Ở Việt Nam có hiện tượng mà giới báo chí gọi là ‘bệnh thành tích’ trong giáo dục. Tôi nghĩ rằng ‘bệnh’ này có thể giải thích bằng một qui luật mà có lẽ ít người biết đến: Qui luật Goodhart [1]. Qui luật này phát biểu rằng sự lẫn lộn giữa thước đo (chỉ tiêu) và mục tiêu là một sai lầm nghiêm trọng.
Các quan chức thực dân Pháp ở Hà Nội có lẽ là những người có trải nghiệm đau thương về Qui luật Goodhart. Chuyện kể rằng vào đầu thế kỉ 20, các quan chức thuộc địa người Pháp muốn xây dựng Hà Nội thành một loại “tiểu Paris” hay “Ba Lê Nhỏ”, nên họ rất quan tâm đến vấn đề vệ sinh, cụ thể là tình trạng chuột gây dịch bệnh trong thành phố. Họ nghĩ ra một cách để diệt chuột là kêu gọi người bản xứ đi săn và diệt chuột, và cứ mỗi con chuột bị diệt thì thợ săn sẽ được thuởng tiền [2].
Vậy là nhiều người trở thành thợ săn chuột, và chiến tích nhiều đến nổi các quan chức phải thay đổi qui định: thay vì lấy chuột chết làm bằng chứng, họ chỉ cần lấy đuôi chuột làm bằng chứng. Câu chuyện bắt đầu thú vị từ đây, khi các thợ săn nghĩ ra cách lợi dụng qui định. Họ bắt chuột, nhưng không tiêu diệt chúng mà chỉ chặt lấy cái đuôi và trình chứng cớ để được thưởng. Có người còn nghĩ ra cách làm tiền nhiều hơn là nuôi chuột và chặt đuôi để kiếm lời!
Xem thêm: Hiệu ứng ngược của cuộc diệt chuột năm 1902 ở Hà Nội
Không lâu sau đó, các quan chức thuộc địa quan sát thấy dân số chuột bây giờ có vẻ nhiều hơn trước đây trong các ống cống, và rất nhiều chuột không có đuôi. Các quan chức biết rằng chiến dịch diệt chuột của họ đã thất bại, vì sự gian manh của người địa phương. Họ tuyên bố kết thúc chiến dịch để … tiết kiệm tiền.
Thật ra, những gì người địa phương làm dù có thể gọi là ‘ăn gian’, nhưng lại rất bình thường trong một hệ thống tưởng thưởng. Một khi hệ thống tưởng thưởng được đặt ra thì người ta sẽ tìm mọi cách để lợi dụng và lạm dụng hệ thống nhằm hưởng lợi. Không phải chỉ dân Hà Nội mới làm chuyện đó, mà hầu hết các cộng đồng khác cũng làm như vậy.
Ngay cả trong cộng đồng có học như giới khoa học cũng tìm cách “game” hệ thống tưởng thưởng. Trong các đại học phương Tây (và ngay cả ở Tàu và Việt Nam), giới quản lí khoa học đặt ra những chỉ số như “impact factor” (hệ số tác động) và “citation metric” (trích dẫn) để khuyến khích nghiên cứu có phẩm chất khoa học cao. Ý đồ là tốt, nhưng họ giảm các giáo sư và giảng viên từ một con người, một sự nghiệp thành … những con số!
Khi con người trở thành con số, thì con người sẽ làm mọi cách để nâng con số. Trong thực tế thì các chỉ số đó được giới khoa học lợi dụng tối đa. Họ làm đủ chiêu trò để nâng cao số lần trích dẫn, như liên minh với các đồng nghiệp, thậm chí tự mình trích dẫn bài của mình. Họ khuyến khích đồng nghiệp trích dẫn những bài trên tập san của mình để nâng hệ số tác động. Tất cả những trò này không hẳn là vi phạm đạo đức khoa học, nhưng nó được xếp vào nhóm “questionable practice” (tức cách làm đáng ngờ) mà nhà khoa học chân chánh không làm.
Qui luật Goodhart
Những gì diễn ra trong chiến lược diệt chuột ở Hà Nội hay phong trào chạy theo chỉ số trích dẫn trong khoa học rất phù hợp với một qui luật xã hội mà sau này nhà kinh tế Charles Goodhart phát kiến. Có nhiều cách để diễn giải qui luật Goodhart, nhưng người diễn giải hay nhứt có lẽ là nhà nhân chủng học Marilyn Strathern, người tóm tắt như sau [1]: .
“khi một đo lường trở thành một mục tiêu (target) thì nó không còn là một đo lường nữa.” (When a measure becomes a target, it ceases to be a good measure).
Khi đuôi chuột được lấy làm thước đo để tưởng thưởng thì người ta sẽ tìm cách, kể cả những cách phi chánh thống, để tăng ‘năng suất’, và trong quá trình đó thì mục tiêu diệt chuột hay làm vệ sinh thành phố đã bị biến dạng. Tương tợ, khi chỉ số trích dẫn được lấy làm thước đo để đề bạt các chức vụ khoa bảng (như giáo sư, giảng viên) thì người ta (ứng viên) sẽ tìm mọi cách để tăng chỉ số đó cho cá nhân họ, và cái mục tiêu ban đầu (nâng cao chất lượng khoa học) đã bị làm cho lệch lạc.
