Mọi người thường nhầm lẫn giữa hai khái niệm chiến lược và chiến thuật và sử dụng một từ để diễn đạt ý nghĩa cho từ còn lại.Tệ hơn nữa là có một lượng không hề nhỏ các chủ doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay không mấy quan tâm đến việc dành thời gian lập kế hoạch kinh doanh về cách họ sẽ làm để thành công trong công việc làm ăn của mình.
Phần lớn thời gian họ dành cho việc điều hành doanh nghiệp. Dẫn đến việc chiến lược và chiến thuật đối với họ chỉ là những từ ngữ được sử dụng để diễn tả một kế hoạch tổng thể trong kinh doanh. Chúng ta hãy cùng tìm hiểu ý nghĩa thực sự đằng sau những thuật ngữ này là gì và tại sao chúng lại có thể được sử dụng trong việc cải thiện công việc kinh doanh.
CHIẾN LƯỢC LÀ GÌ?
Chiến lược có thể được định nghĩa như là kế hoạch hành động nhằm đạt được mục tiêu tổng thể. Nó định nghĩa cách chúng ta sẽ tiếp cận như thế nào để đạt được mỗi mục tiêu cụ thể. Nói một cách đơn giản, một chiến lược cho thấy những gì công ty đang cố gắng hoàn thành và có thể được coi là định hướng chung trong triển khai công việc với mục tiêu đã được đặt ra.
Các doanh nghiệp thường phải đối mặt với năm loại chiến lược. Chúng ta hãy cùng bàn luận về từng loại chiến lược và tìm hiểu cách mỗi chiến lược sẽ giúp đỡ doanh nghiệp phát triển mục tiêu kinh doanh của họ như thế nào
CHIẾN LƯỢC VỀ SẢN PHẨM
Sự cạnh tranh trong kinh doanh luôn hiện hữu ở tất cả các ngành. Để tồn tại, các công ty phải đảm bảo rằng các sản phẩm và dịch vụ của họ hấp dẫn với người tiêu dùng hơn các dịch vụ, sản phẩm có sẵn của đối thủ cạnh tranh khác trong thị trường. Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp cần phải nỗ lực hơn trong việc thường xuyên cải tiến và sản xuất các sản phẩm ngày một chất lượng và mới mẻ hơn những sản phẩm có sẵn khác để thuyết phục người tiêu dùng mua chúng. Một ví dụ điển hình trong việc sử dụng chiến lược về sản phẩm không thể không kể đến hai thương hiệu lớn là Microsoft và Apple. Cả hai công ty đều kiếm tiền từ việc bán các phần mềm, nhưng mỗi công ty đều có chiến lược sản phẩm khác nhau của riêng mình.
Microsoft làm việc với các nhà sản xuất máy tính để thiết kế các máy tính cho hệ điều hành của họ và thậm chí bán hệ điều hành đã được cài sẵn với một số các nhà sản xuất máy tính đó .Sau khi người tiêu dùng mua máy tính, Microsoft liền tận dụng việc bán các phần mềm cài đặt sẵn chạy trên hệ điều hành cho khách hàng.
Trong khi đó, đế chế Apple lại tạo ra một thương hiệu máy tính riêng và tất cả đều gắn với hệ điều hành của Apple.
CHIẾN LƯỢC VẬN HÀNH
Chiến lược này bao gồm các hoạt động tổng thể chính của doanh nghiệp. Mục tiêu hàng đầu là đưa ra một kế hoạch cho phép doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận trong khi giảm thiểu chi phí hoạt động của doanh nghiệp.
Chiến lược đó bao hàm cả việc outsourcing một số hoạt động vận hành trong doanh nghiệp giúp doanh nghiệp giảm thiểu chi phí phải trả thêm cho đội ngũ nhân lực, hay việc di chuyển cửa hàng trưng bày sản phẩm đến gần hơn với các khách hàng tiềm năng nhằm giảm thiểu chi phí vận chuyển, chọn môi trường làm việc với chi phí hợp lý hơn hoặc là sự kết hợp của hai hay nhiều hơn trong số các giải pháp này.
