Elon Musk dạy ta điều gì về một môi trường làm việc lành mạnh?

Những “antifan” của Elon Musk khi ông nắm Twitter

Elon Musk là một trong những tỷ phú được ngưỡng mộ nhất thế giới. Những người ngưỡng mộ Musk thường… không làm việc cho ông. Tất nhiên nếu như nói những người dùng trung thành của Twitter cũng là người lao động kiếm tiền về cho vị tỷ phú này, trong đó có nhiều fan của Musk, thì nhận định trên không đúng hoàn toàn. Nhưng trong bài viết này, tôi muốn nói về những người trực tiếp làm việc cho ông.

Một nửa trong số nhân công của Twitter trên toàn cầu bị Musk sa thải chắc chắn không phải fan hâm mộ của Musk. Nếu yêu quý vị “giám đốc duy nhất” này đến thế, họ đã không kiện tập thể công ty cũ vì đã vi phạm luật liên bang và luật của bang San Francisco khi sa thải hàng loạt mà không báo trước. Ngay cả những người được Twitter mời quay lại làm việc vì “sa thải nhầm” hẳn cũng không yêu quý sếp mới.

Từ sự việc này, Cao uỷ Nhân quyền Liên Hợp Quốc Volker Turk phải kêu gọi Elon Musk tuân theo môt số nguyên tắc nhân quyền cơ bản, và hi vọng “Twit chúa” đặt chúng vào trọng tâm vận hành của công ty trong tương lai. Rõ ràng vị cao uỷ này cũng không phải fan của Musk, khi những người ông sa thải thuộc về mảng nhân quyền, đạo đức máy học, và tuyển chọn thông tin trên trang Explore. Nói cách khác, không còn nhân viên nào chịu trách nhiệm lọc fake news và vô vàn nội dung nguy hiểm trên nền tảng.

Các thay đổi của công ty cũng dẫn đến lo ngại từ các nhãn hàng đặt quảng cáo trên nền tảng này. Nhiều khách hàng lớn của Twitter, do lo ngại các vấn đề đạo đức, gần đây đã rút quảng cáo. Đơn cử là Pfizer, Cheerios, General Motors, và Volkswagen. Điều này dẫn đến sự tụt giảm lợi nhuận khổng lồ, và Musk thì tuyên bố đây là sự tấn công với “tự do ngôn luận.”

Các nhà quảng cáo rút khỏi Twitter vì... các nhà hoạt động xã hội? | Nguồn: Twitter

Điều gì làm nên một môi trường doanh nghiệp lành mạnh?

Trước vụ kiện tập thể của các nhân viên cũ, cùng sức ép vô cùng lớn từ dư luận, Elon Musk đã phải xuống nước. Ông nói mỗi nhân viên bị sa thải sẽ được nhận 3 tháng lương bồi thường. Mức này cao hơn 50% so với những gì luật pháp quy định. Đồng thời, Musk cũng nhấn mạnh rằng việc sa thải là phải xảy ra, vì hiện tại Twitter đang lỗ tới 4 triệu USD/ngày.

Elon Musk tuyên bố bồi thường cho nhân viên bị sa thải | Nguồn: Twitter

Điều này làm dấy lên một câu hỏi rất lớn: doanh số lớn hay nhỏ của một công ty có làm nên một văn hoá doanh nghiệp tốt và chiến thắng sự trung thành của mọi nhân viên? Hơn nữa, mục đích tồn tại cuối cùng của một doanh nghiệp là gì? Để đạt được những mục tiêu lớn lao như bảo vệ quyền tự do ngôn luận, để kiếm tiền về cho các ông chủ, hay để tạo công ăn việc làm và nuôi sống người lao động?

Mọi doanh nghiệp thường nhấn mạnh vào yếu tố đầu tiên - hiện thực hoá sự cải tiến, sự phát triển và canh tân xã hội. Thậm chí các doanh nghiệp xã hội còn sẵn sàng chi 51% lợi nhuận sau thuế để thực hiện mục tiêu tốt đẹp mà họ đã đăng ký với chính quyền. Nhưng mục tiêu nào là tốt đẹp, thì dường như thật tương đối và khó có thể giải thích rành mạch. Hiện tượng rửa tiền trong khối phi lợi nhuận, từ thiện, truyền thông, tâm linh, cho đến tiền mã hoá hiện cũng đang rất phổ biến.

Các mục tiêu còn lại, thực tế có thể được giải quyết bằng doanh thu. Công ty kiếm được nhiều tiền tức là giới chủ được lợi, tiếp tục duy trì và mở rộng doanh nghiệp. Điều đó dẫn tới việc ngày càng nhiều người lao động có việc làm và được nuôi sống.

Đến đây, tiếp tục có thêm hai vấn đề này sinh: (1) Nếu người lao động chỉ làm việc vì tiền và không thực sự tin vào những gì họ làm, đồng thời không có văn hoá công sở bền vững, nhiều người sẽ buông thả, dẫn đến giảm doanh thu; (2) Khi công ty bị giảm doanh thu, quỹ lương và nhiều loại chi phí dành cho một số mảng bị coi là ít quan trọng hơn (như nhân quyền, đạo đức thuật toán, v.v.) sẽ bị cắt bỏ, và trong nhiều trường hợp những người chủ công ty sẽ tìm cách cứu mình trước.

