Tâm lý đám đông và những điều cần biết
Con người rất dễ bị ảnh hưởng bởi lời nói và hành vi của người khác. Khi nghe thấy quan điểm hoặc nhìn thấy hành động của đám đông, con người sẽ không tự chủ được mà từ bỏ suy nghĩ của mình và hành động theo đó. Một khi suy nghĩ đã bị ảnh hưởng bởi người khác, khả năng tự kiểm soát cũng sẽ giảm xuống.
Các nhà tâm lý học đã tiến hành một thí nghiệm đối với sinh viên khoa Tâm lý của một trường đại học ở Mỹ để quan sát xem liệu hành vi và lời nói của họ sẽ đi theo đám đông hay họ sẽ kiên trì với chính kiến của mình. Đầu tiên, giáo viên khoa Tâm lý giới thiệu với các sinh viên về một người và thông báo rằng anh ta là chuyên gia hoá học nổi tiếng ở Đức, đến đây để giới thiệu cho mọi người về một loại vật chất hoá học mà anh ta mới phát hiện. Người chuyên gia này mang ra một chiếc bình nhỏ, sau đó nói với các sinh viên rằng đây là một loại hoá chất không màu, sau khi mở nắp ra sẽ lan toả mùi hôi thối khắp phòng học. Anh ta bảo mọi người hãy ngửi thử rồi giơ tay lên nếu ngửi thấy mùi hương này. Mười lăm giây sau, đa số sinh viên ở các hàng đầu đều giơ tay ra hiệu họ đã ngửi thấy mùi thối, đến thời điểm một phút, 75% sinh viên trong giảng đường đều giơ tay lên. Sau này họ mới biết hoá ra chuyên gia hoá học này chỉ là một giáo viên tiếng Đức, còn hoá chất trong chiếc bình kia chỉ là nước cất thông thường, chẳng có mùi gì hết.
Việc các sinh viên đều tin rằng hoá chất này có mùi thối chủ yếu là do ảnh hưởng của hai yếu tố. Thứ nhất là lời dẫn dắt của chuyên gia uy tín. Khi sinh viên biết người đứng trên bục giảng là nhân vật có vai vế trong giới hoá học, họ liền tin tưởng rằng bất kỳ lời nói nào của anh ta cũng đều chân thật và đáng tin. Thứ hai là tâm lý đám đông. Một vài sinh viên căn bản không hề ngửi được mùi gì, nhưng khi nhìn thấy các bạn ở hàng đầu giơ tay, họ đã hoài nghi mũi của mình có vấn đề, thế là dù có ngửi thấy hay không, họ sẵn sàng đi theo ý kiến của đa số mọi người.
Trong cuộc sống, loại tâm lý đám đông này chẳng có gì mới mẻ. Lúc đi ăn ở bên ngoài, nhìn thấy trước cửa tiệm trên đường là một hàng người dài, ta liền nghĩ đồ ăn ở tiệm này chắc chắn cực kỳ ngon, thế là không tiếc hai tiếng đồng hồ đứng ở phía sau hàng người đó. Một lúc sau, lại có nhiều người nữa đi ngang qua. Vốn dĩ họ đã quyết định xong nơi mình muốn ăn, nhưng khi thấy cửa tiệm này đông người nhất, họ liền vứt luôn lựa chọn ban đầu để hoà theo dòng người đi xếp hàng. Cứ thế, hàng càng ngày càng dài, người bị hấp dẫn cũng càng ngày càng đông. Sau khi ăn xong, có lẽ những người này sẽ phát hiện ra rằng đồ ăn ở cửa tiệm có nhiều người xếp hàng cũng chỉ bình thường mà thôi, còn chẳng bằng quán mà mình đã chọn ban đầu. Đây chính là ảnh hưởng do hiệu ứng đám đông mang lại.
Dưới ảnh hưởng của đám đông, con người sẽ bộc lộ một nhược điểm trong tính cách, đó là thường đi theo số đông, không có chính kiến. Bởi vì họ cảm thấy lựa chọn của nhiều người là đúng, vì thế phải làm giống như mọi người, không được tỏ ra quá lập dị. Đa số mọi người đều thuận theo quan điểm hoặc hành vi của người khác chứ không cân nhắc mục đích thực sự của mình. Dưới cám dỗ đến từ hành vi đám đông, họ khó lòng kiểm soát được bản thân.
