nhân viên cũng không thể làm mãi một công việc được, cần phải có sự luân chuyển công việc phù hợp để tạo cảm hứng làm việc, loại bỏ sự nhàm chán, thúc đẩy các ý tưởng mới…
Cũng tương tự như vậy, kinh nghiệm và tri thức phải gắn kết với nhau, phù hợp với thực tiễn đặt ra. Kinh nghiệm được khái quát thành tri thức và tiếp tục được vận dụng sáng tạo vào những tình huống khác nhau.
Trong công việc kinh doanh, tiếp cận tư duy linh hoạt là hành trang không thể thiếu đối với người thành công. Họ cần phải nhạy bén với phản ứng của thị trường, điều chỉnh chiến lược kinh doanh để thích ứng với thị trường, lượng hóa các lợi ích cộng hưởng cho mỗi nhóm khách hàng. Doanh nghiệp luôn có xu hướng tung ra sản phẩm mới làm thỏa mãn nhu cầu tối đa của người tiêu dùng, nhưng khi nhận thấy thị trường sản phẩm có xu hướng bão hòa, lập tức cắt giảm dòng sản phẩm cũ để tìm kiếm một cơ hội mới. Không nên thay đổi chỉ vì chỉ thấy lợi ích trước mắt, phải luôn lắng nghe khách hàng để tìm kiếm cơ hội nhằm tạo ra các sản phẩm tốt hơn. Cần phải biết kết hợp hoàn hảo giữa chiến lược sản phẩm (tính năng, chất lượng…) với chiến lược thương hiệu (các giá trị phi vật thể như tình cảm, cá tính của thương hiệu).
Nhờ chiến lược linh hoạt, linh dương đã tránh được sự tấn công của đối thủ.
LINH ĐỘNG TẠO SỰ GẮN KẾT VÀ THÀNH CÔNG CỦA TẬP THỂ
Chúng ta thường nghĩ rằng nhóm là một tập thể những cá nhân cùng sở thích, cùng đẳng cấp, hoặc năng lực tương đương... Và trưởng nhóm phải là người có chuyên môn tốt nhất để có thể khiến các thành viên “tâm phục khẩu phục”. Đây là một sai lầm. Một đội bóng phải có đầy đủ các vị trí tiền đạo, tiền vệ, trung vệ, hậu vệ, thủ môn…Mỗi một vị trí lại có một cầu thủ dự bị ngồi trên băng ghế ngoài sân cỏ sẵn sàng vào sân khi có sự cố xảy ra hay khi huấn luyện viên muốn thay đổi chiến lược. Và điều quan trọng, huấn luyện viên không hẳn phải là người đá bóng giỏi hơn các học trò của mình.
Như vậy bên cạnh sự đồng nhất về chuyên môn cũng cần đến sự đa dạng các kỹ năng, sự bù trừ giữa các điểm mạnh và điểm yếu, sự gắn kết các thành viên, khả năng dự phòng cho mỗi vị trí… là những yếu tố tạo nên sự linh động để phát triển bền vững, tối đa hóa lợi ích tập thể. Ngoài ra trong nhóm không thể không tránh khỏi các xung đột vì nếu không sẽ không thể có sự phát triển, do đó cần khuyến khích các hình thức xung đột hay đối đầu theo hướng tích cực để tạo ra lợi ích cộng hưởng.
TƯ DUY LINH ĐỘNG
Và cuối cùng, tư duy linh động là nền tảng của mọi thành công. Chúng ta sẽ phải tư duy sao cho phù hợp với từng tình huống. Các phương pháp tư duy rất đa dạng, mỗi phương pháp đều có những ưu nhược điểm riêng. Nếu áp dụng một cách cứng nhắc một dạng tư duy cho tất cả các tình huống, chắc chắn thất bại sẽ xảy ra.