CHIẾN LƯỢC GIÁ
Chiến lược này nói về các mức giá khác nhau mà bạn có thể đặt ra để bán sản phẩm khiến chúng trở thành sản phẩm nổi bật được ưa chuộng hàng đầu trong ngành của bạn. Điều quan trọng cần lưu ý là điều này không nhất thiết là bạn phải bán sản phẩm ở mức giá thấp nhất so với giá thị trường giống như nhiều doanh nghiệp đang làm.
Có những doanh nghiệp sử dụng chiến lược giá trong việc đẩy giá sản phẩm lên khá cao để thuyết phục người mua rằng các sản phẩm của họ là sản phẩm có chất lượng. Một chiến lược định giá khác được sử dụng trong việc cung cấp dịch vụ như việc cho phép thành viên có thể trả tiền sau một khoảng thời gian mua hàng thay vì phải thanh toán một lần cho từng sản phẩm .
CHIẾN LƯỢC MARKETING
Chiến lược này xác định mục tiêu marketing tổng thể mà công ty sẽ để đạt được. Mục tiêu ở đây là đưa ra phương pháp marketing phù hợp với các loại mặt hàng của công ty và phù hợp với khách hàng mà họ đang cố gắng thu hút. Tùy thuộc vào đặc điểm nhân khẩu học của khách hàng và nhu cầu riêng của họ, các công ty sẽ cần phải áp dụng các phương pháp tiếp cận marketing khác nhau để có thể đưa sản phẩm của họ đến với khách hàng.
Một lần nữa, hãy nhìn vào casestudy của Microsoft và Apple. Microsoft tập trung hoạt động marketing của họ vào các công cụ hỗ trợ khách hàng trong việc kinh doanh như bảng tính, cơ sở dữ liệu và các ứng dụng email. Mặt khác, Apple quan tâm chủ yếu đến các khách hàng là nhà thiết kế đồ họa và những người sản xuất các ấn phẩm truyền thông. Không giống như cách Microsoft đã theo đuổi với việc giúp khách hàng tối đa hóa năng suất trong công việc kinh doanh, Apple lại tập trung vào việc nâng cao sự sáng tạo cho khách hàng của mình.
Apple thậm chí còn tặng các sản phẩm của mình cho các trường học để đảm bảo rằng trẻ em sẽ học được cách sử dụng máy tính và các sản phẩm khác từ Apple. Điều này khiến chúng cảm thấy quen thuộc và thoải mái với việc sử dụng nền tảng của Apple, từ đó khiến chúng cảm thấy khó khăn nếu như phải chuyển sang dùng một nền tảng khác sau này.
CHIẾN LƯỢC TÀI CHÍNH
Nhu cầu của khách hàng hiện nay có xu hướng ngày càng tăng hơn so với nguồn lực sẵn có của họ. Điều tương tự cũng xảy ra với các doanh nghiệp, do đó các doanh nghiệp cần phải đưa ra một chiến lược để tận dụng tốt nhất các nguồn lực sẵn có bất kể giới hạn của họ là gì.
Giới hạn đó có thể bao gồm các khoản vay tiền, quản lý các khoản phải thu hoặc thậm chí trong việc tìm kiếm các nhà đầu tư cho các dự án khác nhau của doanh nghiệp. Nó cũng có thể bao gồm sự kết hợp của những điều trên.
Đọc thêm: 4 Sai Lầm Thường Gặp Về Tư Duy Chiến Lược Của Doanh Nghiệp Việt
KHÁC BIỆT GIỮA CHIẾN LƯỢC VÀ CHIẾN THUẬT
Chúng ta đã biết được chiến lược là gì, và bây giờ hãy cùng Saga.vn tìm hiểu về “Chiến thuật”. Chiến thuật là bước tiếp theo sau khi bạn đã xác định chiến lược cho doanh nghiệp của mình. Không có doanh nghiệp nào có khả năng hội tụ đủ tất cả các nguồn lực cần thiết để vận hành doanh nghiệp một cách tối ưu và trơn tru nhất. Điều này có nghĩa là các quyết định sẽ phải được thực hiện dựa trên những gì được ưu tiên tùy thuộc vào từng thời điểm của công ty. Đây là lúc mà các chiến thuật được đưa vào để sử dụng. Chiến thuật sẽ xác định các phương án mà doanh nghiệp sẽ ưu tiên ở các mốc thời gian quan trọng khác nhau trong việc thực hiện một chiến lược cụ thể.
