VietTimes -- Các dự án mời thầu ở lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) nói chung và dự án phần mềm nói riêng hiện dính một lỗi chí tử trong quy trình mời thầu. Nhiều chuyên gia cho rằng đây chính là nguyên nhân khiến cho các dự án CNTT ở Việt Nam đạt được rất ít thành quả dù cho có vô số dự án được triển khai và số tiền đổ vào CNTT không hề ít.
Làm thế nào để Việt Nam có hệ thống đấu thầu qua mạng minh bạch như Ukraina?
Tại sao các chuyên gia công nghệ thông tin phản đối hình thức đấu thầu?
Đã từ lâu, giới CNTT Việt Nam phản đối hình thức đấu thầu ở lĩnh vực CNTT/phần mềm vì cho rằng trình tự và thủ tục của nó học theo lĩnh vực xây dựng là hoàn toàn không phù hợp nhưng họ không lý giải được nguyên nhân mang tính bản chất khiến cho trình tự và thủ tục của nó học theo lĩnh vực xây dựng không phù hợp ở chỗ nào.
Các chuyên gia phần mềm có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đấu thầu các dự án CNTT nói chung và phần mềm nói riêng đã tìm ra bản chất của vấn đề ở hai điểm sau:
1. Định mức bị sai (quá thấp)
Mấu chốt nằm ở chỗ giá trị và tính hiệu quả của dự án công nghệ thông tin/phần mềm nằm ở khâu tư vấn lập hồ sơ mời thầu, bởi để xác định tổng giá trị dự toán 1 dự án công nghệ thông tin (có phần mềm) thì phải có thiết kế phần mềm (đây là yếu tố bắt buộc để lập dự toán theo phương pháp usecase). Linh hồn của phần mềm nằm ở khâu thiết kế, giá trị trí tuệ và công sức nhiều nhất cũng nằm ở khâu thiết kế, vì thế, giới làm phần mềm cho rằng thiết kế xong phần mềm thì coi như hoàn thành tới 60-70% công việc. Nhưng hiện khâu thiết kế phần mềm đang nằm trong hạng mục "Lập thiết kế thi công, dự toán" mà khâu này chỉ được định mức từ 2-3% tổng mức đầu tư. Cụ thể, theo quyết định số 2378/QĐ-BTTTT (Quyết định công bố định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ TT&TT ban hành ngày 30/12/2016) như sau:
Bảng định mức chi phí lập thiết kế thi công và dự toán cho ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước
Công thức tính chi phí thiết kế thi công, dự toán như sau:
Công thức tính chi phí thiết kế thi công, dự toán theo quyết định số 2378/QĐ-BTTTT
Chúng ta hãy xem ví dụ sau để thấy chi phí thiết kế thi công, dự toán đang thấp như thế nào:
VD1: Dự án "Triển khai phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên" có tổng mức đầu tư 453.346.756 đồng, trong đó gói thầu chính là "Triển khai phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn" có giá gói thầu: 408.246.756 đồng (Chào hàng cạnh tranh, trong nước, không sơ tuyển) chiếm 90% tổng mức đầu tư, còn gói thầu "Tư vấn lập hồ sơ mời thầu" chỉ có giá 2.200.000 đồng (chỉ định thầu rút gọn) chiếm 0,5% tổng mức đầu tư. Theo quyết định số 2378/QĐ-BTTTT, có thể dự đoán chi phí thiết kế thi công & lập dự toán của dự án này vào khoảng 14 triệu đồng.
Dự án Triển khai phần mềm một cửa điện tử và dịch vụ công trực tuyến tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên
VD2: Dự án "Mua sắm trang thiết bị, nâng cấp Báo Hà Tĩnh điện tử" có tổng mức đầu tư 5.174.890.000 đồng, trong đó gói thầu chính là "01.TB: Mua sắm, lắp đặt trang thiết bị phần cứng và phần mềm; đào tạo, chuyển giao công nghệ" có giá gói thầu: 4.824.849.000 đồng (Đấu thầu rộng rãi, trong nước, không sơ tuyển) chiếm 93,2% tổng mức đầu tư, còn gói thầu "03.TVĐT: Tư vấn lập HSMT, đánh giá HSDT" chỉ có giá 13.814.000 đồng (chỉ định thầu rút gọn) chiếm 0,27% tổng mức đầu tư. Theo quyết định số 2378/QĐ-BTTTT, có thể dự đoán chi phí thiết kế thi công & lập dự toán của dự án này vào khoảng vài chục triệu đồng.
