Đừng khoác chiếc áo doanh nghiệp lên hết hộ kinh doanh

Khoác chiếc áo DN cho toàn bộ khu vực hộ kinh doanh cá thể vô hình trung loại bỏ hay làm mờ nhạt hình thức cá nhân kinh doanh

Trong thời gian vừa qua, trong một nỗ lực nhằm thúc đẩy quá trình chính thức hóa của khu vực hộ kinh doanh cá thể, một trong những đề xuất được đưa ra là đưa loại hình hộ kinh doanh thành một hình thức DN trong Luật DN.

Thoạt nghe, đề xuất này dường như có thể giải quyết được một vấn đề rất quan trọng là qua đó có thể xác định được địa vị pháp lý cho các hộ kinh doanh. Tuy việc yêu cầu một bộ phận hộ kinh doanh phải trở thành DN hay công ty là cần thiết và có thể hiểu được, đề xuất nhằm khoác chiếc áo DN cho tất cả các hộ kinh doanh, mà phần lớn có bản chất là các cá nhân kinh doanh, là một đề xuất vô tiền khoáng hậu, có thể gây ra nhiều hệ lụy trong ngắn hạn và lâu dài.

Đi ngược với thông lệ quốc tế

Tại hầu hết các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển với hệ thống pháp luật về kinh doanh, công ty được xác lập hàng trăm năm nay, đặc biệt là các nước thành viên OECD, hệ thống pháp luật tiếp cận theo hai hướng là rạch ròi giữa pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Từ cách tiếp cận cơ bản như vậy, toàn bộ các luật như luật dân sự, luật công ty (đăng ký kinh doanh), luật thuế, an sinh xã hội, bảo hiểm, sở hữu, tiếp cận tín dụng, tiếp cận vốn đều tiếp cận đối với đối tượng kinh doanh theo nguyên tắc này. Do vậy, hệ thống pháp luật cho công ty, DN và các hoạt động kinh doanh được xây dựng một cách đồng bộ trên cơ sở xác định được các chủ thể rõ ràng là pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh.

Các pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh có thể được quy định trong cùng một luật, hay tại hai luật khác nhau. Ví dụ như tại Nhật Bản, cá nhân kinh doanh chịu sự điều chỉnh bởi Luật Dân sự trong khi pháp nhân kinh doanh chịu sự điều chỉnh bởi Luật Công ty. Dù được quy định trong cùng hay tại các luật khác nhau, nhưng điều đặc biệt quan trọng tại các quốc gia này là cá nhân kinh doanh (như công ty tư nhân và hộ kinh doanh của chúng ta) sẽ không phải chịu chung những quy định về tổ chức, quản trị công ty, về chế độ kế toán, báo cáo thuế và tài chính, bảo hiểm được áp dụng cho các công ty. Điều này giúp đưa ra các sự lựa chọn khác nhau để những người kinh doanh lựa chọn, tùy thuộc vào năng lực, khả năng, trình độ và mong muốn của mình đồng thời cũng đảm bảo được tính chính thức hóa cao của các hoạt động kinh doanh tại các quốc gia này.

Việc đưa toàn bộ hộ kinh doanh cá thể vào Luật DN được thực hiện trong một nỗ lực nhằm công ty hay DN hóa toàn bộ khu vực hộ kinh doanh. Khoác chiếc áo DN cho toàn bộ khu vực này đã vô hình trung loại bỏ hay làm mờ nhạt hình thức cá nhân kinh doanh. Bỏ qua các khuyến khích nhằm phát triển khu vực cá nhân kinh doanh có đăng ký, một yếu tố quan trọng đảm bảo tính chính thức hóa cao của các nền kinh tế, rõ ràng không phù hợp với những quy luật thông thường tại các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển.

Khoác chiếc áo DN cho toàn bộ khu vực hộ kinh doanh cá thể vô hình trung loại bỏ hay làm mờ nhạt hình thức cá nhân kinh doanh

Ngược chiều với xu thế cải cách của các luật khác

Bộ luật Dân sự năm 2015 cũng đã không còn quy định về hộ kinh doanh và không còn ghi nhận hộ kinh doanh là một chủ thể trong giao dịch dân sự. Cũng từ nguyên tắc này, các đối tượng không phải là pháp nhân, ví dụ như hộ kinh doanh, sẽ không đủ tư cách chủ thể để tham gia các giao dịch dân sự, ví dụ như vay vốn từ ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Tương tự như vậy, các luật khác như Luật Sở hữu Trí tuệ cũng không khẳng định một cách rõ ràng về việc hộ kinh doanh cá thể có thể là một chủ thể được quyền sở hữu tài sản trí tuệ. Ngành thuế hiện cũng đang hoàn thiện hệ thống thuế theo nguyên tắc về cá nhân kinh doanh và cá nhân không kinh doanh.