Không chung chung giống như chiến lược, chiến thuật diễn tả chi tiết hơn về cách thức mà doanh nghiệp sẽ thực hiện kế hoạch kinh doanh. Đó là việc chi tiết hóa các hành động cụ thể sẽ được thực hiện trong quá trình triển khai chiến lược. Bạn có thể sử dụng nhiều chiến thuật như là các phần của một chiến lược tổng thể với sự tham gia của các phòng ban cũng như cá nhân khác nhau.
Trong khi cả hai thuật ngữ đều được sử dụng một cách rộng rãi để diễn tả cách mà mọi thứ được thực hiện, thì vẫn có một sự phân biệt rõ ràng giữa hai thuật ngữ này. Trong thế giới kinh doanh, chiến lược thường được sử dụng để chỉ các kế hoạch tổng thể để đạt được mục tiêu kinh doanh trong khi chiến thuật thì lại diễn tả chi tiết hơn trong việc kế hoạch sẽ được thực hiện như thế nào.
Hãy xem một ví dụ sau. Một công ty vừa bắt đầu sản xuất xe trượt tuyết. Chiến lược tổng thể ở đây có thể là việc gia tăng sự sẵn có của sản phẩm và gia tăng sự nhận thức của khách hàng về xe trượt tuyết cũng như các tính năng của sản phẩm cho đối tượng khách hàng quốc tế.
Một chiến thuật khá hay ở đây là sự hợp tác với một chương trình xe hơi của nhãn hàng Top Gear để làm một tập phim quảng cáo làm nổi bật những tính năng mà những chiếc xe trượt tuyết này có thể làm.Qua đó các công ty khác sẽ tài trợ cho một nhóm đua xe trượt tuyết hằng năm và nhờ họ sử dụng xe trượt tuyết để quảng bá sản phẩm của công ty.
LỢI ÍCH CỦA VIỆC HOẠCH ĐỊNH MANG TÍNH CHIẾN LƯỢC
Có người đã từng nói rằng nếu bạn không biết bạn đang đi đâu, thì bạn có thể đi trên bất kỳ con đường nào cũng sẽ dẫn bạn đến nơi cần đến. Một chiến lược kinh doanh tốt đảm bảo rằng bạn sẽ không rơi vào mớ hỗn độn bằng cách cung cấp cho bạn một tầm nhìn rõ ràng về mục tiêu bạn đang đi.
Thông qua việc hoạch định, bạn có thể dễ dàng theo dõi tiến độ mà bạn đã đạt được tại bất kỳ thời điểm nào trong quá trình thực hiện, giúp bạn có thể đưa ra những quyết định điều chỉnh cần thiết để trở lại đúng hướng với mục tiêu của công ty nếu cảm thấy bạn đã đi chệch so với định hướng ban đầu.
Hãy cùng xem xét các lợi ích mà bạn sẽ nhận được với việc hoạch định một cách chiến lược trong doanh nghiệp của bạn.
XÂY DỰNG ĐỊNH HƯỚNG CHO CÔNG TY BẠN
Việc kế hoạch một cách chiến lược sẽ giúp cho công ty của bạn có một tầm nhìn, mục tiêu rõ ràng và đã được chia sẻ tới tất cả các thành viên trong công ty. Nó xác định rõ lý do cho sự tồn tại của doanh nghiệp và đảm bảo rằng các mục tiêu thực tế được đưa ra với mục đích iđạt được sứ mệnh của công ty.
Điều này giúp bạn có thể đo lường sự tiến bộ của nhân viên, qua đó có thể phát hiện và khen thưởng với những nỗ lực trong việc nâng cao hiệu suất của nhân viên.
