1. Đúng giờ là văn hóa làm việc quan trọng của người Nhật
Ở Nhật Bản, mọi người đều vô cùng coi trọng và đề cao giá trị của chữ ‘kao’, tức là thể diện, trong đó bao gồm sự tự hào cá nhân, danh tiếng và địa vị trong xã hội.
Đặc biệt trong đó phải kể đến thể diện của từng cá nhân trước tập thể hay cộng đồng, vì vậy trong mỗi cuộc hẹn hay buổi làm việc, người Nhật luôn có văn hóa đúng giờ, thậm chí đến sớm hơn.
Không giống như các quốc gia khác định nghĩa "đúng giờ" nghĩa là có mặt chính xác đến từng phút, thậm chí người Việt còn quan niệm "giờ cao su": Ngưới khác chưa chắc đến sớm hơn mình do vậy không việc gì phải vội. Hay: Đám cưới luôn diễn ra sau 30 phút so với giờ ghi trên thiệp cưới cho nên thong thả mà đi dự tiệc. Người Nhật nghĩ ngược lại, "đúng giờ" có nghĩa là bạn phải có mặt trước ít nhất 10 phút. Đặc biệt ở những nơi thường xuyên tắc đường cục bộ như Việt Nam thì việc có mặt trước 10 phút càng nên khuyến khích.
Việc đúng giờ là cách thể hiện sự tôn trọng đối với người khác và đặc biệt hơn trong công việc, khi đến sớm có thể giúp bạn có thêm thời gian để chuẩn bị kỹ lưỡng mọi thứ, từ đó tăng hiệu quả cho công việc.
2. Tăng ca là thói quen làm việc đặc trưng ở Nhật
Điều đặc trưng thứ hai trong phong cách làm việc của người Nhật chính là sự tăng ca làm việc. Ở Nhật Bản mọi người có xu hướng tăng ca, làm thêm mỗi ngày.
Lý do của hành động trên chính là vì người Nhật có quan niệm rằng tăng ca là cách thể hiện sự cống hiến cho doanh nghiệp. Đồng thời, chính doanh nghiệp cũng thường dựa vào thời gian làm việc ngắn hay dài để quyết định tăng chức hay bổ nhiệm.
Từ đó mọi người coi thời gian làm tăng ca là tất yếu cho công việc để đem tới hiệu quả và năng suất lao động lớn hơn.
Chính thói quen này dẫn tới việc người Nhật gặp quá nhiều áp lực trong công việc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến cả sức khỏe tinh thần và thể chất của người lao động.
Tình trạng tự tử hoặc mất sức vì công việc ở Nhật được đánh giá khá nghiêm trọng. Vì thế, chính phủ nước này phải can thiệp bằng cách quy định số giờ làm tối đa cho mỗi người là 52h/tuần. Đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp chủ động giảm giờ làm cho nhân viên.
3. Tôn trọng quyết định của nhau
Thành công của người Nhật chính là sự hợp tác, làm việc của cả đội nhóm và họ cũng quan niệm rằng sẽ không có thành công nếu không có sự thống nhất, đoàn kết giữa các thành viên trong nhóm đối với công việc chung.
Người Nhật rất đề cao việc cả nhóm có thể làm việc cùng nhau để tạo nên thành công, quá trình đó dù có thể xảy ra nhiều tranh cãi hoặc chậm hơn nhưng giá trị của sự đoàn kết và hợp tác là rất quan trọng.
4. Tôn trọng đối tác
Điều này thể hiện ở cách ăn nói, cư xử và hành động của mỗi người Nhật Bản trong cuộc họp, trao đổi giữa những người đối tác.
Khi gặp đối tác, điều đầu tiên người Nhật làm là trao danh thiếp một cách trịnh trọng và không quên dành một lời chào lịch sự nhất. Chính điều này sẽ tạo được rất nhiều cảm tình qua lần gặp đầu tiên mà sau đó cuộc đàm phán, thương thuyết công việc sẽ nhận được sự đồng tình cao.