Trao địa vị pháp lý cho hộ kinh doanh qua việc khẳng định hộ kinh doanh là một hình thức trong Luật DN sẽ đặt ra nhiều câu hỏi cho các bộ ngành khác về cách thức tiếp cận hiện tại của các bộ, ngành này đối với hộ kinh doanh. Khi đó, chắc hẳn Bộ Tư pháp sẽ phải xem xét lại cách thức tiếp cận đối với hộ kinh doanh trong Bộ luật Dân sự. Ngân hàng Nhà nước cũng như nhiều bộ ngành khác cũng sẽ phải xem xét lại việc liệu sẽ công nhận hộ kinh doanh cá thể là một chủ thể trong các giao dịch dân sự và trong các hợp đồng vay vốn tín dụng hay không. Ngành thuế cũng sẽ cần xem xét lại toàn bộ cách thức tiếp cận từ trước tới nay đối với việc quy định về mã số định danh thuế đối với cá nhân kinh doanh và cá nhân không kinh doanh.

Dường như cách tiếp cận về việc đưa hộ kinh doanh thành một loại hình DN trong Luật DN đang có chiều hướng đi ngược với phương pháp tiếp cận đối với hình thức hộ kinh doanh cá thể mà các bộ, ngành khác đang theo đuổi. Nó sẽ đặt ra một câu hỏi khó cho rất nhiều bộ ngành, các cơ quan quản lý nhà nước về quan điểm cũng như phương pháp tiếp cận đối với hộ kinh doanh khi giờ đây hộ kinh doanh đã được đưa vào là một hình thức DN trong Luật DN và đã được trao một “địa vị pháp lý”.

Trong Luật DN hiện tại đã quy định một loại hình DN mà chính nó đã được thiết kế để thay thế cho hình thức hộ kinh doanh cá thể, đó là hình thức DN tư nhân (đáng ra phải được gọi tên một cách chính xác hơn là DN một chủ hay DN cá thể). Nói cách khác, hình thức pháp lý dành cho hộ kinh doanh là đã có trong Luật DN là đã có chứ không phải là chưa tồn tại. Vậy quy định thêm một loại hình DN nữa là hộ kinh doanh cá thể thì sẽ khiến Luật DN trở lên khó hiểu và mâu thuẫn giữa chính các quy định trong luật này.

Không nhất thiết phải chuyển đổi thành DN

Hiện nay phương pháp tiếp cận duy nhất của chúng ta đối với việc chính thức hóa là chuyển đổi các hộ kinh doanh cá thể thành DN hay công ty. Các nỗ lực thường thấy là khuyến khích các hộ kinh doanh đăng ký theo Luật DN hay đề xuất đưa các hộ kinh doanh vào trong Luật DN. Rõ ràng không phải bất kỳ một người kinh doanh nào đều mong muốn và có thể trở thành công ty. Cần có một hình thức khác đơn giản, thuận tiện hơn cho họ để khởi sự kinh doanh hoặc chuyển đổi đăng ký kinh theo hình thức đó. Hình thức phổ biến đó là cá nhân kinh doanh (có thể là hình thức một chủ hay hợp danh) mà chúng ta thường thấy tại các quốc gia phát triển khác.

Các cải cách Luật DN sắp tới nên tập trung vào việc mở rộng và làm sáng tỏ hơn con đường này. Luật DN phải làm rõ hơn, rành mạch hơn về khái niệm và tuân thủ các nguyên tắc về pháp nhân kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Đó sẽ là cơ sở thuận lợi cho các cải cách pháp luật đồng bộ theo định hướng này ở các lĩnh vực khác như đăng ký kinh doanh, thuế, bảo hiểm xã hội, tín dụng ngân hàng. Điều này sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình chính thức hóa và phát triển bền vững của khu vực hộ kinh doanh trong dài hạn hơn là việc cố gắng khoác một chiếc áo DN cho tất cả các hộ kinh doanh.

TS.Lê Duy Bình, Chuyên gia kinh tế, Economica Vietnam