Văn hóa doanh nghiệp là gì? Hướng dẫn xây dựng văn hóa doanh nghiệp từ A - Z

Cùng nhớ lại một tin tức gây xôn xao toàn thế giới trong năm 2019: “Kỳ lân” công nghệ Coworking Space WEWORK trượt dốc thảm hại từ startup 47 tỷ USD đến nguy cơ phá sản. Tại sao một doanh nghiệp được gửi gắm nhiều kỳ vọng lại bất ngờ ngã ngựa ngay trước thềm IPO? Với sự phân tích của các chuyên gia, không ít những mặt tối dần được hé lộ. Một trong những nguyên nhân chủ đạo khiến đế chế này dần lụn bại chính là thứ văn hóa tiệc tùng, chè chén độc hại mà cựu CEO Adam Neumann đã xây dựng và áp đặt.

Qua bài học của WEWORK, rõ ràng doanh nghiệp không thể phủ nhận vai trò của yếu tố văn hóa doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp là yếu tố vô hình nhưng vẫn luôn tồn tại và đóng vai trò quyết định tới sự thành bại của doanh nghiệp. Nói không ngoa, nếu mỗi tổ chức là một con người, thì văn hóa chính là linh hồn - chi phối hoàn toàn sức sống và sự phát triển.

Vậy văn hóa doanh nghiệp là gì? Nhà lãnh đạo cần biết những gì để có thể xây dựng một văn hóa doanh nghiệp hoàn chỉnh và đúng đắn nhất? Bài viết này sẽ cung cấp đầy đủ thông tin tới bạn:

  • Định nghĩa văn hóa doanh nghiệp
  • Các cấp độ của văn hóa doanh nghiệp
  • Ý nghĩa quan trọng của văn hóa doanh nghiệp
  • Hướng dẫn 6 bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp
  • Ví dụ về văn hóa doanh nghiệp của các tập đoàn lớn trên thế giới
  • Case study: Văn hóa doanh nghiệp của Base.vn

I. Văn hóa doanh nghiệp là gì?

1. Định nghĩa văn hóa doanh nghiệp

Có rất nhiều khái niệm về văn hóa doanh nghiệp, nhưng tựu chung có thể định nghĩa “Văn hóa doanh nghiệp là tập hợp những giá trị và chuẩn mực về niềm tin, hành vi, cách nhận thức và phương pháp tư duy được mọi người trong công ty cùng công nhận, suy nghĩ và hành động như một thói quen.”

Văn hóa doanh nghiệp giống như tính cách và đời sống tinh thần của con người, ảnh hưởng đến lối sống, hành vi của người đó. Xây dựng văn hóa công ty quyết định sự thành bại và tồn tại lâu dài của mỗi doanh nghiệp.

2. Các cấp độ của văn hóa doanh nghiệp

Khi và chỉ khi bóc tách được các thành phần của văn hóa doanh nghiệp và tính chất đặc trưng của chúng, nhà lãnh đạo mới có thể đưa ra chiến lược phát triển trong các giai đoạn khác nhau của doanh nghiệp, đặc biệt là văn hóa lấy con người làm trung tâm.

Theo Edgar Henry Schein - cựu Giáo sư Trường Quản lý MIT Sloan - một người nghiên cứu chuyên sâu trong lĩnh vực phát triển tổ chức và văn hóa doanh nghiệp, cấu trúc của văn hoá doanh nghiệp có thể chia thành ba cấp:

  • Cấp độ thứ nhất - Cơ cấu hữu hình của doanh nghiệp: Là những giá trị văn hóa hữu hình, bao gồm các sự vật và sự việc mà một người có thể nghe, nhìn và cảm nhận khi tiếp xúc với một tổ chức lạ. Các yếu tố này dễ thay đổi và ít khi thể hiện được những giá trị thực sự trong văn hóa doanh nghiệp. Ví dụ như: Cơ cấu tổ chức phòng ban, các văn bản chính sách, kiến trúc văn phòng, logo và khẩu hiệu, mẫu mã sản phẩm, đồng phục nhân viên,...
  • Cấp độ thứ hai - Các giá trị được tuyên bố/ chấp nhận: Là những giá trị được doanh nghiệp công bố rộng rộng rãi, có thể nhận biết ngay từ văn bản, cách diễn đạt và cách thể hiện của nhân viên. Tầm nhìn, sứ mệnh, giá trị cốt lõi, chiến lược và mục tiêu,... đóng vai trò là kim chỉ nam cho hoạt động của toàn bộ nhân viên trong doanh nghiệp.
  • Cấp độ thứ ba - Các quan niệm chung: Cấp độ này khó nhận ra và cũng khó điều chỉnh bởi chúng nằm sâu từ bên trong doanh nghiệp, ăn sâu vào suy nghĩ của hầu hết các thành viên và trở thành thói quen chi phối hành động. Ví dụ như: văn hoá dân tộc, văn hoá kinh doanh, văn hóa doanh nghiệp… Khi các thành viên cùng nhau chia sẻ và hành động theo văn hóa chung, họ sẽ rất khó chấp nhận những hành vi đi ngược lại.

