Chủ tịch Clever Group, Nguyễn Khánh Trình: “Tôi làm rất nhiều công ty khởi nghiệp và thất bại rất nhiều. Thất bại không bao giờ post lên mạng xã hội. Tốt nhất thất bại đừng để người ta biết!”.
Danh ngôn có câu "Đổ mô hôi là hương vị của thành công", do vậy khi khởi nghiệp ta không khoe với thiên hạ rằng ta đã đổ mồ hôi như thế nào. Tương tự như vậy với thất bại.
Trong cuộc trò chuyện trước đây, ông Nguyễn Khánh Trình – Chủ tịch HĐQT CTCP Clever Group đã chia sẻ góc nhìn về những vấn đề nội tại của startup Việt. Đơn vị của ông đã thâu tóm Orion Media, ông Trình cũng là nhà đầu tư vào chuỗi thực phẩm sạch Sói Biển, công ty bán lẻ điện máy Phong Vũ và Teko.
Năm 2020, giai đoạn dịch Covid-19 bùng nổ: Những startup sống dựa vào gọi vốn sẽ không thể tồn tại.
Thưa ông, nhìn vào thực trạng của các startup Việt Nam hiện tại, ông có nghĩ từ năm 2020 sẽ bùng nổ sự phá sản của startup mà WeFit chỉ là một cú nổ đầu tiên?
Rất tiếc nhưng đó có vẻ là chắc chắn. Tôi làm trong ngành tài chính khá lâu. Tất cả vấn đề liên quan đến funding đều đang bị dừng. Chúng ta sẽ bị mất đi một lượng tiền rất lớn đổ vào nền kinh tế nói chung và đổ vào cho startup nói riêng. Thế nên, các startup sống dựa vào gọi vốn sẽ không thể sống được nữa.
Họ không biết nên tiêu bao nhiêu, tiêu cho cái gì. Và luôn nghĩ chỉ cần đông người dùng, sản phẩm tốt, quảng cáo hay… là sẽ thành công.
Vấn đề lớn nhất của startup Việt Nam là quản trị học rất kém. Đa phần các startup Việt đều được thành lập bởi các lập trình viên – những người làm IT như tôi – có kiến thức về IT mà không có kiến thức về tài chính và quản trị doanh nghiệp. Đấy là điều vô cùng dở.
Họ không đặt nặng, không quan tâm tới trọng số của Pháp chế, Tài chính – kế toán, và Quản trị doanh nghiệp. Họ quá quan tâm tới sản phẩm. Họ nghĩ sản phẩm ngon là đủ, mà thực ra sản phẩm chỉ chiếm một phần rất nhỏ cho sự thành công của một startup.
Trong doanh nghiệp nói chung luôn phải có 3 mảng rất lớn: Business Logic, Vision Strategy, và Operation.
Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn?
– Business Logic (chiếm 33% thành công): Giá trị cốt lõi của doanh nghiệp là gì. Với chúng tôi, Business Logic là tối ưu hóa quảng cáo, là các ý tưởng, sáng tạo.
Business logic của một bệnh viện phải là năng lực của người bác sĩ, các phương thức, phương tiện chữa bệnh, cứu người, phòng bệnh.
Business Logic của bệnh viện chắc chắn không phải là ghế massage để tiếp bạn khi bạn đưa người thân đi khám. Business của Sói biển là quy trình sản xuất thực phẩm sạch…
– Vision – Strategy (Tầm nhìn – Chiến lược): Rất nhiều doanh nghiệp không cần tầm nhìn vẫn hoạt động bình thường. Nhưng rất nhiều doanh nghiệp không có tầm nhìn sẽ chết. Jeff Bezos: Hãy cứng đầu về tầm nhìn dài hạn, nhưng linh hoạt về chi tiết.
Như chúng tôi, thế giới của chúng tôi thay đổi quá nhanh, bắt buộc phải có tầm nhìn. Nếu như không có tầm nhìn tốt, không nhìn thấy sự thay đổi, chắc chắn sẽ chết. Những người làm tài chính bắt buộc phải có tầm nhìn, xem thị trường đang như thế nào, sẽ thay đổi như thế nào.
– Operation (Vận hành) chiếm tỷ lệ 33% thành công còn lại. Đó là phần quan trọng của doanh nghiệp mà với nhiều doanh nghiệp đặc thù, phần vận hành cực kỳ nặng, điển hình là các doanh nghiệp bán lẻ như VinMart, Sói biển…
Có doanh nghiệp bán lẻ giỏi về Operation, mở chuỗi rất nhanh khi ngành bán lẻ vốn nặng về vận hành, nhưng họ áp dụng quản trị, tính bảng lương lại sai, bởi đó là ngành cực "low margin" (biên lợi nhuận thấp).