Làm thế nào để giải quyết hai vấn đề trên? Một trong các cách là văn hoá doanh nghiệp cần phải vững mạnh, để giữ cả người chủ và người làm thuê tin vào chung một mục tiêu phát triển, bên cạnh tiền lương hàng tháng. Không còn chung mục tiêu, đặc biệt là khi công ty đã chệch ray so với lý tưởng ban đầu, thì giống với bình luận của Joshua Topolsky, đồng sáng lập The Verge và Vox Media, “Twitter đã chết.”

Một mục đích chung mập mờ

Có thể nói trắng ra rằng việc người chủ của Twitter cần làm nhất bây giờ là cứu doanh thu công ty, và từ đó cứu hầu bao của mình sau khi mua lại nền tảng này với một cái giá quá lớn. Nhưng là một mạng xã hội có nhiệm vụ kết nối mọi người, và cũng có khả năng chia cắt toàn bộ xã hội, “Twit chúa” bị mắc kẹt giữa bài toán tiền nong và trách nhiệm xã hội.

Ông luôn mồm nói để bao biện cho các quyết định của mình rằng Twitter cần phải bảo vệ tự do ngôn luận, nhưng tiêu chuẩn về sự tự do của Musk có vẻ hơi khác những lãnh đạo trước đây, và có lẽ là với cả nhân viên của mình. Ông xoá bỏ sự hạn chế của Twitter với tất cả các tài khoản lan truyền tư tưởng cực đoan, bỏ bước kiểm duyệt fake news và các thông tin định hướng chính trị trên Explore, v.v.

Những ngày đầu “cầm cương” Twitter của “Twit chúa” được đánh dấu bằng sự quay trở lại của một cơn mưa thông điệp kỳ thị chủng tộc, chống người Do Thái, và nội dung bạo lực. Joshua Topolsky nhận định, Twitter có thể kiếm được nhiều tiền từ việc bỏ kiểm duyệt, nhưng bên cạnh đó môi trường thông tin ở đây sẽ nguy hiểm hơn rất nhiều so với trên các nền tảng mạng xã hội đông người khác. Điều đó có lẽ phần nào gây xáo trộn đối với tinh thần làm việc của các công thần Twitter.

Gần đây cũng xảy ra hội nghị Thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu (COP 27) và Elon Musk không hề có danh tiếng trong việc khiến trái đất “xanh hơn.” Ông từng xanh rờn twit rằng các nước phát triển hoàn toàn có quyền đè đầu cưỡi cổ các nước nghèo hơn nhưng có nhiều tài nguyên thiên nhiên, để hiện thực hoá ước mơ về xe điện và tàu vũ trụ. Dè chừng trước các vị sếp mạnh miệng có lẽ là “bản năng” của các nhân viên tỉnh táo.


Nhà tư sản của năm | Nguồn: Twitter

Vậy sự tự do và điều tốt đẹp nào là thứ Elon Musk muốn nhân viên của mình cùng hướng về? Đặc biệt là khi xu hướng thiên tả mâu thuẫn với Musk lại khá phổ biến trong môi trường làm việc của các doanh nghiệp mạng xã hội. Vấn đề của Musk là ông tự mình quyết định hết sạch mọi thứ, kể cả niềm tin.

Đồng sở hữu một doanh nghiệp

Bài viết này không tập trung chỉ trích tư tưởng chính trị mà Musk muốn áp đặt lên Twitter. Thú thực, chúng tôi có quan điểm riêng của mình, nhưng không có quyền hạn để bàn về điều đó trong bài viết này. Chúng tôi quan tâm hơn tới việc làm sao để một doanh nghiệp bền vững, khi nhìn vào trường hợp Twitter của Elon Musk.

Phải chăng, điều tạo ra một môi trường làm việc lành mạnh, bên cạnh việc giữ vững quyền lợi lao động của người làm thuê, thì còn là tạo ra một niềm tin chung mà tất cả cùng hướng đến? Nếu vậy thì mọi doanh nghiệp duy trì chế độ làm công ăn lương đều sẽ đi đến thoái trào hoặc sẽ phải liên tục xoay vòng việc tuyển nhân sự mới, vì niềm tin này luôn thay đổi.

Một số doanh nghiệp trên thế giới thì hướng đến mô hình đồng sở hữu công ty giữa người lao động với nhau. Mô hình đó gọi là Employee-Owned, được hiện thực hoá qua chương trình cho phép người lao động sở hữu số lượng cổ phiếu không quá chênh lệch nhau trong doanh nghiệp. Như vậy, một bánh răng nhỏ nhất trong quy trình cũng đến công ty vì sự tồn vong của nó ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích và niềm tin xã hội của người làm việc.

Mô hình Employee-Owned giúp tránh khỏi hiện tượng quiet quitting, quiet firing, bảo đảm quyền lợi lao động, và hạn chế các xung đột không đáng có giữa vị trí cao và vị trí thấp khi doanh nghiệp phân chia quyền lực không đồng đều.

Tóm lại, với những gì đã xảy ra trong lịch sử, sự tồn tại của công ty, hay thậm chí là nhà nước, không thể bị lệ thuộc vào một hoặc một vài cá nhân giàu có và ưu tú. Xu hướng kinh tế tập đoàn hậu Covid dường như đặt trọng trách vào tay cá nhân độc đoán nhiều hơn. Chúng ta nhìn thấy sự đi xuống của Facebook, chẳng mấy chốc sẽ là Twitter, và sẽ còn thêm nhiều Twitter khác xuất hiện.

Nguồn: vietcetera

Blog Category