Hai bài toán trường chuyên cần giải quyết

Nếu không tìm cách tự chủ tài chính để hỗ trợ đúng người và tìm ra triết lý giáo dục phù hợp, trường chuyên khó trở thành môi trường giáo dục đỉnh cao.

Học Kinh tế tại Anh, anh Nguyễn Việt Hoàng, 27 tuổi, cựu học sinh trường Phổ thông Năng khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM, hiện là Giám đốc Chương trình Nghiên cứu Kinh tế học mở rộng của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, chia sẻ quan điểm về những vấn đề trường chuyên tại Việt Nam đang gặp phải.

Anh Nguyễn Việt Hoàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Anh Nguyễn Việt Hoàng. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Một nền học thuật lành mạnh và tử tế, chưa nói đến chất lượng cao cần hội đủ ba yếu tố: tự do, đa dạng và khai phóng. Chừng nào còn chưa có đủ ba thứ ấy thì trường chuyên chỉ đơn giản là các lò luyện, nơi các em có tố chất hay năng khiếu về một môn cụ thể nào đó được tạo điều kiện học tủ, học lệch, học gạo đúng môn mà các em giỏi.

Dĩ nhiên trong số học sinh trường chuyên, nhiều em có tố chất và đam mê nghiên cứu thật với khả năng tự học, khám phá kiến thức dưới sự hướng dẫn của các thầy cô. Những em này học ở trường làng hay trường chuyên cũng đều giỏi nhưng sẽ tốt hơn nếu được học cùng các bạn có chung đam mê, sở thích và chí hướng.

Những "gã khổng lồ" nghìn tỷ như Google, Apple hay Facebook có thể đặt đại bản doanh ở bất kỳ đâu trên thế giới, nhưng vẫn chọn "về một nhà" tại Thung lũng Silicon để cùng hưởng lợi từ môi trường cạnh tranh, sáng tạo khởi nghiệp và phát triển, thì không cớ gì học sinh có năng khiếu lại không được quyền được cùng nhau học tập ở những ngôi trường đẳng cấp để phát triển bản thân, đạt đến đỉnh cao của tri thức nhân loại.

Sự cần thiết của một môi trường giáo dục chất lượng cao, đẳng cấp ở bất kỳ đất nước và thời đại nào là không cần bàn cãi. Tuy vậy, cách vận hành và vận động tài chính của các trường chuyên hiện tại đặt ra nhiều câu hỏi cần lời giải đáp.

Thứ nhất là việc nhận ngân sách Nhà nước nhiều hơn những trường khác. Liệu nhà nước có cần tài trợ cho các trường chuyên để sau này có nguồn nhân lực chất lượng cao hay không? Tôi đang đặt giả thuyết là trường chuyên có thể đào tạo nhân tài, chưa bàn đến việc chương trình có thể lỗi thời hoặc triết lý giáo dục sai lầm.

Câu trả lời là có và không. Có là bởi vì đất nước ta đang trên đà phát triển, nhân lực chất lượng cao rất thiếu hụt ở mọi cấp và mọi ngành nghề, từ lãnh đạo, quản lý, đội ngũ làm khoa học cho đến công nhân có tay nghề cao. Đầu tư cho giáo dục, đào tạo chưa bao giờ là sai lầm, bất kể người được đầu tư đó sau này đi làm cho khu vực nhà nước hay tư nhân.

Tuy vậy, câu hỏi được đặt ra là liệu cách đầu tư cào bằng, ai cũng được "trợ cấp" để đi học trường chuyên như nhau, liệu có công bằng và quan trọng hơn là hiệu quả, khi mà ngân sách nhà nước ngày một hạn hẹp và có quá nhiều đối tượng khác cần được hỗ trợ?

Câu chuyện này làm tôi nhớ tới cuộc tranh luận về winter allowances (trợ cấp mùa đông cho người lớn tuổi) khi còn là du học sinh cấp 3 ở Anh. Việc hỗ trợ giá điện vào mùa đông cho người già khi nhu cầu bật sưởi tăng cao là không có gì đáng bàn dưới góc độ nhân đạo, cũng giống như đầu tư cho trường chuyên.

Tuy vậy không phải ai cũng cần hỗ trợ như nhau. Bằng chứng là có đến 400 cụ già trên 70 tuổi đã trả lại tiền trợ cấp gần 300 bảng Anh (khoảng 8,6 triệu đồng) mỗi người vì các cụ không cần đến khoản hỗ trợ đó. Trong số họ, nhiều cụ có lương hưu hoặc tài sản tiết kiệm lớn ở mức triệu phú. Cuối cùng, chính phủ Anh chọn lựa phương án means-tested, nghĩa là ai cần hỗ trợ thì mới nộp đơn, còn quỹ do Quốc hội trích ra vẫn để đó cho ai có nhu cầu sử dụng.