Ngành bán lẻ của chúng tôi gross margin (biên lợi nhuận gộp) là 25% cho tất cả chi phí thuê cửa hàng, nhân viên, hủy, tồn, Internet, điện, nước…, trong đó riêng tiền mặt bằng đã chiếm 80%, trong khi ngành bất động sản gross margin có thể là 90%. Đấy là sự khác biệt rất lớn.
3 điểm cốt tử của startup Việt
* Ông vừa đưa ra các yếu tố quyết định thành công. Vậy trong nhận định về làn sóng phá sản của startup Việt, thì startup Việt Nam yếu ở khâu nào?
Thứ nhất, đa phần startup Việt Nam không biết pháp chế là gì. Đấy là điều lớn nhất.
Pháp chế, khi bình thường “cơm lành canh ngọt” không sao, nhưng khi xảy ra xung đột đó là vấn đề sẽ dẫn đến chia tay. Họ (các startup Việt Nam – PV) gần như không quan tâm đến pháp chế. Đó là điều rất dở.
Thứ 2 là điểm vận hành rất kém, không có quy trình.
Thứ 3 là quản lý tài chính, cụ thể là quản lý tiền. Họ không biết nên tiêu bao nhiêu, tiêu cho cái gì. Và luôn nghĩ chỉ cần đông người dùng, sản phẩm tốt, quảng cáo hay… là sẽ thành công.
Có những thứ càng đông người dùng càng lỗ nhiều. Khi anh không bóc tách được chi phí, thì càng nhiều người dùng càng lỗ.
* Mỗi lần startup thất bại, mọi người hay nói tại startup ở Việt Nam, tại người dùng cheating…
Nếu thất bại, tất cả là tại mình. Tôi làm rất nhiều công ty khởi nghiệp và thất bại rất nhiều. Thất bại không bao giờ post Facebook.
Trước tôi từng làm CleverJobs, tiền thân của JobsGO. Công ty chúng tôi làm trong 6 tháng, doanh thu 100 triệu đồng/tháng. Sau một đêm tôi đóng.
Sau đó là CleverStore – store cài app không chính thống trong bối cảnh thị trường không chính thống ở Việt Nam rất mạnh. Google sau đó có những bước thay đổi, hướng tới chính quy hóa toàn bộ.
Nhận ra việc mình không còn cơ hội, chỉ là vấn đề thời gian, sau 1 đêm tôi đóng. Sau khi tôi đóng chừng 6 tháng, tất cả store khác đóng theo.
Thực ra tôi thất bại rất nhiều. Bài học ở đây là gì? Tốt nhất thất bại đừng để người ta biết (cười).
* Câu chuyện của WeFit làm tôi nhớ đến Chủ tịch HĐQT FPT Trương Gia Bình từng nói về các doanh nghiệp “thuần điện tử” – những doanh nghiệp không tài sản mà chỉ là nền tảng trung gian kết nối hoạt động chỉ như canh bạc đốt tiền. Ông nghĩ sao?
Người ta gọi những doanh nghiệp kiểu đó là “mượn gió bẻ măng”. Tôi nghĩ Uber, hay Airbnb, thời đại của Sharing Economy (nền kinh tế chia sẻ) sẽ không trường tồn. Sớm hay muộn, thị trường ấy sẽ nằm trong một số tay to.
Khi Uber, Grab phát triển, sẽ có những tài xế chuyên đi làm Grab, và nó không còn là Sharing (chia sẻ) nữa. Còn giữ nguyên mô hình Sharing như vậy lại không lớn được. Nó lớn lên bởi có người chuyên làm.
Airbnb, giờ thực chất khách sạn là Airbnb, chứ không còn ý nghĩa của việc chia sẻ phòng. Ở Việt Nam không có chỗ nào gọi là kinh doanh kiểu Airbnb thực sự, không có người dám cho người khác vào share 1 phòng trong nhà…
* Hệ lụy khi những doanh nghiệp của nền kinh tế chia sẻ phá sản thì sao? Như WeFit, đối tác công nợ không đòi được, khách hàng mất tiền…
Người mất nhiều nhất là Investor (nhà đầu tư). Đau nhất là Investor, đã vào vài chục tỷ đồng, giá rất lớn, chứ không phải team Founder WeFit. Nếu thương thì thương Investor.
Giờ mọi thứ phải tuân theo pháp luật. Khi đã nộp đơn phá sản thì việc tiếp theo là chờ tòa tuyên bố.
Ở Mỹ, đấy là cách văn minh nhất, là cách hay nhất để sống, khi tuyên bố phá sản sẽ được pháp luật bảo vệ rất nhiều.
Theo blogdoanhnhan