ZERO BASED THINKING - TƯ DUY ĐIỂM GỐC GIÚP BẠN ĐƯA RA QUYẾT ĐỊNH KHÔN NGOAN HƠN

Hầu hết quyết định trong cuộc đời những người bình phàm thường là quyết định sai nhiều hơn đúng. Đó là cách mà cuộc sống này vận hành. Cuộc sống giống như một trường thi, mà ở đó bạn phải làm nhiều bài kiểm tra để được lên lớp. Ít ai có thể đạt điểm tuyệt đối 100/100 ở mỗi bài kiểm tra, trừ những thiên tài xuất chúng, còn lại ai cũng gặp phải chuyện làm sai nhiều câu trong bài kiểm tra của mình.

Giả sử ngược lại, mọi quyết định chúng ta đưa ra đều đúng và dẫn đến một kết quả tốt đẹp như ý nguyện, thì cuộc sống này đâu còn điều gì ý nghĩa để ta học? Quy luật tuần hoàn của cuộc sống là chúng ta đưa quyết định, chúng ta phạm sai lầm, ta học cách sửa sai, và ta tiếp tục tiến lên phía trước để hoàn thiện mình.

Zero-Based Thinking (tư duy điểm gốc) là một concept (khái niệm) được đưa ra bởi Brian Tracy, một chuyên gia hàng đầu thế giới chuyên đào tạo và phát triển các cá nhân và tổ chức.

(01) Zero-Based Thinking là gì?

Zero-Based Thinking (tư duy điểm gốc) là quá trình đưa ra quyết định dựa trên việc tưởng tượng bản thân bạn đang đứng ở điểm xuất phát trước khi đưa ra một quyết định cụ thể, và thoải con gà mái đưa ra một quyết định mới với những hiểu biết của bạn về hệ quả hiện thời của quyết định cũ.

Để cho dễ hình dung thì bạn có thể xem qua sơ đồ sau do mình vẽ:

*** Có 3 quá trình diễn ra trong sơ đồ:

1. Bạn trong quá khứ, đưa ra quyết định để dẫn đến hệ quả của hiện tại.

2. Bạn trong hiện tại, tua lại điểm gốc trong quá khứ.

Với những hiểu biết về hệ quả của quyết định cũ trong hiện tại, bạn có lựa chọn đưa ra quyết định đó một lần nữa hay không?

Khi áp dụng Zero-Based Thinking của Brian Tracy, câu hỏi đúng mọi người phải đặt ra trong tình huống này là: “Với những gì tôi biết ngày hôm nay về tình huống trong quá khứ, liệu tôi có muốn đưa ra một quyết định tương tự một lần nữa?”

- Nếu câu trả lời của bạn là CÓ, thì hành động tiếp theo bạn cần làm là tiếp tục thử để tìm ra một cách tốt nhất để đạt được kết quả mong muốn, chứ không phải lãnh hậu quả tệ hại như những gì đã xảy ra.

- Nếu câu trả lời của bạn là KHÔNG, vậy thì tránh lặp lại tình huống tương tự trong tương lai. Hoặc nếu nó mới bắt đầu diễn ra, tìm cách né càng sớm càng tốt để tránh rủi ro không cần thiết.

Khi tập trung sự chú ý vào điểm gốc, chúng ta sẽ cẩn thận đánh giá lại tình huống mình đang đối mặt và quyết định xem mình có nên giải quyết hay là không. Trong một số trường hợp, giải pháp tốt nhất để sử dụng Zero-Based Thinking hiệu quả là biết khi nào nên buông bỏ, và nếu cần, bỏ càng nhanh càng tốt.

“Tuổi thanh xuân giống như một cơn mưa rào, dù cho bạn từng bị cảm lạnh vì tắm mưa thì bạn vẫn muốn được đắm mình trong cơn mưa ấy lần nữa.” (Cửu Bả Đao)

Câu trên là một ví dụ ngôn tình điển hình áp dụng Zero-Based Thinking, dĩ nhiên thanh xuân của người đưa ra quyết định phải đẹp và đáng nhớ thì mới mong muốn quay lại lần nữa, còn thanh xuân vườn trường toàn kỷ niệm u ám đen thui thì không ai muốn quay lại quá khứ đau thương ấy làm gì.

(02) Zero-Based Thinking trong mối quan hệ

Trong một bộ phim Hàn mình xem gần đây, một cô gái quen một chàng trai 7 năm đang làm chủ một công ty start-up và mong ước lớn nhất của cô là được kết hôn với anh, trở thành một người phụ nữ nội trợ của gia đình và chăm lo cho những đứa con. Đây là mong ước mà cô gái đã từng đặt ra cho mình từ những năm cấp ba khi chia sẻ với hội bạn thân.

