Hiệu ứng “rắn hổ mang” (Cobra effect) là một thuật ngữ dùng để mô tả một giải pháp được đưa ra để giải quyết một vấn đề nào đó nhưng lại làm nó trở nên tồi tệ hơn.
Câu chuyện khởi điểm
Trong giai đoạn mà Ấn Độ còn bị chính phủ Anh cai trị, có một thời điểm mà những con rắn hổ mang đã trườn quanh khắp thành phố Delhi cắn người và gây ra sợ hãi cho những người dân ở đây. Lúc đó, chính phủ Anh đã bắt buộc phải hành động để sớm giải quyết sự cố.
Họ lựa chọn giải pháp là bỏ tiền ra để mua lại những con rắn hổ mang đã chết. Thoạt đầu, giải pháp này hoạt động rất hiệu quả. Tuy nhiên, nó đã dần phản tác dụng. Những người dân Ấn Độ bắt đầu nảy ra ý tưởng nuôi rắn hổ mang. Họ đem một số lượng lớn rắn hổ mang đã chết cho chính phủ Anh để lấy tiền nhưng vẫn tiếp tục nhân giống chúng.
Phát hiện ra sở này, chính phủ Anh đã nhanh chóng cho ngừng chính sách đổi rắn lấy tiền. Vậy nên, những người nuôi rắn hổ mang đã thả những con rắn trở lại đường phố vì chúng không còn giá trị với họ nữa. Cuối cùng, giải pháp này lại làm cho vấn đề rắn hổ mang trở nên tồi tệ hơn so với ban đầu. Và thế là thuật ngữ “Hiệu ứng rắn hổ mang” ra đời.
Trong kinh doanh, chúng ta thường xuyên thấy hiệu ứng “rắn hổ mang”. Bởi các nhà lãnh đạo doanh nghiệp luôn phải đưa ra các quyết định đúng đắn để khắc phục một vấn đề hoặc thúc đẩy phát triển kinh doanh. Tuy nhiên, nếu không được cân nhắc kỹ càng, những quyết định này có thể làm cho tình hình trở nên tồi tệ hơn.
Một vài ví dụ
Có rất nhiều công ty đã ép chỉ tiêu quá mức cho đội ngũ bán hàng của mình để bán một số sản phẩm / dịch vụ; dẫn đến việc làm cho các nhân viên bán hàng tư vấn cho khách hàng những giải pháp bị lệch so với nhu cầu và mong muốn của họ. Điều này tạo ra trải nghiệm tiêu cực cho khách hàng và gây ra bất lợi cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp trong một thời gian dài sau đó.
Khi ta chỉ tập trung vào lợi ích ngắn hạn, ta sẽ tạo ra một vấn đề lớn hơn về lâu dài.
Ngân hàng Wells Fargo
Vào năm 2016, Wells Fargo muốn có nhiều khách hàng sử dụng dịch vụ của mình hơn. Ngân hàng này đã đưa ra phần thưởng cũng như chỉ tiêu để thúc đẩy nhân viên của mình tìm kiếm thêm các khách hàng mới và bán được nhiều gói dịch vụ hơn.
Mặc dù quyết định này đã thúc đẩy doanh số và giúp Wells Fargo có được nhiều tài khoản mới. Nhưng cùng với đó, nó cũng khiến cho không ít nhân viên của ngân hàng này thực hiện những hành động xấu để đạt được mục tiêu dẫn đến việc nhiều khách hàng mất lòng tin và rời bỏ ngân hàng.
Hãng hàng không Airbus
Một ví dụ khác là Airbus. Họ muốn cải thiện trải nghiệm bay bằng cách làm hạn chế tiếng ồn bên trong máy bay để khách hàng được yên tĩnh hơn. Sau một thời gian nghiên cứu, hãng hàng không này đã thành công trong việc làm cho máy bay của mình hoạt động êm ái hơn. Tuy nhiên, lúc này hành khách và phi công có thể dễ dàng nghe trộm các cuộc trò chuyện khác và nghe thấy tiếng khóc của trẻ sơ sinh, cũng như nghe thấy tiếng cửa phòng tắm đóng mở… Nhìn chung, những chuyến bay của Airbus lại trở nên ồn ào hơn sau khi cải tiến và khiến cho khách hàng có trải nghiệm bay tồi tệ hơn.
VAR trong bóng đá
Những năm gần đây, VAR được sử dụng để hỗ trợ trọng tài ra quyế t định chính xác hơn. Nhiều trận đấu bóng đã đạt được mục đích hỗ trợ trọng tài thông qua VAR. Tuy nhiên VAR cũng gây ra những vấn đề khác lớn hơn. Nhiều trọng tài bỏ qua tư vấn của tổ VAR do không muốn bị mang tiếng là năng lực yếu kém khi điều khiển trận đấu, điều này dẫn đến hệ lụy là trọng tài luôn tìm cách đổ lỗi "ngược" cho VAR. Trọng tài sẽ tìm những lý do "không quá vô lý" để bao biện cho quyết định cá nhân. Thậm chí có những trọng tài "lợi dụng VAR" để "soi" kỹ lại bàn thắng của 1 đội bóng để tìm lỗi (dù nhỏ) làm cơ sở từ chối bàn thắng. Mặc dù người Anh tìm ra nghịch lý này khi còn chiếm đóng Ấn Độ, nhưng một lần nữa thế giới vẫn bất lực trong việc chống lại nghịch lý này. Không chỉ trong bóng đá, mà mọi lĩnh vực đều xuất hiện những quyết định mang tính chất cá nhân, gây nguy hại cho môi trường xung quanh.
Kết luận
Từ những ví dụ trên, ta có thể thấy trong kinh doanh, việc đưa ra những quyết định không được cân nhắc kỹ càng có thể gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng. Vậy nên, hãy thực hiện những điều sau đây trước khi thực hiện bất kỳ quyết định quan trọng nào đối với các thủ tục hoặc quy trình của công ty.
1. Nhận ý kiến đóng góp từ một số người khác nhau từ các phòng ban khác nhau trong công ty.
2. Nhận phản hồi từ khách hàng của công ty.
3. Cùng đội nhóm quản lý cân nhắc kỹ xem những phân nhánh ảnh hưởng dài hạn có thể xảy ra sau khi thực hiện quyết định là gì.
4. Luôn kiểm tra và đánh giá tình hình trong quá trình triển khai quyết định để đưa ra những hành động kịp thời.
Nếu thực hiện tốt những điều này, ta có thể hạn chế được tối đa những “vết cắn nghiêm trọng” của hiệu ứng “rắn hổ mang”.