Các nước chuyển đổi số như thế nào?

Các nước chuyển đổi số như thế nào?
Ra mắt Liên minh chuyển đổi số vào ngày 8-8 tại Diễn đàn cấp cao công nghệ thông tin và Truyền thông Việt Nam 2019. Ảnh: Vân Ly

Sự bùng nổ của kinh tế kỹ thuật số và áp lực chuyển đổi số

Sự khác biệt giữa các nền kinh tế trước đó với nền kinh tế dựa trên Internet hiện nay là “kinh tế kỹ thuật số” có tính toàn cầu, được cả các nước phát triển và đang phát triển sử dụng, thậm chí các nước đang phát triển có thể bứt phá nhanh hơn nếu có chiến lược khai thác và sử dụng thông tin khéo léo. Cốt lõi của nền kinh tế kỹ thuật số là “khu vực kỹ thuật số”: ngành công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) sản xuất ra các hàng hóa và dịch vụ kỹ thuật số cơ bản.

Nhìn chung, việc nghiên cứu số liệu mang tính toàn cầu về kinh tế kỹ thuật số hiện nay dựa trên một nhóm các chỉ số đặc trưng bao gồm: chỉ số tiến hóa kỹ thuật số (DEI), chỉ số số hóa (DiGiX), chỉ số sẵn sàng nối mạng (NRI), chỉ số năng lực cạnh tranh thế giới (IMD-D), chỉ số tiêu chuẩn kinh tế châu Âu (DESI), chỉ số sáng tạo Bloomberg (BII), và chỉ số phát triển ICT (ICT-DI).

So sánh xếp hạng của các quốc gia, theo các phương pháp và chỉ số khác nhau, chúng ta có thể thấy rằng tốp 10 quốc gia trong mỗi xếp hạng đều thay đổi do việc tính toán tổng thể về số hóa nền kinh tế được thực hiện trên các chỉ số khác nhau.

Việc số hóa nền kinh tế không nên chỉ dừng lại ở thương mại điện tử mà nên xác định mục tiêu ưu tiên hàng đầu với một nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp là xây dựng các nền tảng công nghiệp số – điều giúp cải thiện năng suất ngành cũng như tối ưu hóa việc quản lý. Nền tảng công nghiệp số còn được gọi là nền tảng Internet vạn vật công nghiệp (IIoT).

Nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (2019) cho thấy trong số các khu vực trên thế giới thì khu vực có tỷ lệ lượng người dùng Internet cao nhất là ở châu Âu và Trung Á. Ngày nay, khoảng 75% tổng dân số châu Âu và Trung Á sử dụng Internet. Chỉ số này chỉ đạt 50% ở các khu vực khác.

Một phần không thể thiếu của kinh tế kỹ thuật số là thương mại điện tử. Năm thị trường thương mại điện tử lớn nhất năm 2018 bao gồm: Trung Quốc (672 tỉ đô la Mỹ, chiếm 15,9% thị phần trong tổng doanh số bán lẻ của quốc gia); Mỹ (340 tỉ đô la Mỹ, chiếm 7,5%); Anh (99 tỉ đô la Mỹ, chiếm 14,5%); Nhật Bản (79 tỉ đô la Mỹ, chiếm 5,4%) và Đức (73 tỉ đô la Mỹ, chiếm 8,4%).

Để thương mại điện tử phát huy tác dụng, các phương tiện thanh toán điện tử cũng cần có sự đầu tư và phát triển đồng bộ tương ứng.

Kinh nghiệm chuyển đổi số của các nền kinh tế hàng đầu

Không có mô hình chuẩn cho việc hoạch định chuyển đổi nhưng có sự khác biệt giữa các nhóm nước theo thu nhập

Theo dõi sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số ở nhóm 20 nước dẫn đầu ở các châu lục, có thể nhận thấy việc chuyển đổi này có thể diễn ra hoàn toàn tự phát (đi lên từ các đề xuất của hiệp hội hoặc các tập đoàn lớn sau một thời gian dài bùng nổ và ứng dụng công nghệ) hoặc cũng có thể được hoạch định bởi quyết tâm và ý chí của chính phủ (chính phủ hoạch định điều mà nền kinh tế cần đạt được thông qua chuyển đổi số).

Trong nhóm nước thứ nhất có các đại diện như Đức, Anh, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, còn trong nhóm nước thứ hai có những quốc gia tiêu biểu như Trung Quốc, Nga, Thái Lan… Nhưng phân theo thu nhập bình quân đầu người, có thể thấy những nước có thu nhập trung bình khá trở xuống thường lựa chọn con đường thứ hai: nhà nước hoạch định chiến lược chuyển đổi số.

Từ năm 2017, Chính phủ Trung Quốc đã đặt ra mục tiêu chuyển đổi lĩnh vực sản xuất thành nền kinh tế nền tảng kỹ thuật số. Tại Thái Lan, năm 2018, chính phủ nước này đã tìm cách gắn kết Sáng kiến “Thái Lan 4.0” và Sáng kiến Hành lang đổi mới kinh tế phía Đông (EEC) nhằm thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế số và đổi mới sáng tạo của quốc gia.