5. Học cách tôn trọng sự yên lặng và các cảm xúc ngầm của đối tác
Trong một vài trường hợp, yên lặng còn có tác dụng hơn cả lời nói. Dù không nói, người Nhật vẫn biểu lộ cảm giác thực sự của mình một cách tinh tế. Chẳng hạn, khi một nhân viên lơ đễnh trong cuộc họp, sếp người Nhật sẽ nghiêng đầu và mím môi. Thay vì yêu cầu người đó nên tập trung vào cuộc thảo luận, sếp hi vọng anh/cô ấy sẽ hiểu rằng biểu cảm khuôn mặt thể hiện sự không hài lòng của mình.
Khi các khán giả mệt mỏi, dấu hiệu cho thấy cuộc họp nên điểu chỉnh theo hướng hiệu quả hơn.
Hãy chú ý nhiều hơn tới ngôn ngữ phi cử chỉ trong cuộc sống hằng ngày của mình. Bạn thấy những người phỏng vấn bạn tỏ ra hứng thú hay chỉ đang đếm từng phút cho tới khi bạn ra khỏi phòng? Mọi người có lắng nghe khi bạn thuyết trình hay tựa lưng vào ghế với ánh mắt xa xăm?… Một khi nhận biết được những dấu hiệu này, bạn có thể điều chỉnh cách ứng xử của mình một cách phù hợp.
6. Lời xin lỗi và cách tư duy của người Nhật
Đôi khi mọi người đều rất ngại lời xin lỗi đối với nhau nhưng ở Nhật họ sẵn sàng đưa ra lời xin lỗi trước những sai phạm hay lỗi lầm mà mình gây ra dù vô tình.
Đây cũng thể hiện sự sẵn sàng nhận lỗi và sửa sai, nhờ vậy mà thay vì trốn tránh trách nhiệm của mình, họ sẽ có thêm nhiều cơ hội học hỏi và cố gắng ở những lần sau đó.
7. Luôn học tập từ người đi trước
Người đi trước luôn là người có sự hiểu biết và những kinh nghiệm qua nhiều năm làm việc, trau dồi. Chính vì thế học tập họ chính là một phương pháp rèn luyện rất hiệu quả và được người Nhật đề cao.
Trong các cuộc họp, nếu có ý kiến thì họ sẽ lập tức chia sẻ với những người đi trước để nhận được sự giải thích hay suy luận. Hoặc đối với những góp ý của những bậc tiền bối đi trước, người Nhật luôn tiếp thu với thái độ tôn trọng và cầu thị.
8. Luôn làm việc dựa trên kỷ luật và nguyên tắc
Trong phong cách làm việc của người Nhật Bản, tính kỷ luật và nguyên tắc luôn đặt lên trên hàng đầu trong bất kỳ doanh nghiệp nào.
Người Nhật ở lại nhặc rác ở sân vận động sau mỗi trận bóng - thói quen bình thường của người Nhật.
Những thành công của người Nhật qua sự phát triển kinh tế thần kì và bền vững ở những năm qua chính là nằm ở những nguyên tắc, quy định nhằm tạo ra sự tập trung và thống nhất cao trong công việc.
9. Luôn luôn nỗ lực
Người Nhật luôn coi trọng sự cố gắng, nỗ lực trong thời gian dài hơn những sự bứt phá, xuất sắc trong một thời điểm cụ thể nào đó. Nỗ lực và học hỏi không ngừng chính là cách để bản thân mỗi người vươn lên phát triển một cách thật sự bền vững.
Tinh thần kỷ luật tập thể của người Nhật luôn đem lại nhiều thành công cho đảo quốc mặt trời mọc.
Bên cạnh đó người Nhật khi đánh giá ai đó thường dựa vào quá trình làm việc, cống hiến trong thời gian dài chứ không bị vẻ bề ngoài chi phối.