II. Trong thực tiễn, văn hóa doanh nghiệp đóng vai trò gì?

Theo nghiên cứu của Deloitte, 94% giám đốc điều hành và 88% nhân viên tin rằng văn hóa mang tính quyết định đối với thành công của doanh nghiệp. Trên thực tế, quả thực văn hóa doanh nghiệp có ảnh hưởng tới nhiều mặt vận hành khác nhau.

1. Văn hóa doanh nghiệp thu hút ứng viên cho tuyển dụng

Nhiều chuyên gia nhân sự đồng ý rằng văn hóa công ty mạnh mẽ là một trong những lợi thế cạnh tranh rất lớn để thu hút nhân viên tiềm năng. Tất cả mọi người đều muốn làm việc cho các công ty có danh tiếng tốt, mà điều này do chính các nhân viên cũ và hiện tại thể hiện thì lại càng đáng tin. Một công ty có văn hóa tích cực sẽ thu hút các tài năng sẵn sàng biến nơi làm việc tiếp theo của họ thành nhà.

2. Văn hóa doanh nghiệp tạo ra các nhân viên trung thành

Một nền văn hóa tích cực không chỉ giúp nỗ lực tuyển dụng mà cũng giúp doanh nghiệp giữ chân những tài năng hàng đầu - điều đặc biệt có ý nghĩa khi tình trạng “chảy máu chất xám” đang phổ biến hiện nay. Khi thu nhập đạt đến một mức độ nào đó, người ta sẵn sàng đánh đổi chọn mức thu nhập thấp hơn để được làm việc ở một môi trường hòa đồng, thoải mái, minh bạch, "mỗi ngày đi làm là một ngày vui".

3. Văn hóa doanh nghiệp hạn chế các xung đột nội bộ

Văn hóa tích cực sẽ giúp giảm đáng kể căng thẳng tại nơi làm việc, là chất keo gắn kết các thành viên của doanh nghiệp. Nó giúp các thành viên thống nhất về cách hiểu vấn đề, đánh giá, lựa chọn và định hướng hành động. Khi nhân viên phải đối mặt với xu hướng xung đột lẫn nhau thì văn hoá chính là yếu tố giúp mọi người hoà nhập và thống nhất.

4. Văn hóa doanh nghiệp đẩy mạnh hiệu suất làm việc của nhân viên

Nhân viên sẽ tận tâm với công việc và đạt được năng suất cao hơn khi có cảm giác đang làm công việc có ý nghĩa, đang cống hiến cho sứ mệnh chung và hãnh diện vì là một thành viên của doanh nghiệp. Văn hóa doanh nghiệp cũng làm giảm căng thẳng và áp lực, từ đó củng cố cả sức khỏe và hiệu suất làm việc của nhân viên.

III. Hướng dẫn 6 bước xây dựng văn hóa doanh nghiệp

Bước 1: Đánh giá văn hóa hiện tại của doanh nghiệp bạn

Có nhiều cách để đánh giá văn hóa doanh nghiệp hiện tại như trực tiếp lấy khảo sát từ nhân viên hay đơn giản là quan sát thực trạng hiện tại của doanh nghiệp. Nếu công ty của bạn đang xuất hiện những dấu hiệu sau của một nền văn hóa độc hại, hãy ngay lập tức xếp chúng vào "danh sách đen" để tìm ra biện pháp cải thiện:

  • Tuyển dụng liên tục: Đây vừa là dấu hiệu của công tác quản lý nhân sự kém, vừa là dấu hiệu của việc nhân viên không hài lòng và không gắn bó với doanh nghiệp mà nghỉ việc.