Ở phía chàng trai, do dự án khởi nghiệp vẫn chưa thành công như mong đợi nên anh chàng vẫn chưa đủ tự tin để đưa ra quyết định cầu hôn cô gái. Chính sự chần chừ cù cưa kéo dài này mới khiến mối quan hệ giữa cả hai trở nên căng thẳng, vì một bên cứ mãi đợi chờ còn một bên thì lại do dự.

Zero-Based Thinking của cô gái là: “Nếu quay lại thời điểm 7 năm trước, liệu mình có muốn nhận lời tỏ tình của chàng trai này?” Khi nghĩ về điều này, cô gái vẫn chấp nhận lựa chọn giống như trong quá khứ và tiếp tục duy trì mối quan hệ này. Ở chiều hướng ngược lại, nếu cô gái không chấp nhận được tình huống thực tại – chàng trai lần lữa không muốn kết hôn với cô thì cô có thể đưa ra một quyết định khác là chấm dứt mối quan hệ này để đi tìm một tình yêu mới.

(03) Zero-Based Thinking trong quản lý nhân sự

Nếu bạn là sếp, chịu trách nhiệm tuyển dụng và đào tạo nhân sự cho bộ phận của mình thì dù sớm hay muộn bạn cũng phải đối diện với chuyện sa thải nhân viên. Đây là điều mà bất cứ vị sếp nào cũng phải trải qua.

Làm thế nào để biết được đâu là thời điểm phù hợp để sa thải một nhân viên?

Một nhân viên, nếu thường xuyên phạm sai lầm, không đạt được kỳ vọng trong những nhiệm vụ sếp giao trong một quãng thời gian tương đối dài. Đây là thời điểm để bạn đặt câu hỏi: “Nếu quay về thời điểm bắt đầu tuyển dụng nhân sự, với những hiểu biết của bạn về nhân viên đó như bây giờ thì liệu bạn có muốn tuyển lại người này?”

Nếu câu trả lời là KHÔNG, vậy đây là thời điểm thích hợp để… tiễn “vong” lên đường.

Cũng có trường hợp, một nhân viên thời gian đầu mới vào công ty thì làm việc rất hiệu quả, nhưng sau đó họ không theo được sự phát triển của công ty khi đảm nhận nhiều nhiệm vụ hơn, dẫn đến sai sót xảy ra liên tục, hoặc vì lý do gì đó họ trở nên lười biếng hơn. Với trường hợp này, kinh nghiệm quản lý của mình là nên có một buổi nói chuyện thẳng thắn để trao đổi với họ về các vấn đề hiện tại, và cho họ để một thời hạn để thay đổi. Ví dụ là 2-3 tháng, nếu đến mốc đấy mà kết quả chẳng có gì khả quan, mọi thứ vẫn như hiện tại thì đây là thời điểm để bạn áp dụng Zero-Based Thinking.

Một lãnh đạo công ty cho biết đã từng cho một bạn nhân viên nghỉ việc trong vòng 2 tuần chỉ vì khi vào làm có quá nhiều vấn đề phát sinh với bạn này, và thực tế những gì bạn làm không tốt như những gì bạn chia sẻ khi phỏng vấn tuyển dụng. Dù bạn còn 1,5 tháng thử việc còn lại nhưng khi hình dung tới những rắc rối bạn sẽ gây ra cho mình giải quyết thì ngay lập tức mình đã áp dụng Zero-Based Thinking để đưa ra quyết định cho bạn dừng công việc luôn, vì nếu có phỏng vấn trở lại, tất nhiên mình sẽ không chọn bạn một lần nữa.

(04) Zero-Based Thinking trong lối sống tối giản

Chủ nghĩa sống tối giản (minimalism) tập trung vào việc vứt bỏ những đồ đạc cũ, không dùng, tiết chế nhu cầu mua sắm và dọn dẹp lại nhà cửa cho gọn gàng, ngăn nắp.

Sự thật là không mấy dễ dàng để bạn vứt bỏ hay cho đi những thứ bạn từng bỏ tiền (hoặc rất nhiều tiền) ra mua chúng, đặc biệt với những thứ ta có nhiều kỷ niệm với chúng.

Áp dụng Zero-Based Thinking để sống tối giản, câu hỏi bạn cần đặt ra sẽ là: “Nếu quay lại thời điểm ra quyết định, liệu tôi có muốn mua món đồ này một lần nữa?”

