Năng lực cốt lõi của doanh nghiệp là trung tâm của chiến lược kinh doanh, khả năng cạnh tranh và khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp. Năng lực cốt lõi là nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp, được hình thành thông qua quá trình tích lũy và học hỏi tập thể trong doanh nghiệp, đặc biệt trong quá trình hợp tác, trao đổi kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh và áp dụng kết hợp nhiều loại công nghệ khác nhau. Do đó, thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh cạnh tranh hiện đại gắn liền với chiến lược năng lực cốt lõi của doanh nghiệp.
1. Nội dung chính của chiến lược năng lực cốt lõi
Trong ngắn hạn, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp có liên quan đến giá thành/hiệu năng. Nhưng trong dài hạn, khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp đến từ khả năng giảm bớt chi phí và đi trước các đối thủ cạnh tranh, các năng lực cốt lõi tạo ra các sản phẩm mới và mang tính bất ngờ cao, phù hợp với thời đại. Vì vậy, chiến lược năng lực (competency strategy), trên cơ sở học thuyết về năng lực (competency-based view) là phát hiện ra các năng lực cốt lõi trong doanh nghiệp; phát triển và phối hợp các năng lực đó để tạo ra các sản phẩm cốt lõi và mang lại giá trị cho doanh nghiệp.
Theo Hamel & Prahalad (1989), bốn yếu tố cơ sở của chiến lược “Mục tiêu chiến lược” (strategic intent) là (1) Mục tiêu hướng tới, (2) Tầm nhìn, (3) Đòn bẩy và (4) Năng lực cốt lõi. “Mục tiêu hướng tới” nhận biết những điểm thiếu hụt trong hiện trạng của doanh nghiệp, và thông qua phân tích tài chính đưa ra một dự án chi tiết dựa trên khoảng cách giữa hoàn cảnh thiếu hụt hiện tại và định hướng đặt ra trong tương lai. “Tầm nhìn” là mục tiêu dài hạn được các thành viên trong tổ chức xác định và hướng tới. “Đòn bẩy” tìm kiếm và sử dụng tối đa các nguồn lực sẵn có, điều này cũng đồng nghĩa với việc xác định một cách quản lý chuyên biệt các nguồn lực và khả năng, và quan trọng là không sở hữu quá nhiều nguồn lực so với bộ máy vận hành hiện có. Và “năng lực cốt lõi” biến tầm nhìn thành năng lực để phát triển và làm tăng giá trị cho doanh nghiệp.
Một cách khái quát, năng lực cốt lõi (core competency) là trung tâm của (1) chiến lược kinh doanh, (2) khả năng cạnh tranh và (2) khả năng tạo ra lợi nhuận của doanh nghiệp. Prahalad và Hamel định nghĩa “năng lực cốt lõi là sự học hỏi tập thể trong doanh nghiệp, đặc biệt là làm thế nào kết hợp các kỹ năng sản xuất khác nhau và tích hợp nhiều dòng công nghệ với nhau. […] Năng lực cốt lõi là khả năng truyền thông, kết hợp và cam kết sâu rộng trong toàn bộ doanh nghiệp. Nó liên quan đến nhiều cấp độ nhân sự và mọi chức năng” (1990).
Năng lực cốt lõi là tài sản vô hình của doanh nghiệp, là nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp mà các công ty đối thủ khó có thể bắt chước; cho phép doanh nghiệp khả năng tham gia nhiều thị trường khác nhau; và là yếu tố chủ chốt tạo ra lợi ích cho người tiêu dùng thông qua các sản phẩm của doanh nghiệp. Năng lực cốt lõi được hình thành thông qua quá trình tích lũy và học hỏi tập thể trong doanh nghiệp, đặc biệt trong quá trình hợp tác, trao đổi kiến thức và kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh và áp dụng kết hợp nhiều loại công nghệ khác nhau (Prahalad và Hamel, 1989).
Năng lực cốt lõi không bị hao mòn trong sử dụng. Không như các sản phẩm hữu hình, thường hư hỏng theo thời gian, năng lực càng được phát triển khi áp dụng và chia sẻ. Nhưng năng lực vẫn cần được nuôi dưỡng và bảo vệ; kiến thức mất dần nếu không được sử dụng. Năng lực là chất keo gắn kết đơn vị kinh doanh hiện có; đó cũng là động lực để phát triển các lĩnh vực kinh doanh mới. Đa dạng hóa và thâm nhập thị trường đều phụ thuộc vào năng lực cốt lõi, chứ không chỉ bởi sự hấp dẫn của thị trường (Prahalad và Hamel, 1989).
