Con người đôi khi quan tâm tới quá nhiều thứ, đặt quá nhiều mục tiêu, dành thời gian để làm hài lòng quá nhiều mối quan hệ. Trong khi bản thân năng lực có hạn, thời gian chỉ có 24 giờ và chúng ta không phải là thần đồng hay siêu nhân trong phim ảnh. Điều này dẫn đến tất cả mọi thứ đều dừng ở mức nửa vời và mất kiểm soát.
Thay vì điều đó, hãy chỉ đặt ra mục tiêu lớn nhất, những thứ thực sự cần phải quan tâm, các mối quan hệ gần gũi nhất…để mọi thứ xung quanh mình đều đạt được hiệu quả cao nhất. Đó chính là càng ít sẽ càng nhiều.
Ít mục tiêu- Thành công hơn
Việc có quá nhiều mục tiêu một lúc sẽ khiến việc phân bổ thời gian trở nên khó khăn hơn khi cứ phải chia nhỏ nó ra cho nhiều thứ. Mỗi lần như vậy, năng lượng cũng bị chia nhỏ dẫn đến kết quả không tối ưu. Có đợt tôi đặt mục tiêu cho mình phải thành thục Tiếng Anh, học thêm tiếng Tây Ban Nha và học Digital Marketing. Nhưng sau một thời gian tôi thấy sự tiến triển không rõ rệt khi thời gian dành cho mỗi mục tiêu không đáp ứng đủ để có năng suất tốt. Tôi tự đặt câu hỏi rằng: Mình có nhất thiết phải đạt được cả 3 mục tiêu ấy một lúc hay không? Và đến bao giờ mới làm được điều đó, khi mà có quá nhiều thứ phải làm?
Sau đấy tôi đã đơn giản hoá mục tiêu của mình bằng cách đặt mục tiêu phù hợp với từng giai đoạn. Ví dụ như nếu ưu tiên tiếng anh trước thì sẽ chỉ học tiếng anh cho đến khi đạt được yêu cầu tự đề ra, rồi sau đấy lần lượt là các mục tiêu khác. Các bạn có thể đặt mục tiêu ngắn hạn như:
- Nghe 2 bài ở TED.com mỗi ngày (mỗi bài tầm 10-15 phút)
- 1 tháng đọc 1-2 cuốn sách về kỹ năng mềm
- Cải thiện việc thuyết trình trước đám đông tại https://www.khanacademy.org/talks-and-interviews
- Tham gia một khoá học photoshop miễn phí ( kéo dài 1-2h) tại https://alison.com/courses/Adobe-Photoshop-CS6-Essential-Tools
Tập trung vào ít việc hơn và dốc hết mình cho nó sẽ hiệu quả hơn hẳn việc ôm đồm nhiều thứ và mọi việc chỉ dừng ở mức nửa vời.
Làm ít nhưng hiệu quả
Có bao giờ bạn cảm thấy ngồi cả buổi ở bàn học mà chẳng được chữ nào vào đầu? Có khi nào bạn thấy đứa bạn của mình học không nhiều nhưng kết quả vẫn cao? Bây giờ việc chăm chỉ đi đôi với thành công không hẳn đúng mà cần đi cùng một phương pháp thích hợp nữa. Bạn có thể ngồi ở bàn học, bày la liệt sách vở nhưng tay vẫn lướt Facebook đều đặn, 5 phút lướt một lần. Điều này sẽ làm bạn sao nhãng, mất tập trung và kết quả kém là đương nhiên. Bây giờ hãy lên danh sách việc cần làm, và tập trung vào nó thôi. Công việc quan trọng hay lướt Facebook quan trọng hơn? Hãy bỏ những thứ thừa thãi không cần thiết.
Bạn có thể áp dụng phương pháp Pomodoro – phương pháp quản trị thời gian để nâng cao tối đa sự tập trung trong công việc. Bằng cách thực hiện tập trung công việc mình quyết định làm trong một pomodoro thời gian 25 phút, sau đó nghỉ 3 đến 5 phút thư giãn và tiếp tục làm việc tập trung 25 phút. Cứ như vậy khoảng 4 lần pomodoro thì nghỉ dài hơn tầm 15-30 phút. Và bạn cũng phải tuân thủ những nguyên tắc của pomodoro là:
- Chỉ tập trung làm 1 việc duy nhất với 100% thời gian.
- Trong 1 Pomodoro 25 phút, nếu bị gián đoạn thì Pomodoro sẽ được tính lại từ đầu.
- Lúc giải lao thì phải thực sự thư giãn, không nên dùng nhiều đến tư duy.
Đã có các app hỗ trợ giúp các bạn dễ dàng áp dụng phương pháp này: hãy search “Pomodoro timer” trên app store, download về và thực hiện ngay xem nhé.