CUNG CẤP CHO BẠN SỰ KIỂM SOÁT
Có những công ty sẽ luôn tỏ ra chủ động với những biến đổi và một số công ty thì ngược lại. Một chiến lược được thực hiện tốt sẽ làm cho công ty của bạn có sự chủ động nhất định, giúp công ty đi trước một bước so với các công ty còn lại.
HIỂU RÕ HƠN VỀ VỊ TRÍ CỦA CÔNG TY TRÊN THỊ TRƯỜNG
Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần phải hiểu vị trí công ty và đối chiếu với những mục tiêu đề ra nếu như công ty đó có dự định thực hiện một số sự phát triển. Một chiến lược cho phép người quản lý hiểu rõ hơn vị trí công ty mình hiện tại đang ở đâu để có thể tìm ra giải pháp tốt nhất khiến công ty đạt được đích đến mong muốn. Điều này giúp nhân viên tự đặt ra nhiều cam kết hơn để thực hiện mục tiêu của tổ chức.
XÁC ĐỊNH CÁC CƠ HỘI MỚI
Thường xuyên xem xét chiến lược kinh doanh đòi hỏi rất nhiều tư duy sáng tạo. Bởi nó yêu cầu việc đưa ra những giải pháp cho những thách thức mới gặp phải có thể ảnh hưởng đến việc thực hiện chiến lược ban đầu.
CẢI THIỆN HIỆU SUẤT KINH DOANH
Việc doanh nghiệp có một chiến lược sẽ giúp họ hiểu được rõ hơn về những mục tiêu kinh doanh họ đang cố gắng đạt được kể cả trong ngắn hạn và dài hạn. Điều này giúp cho doanh nghiệp theo dõi được sự phát triển trong hoạt động kinh doanh một cách dễ dàng, giúp cho việc lập kế hoạch dễ dàng hơn.
Với việc có một chiến lược, bạn sẽ có được sự tập trung hơn bởi những những sự phân tán từ những cơ hội trông có vẻ tiềm năng đã được giảm thiểu. Qua đó kết quả đạt được sẽ tốt hơn và được lan tỏa với tốc độ nhanh hơn.
TĂNG CƯỜNG SỰ GIAO TIẾP TRONG TỔ CHỨC
Để ra được một chiến lược cụ thể cho tổ chức, đội ngũ điều hành công ty phải cân nhắc các lựa chọn và đánh giá các phương pháp khác nhau mà công ty có thể thực hiện.
Việc giao tiếp này thường được thực hiện qua một loạt các cuộc thảo luận và tranh luận nơi mọi người cùng ngồi và nói về hướng mà công ty nên thực hiện, nên đi. Khi chiến lược đã được xây dựng xong, sẽ vẫn có các phiên họp thường xuyên để theo dõi tiến độ và thực hiện bất kỳ thay đổi cần thiết nào.
Mục tiêu của các cuộc họp là khiến mọi người trong công ty có một luồng thông tin xuyên suốt . Và để làm được điều đó thì các giám đốc và đội ngũ quản lý cần phát triển các kỹ năng giao tiếp để đảm bảo luông thông tin chính xác và kịp thời trong công ty.
SỰ PHỐI HỢP TỐT LÀ ĐIỀU QUAN TRỌNG TRONG CÔNG TY
Khi các ưu tiên của công ty được thiết lập rõ ràng, tất cả các phòng ban sẽ phải nỗ lực để đạt được các mục tiêu chung. Trong trường hợp này, các bộ phận cần có ý thức thúc đẩy nhau để làm việc tốt hơn bởi vì mỗi người trong số họ đều hiểu trách nhiệm của mình phục vụ cho việc đạt được mục tiêu tổng thể của công ty.
QUYẾT ĐỊNH NHANH HƠN VÀ TỐT HƠN
Một chiến lược tốt giúp cho việc quản lý một công ty dễ dàng hơn bởi vì có những mục tiêu được xác định rõ ràng sẽ mang lại những định hướng trong việc ra quyết định. Thay vì đưa ra quyết định mà họ nghĩ rằng sẽ tốt cho công ty từ đánh giá và phán đoán khá chủ quan của riêng họ thì với chiến lược rõ ràng những người ra quyết định sẽ có thể đi đến quyết định cuối cùng cho những băn khoăn của mình.