Mình tin rằng khi đặt ra cho bản thân câu hỏi này, tủ quần áo giày dép đồ đạc của bạn có thể vơi đi một nửa hay thậm chí 2/3. Bởi lẽ có nhiều món đồ ta mua vì cảm xúc nhất thời, mua vì hứng chí, mua vì đang được thưởng một khoản tiền lớn để rồi sau đó không bao giờ động đến hay như quần áo mặc một lần rồi thấy ghê quá cất vào tủ không bao giờ mặc lại lần hai.

Còn với những món đồ mà câu trả lời là CÓ, tất nhiên đó là thứ đem lại niềm vui mà bạn nên giữ lại bên mình.

(05) Zero-Based Thinking và Sunk Cost Bias

Trong kinh tế học, Sunk Cost Bias (chi phí chìm) là khoản chi phí đã mất thì không lấy lại được. Các chi phí chìm mặc dù có thật, nhưng chúng không được đề cập đến mà cần phải loại ra khi tính toán hiệu quả kinh tế trong từng dự án. Một người sẽ đưa ra các quyết định hợp lý theo mục tiêu về hiệu quả hay lợi nhuận và không để chi phí chìm ảnh hưởng tới quyết định.

Ví dụ, bạn đặt mua một cặp vé xem phim cùng người yêu trị giá 200K, vì một việc phát sinh bất ngờ người yêu bạn hủy hẹn sát giờ, và bạn cũng không bán được cặp vé này lại cho ai khác. Khi đó, khoản chi phí mua vé này không thể được hoàn lại, và giá của cặp vé trở thành chi phí chìm. Nếu người mua vé quyết định không đi xem nữa thì không có cách nào khác để đòi lại số tiền mua vé mà anh ta đã trả.

Về quá trình, Sunk Cost Bias là một nhân tố có ảnh hưởng tới Zero-Based Thinking, ở chỗ hệ quả của sự việc đã xảy ra trong thực tế và khi tư duy về điểm gốc, bạn phải đưa ra quyết định của mình với điều kiện loại ra chi phi phí chìm chứ không để chi phí chìm ảnh hưởng đến quyết định của bạn. Như ở ví dụ trên, trong thực tế có thể người yêu của bạn vẫn đi tới đúng hẹn, và cả hai có một buổi tối xem phim vui vẻ với nhau. Nếu quay lại thời điểm mua vé, bạn không thể bảo vì người yêu có khả năng hủy hẹn nên bạn sẽ quyết định cả hai không xem phim nữa được.

Đây cũng là lý do vì sao nhiều người lại nghiện cờ bạc như vậy. Nếu thắng liên tục thì không nói gì, ngay cả khi hậu quả là đang thua rất nhiều tiền, họ vẫn cứ khăng khăng tiếp tục chơi để gỡ lại tiền, trong khi nếu tư duy điểm gốc đúng thì họ phải đưa ra quyết định nghỉ chơi càng sớm càng tốt để tránh bị mất tiền.

Đừng bao giờ tự làm khổ mình về những quyết định sai lầm bạn đã đưa ra trong quá khứ. Cuộc sống luôn thay đổi từng ngày. Người ngu ngơ đến mấy rồi cũng có lúc… đỡ ngu hơn. Ngay cả người thông minh cũng có lúc mắc sai lầm, nhưng sai lầm sẽ khiến họ trở nên thông minh và khôn ngoan hơn. Đôi khi sự khôn ngoan về sau sẽ cho bạn biết cái giá của những sai lầm trong quá khứ.

Chúng ta không thể thay đổi quá khứ, nhưng có thể học cách đưa ra quyết định tốt hơn cho tương lai của mình với Zero-Based Thinking.

Có một câu châm ngôn nổi tiếng: “Khi bạn muốn bỏ cuộc, hãy nhớ tới lý do khiến bạn bắt đầu.”

Và giờ mình nói thêm phần phía sau cho bạn biết: Khi bạn muốn bỏ cuộc, hãy nhớ tới lý do khiến bạn bắt đầu, và tự hỏi nếu quay lại vạch xuất phát đó, liệu bạn có còn muốn tiếp tục việc mình đang làm hay không?

Đôi lúc, cố quá sẽ thành quá cố, người biết buông bỏ đúng lúc mới là người khôn ngoan.

Lựa chọn lại như thế nào là do bạn quyết định, chứ không xúi dại.

Nguồn: Chơn Linh

Blog Category