Dự án Mua sắm trang thiết bị, nâng cấp Báo Hà Tĩnh điện tử
Và một loạt các phần mềm khác có thể dễ dàng xem thông tin để dự đoán chi phí thiết kế thi công & lập dự toán:
− Xây dựng hệ thống thông tin quản lý hạ tầng giao thông vận tải.
Như vậy chuyện đang xảy ra là: Cái khâu mà các chuyên gia phần mềm cho là chiếm tới 60-70% giá trị phần mềm thì chỉ được định mức có vài phần trăm, chính vì thế không ai sẽ nhận làm công việc chiếm 60-70% giá trị mà chỉ nhận chưa tới 1/10, thậm chí 1/20 thành quả trừ khi họ có lợi ích khác ở đó.
Rõ ràng, việc áp dụng máy móc phương pháp đấu thầu của xây dựng vào lĩnh vực CNTT bằng cách sử dụng các hệ số rất thấp mà không xét tới yếu tố đặc thù công nghệ cao (đặc biệt là định giá tài sản trí tuệ ở khâu thiết kế phần mềm) đã vô tình giết chết các gói thầu công nghệ thông tin từ trước khi nó được định hình.
2. Đầu tư phần mềm một lần, không có kinh phí bảo trì, phát triển
Trình tự đầu tư dự án CNTT (có phần mềm) học theo cách làm của công trình xây dựng một cách rất "cơ học": Đầu tư một lần và sử dụng mãi.
Thông thường công trình xây dựng còn có phí bảo trì hàng năm, nhưng phần mềm thì có khi còn không có phí bảo trì hàng năm như vậy. Trong khi đặc thù của phần mềm là phải thường xuyên được phát triển, nâng cấp và sửa lỗi thì mới có thể sử dụng tốt được, trong khi đó cơ chế triển khai dự án phần mềm thì hầu hết được ép theo dạng đầu tư một lần, đại đa số không được bố trí ngân sách duy trì, và hầu hết không có ngân sách để phát triển tiếp. Do đó phần mềm trong các cơ quan nhà nước thường sẽ chết yểu, kể cả có đầu tư rất lớn nhưng hiệu quả thì như chúng ta đã thấy.
(ảnh minh họa: Vakilsearch)
Chính phủ đang đẩy mạnh thuê dịch vụ CNTT, nhưng hiện nay phần mềm dùng chung còn chưa có cơ chế thuê dịch vụ (nhằm phát triển dài hạn) thì phần mềm nội bộ sẽ còn xếp hàng dài. Chi phí bảo trì phần mềm sẽ... còn lâu mới có đủ và đúng cách nó cần nếu chờ cơ chế thuê dịch vụ.
Vấn đề đã được chỉ ra nhưng không được xử lý?
Khi vấn đề này được xới lên tại Diễn đàn ICT-VN (gồm các nhà nghiên cứu, giảng dạy, triển khai và quản lý CNTT-TT từ các Trường, Viện, Doanh nghiệp và Cơ quan - Tổ chức Chính phủ và phi Chính phủ), chuyên gia Lê Hồng Hà (Công ty TNHH Hà Thắng - HTC) hoạt động từ năm 1995, chuyên cung cấp giải pháp, xây dựng phần mềm, tư vấn dự án và thiết bị cho các hệ thống thông tin) cho biết từ năm 2011, trong quá trình góp ý cho nghị định 102/2009/NĐ-CP về quản lý đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước, chuyên gia này đã lập bảng so sánh định mức tư vấn (lập dự án, thiết kế, lập dự toán v.v.) của các dự án ứng dụng CNTT với các dự án đầu tư xây dựng (so sánh Quyết định 993/QĐ-BTTTT của Bộ TT&TT với Quyết định số 957/QĐ-BXD của Bộ Xây Dựng) đã có các kết luận đáng chú ý như sau:
- Không nhất quán về quan điểm khi lấy định mức của dự án phần mềm nội bộ (DA PMNB), cơ sở dữ liệu (CSDL) tương đương định mức của công trình công nghiệp, khi lại lấy tương đương định mức của công trình hạ tầng kỹ thuật (thấp hơn định mức của công trình công nghiệp)
- Hầu hết định mức cho các DA CNTT đều thấp hơn định mức cho công trình xây dựng.