Vấn đề tài chính cho trường chuyên cũng vậy. Với việc phải chi một khoản lớn cho quỹ lương giáo viên giỏi, cộng với đầu tư về cơ sở vật chất như phòng lab, máy tính, thiết bị thể thao, nghe nhìn... thì việc phải đóng học phí cao cho những ai có khả năng chi trả là đương nhiên và công bằng. Còn những học sinh không có khả năng chi trả nhưng có thành tích học tập vượt trội có thể nộp đơn xin học bổng của trường hoặc học bổng của địa phương, chính phủ.

Nhiều đại học nổi tiếng như Harvard, Oxford đều là trường tư, được tự chủ hoạt động và tài chính, nhưng vẫn nhận được nhiều hỗ trợ từ tất cả tầng lớp trong xã hội, bao gồm các tập đoàn kinh tế, tổ chức quốc tế và cả cơ quan Nhà nước. Cựu học sinh sau này thành danh cũng hoàn toàn có thể đóng góp cho trường theo cách này hay cách khác. Vì vậy, các trường này luôn có ngân sách dồi dào để đầu tư cơ sở vật chất, học bổng lớn nhằm chiêu mộ tài năng khắp thế giới.

Trở lại câu chuyện trường chuyên ở Việt Nam, nhà nước có thể lập ra Quỹ hỗ trợ tài năng trẻ, chuyên phát hiện, bồi dưỡng và chu cấp cho học sinh giỏi, tạo cơ hội được học tập trong những môi trường giáo dục đẳng cấp ở Việt Nam cũng như thế giới, hoặc kết nối các em với học bổng của nhiều tập đoàn tư nhân, sau này học xong có việc làm ở những nơi đó luôn.

Tôi cho rằng hỗ trợ như thế vừa đúng và vừa trúng. Ngoài ra, Nhà nước nên giải tán hệ thống trợ cấp trường chuyên như hiện tại (không phải giải tán trường chuyên) để họ được tự chủ hoạt động và tài chính.

Thứ hai, việc sau khi vào trường chuyên, các em sẽ được học gì, được đào tạo thành người như thế nào? Liệu các em có được đào tạo thành những người có ích cho xã hội, có chí tiến thủ, tinh thần ham học hỏi, cống hiến và được truyền lửa đam mê nghiên cứu, học tập? Hay các em sẽ quay cuồng trong một guồng máy lấy thành tích thi cử làm trọng, bị bóp nghẹt tự do, tư tưởng sáng tạo bằng việc phải học cách giải các bộ đề thi quốc gia lẫn quốc tế?

Tôi học cấp 2 ở lớp chuyên Toán, khối THCS của trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP HCM) và cấp 3 ở lớp chuyên Tin, trường Phổ thông Năng Khiếu, Đại học Quốc gia TP HCM. Tôi rất may mắn khi ở cả hai nơi, tôi được truyền lửa đam mê về vẻ đẹp của Toán học cũng như sự logic của các thuật toán lập trình bởi những người thầy hết sức tận tâm.

Nếu được chọn lựa lại một lần nữa, tôi vẫn sẽ chọn học ở trường chuyên. Nhưng liệu có bao nhiêu học sinh trường chuyên hiện nay có được may mắn gặp được những người thầy tuyệt vời như tôi, hay tất cả phải chạy theo thành tích tốt nghiệp và áp lực tìm học bổng du học?

Câu hỏi này tôi dành lại cho các nhà nghiên cứu giáo dục. Sự may mắn khi có học trò tài giỏi và những người thầy tận tâm không thể hình thành mô hình đào tạo giáo dục chuẩn mực, lâu dài để có thể nhân rộng. Khi chưa thể tìm ra triết lý giáo dục phù hợp, đúng đắn, rất khó để tạo dựng một môi trường giáo dục đỉnh cao.

TS Nguyễn Đức Thành, nguyên Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội), gây xôn xao dư luận khi đưa ra quan điểm nên đóng cửa trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam (trường Ams) và mọi trường chuyên khác hoặc bán cho tư nhân.

Lý do là trường Ams "lấy của người nghèo chia cho người giàu", nhiều phụ huynh "sẵn sàng đút lót chạy bảng điểm đẹp, chạy đủ thứ giải thưởng để cho con vào trường". Trường chuyên trước đây thường đào tạo ra một ít "gà nòi" để "đem đi triển lãm thông qua các kỳ thi quốc tế". Những người học trường chuyên được kỳ vọng sẽ phục vụ tốt cho đất nước vì có khả năng thật. Tuy nhiên, điều này không đúng với hiện tại.

Nguyễn Việt Hoàn

Tags