Đà Nẵng vươn tầm trung tâm công nghệ

Biến nhà chồ thành đô thị ven sông

Dòng sông Hàn những ngày giữa đại dịch Covid-19 có lẽ cũng trở nên lặng lẽ và khép mình hơn khi thiếu đi ánh đèn nhiều sắc màu từ những chiếc du thuyền lung linh trên sóng nước. Vắng hẳn những bước chân và tiếng nói cười đùa của du khách, nên dòng sông cũng dùng dằng như… chảy ngược, chảy về với ký ức những ngày còn hoang hoải đôi bờ đón những chuyến đò ngang, đò dọc qua lại giữa quận Ba (quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn) và quận Nhứt (Hải Châu), chảy len lỏi vào những dãy nhà chồ nhếch nhác đã lùi xa vào dĩ vãng…

Đa phần người Đà Nẵng, khi hồi tưởng lại năm tháng thăng trầm, đổi thay của thành phố đầu biển, cuối sông này đều in đậm trong tâm trí hình ảnh những căn nhà chồ, khu nhà ở tạm bợ, hay sát với thực tiễn cuộc sống của một bộ phận người dân hơn là những “khu ổ chuột” hiện diện từ bờ Đông sang bờ Tây và ngược lên phía Tây Bắc (quận Liên Chiểu ngày nay).

Những ngày đầu đi làm báo, tôi cũng đã từng len lỏi qua những cây cầu khỉ được dựng lên từ bờ nối ra với những căn nhà chồ và từ nhà này nối qua nhà kia để tạo thế liên hoàn và cũng để mỗi khi “tắt lửa tối đèn có nhau”. Ngày nay, cũng trên mảnh đất ấy, nhưng phận người đã khác: đường xá quy hoạch rộng thênh thang, nhà cao tầng, nhà liên kế, nhà thông minh mọc lên san sát... Ánh sáng của hiện đại và văn minh đã đẩy hình ảnh những căn nhà chồ lùi xa.

Theo ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Kiến trúc sư trưởng Đồ án Quy hoạch chung xây dựng TP. Đà Nẵng được cố Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt phê duyệt năm 1993, thì những hình ảnh rõ nét về những ngày đầu ông và các cộng sự về lập quy hoạch với những căn nhà chồ giờ đã là ký ức mù sương, nhường chỗ cho một Đà Nẵng đầy nội lực, sức trẻ, năng động, hiện đại và sáng tạo hiên ngang bước ra, khiến mọi người phải trầm trồ, thán phục; một Đà Nẵng chất phác, cầu thị, chân tình, thuần hậu và thân thiện đã níu kéo bao  bước chân “lữ khách” mỗi khi đến đây và không nỡ rời xa!

Đô thị thông minh

“Lữ khách” dùng dằng đi - ở, cho đến một ngày, họ không thể rời xa và Đà Nẵng trở thành nơi định cư, sinh sống, làm ăn và phát triển. Những làn sóng đầu tư bắt đầu rộ lên, những dự án công nghiệp, du lịch, đô thị… lần lượt hình thành từ phía Tây Bắc, phía Đông nhanh chóng lan rộng ra phía Nam. Kinh tế phát triển, cư dân đô thị Đà Nẵng từ chỗ chỉ có 685.000 người năm đầu tách tỉnh, tăng lên gần 1,2 triệu người hiện nay. Trong dòng chảy của cuộc sống ấy, những cư dân đô thị Đà Nẵng có lẽ cũng không thể mường tượng ra một ngày, những khu nhà chồ nhếch nhác, những bất tiện về hạ tầng giao thông, ngăn cách về kết nối… đã bị xóa nhòa bởi những cao ốc chọc trời, đô thị thông minh, những công trình giao thông đối nội, đối ngoại (hàng không, đường bộ, đường biển) được đầu tư bài bản, khoa học.

Từ hạ tầng giao thông kết nối, Đà Nẵng tiến đến những mục tiêu quan trọng, trong đó có xây dựng thành phố thông minh với lộ trình vững chắc. Dấu ấn đậm nét của chiến lược này là vào năm 2012, Đà Nẵng vinh dự là một trong 33 thành phố trên thế giới và là địa phương đầu tiên của Việt Nam được Tập đoàn IBM trao Giải thưởng “Thách thức của các thành phố thông minh hơn”. “Xe buýt được gắn thiết bị giám sát hành trình đầu tiên, Nhà máy Nước Cầu Đỏ có trung tâm giám sát tự động... là những nét chấm phá đầu tiên về áp dụng công nghệ thông minh mà đoàn chuyên gia của IBM đến giúp Đà Nẵng sau đó”, ông Huỳnh Kim Sơn, cựu Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP. Đà Nẵng nhớ lại.

Năm năm sau (tháng 7/2017), Đà Nẵng tiến thêm một bước quan trọng nữa khi “bắt tay” với Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) phát triển thành phố thông minh giai đoạn 2017- 2020 trên cơ sở phối hợp với các sở Thông tin và Truyền thông, Y tế, Giáo dục và Đào tạo. Rồi hệ thống giám sát và cảnh báo sớm môi trường nước tại hồ Thạc Gián được kích hoạt; camera thông minh tại các nút giao thông, đo mưa tự động vận hành; 1.800 thiết bị camera chuyên dụng, vận động người dân và doanh nghiệp đầu tư 23.000 camera bằng hình thức xã hội hóa để đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn Thành phố.

