Trong các câu chuyện văn học từ xưa đến nay, chúng ta đã không còn xa lạ với một hình tượng nhân vật có tính chất ngụy quân tử, bên ngoài khoác áo nhân nghĩa để che đậy hết sức tinh vi tính cách ti tiện, tiểu nhân và bại hoại bên trong của mình. Những kiểu người này thường phải chịu kết cục bị nhân vật chính bóc mẽ mọi âm mưu và thủ đoạn, dẫn tới người người xa lánh.
Trong cuộc sống thời nay người ta thường nói rằng, người nguỵ quân tử còn đáng sợ hơn cả kẻ tiểu nhân. Bởi vì, người nguỵ quân tử thường tỏ ra bề ngoài thành thật, thậm chí là khiêm tốn nhã nhặn, nhiệt tình, nhưng thực tế là họ dễ đâm dao từ phía sau lưng mà vu oan giá hoạ cho người khác.
Theo tư tưởng Nhân sinh quan của Nho giáo, đàn ông con trai được chia làm 02 hạng người, đó là: Quân tử và Tiểu nhân. Tuy nhiên, ngoài những nhóm người thuộc 2 hạng người trên, còn có nhóm người giả mạo quân tử, gọi là Ngụy Quân tử.
Ngụy quân tử là gì?
Ngụy quân tử (tiếng Trung 偽君子) dùng để chỉ những kẻ quân tử giả mạo, bề ngoài ra vẻ rất chính nhân, quân tử, sẵn sàng "đại nghĩa diệt thân" nhưng sự thật bên trong lại thấy lợi quên nghĩa, sẵn sàng làm chuyện đê hèn, ác độc nhất cốt sao có lợi cho bản thân mình. Đây là những kẻ dối trá, quỷ quyệt, khó lường, vì nhìn bề ngoài không phát hiện ra, còn nguy hiểm hơn nhiều kẻ tiểu nhân.
Để dễ hiểu, ngụy quân tử là dạng người có hành vi và tính cách ngược với quân tử. Quân tử tiếng Trung là 君子, dịch sang tiếng Anh là Gentleman (tức Quý ông). Thời nhà Chu, quân tử là cụm từ dùng để chỉ tầng lớp quý tộc. Đến thời Xuân Thu thì nó được dùng để chỉ các đại phu. Vì thế những người làm quan được gọi là quân tử.
Ác tâm của kẻ tiểu nhân giống như con thú dữ đuổi cắn người, bạn có thể sớm cảnh giác và đề phòng. Còn ác tâm của những kẻ nguỵ quân tử thì giống như con thú thành tinh, âm thầm cắn lén từ phía sau, khiến bạn không cách nào phòng tránh, chỉ có thể bị hại mà thôi. Với những kẻ "Miệng nam mô, bụng một bồ dao găm" như thế, thật không dễ gì mà nhận diện được.
4 đặc điểm để nhận biết người ngụy quân tử
Tuy nhiên Quỷ Cốc Tử - một nhà tư tưởng, cũng là nhà truyền giáo nổi tiếng của Trung Nguyên xưa đã truyền đạt những kinh nghiệm để nhận biết được sự khác biệt giữa người quân tử thật sự và những kẻ nguỵ quân tử. Dưới góc nhìn của ông, một kẻ đạo đức giả thường có 4 đặc điểm sau:
1. Giúp đỡ người khác để có danh tiếng cho bản thân
Vui vẻ giúp đỡ người khác là một đức tính tốt, đó không phải là một loại thủ đoạn trục lợi. Nhưng nếu giúp đỡ người khác là để có được danh tiếng tốt hơn cho bản thân hoặc để lôi kéo người khác, thì điều đó đã mất đi ý nghĩa vốn có ban đầu là trượng nghĩa giúp người rồi!.
Những người như vậy được xem là người bạc bẽo và xem trọng danh lợi nhất, không thể kết thâm giao. Tục ngữ có câu: "Làm thiện muốn người khác thấy, điều ấy không phải là chân thiện" (không phải cái thiện thực chất).
Thế gian hiểm ác, thế sự đa đoan, nhưng những người thật sự thiện lương sẽ luôn được Thần Phật bảo hộ.