Kết quả là, họ sẽ chọn cách tốt nhất để có thể đi đến đích cần tới.
Đọc thêm: Sơ Lược Về Chiến Lược Kinh Doanh
XÂY DỰNG CHIẾN THUẬT TỐT CHO CHIẾN LƯỢC CÔNG TY CỦA BẠN
Chiến thuật có thể khiến mục tiêu công ty được thực hiện thành công hoặc phá vỡ mục tiêu đó. Với ý nghĩ đó, điều quan trọng là bạn phải thận trọng khi chọn lựa các chiến thuật để thực hiện mục tiêu. Đó được gọi là việc hoạch định cho các chiến thuật, bao gồm việc tham gia xây dựng kế hoạch tầm chiến lược của công ty và đưa ra các kế hoạch hành động chi tiết, xác định cách công ty sẽ đạt được các cột mốc nhỏ hơn và các hoạt động thường được phân chia bởi các phòng ban.
Những chiến thuật của một công ty thường được thực hiện bởi phần lớn các nhà quản lý tầm trung. Đội ngũ điều hành đưa ra kế hoạch về chiến lược, sau đó các nhà quản lý cấp thấp hơn xây dựng và triển khai các chiến thuật tương ứng. Những người quản lý tầm trung là lựa chọn phù hợp cho điều này bởi họ hiểu rõ hơn về các hoạt động hàng ngày của công ty hơn so với các giám đốc điều hành, những người chỉ có cái nhìn toàn cảnh, khái quát về công ty.
Sau đây là bốn điểm chính của một kế hoạch mang tính chiến thuật thành công:
TÍNH LINH HOẠT
Trong thế giới kinh doanh luôn có các sự kiện không lường trước được và không thể tránh khỏi. Như vậy, các kế hoạch về chiến thuật thành công là những kế hoạch có đủ sự linh hoạt để ứng phó với những sự kiện bất ngờ. Khi một sự kiện như vậy xảy ra, bạn sẽ quay lại bảng kế hoạch và vẫn thực hiện nó hay bạn sẽ điều chỉnh kế hoạch để ứng phó cho sự kiện thay đổi đó?
NÓ CÓ THỂ ĐO LƯỜNG ĐƯỢC
Khi kế hoạch được đưa ra, có cách nào để theo dõi việc thực thi nó không? Kế hoạch chiến thuật tốt cần có phương thức để đo lường, theo dõi sự tiến bộ. Một ví dụ về việc lựa chọn một công ty vận chuyển thay vì lập ra một bộ phận vận chuyển trong nội bộ. Chiến thuật này rất thông minh vì nó có thể đo lường được. Nó có thể kiểm tra được phần trăm các lô hàng đến đúng giờ và không đúng giờ. Bên cạnh đó cũng có thể xác định được các khoản chi phí phát sinh.
THỜI GIAN
Những kế hoạch tầm chiến thuật không chỉ là phương tiện để đảm bảo ngân sách. Trong thực tế, các kế hoạch này là sự hướng dẫn mà bạn sẽ sử dụng để thực hiện chiến lược của mình. Đừng để mình là nạn nhân của định luật Parkinson. Thời gian bạn mong muốn có được những kết quả sẽ kéo dài tương ứng với lượng thời gian mà bạn đã bỏ ra để hành động cho kết quả đó. Nếu bạn không có timeline cụ thể cho từng cột mốc công việc thì đừng ngạc nhiên khi bạn mất rất nhiều thời gian cho việc thực hiện công việc đó.
INSIGHT (SỰ THẬT NGẦM HIỂU)
Một kế hoạch tầm chiến thuật tốt nên được bắt nguồn từ đúng insight của khách hàng. Bạn cần phải chắc chắn rằng bạn nghiên cứu những insight đó dựa trên các sự kiện thực tế trong lĩnh vực của bạn. Bạn cũng cần tìm hiểu phản ứng của khách hàng về bất cứ hành động nào bạn đang cố gắng thực hiện để đạt được mục tiêu trước khi quyết định phương thức để làm theo.