10. Không bỏ sót những điểu tưởng chừng nhỏ bé
Những chi tiết chúng ta không quan tâm tới thì người Nhật lại chú ý tới chi tiết nhỏ: quy tắc ra vào thang máy, bạn nên ngồi ở vị trí nào trong taxi nếu đi cùng đồng nghiệp và loại nước nào bạn nên phục vụ khi tiếp khách hàng…
Đó là kĩ năng cần có nơi công sở. Chỉ những việc nhỏ: chỗ ngồi của mình, cử chỉ trong lúc họp , gọi nhầm số… nếu bạn làm tốt, biết cách kiểm soát những chi tiết nhỏ sẽ tạo ra sự khác biệt trong công việc làm bạn chuyên nghiệp và được yêu mến hơn.
11. Gắn bó lâu dài với công việc
Khi đã quyết định làm công việc gì, người Nhật sẽ theo đuổi công việc đó đến cùng. Hoặc làm nó tới khi về hưu bởi một người khi làm công việc nào đó trong khoảng thời gian dài và liên tục, thường xuyên sẽ trở nên thành thục và đạt hiệu quả cao nhất có thể.
12. Nghỉ phép là điều ít khi xảy ra
Xét trong tác phong làm việc và cống hiến của người Nhật Bản thì việc nghỉ phép dường như là điều rất ít khi xảy ra. Không phải họ không muốn có nhiều thời gian nghỉ ngơi hay thư giãn những đối với họ những ngày nghỉ trong tuần hay tháng là đủ để họ giải lao, còn thời gian nghỉ phép dành cho công việc sẽ tốt hơn nhiều.
13. Làm ra làm, chơi ra chơi
Đây là một nguyên tắc có lẽ mà nhiều người cần phải áp dụng cho bản thân vào công việc bởi lẽ công việc sẽ hiệu quả rất nhiều nếu dành hết thời gian, công sức vào nó thì mới đạt được kết quả cao nhất.
Còn việc thư giãn nghỉ ngơi cũng rất cần thiết, đây là một cách để ta lấy lại năng lượng và hồi phục cơ thể để có thể bắt đầu làm việc tiếp. Tuy nhiên, đây lại là hai việc hoàn toàn khác nhau, nếu một lúc đồng thời thực hiện cả hai sẽ gây ra phản tác dụng và khiến công việc trở nên sa sút hơn.
14. Luôn nói giảm, nói tránh
Người Nhật luôn có xu hướng hạn chế sự đối đầu hay hiềm khích lẫn nhau cả trong lời nói hay hành động. Chính vì thế thay vì nói “Không được” họ sẽ dùng những từ ngữ khác để biểu đạt ý cần nói của mình sao cho người nghe có thể dễ dàng chấp nhận và không quá đau buồn. Trong từng lời nói họ rất chú ý để không làm người khác phật ý hay bực bội, khó chịu.
15. Khẩu hiệu là công cụ để nâng cao tinh thần
Khẩu hiệu được người Nhật dùng để tạo cảm hứng, động lực và nguồn năng lượng tích cực cho hoạt động làm việc và sản xuất.
Bên cạnh những lời nhắc nhở, động viên, việc cả một tập thể cùng hô vang một khẩu hiệu sẽ làm cho cả ngày làm việc thật thoải mái và vui vẻ. Có những câu khẩu hiệu nói về sự khen thưởng, quà tặng sẽ giúp nhân viên hứng khởi hơn và luôn luôn tràn đầy năng lượng.
16. Ăn mặc lịch sự và đi bộ mỗi ngày
Ăn mặc lịch sự không chỉ giúp bản thân thêm gọn gàng, chỉn chu trong công việc mà còn đánh ra sự chuyên nghiệp của cả doanh nghiệp. Những đối tác, khách hàng sẽ nhìn vào phong thái và trang phục của nhân viên để đánh giá bộ mặt của công ty đó.
Trên đây là 16 phong cách làm việc của người Nhật Bản, hy vọng qua đây các bạn có thể học hỏi được cho mình những kinh nghiệm để phát triển bản thân cũng như nâng cao hiệu quả làm việc cho công việc của mình.