2. Mô hình chiến lược năng lực cốt lõi của Prahalad và Hamel (1989)
Năng lực cốt lõi là nguồn lực quan trọng nhất tạo ra lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp. Nói cách khác, năng lực cốt lõi là gốc rễ của năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp gắn liền với khả năng và hiệu quả bán hàng và cung cấp các sản phẩm, dịch vụ tại một thị trường nhất định, khi so sánh với khả năng và hiệu quả của các doanh nghiệp khác. Doanh nghiệp được ví như một cây mọc ra từ rễ: các sản phẩm cốt lõi được nuôi dưỡng bởi các năng lực và là nền tảng cho các đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU), nơi kinh doanh các sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp (Prahalad và Hamel, 1989).
Hình 2: Năng lực – nguồn gốc của năng lực cạnh tranh
Nguồn: Prahalad và Hamel (1989)
Về bản chất, mỗi một đơn vị kinh doanh chiến lược (SBU) có thể sản xuất hay đại diện một dòng sản phẩm chính hay một nhóm các sản phẩm liên quan. Mục tiêu chiến lược của từng SBU bao gồm nhưng không giới hạn ở các mặt sau: (1) Phát triển danh mục sản phẩm; (2) Tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh; (3) Mở rộng thị trường, tăng thị phần (4) Tăng doanh thu, lợi nhuận… SBU hành động và khai thác năng lực cốt lõi, là nền tảng của sản phẩm cốt lõi, để sáng tạo chuỗi giá trị cung cấp cho khách hàng và giành lợi thế cạnh tranh trên thị trường riêng biệt của từng SBU.
Bảng 2: So sánh Đơn vị kinh doanh chiến lược và Năng lực cốt lõi
Đơn vị kinh doanh chiến lược | Năng lực cốt lõi | |
Cạnh tranh | Cạnh tranh giữa các sản phẩm hiện hữu | Các công ty cạnh tranh lẫn nhau để tạo nên năng lực đặc thù |
Cấu trúc doanh nghiệp | Tập hợp danh mục cặp sản phẩm / sản phẩm kinh doanh | Tập hợp các năng lực, sản phẩm kinh doanh nòng cốt |
Vị thế của đơn vị kinh doanh | Tính độc lập bất khả xâm phạm; SBU nắm toàn bộ nguồn lực trừ tiền mặt | SBU là một điểm tiềm năng nắm dữ năng lực cốt lõi |
Phân bổ nguồn lực | Vốn được phân bổ riêng rẽ giữa các đơn vị kinh doanh chiến lược | Ban quản lý cấp cao phân bổ vốn và nhân lực |
Vai trò của ban điều hành | Tối đa hóa lợi nhuận thông qua việc phân bổ hiệu quả nguồn lực trong doanh nghiệp | Tạo dựng và củng cố các năng lực để doanh nghiệp phát triển trong tương lai |
Nguồn: Prahalad và Hamel (1989)
Sản phẩm cốt lõi (core product) là biểu hiện hữu hình của một hay nhiều năng lực của doanh nghiệp. Sản phẩm cốt lõi là một phần cấu thành nên sản phẩm cuối cùng của doanh nghiệp. Việc phân biệt rõ giữa năng lực, sản phẩm cốt lõi và sản phẩm cuối cùng là rất quan trọng đối với doanh nghiệp bởi vì cạnh tranh toàn cầu diễn ra theo các quy tắc khác nhau và ảnh hưởng khác nhau giữa các doanh nghiệp.
Quản trị sản phẩm cốt lõi là một mảng quan trọng trong vận hành doanh nghiệp. Vị trí thống lĩnh về các sản phẩm cốt lõi cho phép doanh nghiệp có đủ ảnh hưởng để tác động định hình sự phát triển của các ứng dụng và thị trường. Những doanh nghiệp này sẽ luôn có cơ hội để giảm chi phí, tiết kiệm thời gian và giảm thiểu nguy cơ trong phát triển sản phẩm mới. Điều này có nghĩa là những sản phẩm cốt lõi được định hướng đúng đắn sẽ giúp doanh nghiệp có được lợi thế kinh tế quy mô.
Nguồn: Phan Thanh Tú (2019), Quản trị Chiến lược Doanh Nghiệp, NXB Công Thương, trang 120 – 128.