  • Các thói quen xấu của cả quản lý và nhân viên: Kỷ luật kém, hay đi làm trễ, hoàn thành deadline muộn, đến văn phòng đúng giờ nhưng bắt đầu làm việc muộn,... 

  • Giao tiếp nội bộ kém: Bạn bước chân vào văn phòng và nhận ra nơi làm việc của mình mọi người yên lặng, không cười đùa, không giao tiếp, hoàn toàn không có sự tương tác. 

  • Quản lý và nhân viên là 2 nhóm tách biệt: Hiếm khi tương tác với nhau, nếu có thì cũng chỉ là giao tiếp một chiều.

  • Có nhiều cuộc trò chuyện và các biện pháp kỷ luật khi có những sai lầm, vi phạm - nhưng lại có rất ít sự công nhận và khen thưởng.

  • Mọi người không lên tiếng thảo luận về các ý tưởng trong cuộc họp, nhưng ngay lập tức phấn khởi bàn tán sau lưng khi kết thúc cuộc họp.

  • Nỗi sợ hãi có thể cảm nhận rõ ràng: Cửa phòng đóng sầm, mọi người im lặng khi sếp đi qua, tránh không muốn đi chung thang máy với sếp,...

Bước 2: Xác định những gì bạn mong muốn về văn hóa doanh nghiệp của mình

Khi bắt đầu xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp, hãy nghĩ thật kỹ về những điều bạn muốn tạo nên, bắt đầu từ chính những thế mạnh và đặc điểm riêng của công ty bạn. Khi công ty phát triển dựa trên những sức mạnh có sẵn, trực giác sẽ chỉ cho nhà lãnh đạo biết mình cần phải làm gì và làm như thế nào để mọi thứ tốt nhất.

Bạn có thể tham khảo 8 loại hình văn hóa đặc trưng trên thế giới, được Harvard Business Review phân biệt dựa theo 2 tiêu chí là sự tương tác giữa mọi người và khả năng phản ứng trước thay đổi. Đi kèm mỗi loại hình là phần trăm các doanh nghiệp xếp loại đó thuộc Top 2 khuynh hướng văn hóa doanh nghiệp mà họ quan tâm tới.

  • Quan tâm (caring-culture): 63%
  • Mục tiêu (purpose-culture): 9%
  • Học tập (learning-culture): 7%
  • Tận hưởng (enjoyment-culture): 2%
  • Kết quả (results-culture): 89%
  • Chuyên chế (authority-culture): 4%
  • Trật tự (order-culture): 15%
​​​​​​​8 loại hình văn hoá doanh nghiệp đặc trưng trên thế giới
8 loại hình văn hoá doanh nghiệp đặc trưng trên thế giới

Bước 3: Xác định các yếu tố làm nên văn hóa doanh nghiệp

Ngày nay có rất nhiều công ty sử dụng những từ ngữ hoa mỹ và hào nhoáng để nói về văn hóa của mình. Enron – một tập đoàn năng lượng hùng mạnh của Mỹ từng dùng 4 từ sau để nói về giá trị cốt lõi của mình: Liêm chính (Integrity), Kết nối (Communication), Tôn trọng (Respect), Xuất sắc (Excellence). Kết quả là tập đoàn này đã sụp đổ vào năm 2002 do che giấu, khai man sổ sách và lừa đảo, tạo nên một trong những vụ án kinh tế chấn động nhất lịch sử nước Mỹ.

Vì vậy, giá trị cốt lõi chỉ nên là những thứ thực sự được coi trọng ở doanh nghiệp bạn. Một số câu hỏi giúp bạn xác định giá trị cốt lõi của doanh nghiệp:

  • Sứ mệnh, tầm nhìn và mục tiêu dài hạn của công ty là gì?

  • Bạn muốn công ty mình được biết đến như thế nào? 

  • Mục tiêu kinh doanh của công ty có phù hợp với giá trị cá nhân của tập thể nhân viên?

  • Mục tiêu văn hóa công ty hướng đến là gì? (Ví dụ, tinh thần làm việc nhóm được nâng cao, thành công của nhân viên được công nhận,...)