Sắp xếp tiêu dùng hiệu quả
Anh bạn thân của tôi có thể kiếm gần 10 triệu 1 tháng khi còn là sinh viên nhờ việc dạy đàn guitar nhưng luôn luôn kêu thiếu tiền. Hồi đó tôi chỉ kiếm được hơn 2 triệu nhờ công việc partime nhưng chẳng bao giờ thiếu tiền. Bởi vì sao? Đó là do việc chi tiêu của chúng ta. Bạn tiêu càng ít thì càng bớt việc phải suy nghĩ về tiền bạc. Kiếm tiền – tiêu ít – có tiền. Kiếm tiền – tiêu nhiều – hết sạch. Hãy chỉ mua những thứ cần thiết, dùng tiền vào việc thực sự đáng dùng. Tôi vẫn thấy khá nhiều bạn trẻ nhận lương và tiêu sạch vách ngay sau đó.
Nếu đang là một người tiêu tiền vô tội vạ, hãy làm theo cách của mình: Lập bảng chi tiêu hàng tháng. Chúng ta thường có những nguồn thu cố định (từ bố mẹ, từ việc làm thêm, lương cố định…) và các chi phí cố định phải trả (tiền nhà, tiền ăn, tiền xăng xe…). Dùng một phép tính đơn giản là lấy nguồn thu trừ đi các chi phí cố định và khoản muốn tiết kiệm. Còn lại bao nhiêu mới sử dụng nó cho các trường hợp khác như: mua sắm, hẹn hò… Không nên mua sắm thả ga, ăn chơi thoải mái rồi mới nghĩ đến việc còn lại bao nhiêu thì sẽ tiết kiệm, chắc gì bạn đã còn tiền trong ví?
Bạn có thể sử dụng Money Keeper. Đây là một app khá tiện lợi nếu bạn không thích cách ghi chép truyền thống. Money Keeper sẽ thống kê luôn cho bạn tiêu dùng trong ngày, trong tuần, tháng, năm một cách rõ ràng và vô cùng dễ dàng thực hiện. Bạn sẽ luôn biết được thu, chi của mình như thế nào để điều chỉnh cho hợp lý.
Hãy trở thành một kẻ chẳng bao giờ thiếu tiền bằng việc chi tiêu thông minh!
Sống tối giản hay triết lý Travel Light
Tối giản trong cách sống, trong suy nghĩ, trong các mối quan hệ ... sẽ giúp bạn nhiều hơn những gì bạn tưởng tượng. Sẽ có những lúc bạn phải gào thét lên rằng: làm người lớn phức tạp quá, sao chỉ có thở thôi mà cũng khó khăn thế nhỉ. Vậy thử hỏi mình xem có phải bản thân đang ôm đồm quá nhiều thứ không thực sự cần thiết? Nếu chúng ta chỉ có một chiếc balo cho cuộc hành trình dài, những thứ nào được lựa chọn để cho vào đầu tiên? Và đâu là những thứ nên bỏ đi. Bởi việc vác hết tất cả lên mình chỉ khiến mọi thứ thêm mệt mỏi. Càng ít, balo sẽ càng nhẹ.
Có nhiều người mong muốn thành đạt chỉ để cho người khác thấy điều đó được tung hô, được ngưỡng mộ, nhưng rồi chúng ta sẽ nhận ra rằng mình chọn con đường mình muốn, theo đuổi thứ mình đam mê, và cháy cùng nó, thì việc được nhìn nhận như thế nào cũng không quan trọng. Tối giản không phải là sự chạy đua theo những thứ vô giá trị mà là vô cùng bình yên và sống thật với chính mình. Nổi tiếng, nhiều tiền bạc, nhiều mối quan hệ chưa hẳn sẽ hạnh phúc. Học cách chọn lọc để sống tối giản, theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Đó là cách chúng ta làm giảm sự chi phối bởi ngoại cảnh đến bản thân và sống thực sự có ý nghĩa.
Bạn có thể tìm đọc những trang blog viết về cách sống tối giản như:
http://www.missminimalist.com/
http://www.everydayminimalist.com/
Ít sự lựa chọn, hạnh phúc hơn
Càng nhiều sự lựa chọn, sự nuối tiếc lại càng lớn. Nó giống như chi phí cơ hội vậy. Cách đây một thời gian tôi có nộp đơn vào xin làm việc barista tại 2 quán cà phê. May mắn là cả 2 đều nhận sau hôm phỏng vấn. Nhưng lúc đó bản thân chẳng thực sự vui khi có một công việc mới mà lại có cảm giác mình vừa mất đi một công việc. Cuộc sống càng ngày càng chứng mình rằng: Càng nhiều sự lựa chọn chỉ khiến con người ít hài lòng hơn. Bạn có thể đón đọc những đầu sách để có thể có những sự lựa chọn sáng suốt hơn như: “Nghịch lý của sự lựa chọn’- Barry Schwartz, “Chúng ta quyết định như thế nào”- Jonah Lehrer, “Trong chớp mắt”- Maclcom Gladwell.
Đọc đến đây bạn đã hiểu “Less is more” là như thế nào rồi chứ? Hãy có những sự ưu tiên và sự lựa chọn sáng suốt, đáng đầu tư cho cuộc sống của bạn nhé.