LÝ DO TẠI SAO MỘT SỐ CHIẾN THUẬT VÀ CHIẾN LƯỢC THƯỜNG THẤT BẠI
Sau khi đề cập tầm quan trọng của việc có chiến lược và chiến thuật cho doanh nghiệp, hãy tìm hiểu lý do phổ biến khiến chiến lược/chiến thuật của công ty thất bại.
CAM KẾT MỘT PHẦN
Có một chiến lược mà bạn hết lòng vì nó nhưng có thể sẽ kết thúc trong sự hỗn loạn. Chiến lược và tất cả các chiến thuật cần phải có sự hỗ trợ nhiệt tình từ quản lý để có thể tạo ra kết quả cụ thể. Nếu bạn không có ý định đưa ra kế hoạch hỗ trợ nhiệt tình, thì không nên dành thời gian để xây dựng nó.
CHỐNG CHỌI VỚI SỰ THAY ĐỔI
Nếu bạn quyết định đưa ra một chiến lược cho công ty, thì bạn cần phải sẵn sàng nắm bắt bất kỳ thay đổi nào có thể được yêu cầu để thực hiện nó. Nếu bạn xây dựng một chiến lược nhưng vẫn muốn làm mọi thứ theo cách cũ, thì hãy chuẩn bị cho những kết quả khủng khiếp xảy ra khi thực hiện nó
SỰ THIẾU KIÊN NHẪN
Cho dù chúng ta có tuyệt vọng như thế nào đi nữa, việc triển khai thường sẽ mất thời gian. Với ý nghĩ này, bạn nên cho phép kế hoạch của mình có khoảng thời gian thực hiện trước khi bạn có thể thấy bất kỳ kết quả nào. Điều này không có nghĩa là bạn không nên đo lường sự tiến bộ của mình. Sự đo lường nên được thực hiện, vấn đề sẽ xảy ra trong trường hợp bạn mong đợi có ngay những chỉ sau một đêm.
MONG ĐỢI CÁC KẾT QUẢ KHÁC NHAU TỪ CÙNG MỘT HÀNH ĐỘNG
Khi xây dựng một chiến lược kinh doanh, nhiều doanh nghiệp thường đi trên một con đường dễ dàng bằng cách bắt chước những thứ mà các đối thủ cạnh tranh khác đang làm sau đó mong đợi có được kết quả tốt nhất. Để xây dựng một chiến lược tốt, bạn sẽ cần phải lùi lại một bước và kiểm tra toàn bộ chuỗi giá trị rồi điều chỉnh nó để cho bạn một lợi thế cạnh tranh riêng.
THIẾU ĐI SỰ TUÂN THỦ CẦN THIẾT
Một khi chiến lược đã được xây dựng, mọi nguồn lực trong công ty cần phải cam kết là thực hiện theo kế hoạch .Điều này có nghĩa là sẽ có hậu quả xảy ra khi có bất kỳ ai chọn cách thực hiện khác với kế hoạch ban đầu. Điều quan trọng cần phải lưu ý là việc thực thi mà không đánh giá có thể khiến doanh nghiệp gặp khó khăn. Do vậy cần đảm bảo việc đánh giá chiến lược một cách liên tục để đảm bảo rằng các điều chỉnh được thực hiện khi cần thiết.
Chiến lược và chiến thuật rất quan trọng trong sự thành công của mọi doanh nghiệp. Mặc dù trong thực tế có một số lượng lớn các doanh nghiệp hoạt động mà không có những điều trên nhưng bạn sẽ cần phải ưu tiên cho chiến lược và chiến thuật để có kết quả một cách nhanh hơn. Lập kế hoạch mang tầm chiến lược và chiến thuật tương tự như việc đặt ra những mốc định vị và điều hướng cho điểm đích mà bạn muốn đến. Bạn cũng có thể đến đích mà không có hai điều đó, nhưng nếu trang bị thì chuyến đi sẽ nhanh hơn, rẻ hơn và dễ dàng hơn giống như việc bạn lựa chọn sử dụng GPS trên lộ trình của bạn.
NGUỒN : THEO SAGA.VN