Bước 4: Lên kế hoạch thu hẹp khoảng cách giữa văn hóa doanh nghiệp hiện tại và hình mẫu lý tưởng

Khi bạn đã xác định được một văn hoá lý tưởng cho doanh nghiệp và cũng đã có sự thấu hiểu về văn hoá đang tồn tại trong doanh nghiệp mình, đây là lúc nghĩ tới làm thế nào để thu hẹp khoảng cách giữa chúng. Các khoảng cách này nên được đánh giá theo 4 tiêu chí: phong cách làm việc, ra quyết định, giao tiếp, đối xử.

Kế hoạch hành động của doanh nghiệp sẽ bao gồm các mục tiêu, hoạt động, thời gian, điểm mốc và trách nhiệm cụ thể. Cái gì là ưu tiên? Đâu là chỗ chúng ta cần tập trung nỗ lực? Cần những nguồn lực gì? Ai chịu trách nhiệm về những công việc cụ thể? Thời hạn hoàn thành?

Bước 5: Bắt tay vào triển khai văn hóa doanh nghiệp

#1. Thành lập một đơn vị phụ trách văn hóa doanh nghiệp: Ban lãnh đạo doanh nghiệp cần trực tiếp chỉ đạo và theo dõi quá trình triển khai văn hóa trong doanh nghiệp mình. Ban phụ trách có thể bao gồm đại diện cấp quản lý của từng phòng ban và một số trợ lý. Đôi khi, doanh nghiệp có thể trao lại phần lớn quyền hạn cho bộ phận Nhân sự và Truyền thông nội bộ.

#2. Công bố và truyền đạt văn hóa doanh nghiệp tới toàn bộ nhân viên: Sau khi ban hành quy định, quy chế chung, hãy tổ chức các buổi trò chuyện giữa lãnh đạo và tập thể nhân viên về giá trị văn hóa công ty kêu gọi hành động từ họ. Đừng quên đặt mình vào vị trí của nhân viên để nhận biết các trở ngại thay đổi và giải quyết chúng.

#3. Ổn định và phát triển văn hóa: Việc phát triển văn hóa cũng cần được duy trì lâu dài, nếu không muốn nói đây là quá trình cần sự bồi đắp bền bỉ. Hãy bắt đầu từ các hoạt động thực tiễn như:

  • Tích hợp giá trị của bạn vào các hoạt động hàng ngày như: Nhấn mạnh tầm quan trọng văn hóa doanh nghiệp và các giá trị khi có nhân viên mới, Đặt văn hóa và giá trị cốt lõi vào chất lượng sản phẩm doanh nghiệp, Đảm bảo thông tin bên ngoài (tiếp thị, phương tiện truyền thông xã hội, v.v.) phản ánh cùng các giá trị,...

  • Triển khai hoạt động văn hóa công ty cụ thể: Kiến trúc và nội thất văn phòng, đồng phục, nghi thức, team building, hệ thống khen thưởng, du lịch công ty,... 

  • Thiết lập hệ thống khen thưởng phù hợp với văn hoá doanh nghiệp

  • Tuyển dụng đúng người, không cần tuyển người giỏi nhất mà là người phù hợp nhất.

Bước 6: Đo lường hiệu quả triển khai văn hóa doanh nghiệp

Tương tự như doanh số bán hàng hay ROI, văn hóa doanh nghiệp nên được đánh giá cẩn thận bởi những nhà quản lý. Việc thường xuyên đo lường yếu tố này sẽ giúp bạn kịp thời giải quyết những vấn đề tồn đọng và xây dựng văn hóa doanh nghiệp lành mạnh hơn cho công ty.

#1. Khảo sát: Phương pháp phổ biến nhất là thực hiện khảo sát hàng năm, tạo cơ hội để nhân viên phản hồi về các giá trị của công ty, đánh giá sự phù hợp của chúng với hoạt động hàng ngày và với giá trị của nhân viên. Các khảo sát đơn giản qua email cũng có thể tiết lộ những gì nhân viên thích và không thích, từ đó bạn có thể định hình văn hóa của mình theo sự hài lòng của nhân viên.

#2. Đo lường bằng các chỉ số: Trong thời đại data-driven như hiện nay, mọi thước đo, thậm chí là về hiệu quả văn hóa doanh nghiệp, đều có thể được diễn đạt dưới dạng thông tin và con số. Dưới đây, là 3 chỉ số KPI quan trọng nhất để định hướng, cải thiện và phát triển văn hóa công ty thành công và hiệu quả.

