Có thể xem hai triết lý đang phổ biến là sản xuất tinh gọn (lean manufacturing) và sản xuất linh hoạt (agile manufacturing) là nền tảng cho việc tổ chức sản xuất.
Ngày nay, việc tổ chức sản xuất không chỉ là nhiệm vụ riêng biệt mang tính hỗ trợ trong hoạt động của doanh nghiệp (DN) mà nó có thể được nâng cấp trở thành lợi thế cạnh tranh.
Tùy theo đặc thù của từng DN, có thể xem hai triết lý đang phổ biến là sản xuất tinh gọn (lean manufacturing) và sản xuất linh hoạt (agile manufacturing) là nền tảng cho việc tổ chức sản xuất.
Sản xuất tinh gọn
Sản xuất được xem là tinh gọn khi công việc được hoàn thành với lượng dư thừa tối thiểu đến từ những hoạt động không cần thiết, thiếu hiệu quả hoặc lượng tồn kho dự phòng lớn. Hệ thống sản xuất đúng thời điểm (JIT), hệ thống sản xuất Toyota (TPS) và quản trị chất lượng tổng hợp (TQM) là những công cụ chính của sản xuất tinh gọn.
Càng áp dụng thành công những nguyên lý của sản xuất tinh gọn thì DN càng ít có khả năng tham gia vào các hoạt động sáng tạo. Theo đó, sản xuất tinh gọn bao gồm phát triển một dòng giá trị để loại bỏ toàn bộ những hoạt động hoang phí, bao gồm cả thời gian, nhằm đảm bảo cho lịch trình sản xuất được ổn định.
Muốn được như vậy, trong quá trình sản xuất phải tránh xa những biến động, sự bất ổn và sự thay đổi. Điều này thúc đẩy quá trình tối đa hóa việc sử dụng công suất, tiến đến giảm chi phí sản xuất. Tóm lại, sản xuất tinh gọn nhằm mục đích chính là tăng hiệu suất hoạt động.
Tuy nhiên, yếu tố có thể được xem là nguy cơ cho sự phổ biến của triết lý sản xuất này chính là việc nó được hình thành và phát triển mạnh ở Nhật Bản, nơi có nền kinh tế, văn hóa và hệ thống sản xuất khá đặc thù.
Thực tế, quá trình tiến hóa của triết lý này có thể được đặt trong bối cảnh Nhật Bản với đặc trưng là phát triển một nền nông nghiệp cộng đồng và quan niệm xã hội thì theo xu hướng đồng thuận tập thể như một nhu cầu cho việc tái thiết quốc gia sau chiến tranh thế giới thứ 2, ngay tại một vùng đất nhỏ hẹp nơi tôn vinh văn hóa tư duy tinh gọn và quản lý thông suốt.
Cuối cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ hai và đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba, quá trình sản xuất bắt đầu hoàn thiện vào những năm 70, chuyển tiếp từ hệ thống thủ công (mà sản phẩm làm ra khá đắt đỏ và chỉ thích hợp với túi tiền của người giàu) sang hệ thống sản xuất đại trà (làm ra những sản phẩm tiêu chuẩn và giá thành hợp lý, có thể đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng trên khắp thế giới).
Như một nỗ lực cải tiến để giảm chi phí sản xuất và đạt được sự linh hoạt trong quá trình nhằm sản xuất ra những sản phẩm đa dạng, có chất lượng cao, triết lý sản xuất tinh gọn được hình thành. Hệ thống này nhằm loại bỏ những hoạt động không đem lại giá trị gia tăng và sử dụng ít nguyên liệu đầu vào hơn.
Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào cấu trúc và quá trình bên trong, ngày nay lợi thế cạnh tranh có xu hướng đòi hỏi cao ở nghệ thuật thay đổi nhanh chóng và chú trọng nhiều hơn đến nhân tố bối cảnh. Do vậy, sản xuất tinh gọn đang đứng trước mối đe dọa phải đáp ứng yêu cầu của nền sản xuất mới.
Sản xuất linh hoạt
Giờ đây, với một số sản phẩm, chi phí và chất lượng không còn là yếu tố hiệu quả nhất để níu giữ khách hàng trung thành và tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững. Một loạt mục tiêu được đưa ra, trong đó yếu tố thách thức nhất chính là sự linh hoạt về khối lượng sản phẩm được sản xuất ra.
Đây là khả năng tách chi phí và khối lượng sản xuất (thường thì sản xuất khối lượng tăng lên sẽ làm cho chi phí từng sản phẩm giảm xuống nhờ quy mô hoặc sản xuất hàng loạt) và do vậy sẽ đạt được chi phí đơn vị cố định cho tất cả khối lượng của đơn hàng.
Được xem như là sự đe dọa đối với sản xuất tinh gọn do áp lực cạnh tranh ngày càng cao và thị trường bất ổn, sản xuất linh hoạt chính là sự bổ sung cho DN theo đuổi chiến lược sản xuất đẳng cấp thế giới.
Một quá trình sản xuất được xem là linh hoạt nếu nó thay đổi một cách hiệu quả trạng thái hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu luôn biến động và khó đoán định của khách hàng.
Sản xuất linh hoạt là khả năng tồn tại và phát triển trong một môi trường cạnh tranh đang thay đổi liên tục bằng cách phản ứng nhanh chóng và hiệu quả theo sự biến động của thị trường được điều chỉnh bởi những nhu cầu sản phẩm và dịch vụ được thiết kế bởi khách hàng.
Điều này có nghĩa là sản xuất linh hoạt có thể đáp ứng sự đa dạng của thị trường và nhanh chóng giới thiệu những sản phẩm mới. Sản phẩm có độ tương thích với nhu cầu cao của thị trường cũng được xem như yếu tố then chốt trong hệ thống sản xuất linh hoạt.
Chọn tiết kiệm hay chọn sáng tạo?
Tuy nhiên, trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 với sự sáng tạo và đổi mới đóng vai trò chủ đạo thì sản xuất theo triết lý tinh gọn vẫn sẽ tồn tại vì các hoạt động lặp lại được thực hiện bởi máy tính và robot. Lúc này, sản xuất tinh gọn sẽ được thực hiện một cách tiêu chuẩn và hiệu quả hơn.
Có thể thấy, sản xuất tinh gọn tương thích với các ngành công nghiệp có tính ổn định và khối lượng sản phẩm lớn, vòng đời sản phẩm khá dài, không đòi hỏi quá cao về trình độ công nghệ và tính đổi mới, sáng tạo, trong khi sản xuất linh hoạt lại thiên về tính sáng tạo.
Chẳng hạn, các DN sản xuất ô tô của Đức và Nhật chú trọng nhiều hơn vào triết lý tinh gọn với các dòng xe phổ thông, trong khi các dòng xe thể thao cao cấp của Ý và Pháp lại thiên về triết lý linh hoạt. Tương tự, với nền kinh tế mạnh về dịch vụ và công nghiệp sáng tạo, các DN của Anh và Mỹ như các công ty truyền thông, quảng cáo, giải trí và các công ty tại thung lũng Silicon cũng đi theo xu hướng sản xuất linh hoạt.
Do vậy, DN không thể hoàn toàn thiên về một triết lý nào, mà cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với lĩnh vực kinh doanh đang theo đuổi. Và cùng với những thay đổi mạnh mẽ và nhanh chóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhiều điều kiện cấu thành hai triết lý sản xuất tinh gọn và linh hoạt sẽ thay đổi ít nhiều và biết đâu lại có thể tạo ra một triết lý sản xuất mới.