Hộ kinh doanh vào Luật Doanh nghiệp: Có thực sự được bảo vệ?

Sáng nay, 21.5, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp. Dự thảo mới nhất dành một chương về hộ kinh doanh (HKD) - theo lý giải của ban soạn thảo - nhằm tạo địa vị pháp lý cho khu vực này và bảo vệ hộ kinh doanh. Nhưng kết quả thu được liệu có thực sự như vậy?

Hộ kinh doanh có thực sự được bảo vệ?

Đưa HKD vào Luật Doanh nghiệp là một thiện ý rất lớn của cơ quan soạn thảo. Tuy vậy, có một loạt vấn đề sẽ đẩy HKD vào các rủi ro hơn là bảo vệ họ khi được đưa vào Luật Doanh nghiệp.


TS. Lê Duy Bình

Thứ nhất, tuy nằm trong Luật và được khẳng định là có địa vị pháp lý  nhưng HKD sẽ không biết rõ được mình có địa vị pháp lý gì?  Luật Doanh nghiệp đã quy định đầy đủ các hình thức pháp lý như pháp nhân kinh doanh với các hình thức như cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, và thậm chí rất mở với các hình thức như doanh nghiệp TNHH một thành viên. Luật Doanh nghiệp cũng quy định các hình thức cá nhân kinh doanh như doanh nghiệp tư nhân (bản chất là doanh nghiệp một chủ).

Nếu đưa HKD vào luật, câu hỏi đặt ra là bản chất về tư cách pháp lý của HKD sẽ là gì? Sự khác biệt của HKD với doanh nghiệp tư nhân là gì? Sự không rõ ràng này không giúp ích cho việc xác định rõ địa vị pháp lý của HKD trong các giao dịch dân sự, kinh tế, hợp đồng, vay vốn tín dụng, và đặc biệt là khi tranh chấp phát sinh. 

Ban soạn thảo cho biết mặc dù đưa HKD vào Luật Doanh nghiệp, nhưng đây sẽ không phải là một loại hình doanh nghiệp. Điều này lại mâu thuẫn với chính mục tiêu là tạo vị thế pháp lý của HKD.

Đáng lo ngại hơn, việc đưa HKD vào Luật Doanh nghiệp song bỏ ngỏ việc HKD có tiếp tục thực hiện chế độ kế toán và đăng ký kinh doanh ở cấp huyện như hiện tại không, hay sẽ thực hiện giống như các loại hình DN khác, tức là thực hiện đầy đủ các quy định về chế độ kế toán, báo cáo tài chính (như tại Điều 8 hiện nay của Dự thảo) và thực hiện đăng ký ký kinh doanh tại các phòng đăng ký kinh doanh cấp tỉnh. Điều này tạo ra một lỗ hổng pháp lý rất lớn, tạo dư địa cho các yêu cầu vô lý cho việc các HKD phải tuân thủ đầy đủ các quy định đối với các doanh nghiệp, cho các hành vi nhũng nhiễu với các HKD. Hậu quả là thay vì được bảo vệ, HKD sẽ đối diện với rủi ro lớn về xáo trộn hoạt động sản xuất kinh doanh của hàng triệu HKD như hiện nay.

Bên cạnh đó, đưa HKD vào Luật Doanh nghiệp sẽ gây mâu thuẫn với một loạt các quy định pháp luật khác. Các chủ HKD cũng như các luật sư và chuyên gia pháp lý sẽ bối rối khi xử lý các giao dịch dân sự, kinh tế liên quan tới chủ thể là HKD. Nếu Luật Doanh nghiệp thừa nhận vị trí pháp lý của HKD, điều này dẫn đến sự mâu thuẫn với việc Bộ Luật Dân sự năm 2015 khi Bộ luật này không còn quy định về HKD và không còn ghi nhận HKD là một chủ thể trong giao dịch dân sự. Cũng từ nguyên tắc này của Bộ luật Dân sự, các đối tượng không rõ ràng là pháp nhân hay cá nhân, ví dụ như HKD, sẽ không đủ tư cách chủ thể để tham gia các giao dịch dân sự, ví dụ như vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Đứng giữa sự mâu thuẫn này giữa hai luật, sự bảo vệ cho HKD sẽ không có được do quy định và cách tiếp cận không thống nhất  về địa vị pháp lý của HKD giữa các văn bản quy định pháp luật khác nhau.