Chuyên gia tâm lý học Solomon E.Asch đã tiến hành hàng loạt thí nghiệm về hiệu ứng đám đông. Trong phòng thí nghiệm, có một hàng ghế dành cho bảy người. Đối tượng tham gia thí nghiệm thực sự sẽ ngồi ở vị trí số 6, trong khi sáu người còn lại đều là trợ lý thí nghiệm. Khi thí nghiệm bắt đầu, những người tham gia sẽ lần lượt trả lời các câu hỏi theo thứ tự chỗ ngồi. Trước tiên, nhân viên thí nghiệm yêu cầu họ nhìn hai tờ giấy, trên một tờ giấy vẽ một đường thẳng, trên tờ giấy còn lại có ba đường kẻ dài ngắn khác nhau. Những người tham gia thí nghiệm phải trả lời xem đường kẻ nào trong ba đường trên có độ dài giống như đường thẳng ở tờ giấy đầu tiên. Nếu đối tượng tham gia thí nghiệm thực sự được ngồi một mình, chắc chắn anh ta sẽ đưa ra lựa chọn chính xác, bởi vì đề bài này quả thật quá đơn giản đối với một người có trí thông minh bình thường. Nhưng đáng tiếc, anh ta bị xếp ở vị trí số 6 để trả lời câu hỏi, và điều đó dễ dàng gây rối cho anh ta.
Nếu như năm người trước đều lựa chọn đáp án chính xác, đối tượng tham gia thực sự cũng sẽ chọn ra đáp án chính xác. Nếu người đầu tiên chọn một đáp án sai lầm, bạn sẽ chê cười anh ta ngu xuẩn. Người thứ hai cũng chọn đáp án sai, bạn sẽ cho rằng đây chỉ là trùng hợp. Nếu người thứ ba, thứ tư cũng chọn đáp án sai, bạn bắt đầu nghi ngờ đôi mắt của mình. Đến khi người thứ năm cũng chọn đáp án sai, khả năng tự kiểm soát của bạn sẽ biến mất hoàn toàn. Cho dù lựa chọn ban đầu của bạn là gì, thì vào giờ phút này, hiển nhiên bạn đã không còn tin tưởng bản thân mình nữa và sẽ chọn đáp án sai như những người khác đã chọn.
Kết quả thí nghiệm cho thấy, khi tự mình trả lời câu hỏi, một cá nhân sẽ có tỷ lệ trả lời chính xác đạt 99%, còn khi phải lắng nghe những lựa chọn sai lầm từ người khác, có 75% số người sẽ chọn đáp án sai. Nói cách khác, số lượng người trong tập thể càng nhiều, cá nhân càng khó giữ được chính kiến của mình.
“Hiệu ứng đoàn tàu” là một hiện tượng tâm lý tương đối phổ biến. Khi con người chịu áp lực từ hành vi hoặc ý kiến của tập thể, họ sẽ từ bỏ suy nghĩ của bản thân để đi theo đa số. Người khác đều làm như vậy, nói như vậy nên tôi cũng nói và làm theo. Lúc này đây, ta không kiểm soát nổi mình nữa.
Nhà văn James Thurber người Mỹ đã từng kể một câu chuyện cười tương tự như vậy. Một ngày, có một người đang đi trên đường thì đột nhiên chạy vọt về hướng Đông, kế đó một đứa trẻ bán báo cũng bắt đầu chạy. Tiếp theo, lại có một quý ông vội vàng chạy theo, có lẽ có chuyện gấp phải làm. Khoảng mười mấy phút sau, cũng trên con đường này, gần như tất cả mọi người đều chạy về hướng Đông, hơn nữa sắc mặt họ vô cùng hoảng hốt, vừa chạy vừa la hét. Lúc này, người chạy trên đường càng ngày càng đông, giống như đang cố gắng thoát khỏi một tai hoạ khủng khiếp. Hoá ra, bọn họ tưởng nước sông đã đánh vỡ đê và cho rằng chạy về hướng Đông là an toàn nhất. Thật ra, người đầu tiên chạy đi chỉ muốn kịp giờ xử lý công chuyện mà thôi. Khi số người chạy càng ngày càng nhiều, nghĩa là càng nhiều người bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng đoàn tàu. Từ hành vi chạy đơn giản lại trở thành một việc lớn, đây quả thực là một chuyện rất hài hước.
Đôi khi chúng ta sẽ cười nhạo người khác “chạy theo số đông”, nhưng khi sự việc rơi xuống đầu mình, chúng ta chưa chắc đã kiểm soát được bản thân. Hiệu ứng đoàn tàu thần kỳ ở chỗ cho dù bạn có khả năng kiểm soát bản thân mạnh mẽ đến thế nào thì khi gặp phải nó cũng rất khó có tác dụng. Chúng ta phải duy trì đầu óc tỉnh táo, phân tích mọi tình huống một cách khách quan. Khi cảm thấy ý kiến của mình khác với mọi người, trước hết bạn đừng vội nghi ngờ bản thân. Hãy bình tĩnh suy nghĩ một lúc, cân nhắc rõ ràng rồi mới quyết định hành động như thế nào.
Trích từ “Không phải chưa đủ Năng Lực mà là chưa đủ Kiên Định”
Link xem sách: https://shorten.asia/rzPQupEv