Giúp đỡ người khác một cách vô tư, vô điều kiện, hoặc âm thầm lặng lẽ mà ra tay tương trợ, ấy mới thực sự là đáng trân quý.
2. Làm thiện nhưng lại tự cao hơn người khác
Muốn làm việc tốt để nâng cao danh tiếng cho bản thân, nuôi ý đồ vượt qua người khác, lợi dụng tôn giáo tín ngưỡng làm việc thiện để cầu bình an may mắn, hoặc làm từ thiện để 'đánh bóng bản thân' khuếch trương thanh thế trước dư luận, người quen và xã hội... đây đích thị là một kẻ ngụy quân tử khéo léo, giảo hoạt. Ý nghĩa thật sự của hành thiện là để biểu dương đạo đức, từ đó tâm tính nội tại của bản thân cũng được đề cao, người được giúp đỡ cũng theo đó mà trở nên tốt hơn. Ấy mới là hành thiện chân chính.
3. Dựng hình tượng cao thượng cho bản thân theo cách "chơi trội"
Dựng hình ảnh cao thượng cho bản thân để nổi trội hơn người khác, thể hiện bản thân không giống người khác. Đây cũng là biểu hiện của người ngụy quân tử.
Một người có phẩm chất quân tử thật sự là dựa vào quy định khắt khe với bản thân, vào mọi thời khắc đều cảnh tỉnh bản thân chứ không phải vì hư vinh. Có câu:
"Xưa nay nước lặng chảy sâu
Những người quân tử thì đâu khoe mình".
(Vô danh cư sỹ)
Tăng Quốc Phiên là một trong “tứ đại danh thần” của triều đại nhà Thanh, ông không chỉ biết cách làm quan mà cũng rất biết cách nhìn người. Tăng Quốc Phiên đã từng nói có 3 kiểu người không thể hợp tác cùng, đó là: “Người đặt mục tiêu quá cao nhưng năng lực lại quá thấp, người không giảng đạo lý và người lập dị thích nổi trội hơn người khác”. Người lập dị là người không giống với những người khác. Tất nhiên không thể nói họ đều sai, chỉ có thể nói người không dung hòa với mọi người thì thường có những bước đi rất khó khăn. Nếu hợp tác cùng kiểu người này, có thể cả hai bên đều không dễ hiểu được nhau, càng không dễ gì để mà phối hợp.
4. Làm việc nhưng muốn thế giới phải kinh ngạc
Muốn có một phen thành tựu trong sự nghiệp chỉ để người khác kinh ngạc, bội phục. Nếu làm việc chỉ để có được tiếng vỗ tay, tiếng reo hò của người khác vậy thì tiêu chuẩn của người đó quá thấp kém rồi.
Một người muốn làm được những chuyện lớn thường dựa vào sự khao khát và theo đuổi một cuộc sống tốt đẹp từ trong tâm, góp phần sáng tạo ra những điều tốt đẹp hơn cho thế giới.
Còn người chỉ muốn lấy lòng người khác, hy vọng có được sự coi trọng từ người khác, họ không chịu được sự coi thường, điều họ muốn được là sự công nhận. Sự tự tin của họ được thiết lập dựa trên sự đánh giá của người khác.
Những người như vậy thường thích phô trương bản thân, thích làm tiêu điểm của quần chúng, thích mọi người đều cho mình là trung tâm, người như vậy là những kẻ giả tạo nhất.
Chân tiểu nhân còn hơn ngụy quân tử
Trong cuộc sống thực, ngụy quân tử rất dễ gặp được nhưng không phải ai cũng đủ thông minh và tài trí được sắp đặt sẵn như các nhân vật chính để phát hiện âm mưu nham hiểm xung quanh. Do đó, ngoại trừ việc hết sức cảnh giác, chúng ta bắt buộc phải quen với nguy cơ tiềm tàng của những quả bom nổ chậm xung quanh, không biết chúng sẽ gây nguy hại cho bản thân vào lúc nào.