Thiết lập các tiêu chuẩn mới về dữ liệu và xây dựng khung khổ pháp lý mới để điều chỉnh

Tiêu chuẩn là một dạng hàng hóa công quan trọng để các nền kinh tế vận hành có trật tự và tạo ra khả năng trao đổi lợi ích với nhau. Không giống như thời kỳ sau chiến tranh thế giới thứ 2, khi Mỹ đặt ra hầu hết các quy tắc cho nền kinh tế toàn cầu, ngày nay có nhiều nơi đóng vai trò quan trọng trong các vấn đề kỹ thuật số, bao gồm Liên minh châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc và khu vực tư nhân.

Sự khác biệt trong cách tiếp cận – thậm chí cả triết lý cơ bản – giữa những người chơi này là rất lớn. Châu Âu đã thiết lập khái niệm dữ liệu cá nhân là quyền con người trong Chỉ thị chung về bảo vệ dữ liệu (GDPR). Về phần mình, tại Mỹ cũng đang có một cuộc tranh luận thực sự về các tiêu chuẩn quyền riêng tư, được thúc đẩy bởi việc bang California áp dụng các tiêu chuẩn trông rất giống GDPR.

Trong khi đó, Nhật Bản đang nổi lên như một loại nhà môi giới toàn cầu về các vấn đề kỹ thuật số. Trong nhóm các nước kinh tế kỹ thuật số “mới nổi”, vào tháng 8-2020, Trung Quốc đã công bố “Sáng kiến toàn cầu về an ninh dữ liệu”. Ngoài ra, nước này cũng tuyên bố sẽ ban hành “Tiêu chuẩn Trung Quốc 2035” (China Standard 2035 – CS 2035) cho các lĩnh vực công nghệ mới mà nhiều nước đang cạnh tranh nhau – như công nghệ 5G trong năm 2020.

Như vậy, đối với mỗi quốc gia, một thách thức thực sự là làm sao ban hành các tiêu chuẩn kỹ thuật quốc gia tương thích với tiêu chuẩn kỹ thuật quốc tế đang định hình.

Xác định mục tiêu chuyển đổi số thực tế và dài hạn bằng cách xây dựng nền tảng công nghiệp số

Như phân tích ở trên, kinh tế số gồm rất nhiều cấu phần với hình dung cơ bản gồm (i) dữ liệu và công nghiệp phân tích dữ liệu, (ii) xây dựng các nền tảng, (iii) thương mại hóa các nền tảng. Trong số các nền tảng thì thương mại điện tử chỉ là một trong số những nền tảng mà người dùng thu được giá trị thương mại nhanh nhất.

Tuy nhiên, việc số hóa nền kinh tế không nên chỉ dừng lại ở đó mà nên xác định mục tiêu ưu tiên hàng đầu với một nước đang phát triển có thu nhập trung bình thấp là xây dựng các nền tảng công nghiệp số – điều giúp cải thiện năng suất ngành cũng như tối ưu hóa việc quản lý. Nền tảng công nghiệp số thường còn được gọi là nền tảng Internet vạn vật công nghiệp (IIoT), rất cần thiết để liên kết máy móc và thiết bị trong một nhà máy thông minh, được kết nối với các ứng dụng (thường là trên đám mây).

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Các ngành đi đầu trong việc số hóa là dịch vụ hoặc các lĩnh vực cung cấp các sản phẩm phi vật chất hơn là các ngành sản xuất vật chất. Các lĩnh vực chuyển đổi kỹ thuật số nhanh hơn cũng là những lĩnh vực có liên kết trực tiếp với người tiêu dùng, quay vòng vốn nhanh hơn và mang tính toàn cầu hơn là các lĩnh vực kinh doanh tập trung vào địa phương.

Vì vậy, thành công của chuyển đổi số không phải là thiết kế chính sách mà còn cần hỗ trợ để doanh nghiệp cũng chuyển đổi thành công để tham gia vào chính quá trình hoạch định chính sách đó.

Trung Quốc là nước có tiến bộ rất nhanh về chuyển đổi số nhưng ứng dụng của doanh nghiệp vẫn còn rất chậm chạp. Báo cáo của IDC năm 2019 cho thấy trung bình chưa tới 40% số doanh nghiệp công nghiệp Trung Quốc sẵn sàng cho quá tŕnh chuyển đổi này. Trong lĩnh vực nguyên liệu thô và ICT, mức độ sẵn sàng là cao nhất với khoảng 46,8% và 44,2% số doanh nghiệp. Nhưng các doanh nghiệp công nghiệp nhẹ chỉ có 34,1% sẵn sàng cho sự chuyển đổi quan trọng này.

Nghiên cứu của Viện Nghiên cứu toàn cầu McKinsey năm 2019 ước tính GDP toàn cầu có thể tăng thêm 13.000 tỉ đô la Mỹ vào năm 2030 thông qua số hóa, tự động hóa và trí tuệ nhân tạo (AI) vì những công nghệ này tạo ra các cơ hội kinh doanh mới và tăng năng suất được cải thiện mạnh mẽ.

 

(*) Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong – Trung Quốc (MCSS), VNUA