Những người theo “chủ nghĩa cầu toàn” thường kém linh hoạt hơn. Thực tế đã chứng minh rằng nhiều khi triết lý “đủ tốt” mang lại giá trị cao hơn “cực kỳ tốt”. Chúng ta tập trung nhiều sức lực vào việc tạo ra một sản phẩm “cực kỳ tốt” hay mải miết tìm kiếm một thông tin hoàn hảo, nhưng giá trị sử dụng của nó lại cực kỳ thấp. Chúng ta luôn được yêu cầu làm rõ nguyên nhân ngọn ngành của mọi vấn đề, tuy nhiên trong cuộc sống đôi khi không thể tìm thấy nguyên nhân cốt lõi nhưng vẫn có thể có thể khắc phục với một phương án có chi phí thấp hơn nhưng giá trị thì tương đương.
Có 3 phương pháp tư duy có thể ảnh hưởng ít nhiều đến khả năng linh hoạt. Đó là tư duy cứng nhắc, tư duy cận biên và tư duy bao trùm.
Tư duy cứng nhắc: Tư duy cứng nhắc đề cao việc tuân thủ những cái hiện có, đối với những người có tư duy này thì ít khi có sự đột phá về ý tưởng sáng tạo. Những người có tư duy cứng nhắc thường bỏ qua những cơ hội tốt. Đây là hình thức tư duy nên tránh hoặc hạn chế. Chỉ nên vận dụng hình thức này một cách linh hoạt ở mức độ vừa phải sẽ giúp kìm hãm sự thay đổi quá mức cần thiết.
Tư duy cận biên: Tư duy này đưa ra một cách nhìn cực đoan khi cho rằng chỉ có hoặc trắng hoặc đen, hoặc “được ăn cả ngã về không”, không có cái thứ ba. Thí dụ như nếu không thông minh thì có nghĩa là thuộc nhóm người “dốt nát”. Tương tự với “xinh đẹp – xấu xí”, “thú vị - tẻ nhạt”…. Do đó tư duy này thường khiến cho bạn cảm thấy mệt mỏi hơn khi mục đích không đạt được, từ đó niềm tin vào cuộc sống sẽ giảm.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, tiếp cận tư duy này để ra quyết định nhanh chóng và giảm bớt sự lo âu không cần thiết, thí dụ cần quyết định nhanh và dứt khoát khi phải chấp nhận hay từ chối một điều gì đó, nếu như nhận ra rằng cơ hội bị bỏ qua mang lại giá trị thấp hơn so với kết quả đạt được.
Tư duy bao trùm: Đó là hình thức tư duy sâu rộng bao trùm lên toàn bộ vấn đề. Bạn sẽ phải chủ động tìm kiếm thật nhiều giải pháp khác nhau trước khi đưa ra quyết định cuối cùng. Trong đầu bạn luôn có phương án A, phương án B… Để làm được điều này, phải biết “nhào nặn” đối tượng theo những hướng khác nhau, kết hợp các lối suy nghĩ theo chiều ngang và chiều sâu, cùng với một chút tự phát và một chút “ngẫu hứng” sẽ giúp bạn khám phá ra những ý tưởng mới. Lập tài liệu dự án, viết bài, blog, tương tác với đồng nghiệp, tham gia hội thảo… là những hình thức gián tiếp giúp khai phá các ý tưởng, giải pháp mới… Ngoài ra cũng cần phải hết sức thận trọng với các nguồn thông tin khác nhau. Mọi thông tin phải có sự chọn lọc, phát huy và kế thừa.
Trong thực tế còn có rất nhiều các hình thức tư duy khác, như tư duy đổi mới, tư duy phản biện, tư duy nhanh, tư duy đột phá…
Vậy bạn có phải là người linh động? Hãy kiểm tra các tiêu chí như đã đề cập ở trên. Và điều quan trọng hơn cả, đừng vội vàng áp dụng ngay những gì đọc được từ bài báo. Hãy áp dụng một cách linh hoạt và thực hiện theo từng bước một, đừng bao giờ để sự cứng nhắc và hấp tấp vội vàng giết chết thành quả của bạn.
Tác giả: Phạm Đình Trường
Email: phamdinhtruong@gmail.com
Blog: https://www.tigosolutions.com/blogstory/59