Đó cũng là lý do mà người ta nói rằng: "Chân tiểu nhân còn hơn ngụy quân tử." Vì ai mà không có thời dại dột và thiển cận, ai mà chẳng có những dục vọng thấp hèn bất chính? Thế nhưng, người xưa cũng đã nói, "Phi tiểu nhân bất thành quân tử". Nếu có thể vượt qua giai đoạn tiểu nhân để trưởng thành và đủ bản lĩnh hơn, chúng ta mới có thể trở thành người quân tử đầy bản lĩnh.
Thà chơi với chân tiểu nhân còn hơn kết bạn cùng ngụy quân tử: Kẻ trước dễ dò, kẻ sau như bom nổ chậm
Tiểu nhân dù là bên trong, hay bên ngoài, thì đều không có gì đáng để tự hào và khoe khoang, vì đó đều là biểu hiện của sự ích kỷ, tham lam, của những thói hư tật xấu được nuôi dưỡng lâu ngày. Nhưng ít ra, chân tiểu nhân còn có thể sống hết mình với bản ngã, trong khi ngụy quân tử chỉ biết ôm khư khư những tư tưởng cao siêu đẹp đẽ bề ngoài, để mặc bên trong đang dần dần mục ruỗng. Đó cũng là lý do người ta cho rằng chân tiểu nhân dễ phòng, có bị hại thì cũng biết được là ai hại mình. Không giống như ngụy quân tử khó tránh, đến chết rồi cũng chẳng biết mình đã đắc tội với ai.
Chân tiểu nhân còn có thể sống hết mình với bản ngã, trong khi ngụy quân tử chỉ biết khư khư giữ những tư tưởng cao siêu, đẹp đẽ bên ngoài để mặc bên trong đang mục ruỗng dần. Đó cũng là lý do mà người ta cho rằng, tiểu nhân dễ phòng có bị hại cũng sẽ biết được ai hại mình. Không giống như ngụy quân tử khó tránh, đến chết cũng chắc biết bản thân bị đắc tội với ai. Vì thế đừng bao giờ quên một điều rằng thà chơi với tiểu nhân còn hơn kết bạn với ngụy quân tử.
Tiểu nhân dễ phòng, ngụy quân tử khó tránh
Cuộc đời giống như một tuồng kịch mà mỗi người đều có vai diễn cho riêng mình. Có kẻ thích ra vẻ nhiệt tình, với bất kỳ ai vừa gặp cũng đã như quen từ lâu, tay bắt mặt mừng, tâm sự đủ điều. Có những kẻ thì bên ngoài trông có vẻ hoạt bát năng động, lạc quan tươi cười, lúc nào cũng niềm nở nhưng sau lưng lại hoàn toàn xa cách bởi những nỗi niềm riêng khó chia sẻ.
Chúng ta sống ngày càng cảnh giác, không dám để lộ bộ mặt thật của mình cho những người xung quanh. Tuy nó cũng là một chiếc mặt nạ giả tạo, nhưng sự giả tạo này chỉ để bảo vệ bản thân mà không gây hại gì đến những người khác. Thế nhưng, vỏ bọc hoàn mỹ đến mấy cũng chỉ là vỏ bọc mà thôi, sẽ luôn có ngày lộ ra vết nứt.
Chúng ta sống ngày càng cảnh giác, không dám để lộ bộ mặt thật của mình cho những người xung quanh. Tuy nó cũng là một chiếc mặt nạ giả tạo nhưng sự giả tạo này chỉ để bảo vệ bản thân mà không mang tính gây hại đến những người khác.
Con người sống trên đời không ai có thể hoàn mỹ tuyệt tối, dù là người đại trí vẫn có ít nhiều khuyết điểm chẳng mấy hay ho. Những mối quan hệ được xây dựng dựa trên các khuyết điểm ấy, tạo cơ hội cho các cá thể trong xã hội bổ sung tính cách cho nhau, thay đổi những khuyết điểm của nhau để cùng tồn tại. Khi có khuyết điểm, chúng ta mới là một con người thực thụ. Sự hoàn hảo chỉ có trong hình tượng búp bê hư ảo mà thôi.
Thay vì tự tìm cách bóp méo tính cách và nhân sinh của mình thì hãy sống thật chân thành và giản đơn, đủ dũng cảm để thừa nhận những sai lầm của mình. Cuộc sống càng giản đơn thì tâm trí của chúng ta càng thanh thản và ổn định.
Sưu tầm