Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí Harvard Business Review, một trong 4 điều tạo nên thành công của CEO là tốc độ và sự chắc chắn của các quyết định.
Trên thực tế, nội dung của quyết định chưa chắc đã quan trọng bằng cách các quyết định được đưa ra.
Chris Mayers - đồng sáng lập, CEO của BodeTree, đơn vị cung cấp giải pháp quản lý tài chính cho các doanh nghiệp nhỏ, đã chia sẻ về bài học lãnh đạo của mình trên Forbes.
Chris cho biết, khi làm việc ở cả hai vai trò nhà tư vấn chiến lược và CEO, anh học được rằng cách tiếp cận vấn đề quá học thuật khi ra quyết định đã tạo ra những vấn đề không lường trước được.
"Quá trình ra quyết định của tôi thường dẫn đến những bức bối trong nội bộ tổ chức và gây ra sự trì trệ trong toàn bộ đội ngũ. Từ đây, tôi đã nhận ra 3 khía cạnh quan trọng mà tôi cần thuần thục nếu muốn trở thành nhà lãnh đạo quyết đoán".
"Bửu bối" của Chris Mayers:
Luyện tập các phản ứng khẩn cấp
Theo Chris, kỹ năng đầu tiên mà nhà lãnh đạo cần thuần thục chính là phản hồi trong những tình huống khẩn cấp. Đây là khả năng nhận thức và phản hồi nhanh chóng dựa trên các nguồn lực đang có tại thời điểm đó. Đối với Chris, điều này tương ứng với phát triển và duy trì góc nhìn tổng quan trong mọi trường hợp.
Chris nhận ra rằng anh phải luôn nhận thức được những ưu tiên quan trọng nhất và cân bằng tác động lâu dài của chúng với các nguồn lực đang có.
Các tình huống khẩn cấp tạo cơ hội phát triển tư duy tổng hợp. Các tình huống này làm nảy sinh những ý tưởng mâu thuẫn với nhau và thúc đẩy người lãnh đạo phân tích kỹ càng các ý tưởng này. Qua thực tập, Chris tìm ra được con đường trực tiếp dẫn đến những ưu tiên quan trọng nhất ở thời điểm đó.
"Phương án được lựa chọn tuy hợp lý với tôi nhưng đôi khi lại mang đến hoang mang cho thành viên trong đội ngũ. Khi đó, sự rõ ràng và thuyết phục của tôi khi phân tích lý do đưa ra quyết định sẽ giúp trấn an các đồng nghiệp của mình", Chris viết.
Xác định lượng dữ liệu cần thiết
"Ở thời gian đầu trong sự nghiệp, tôi muốn thu thập 100% những dữ liệu có thể tìm kiếm được trước khi đưa ra bất cứ quyết định gì. Sau này nhìn lại, tôi nhận ra điều đó thật ngớ ngẩn", Chris chia sẻ.
Trên thực tế lãnh đạo, bạn sẽ không bao giờ có đủ mọi thông tin và dữ liệu trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào. Đơn giản là thương trường luôn đầy rẫy những ẩn số bất ngờ. Và ý định thu thập càng nhiều thông tin càng tốt sẽ làm bạn bị bế tắc trong quá trình ra quyết định.
Thay vào đó, các nhà lãnh đạo cần cảm thấy thoải mái hơn trong việc ra quyết định dù chỉ có được 65% thông tin cần thiết. Mỗi người sẽ có một mức độ chấp nhận khác nhau, thông thường tốt nhất là dưới 80%. Tỷ lệ cao hơn mức này sẽ làm chậm quá trình triển khai công việc của bạn và tổ chức.
Quyết định sai còn hơn không quyết định
Có rất ít những quyết định trong cuộc sống hoặc công việc mà bạn không thể cải thiện được. Song, chúng ta lại có xu hướng xem mọi quyết định kinh doanh đều là những quyết định sống còn. Tâm lý này đến từ việc chúng ta đánh giá sự hiệu quả dựa trên kết quả đầu ra.
Dĩ nhiên, kết quả đầu ra là quan trọng nhưng không phải là tất cả. Những lãnh đạo giỏi nhận ra rằng họ có thể ra một vài quyết định sai lầm dọc đường đi. Điều này giúp giải tỏa tâm lý và mở ra nhiều hướng tư duy mới trong quá trình ra quyết định của nhà lãnh đạo.
Điều quan trọng mà người lãnh đạo cần nhớ là cách ra quyết định quan trọng hơn nội dung của quyết định. Những lãnh đạo có khả năng ra quyết định nhanh chóng, thuyết phục không phải lúc nào cũng chính xác, nhưng họ làm được chuyện đưa tổ chức tiếp tục tiến lên. Những quyết định sai có thể sửa chữa, nhưng sự thiếu quyết đoán sẽ gây hại cho cả nội bộ lẫn danh tiếng của tổ chức, đây mới là điều khó sửa chữa được.