11 năm liên tiếp, Đà Nẵng dẫn đầu Chỉ số sẵn sàng ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Vietnam ICT Index) do Bộ Thông tin và Truyền thông và Hội Tin học Việt Nam đánh giá, xếp hạng; mô hình chính quyền điện tử Đà Nẵng nhận Giải thưởng WeGo năm 2014. Việc triển khai thành công Chính quyền điện tử đã tạo niềm tin, là nền tảng để Thành phố triển khai xây dựng thành phố thông minh.

“Xây dựng thành phố thông minh là xu hướng chung của thế giới, cũng là yêu cầu trong phát triển của TP. Đà Nẵng, đặc biệt là nhiệm vụ do Bộ Chính trị giao Đà Nẵng tại Nghị quyết 43-NQ/TW ngày 24/1/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; trong đó mục tiêu đến năm 2030 phải “Hoàn thành xây dựng đô thị thông minh kết nối đồng bộ với các mạng lưới đô thị thông minh trong nước và khu vực ASEAN”, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng, ông Huỳnh Đức Thơ chia sẻ.

Vươn tầm trung tâm công nghệ

Xuất khẩu phần mềm công nghệ thông tin, thiết bị công nghệ cho lĩnh vực hàng không có lẽ là lĩnh vực khá khiêm tốn đối với các địa phương của Việt Nam. Nếu hai đầu Nam - Bắc có TP.HCM và Hà Nội, thì miền Trung có Đà Nẵng và trong tương lai không xa có thể sẽ là Bình Định với trí tuệ nhân tạo.

Ngay từ rất sớm, Đà Nẵng đã xây dựng và thành công với Trung tâm Công nghệ phần mềm trên đường Quang Trung và xuất khẩu sang Nhật Bản, Singapore… Tiềm năng này lập tức được các nhà đầu tư để ý và trở nên sôi động trong những năm gần đây với sự hình thành của Danang IT Park - được kỳ vọng sẽ trở thành một cộng đồng công nghệ thông tin theo mô hình của Thung lũng Silicon (Mỹ), Khu đô thị FPT tại quận Ngũ Hành Sơn và những dự án sản xuất thiết bị công nghệ cao tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng...

Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đặc biệt mong muốn FPT với dự án 1 tỷ USD trên tổng diện tích 181 ha bảo đảm xây dựng đúng mục tiêu ban đầu là khu đô thị khoa học - công nghệ, chứ không đặt nặng là dự án bất động sản. Nhiều dự án trị giá triệu USD với các đối tác lớn trên thế giới đã được triển khai tại FPT Đà Nẵng, đặc biệt là các dự án theo xu hướng công nghệ mới điện toán đám mây...

“Yêu cầu bức thiết đối với Đà Nẵng lúc này là phải có chiến lược tổng thể, nhất quán, có chiều sâu về quy hoạch phát triển, có mô hình phát triển mới, với những cơ chế, chính sách và giải pháp đột phá để Đà Nẵng thực sự bứt phá, tạo sức lan tỏa mạnh tới các địa phương trong khu vực”.



Ông Trương Quang Nghĩa, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Giới chuyên gia nhận định: “Dù với đầu tư hạ tầng khiêm tốn, nhưng công nghệ thông tin - công nghệ phần mềm đã mang lại hiệu quả cao cho Đà Nẵng”.

Nếu phía Đông có FPT, thì ở phía Tây Bắc Đà Nẵng, sát vách IT Park là Khu công nghệ cao đã thu hút các dự án lớn. Dự án được chú ý là UAC (Universal Alloy Corporation - Mỹ), đầu tư nhà máy sản xuất khoảng 5 triệu chi tiết linh kiện hàng không cho các hãng máy bay lớn như

Boeing, Airbus, Embraer và Bombardier… Mục tiêu đến năm 2021 đạt giá trị xuất khẩu 25 triệu USD, năm 2022 đạt 82 triệu USD và từ năm 2026 đạt hơn 180 triệu USD/năm”.

Không phải ngẫu nhiên mà “ông lớn” UAC đặt đại bản doanh tại Đà Nẵng. Ông Kevin Loebbaka, Giám đốc điều hành UAC cho biết, hiện nay, hơn 30% hàng tồn đọng của Boeing và Airbus là ở châu Á - Thái Bình Dương, do đó, các nước trong khu vực đang thu hút nhiều sự quan tâm về sản xuất linh kiện cho các hãng máy bay này. “Cả Boeing và Airbus đều đang thúc đẩy hoạt động sản xuất lớn hơn ở châu Á và có mối quan tâm rất lớn đến địa điểm sản xuất sắp tới của chúng tôi tại Đà Nẵng”, ông Kevin Loebbaka cho hay.

Nhìn lại quá trình đi lên của Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa cho rằng, những thành tựu đạt được là rất rõ nét, nhất là qua 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hoá đất nước.

Thẻ