Qui luật Goodhart còn ứng nghiệm trong nhiều tình huống xã hội khác. Một khi người ta đặt ra những tiêu chuẩn định lượng với những cái ngưỡng con số cụ thể thì chắc chắn sẽ có người tìm cách đạt được tiêu chuẩn đó, và dẫn đến nhiều hệ quả khó lường. Chẳng hạn như chủ trương trả tiền cho youtuber dẫn đến những hành động ‘câu view’ rất ư là cực đoan và kì cục. Chẳng hạn như minh hoạ trong hình trên, khi người ta đánh giá con người bằng con số đinh sản xuất, thì sẽ có công nhân sản xuất ra những cái đinh nhỏ để đạt tiêu chuẩn (nhưng không đạt mục tiêu). Cái sai lầm của việc đặt ra chỉ tiêu bằng con số cụ thể là ở chỗ đó: con số thì đạt, nhưng mục tiêu thì không.
Nhiều chẩn đoán y khoa ngày nay dựa vào đo lường các hormone hoặc protein, hay các chỉ số sinh lí hoá. Chẳng hạn như trong chuyên ngành loãng xương, mật độ xương (BMD) thoạt đầu được dùng để đánh giá sức mạnh của xương, và người có BMD càng cao có nghĩa là xương càng mạnh. BMD là một đại lượng liên tục. Nhưng theo thời gian người ta lấy cái ngưỡng -2.5 để chẩn đoán loãng xương. Tức là, một bệnh lí, một thực thể sinh học phức tạp bị giảm xuống còn một ngưỡng con số! Cái ngưỡng đó trở thành mục tiêu điều trị. Bác sĩ tập trung vào điều trị sao cho BMD trên cái ngưỡng đó. Nói cách khác, thay vì điều trị bệnh, bác sĩ điều trị … con số. Hàm ý là khi một đo lường được lấy làm mục tiêu thì nó cái đo lường đó đã mấy ý nghĩa thực của nó.
Ai cũng biết tình trạng ‘Bệnh thành tích’ trong hệ thống giáo dục ở Việt Nam. Định nghĩa ‘bệnh’ này một cách chi tiết cần đến các chuyên gia, nhưng một chỉ số được báo chí nhắc đến thường xuyên là tỉ lệ thi đậu (tốt nghiệp) trung học phổ thông. Một cách chánh thức hay bán chánh thức, các quan chức quản lí giáo dục đánh giá trường học và thầy cô quả tỉ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Trường nào có tỉ lệ cao thì được khen và thầy cô được tưởng thưởng.
Bởi vì thầy cô và hiệu trưởng muốn trường mình được ghi nhận, được vinh danh, nên họ theo đuổi tất cả những biện pháp có thể nhằm nâng cao tỉ lệ tốt nghiệp. Những biện pháp này có thể là phi chánh thống hay đáng ngờ, thậm chí gian dối. Hậu quả là năm nào chúng ta cũng thấy tỉ lệ này cao chót vót (như 96 đến 99, thậm chí 100%). (Xin mở ngoặc để nói thêm rằng thời của tôi (đầu thập niên 1970) thì tỉ lệ này chỉ chừng 15% thôi). Do đó, những gì xảy ra trong nền giáo dục hiện nay có thể xem là nằm trong qui luật Goodhart.
Trong việc đề bạt các chức vụ khoa bảng ở Việt Nam, người ta đề ra những con số cụ thể như phải có bao nhiêu bài báo, cùng những công thức hoán chuyển về số điểm. Chánh sách như thế rất dễ bị lạm dụng, và trong thực tế chúng ta đã thấy điều đó xảy ra hết năm này sang năm khác. Nhưng đó chỉ là một phản ứng bình thường đúng với Qui luật Goodhart mà thôi.
Người ta có thể đổ lỗi cho các ứng viên lạm dụng hệ thống, nhưng tôi nghĩ cái gốc là sự sai lầm của những người quản lí khoa học. Họ sai vì đã biến những thước đo định lượng thành những mục tiêu. Đó là một sai lầm do không quan sát Qui luật Goodhart.
Quan sát và hiểu được Qui luật Goodhart là bước đầu để tránh những diễn biến tiêu cực. Thay vì đề ra những tiêu chuẩn định lượng (như tỉ lệ tốt nghiệp, hay số bài báo), các nhà quản lí cần phải có (a) những đáng giá định tính; (b) có ‘nhóm chứng’, và (c) dựa vào đánh giá của các chuyên gia độc lập. Con số chỉ là tín hiệu, chớ nó không phản ảnh sự thật. Lệ thuộc vào con số, vào những ‘chỉ tiêu’ và nhầm lẫn những chỉ số là mục tiêu là một sai lầm nghiêm trọng vậy.
____
[1] Qui luật Goodhart do một nhà kinh tế người Anh tên là Charles Goodhart phát kiến trong một bài báo năm 1975. Goodhart quan sát rằng bất cứ một qui tắc thống kê nào đều có xu hướng bị sụp đổ khi bị áp lực dùng cho mục tiêu kiểm soát.
https://en.wikipedia.org/wiki/Goodhart%27s_law
[2] Chi tiết về chiến lược tàn sát chuột có thể xem qua bài này:
https://www.atlasobscura.com/articles/hanoi-rat-massacre-1902