  • Chỉ số Employee Turnover Rate (ETR) - Tỷ lệ nhân viên nghỉ việc

  • Employee Net Promoter Scores (eNPS) - Chỉ số đo lường sự gắn kết của nhân viên

  • Employee Satisfaction Index (ESI) - Chỉ số hài lòng của nhân viên

IV. Ví dụ về văn hóa doanh nghiệp của các tập đoàn lớn trên thế giới

1. Văn hóa doanh nghiệp của Adobe

Adobe - Tập đoàn phần mềm kỳ cựu của Mỹ nổi tiếng với văn hóa hỗ trợ. Nhân viên thuộc tập đoàn luôn được trao những cơ hội thách thức nhưng đồng thời được cấp trên hỗ trợ hết mình để nhân viên có cơ hội giải quyết thách thức một cách trọn vẹn nhất. Với đặc thù các sản phẩm phần mềm sáng tạo, Adobe luôn cổ vũ văn hóa sáng tạo trong công ty bằng cách nói không với quản trị vi mô một cách triệt để.

2. Văn hóa doanh nghiệp của Google

Dù đã có rất nhiều thay đổi tại Google trong thập kỷ qua - về quy mô, dịch vụ sản phẩm và logo - nhưng gã khổng lồ vẫn không quên tập trung xây dựng hạnh phúc của nhân viên, vì họ tin rằng điều đó khiến cho năng suất làm việc cao hơn. Google cung cấp rất nhiều đặc quyền cho nhân viên, bao gồm các bữa ăn, khám bệnh miễn phí, trợ cấp đi lại,… thậm chí còn cho phép nhân viên mang theo thú nuôi đi làm.

3. Văn hóa doanh nghiệp của Salesforce

Salesforce đứng đầu trong danh sách 100 công ty tốt nhất để làm việc của tạp chí Forbes danh tiếng. Phát triển nhân viên là ưu tiên hàng đầu của công ty công nghệ này. Tất cả nhân viên của Salesforce luôn được khích lệ mở rộng kỹ năng và sẵn sàng chia sẻ kiến thứ, thúc đẩy nhau thăng tiến trong sự nghiệp.

4. Văn hóa doanh nghiệp của Netflix

Netflix luôn chú trọng tạo ra bầu không khí minh bạch, nơi mỗi nhân viên được tạo động lực làm những việc mình cho là đúng, thẳng thắn chia sẻ quan điểm cá nhân với cấp trên và đồng nghiệp. Thay vì theo dõi nhân viên bằng giờ làm việc, Netflix thể hiện rõ những kỳ vọng và giá trị của mình để nhân viên tự giám sát và đánh giá thành tích của chính họ. Startup này cũng nổi tiếng với hế độ lương thưởng thuộc top đầu trong các doanh nghiệp tại thung lũng Silicon, thậm chí, nhân viên còn được lựa chọn việc thanh toán dưới hình thức tiền mặt hay cổ phiếu công ty.

5. Văn hóa doanh nghiệp của Facebook

Ngoài những phúc lợi tuyệt vời Facebook luôn biết cách khiến cho nhân viên cảm thấy họ có giá trị và được tin tưởng. Các Facebook-ers rất tôn trọng sứ mệnh của công ty và luôn cố gắng cho công việc có ý nghĩa tác động lên hàng tỷ người này. Ở Facebook, nhân viên luôn được giao nhiệm vụ dựa trên thế mạnh chứ không ở chức danh. Họ còn được khuyến khích đặt câu hỏi và có thể chỉ trích những người quản lý của mình.

V. Case study: Văn hóa doanh nghiệp của Base.vn - Thành công có được sau 5 năm là nhờ chăm chút nhân tài, "cấy sự tử tế, can đảm và chăm chỉ vào gen tổ chức"

Base.vn là một trong những công ty công nghệ đi đầu trong lĩnh vực xây dựng nền tảng quản trị doanh nghiệp Software-as-a-Service (Saas) tại Việt Nam. Hiện Base đã trở thành nền tảng SaaS uy tín được tin dùng bởi hơn 5000 khách hàng trải dài trên nhiều quy mô và lĩnh vực, có thể kể đến như VIB, ACB, Sacombank, VinCommerce, Golden Gate, Pizza Hut, McDonald's, The Coffee House, Decathlon, Bamboo Airways, Novaland Group,…

Một trong những văn hóa doanh nghiệp đặc trưng của Base là lấy con người làm trung tâm. Khi nhắc về những cột mốc mà doanh nghiệp đạt được trong vòng 5 năm qua, đội ngũ lãnh đạo của Base.vn luôn nhấn mạnh đây là thành tựu của một đội ngũ nhân viên năng động, nhiệt thành và tài năng.