Bên cạnh đó, với việc đưa HKD vào Luật Doanh nghiệp sẽ đặt ra một loạt vấn đề về quản trị công ty trong HKD. Những mối quan hệ này trong HKD không dựa trên những nguyên tắc cơ bản của quản trị công ty vì nó có bản chất quan hệ gia đình. Nhiều tranh chấp pháp lý sẽ có tiềm năng phát sinh từ đây.

Vô tình cổ súy hộ kinh doanh hóa khu vực doanh nghiệp

Hơn nữa, với việc đưa HKD vào Luật Doanh nghiệp, vô hình chung các nỗ lực buộc các HKD lớn phải chuyển đổi thành doanh nghiệp để trở nên minh bạch hơn về thuế, thực hiện tốt hơn các nghĩa vụ về BHXH, BHYT bị vô hiệu hóa. Các HKD lớn này hiện đang sử dụng đến hàng trăm lao động hoặc có doanh thu hàng chục tỷ đồng có thể dễ dàng viện cớ là họ đã có địa vị pháp lý và được Luật Doanh nghiệp bảo vệ, và không có lý do gì bắt họ phải chuyển sang hình thức khác như công ty TNHH hay công ty cổ phần.

Điều này gây bất bình đẳng lớn đối với các DN hiện đang đăng ký là công ty TNHH, công ty cổ phần vốn có quy mô cùng hoặc nhỏ hơn các HKD lớn nhưng đang thực hiện rất nghiêm túc và đầy đủ các quy định về báo cáo thuế, và các quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế. Hệ quả không mong muốn là sẽ có một phong trào HKD hóa, tức là nhiều DN sẽ chuyển đổi lại thành HKD, hay người khởi sự doanh nghiệp sẽ lựa chọn hình thức HKD thay là công ty. Điều này tạo ra những tác động ngược với mục tiêu về nâng cấp về hình thức tổ chức và hình thức quản trị công ty mà Luật Doanh nghiệp đặt ra. 

Để sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này thực sự là cơ hội cho HKD

Luật Doanh nghiệp nên đi theo xu hướng mà các luật khác tại Việt Nam đang có các quy định và ứng xử với khu vực HKD. Đó là những cách quy định phù hợp hơn, tiến bộ hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế hơn. Các luật này kiên trì theo phương pháp tiếp cận tách bạch giữa pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Luật Doanh nghiệp cần phải đi theo hướng như vậy.

Trong Luật Doanh nghiệp đã có các quy định về các pháp nhân kinh doanh và về cá nhân kinh doanh. Cá nhân kinh doanh hiện được tồn tại với tên gọi doanh nghiệp tư nhân.

Luật Doanh nghiệp nên thay đổi tên gọi doanh nghiệp tư nhân thành “doanh nghiệp cá thể” hay “doanh nghiệp một chủ”. Luật Doanh nghiệp cũng mạnh dạn quy định là việc đăng ký “doanh nghiệp cá thể” hay “doanh nghiệp một chủ” tại cấp huyện, giống như các hộ kinh doanh đang thực hiện hiện nay. Luật Doanh nghiệp cũng quy định là các “doanh nghiệp cá thể” hay “doanh nghiệp một chủ” sẽ tuân thủ một chế độ kế toán, chế độ báo cáo tài chính khác với các doanh nghiệp là pháp nhân. Chế độ kế toán, báo cáo tài chính do Bộ Tài chính hướng dẫn sau này sẽ ứng xử doanh nghiệp tư nhân hay doanh nghiệp một chủ với tư cách là cá nhân kinh doanh, và do vậy nhẹ nhàng hơn với chi phí tuân thủ thấp hơn, phù hợp với các cá nhân kinh doanh và HKD.

Trên cơ sở đó, sẽ thực hiện các biện pháp khuyến khích HKD đăng ký (khi đăng ký mới hoặc đăng ký lại) dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân (hay với tên gọi mới là doanh nghiệp cá thể hay doanh nghiệp một chủ). Bằng cách này sẽ giải quyết một cách thấu đáo vấn đề địa vị pháp lý của HKD trong trung và dài hạn, với sự tự nguyên tuân thủ của các HKD, và không đòi hỏi chúng ta phải đưa một chương về HKD vào Luật Doanh nghiệp hay xây dựng riêng một Luật về Hộ Kinh doanh trong tương lai.

Sửa đổi Luật Doanh nghiệp lần này là một cơ hội vô cùng tốt để cải cách khu vực HKD, nhưng không phải bằng cách quy định một cách cơ học HKD trong luật. Chúng ta cần có các quy định thông minh, phù hợp với các nguyên tắc về khoa học pháp lý, phù hợp với thị trường, và thực tiễn của Việt Nam.

TS. Lê Duy Bình