- Các định mức cho dự án hạ tầng kỹ thuật CNTT không rõ được xây dựng trên cơ sở nào? Việc phân chia chỉ có 2 loại DA CNTT là quá ít để phản ánh tương đối đầy đủ các loại DA CNTT có mức độ phức tạp về mặt kỹ thuật - công nghệ, mức chi phí tư vấn, quản lý dự án rất khác xa nhau.
- Quyết định 993 không những không nâng cao được ý nghĩa và giá trị của công việc quản lý và tư vấn dự án ứng dụng CNTT so với Quyết định 957 của Bộ Xây dựng mà còn làm ảnh hưởng không tốt đến các công việc này do định mức thấp thì khó có chất lượng cao. Trước đây để tránh thiệt thòi cho các đơn vị tư vấn dự án CNTT, khi xây dựng dự toán, thường cố gắng xếp dự án ứng dụng CNTT (đặc biệt các DA phần mềm) vào loại công trình công nghiệp để có thể được hưởng định mức cao nhất, mặc dù nếu so với yêu cầu của Nghị định 102 thì các định mức này còn quá thấp so với thực tế công sức phải bỏ ra để thực hiện các nội dung của báo cáo nghiên cứu khả thi hoặc báo cáo thiết kế thi công - tổng dự toán.
Hiện tại, so với Quyết định 993, Quyết định 2378/QĐ-BTTTT (Quyết định công bố định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước của Bộ TT&TT ban hành ngày 30 tháng 12 năm 2016) đã nâng phần trăm định mức lên một chút (~0,5% cho mỗi loại ở bảng số 3) nhưng rõ ràng vẫn không đáng kể là bao.
Một vấn đề cũng phải kể tới là do quy mô các dự án CNTT, đặc biệt là phần mềm, thông thường thấp hơn so với xây dựng cơ bản rất nhiều. Do đó phần trăm định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin có cao hơn xây dựng cơ bản một chút nhưng cuối cùng giá trị nhận được rất nhỏ.
Có vẻ như các quyết định 993 hay quyết định 2378 đều không xét tới đặc thù là tư vấn CNTT và đặc biệt là phần mềm là tư vấn công nghệ cao (chứa đựng cả tài sản trí tuệ rất lớn trong đó), khác hoàn toàn với tư vấn xây dựng cơ bản. Ngay cả dự thảo quyết định công bố định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng CNTT sử dụng ngân sách nhà nước (dự định ra mắt năm ngoái nhằm thay thế cho Quyết định số 2378/QĐ-BTTTT, hiện vẫn chưa thấy ban hành) cũng không có nhiều thay đổi.
Tóm lại, xác định đúng giá trị của tư vấn CNTT và có giải pháp cho việc phát triển các phần mềm nội bộ là hai vấn đề cốt lõi giải quyết các bất cập trong các gói thầu CNTT hiện nay. Việc này đã kéo dài nhiều năm, gây hậu quả khôn lường cho nền CNTT nước nhà, hy vọng Bộ TT&TT sẽ nghiên cứu để làm lại dự thảo định mức chi phí quản lý dự án, chi phí tư vấn đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin sử dụng ngân sách nhà nước theo hướng hoàn toàn mới. Việc này cần sớm thay đổi để tạo luồng sinh khí mới cho các dự án CNTT nếu không nhiều năm nữa, các dự án CNTT của Việt Nam sẽ mãi đi vào ngõ cụt chỉ vì định mức quá thấp.