"Vào năm 2016, lúc Base mới thành lập, nhân sự của chúng tôi chỉ có 5 người. Trong năm đầu tiên, chúng tôi chỉ có 50 khách hàng và vài năm sau đó, trung bình phục vụ 20 SMEs/1 năm. Một trong những khách hàng đầu tiên của Base là người đã đến công ty lúc 9h tối vì đã lỡ một chuyến bay. Khi thấy nhân viên của Base hăng say làm việc – điên cuồng code nhằm tập trung hoàn thành công việc; người đó mới nói rằng: ‘Base sẽ có tương lai’".

 

Anh Phạm Kim Hùng, Founder & CEO Base.vn hồi tưởng.

Trả lời câu hỏi: “Tại sao có thể xây dựng được một đội ngũ nhân viên năng động, nhiệt thành và tài năng như vậy?", anh Trịnh Ngọc Bảo, Co-founder & COO của Base chia sẻ rằng không có bất kì một công thức nào cụ thể. Tuy nhiên, có một số thứ Base.vn luôn tin tưởng và gìn giữ từ ngày thành lập công ty đến nay.

Thứ nhất, Base luôn lấy sự tử tế làm gốc. Tất cả những thứ Base làm đều phải được đặt trên sự tử tế. Ngay từ bước tuyển dụng, đội ngũ đã chọn lựa những con người tử tế mong muốn làm những điều tốt đẹp cho xã hội và tổ chức của mình. May mắn thay, những thế hệ đầu tiên của Base là những người tử tế nên theo đúng "Luật hấp dẫn", startup đã thu hút được nhiều cộng sự tử tế và tài năng.

Hai là lấy sự chăm chỉ làm bàn đạp. Base định hướng xây dựng một văn hoá mà sự chăm chỉ không chỉ thể hiện qua hành động mà còn hiện hữu trong tiềm thức: Mọi người có cảm giác công việc là một phần của cuộc sống, yêu quý và tự hào với công việc đang làm và có cảm giác tận hưởng. Bởi vậy, cho dù lãnh đạo không bao giờ ép nhân sự của mình ở lại tăng ca đến tối muộn, nhưng văn phòng Base chưa bao giờ tắt đèn trước 9 giờ tối.

"Đó là sự tự nguyện, tôi có thể nói rằng không ai cảm thấy mệt mỏi hay bị ép buộc khi ở lại. Tôi thật sự cảm thấy tự hào và may mắn khi mỗi người ở Base đều coi công ty là nhà, chúng tôi ăn trưa, ăn tối và trò chuyện cùng nhau. Nhiều người có thể không tin hoặc cảm thấy hoài nghi, còn tôi chỉ có thể nói rằng, khi bạn đến Base và trực tiếp cảm nhận điều đó, chắc chắn bạn sẽ hiểu không khí và tinh thần của chúng tôi vào mỗi cuối ngày."

Thứ ba, Base cố gắng cấy vào gen mỗi con người đức tính can đảm. Đó là sự can đảm để đối mặt và thực thi những trọng trách lớn, để đấu tranh vì thành công của khách hàng, để dẫu có thất bại vẫn phải ngẩng cao đầu vì những nỗ lực và sự tử tế đã bỏ ra, và để biết hạ thấp cái tôi và thấu cảm mọi điều từ khách hàng, đồng nghiệp và đối tác.

Anh Bảo cũng chia sẻ, có thêm ba yếu quan trọng giúp cho hạnh phúc của mỗi cá nhân ở Base được trọn vẹn hơn. Một là uôn được đáp ứng những lợi ích căn bản về mặt vật chất, kinh tế để có thể yên tâm làm việc. Hai là cơ hội được phát triển toàn diện trong công việc và cả cuộc sống. Ba là doanh nghiệp có lý tưởng và triết lý kinh doanh.

"Khi tổ chức có lý tưởng, chăm chỉ và mọi người tự hào với những gì đang làm thì đó là một tổ chức hạnh phúc."

Nguồn: basevn