1. Quy định về điều kiện hủy thầu theo Luật như thế nào?
Theo Điều 17 Luật đấu thầu 2013 quy định các trường hợp hủy thầu như sau:
Điều 17. Các trường hợp hủy thầu
1. Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
2. Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu.
3. Hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu không tuân thủ quy định của pháp luật về đấu thầu hoặc quy định khác của pháp luật có liên quan dẫn đến nhà thầu, nhà đầu tư được lựa chọn không đáp ứng yêu cầu để thực hiện gói thầu, dự án.
4. Có bằng chứng về việc đưa, nhận, môi giới hối lộ, thông thầu, gian lận, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để can thiệp trái pháp luật vào hoạt động đấu thầu dẫn đến làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.
Qua quy định trên chúng ta thấy rất rõ các trường hợp được phép hủy thầu, mỗi trường hợp đều có liên quan đến chủ thể thực hiện trong một hoàn cảnh cụ thể.
2. Hủy thầu trong các tình huống thực tế, trường hợp nào được đấu thầu lại?
2.1. Trường hợp hủy thầu do "Tất cả hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất không đáp ứng được các yêu cầu của hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu" là trường hợp phổ biến hay gặp trong thực tiễn. Trường hợp này có thể một phần do nguyên nhân khách quan như không có nhà thầu nào tham dự hoặc các nhà thầu tham dự nhưng vì lý do nào đó không đáp ứng, nhưng cũng có thể nguyên nhân chủ quan từ phía bên mời thầu đã đưa ra các yêu cầu (khó, hiếm) khiến các nhà thầu tham dự không đáp ứng nổi.
Ứng xử trước tình huống này về phía bên mời thầu cũng cần nghiêm túc xem xét lại hồ sơ mời thầu, dự toán gói thầu để đảm bảo đưa ra các yêu cầu với một dự toán phù hợp với gói thầu nhất. Các nhà thầu trong trường hợp tham dự nếu phát hiện ra vấn đề cũng cần phải sử dụng quyền kiến nghị, làm rõ hồ sơ mời thầu của mình để tránh cuộc đấu thầu đổ bể.
2.2. Trường hợp hủy thầu do "Thay đổi mục tiêu, phạm vi đầu tư đã ghi trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu", trường hợp này ít gặp hơn những không phải là không có, đây là trường hợp bất khả kháng mà bên mời thầu không lường trước. Trường hợp này các nhà thầu không được đền bù các chi phí đã bỏ ra để tham dự. Thực tiễn áp dụng thì ít bên mời thầu/chủ đầu tư nào có thể tùy tiện sử dụng được lý do này vì nếu thay đổi mục tiêu, phạm vi thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều thủ tục phải thực hiện thay đổi, thậm chí có thể cả dự án đầu tư đã được duyệt.
2.3. Trường hợp thứ ba này trách nhiệm do đơn vị phát hành hồ sơ mời thầu, đơn vị thẩm định hồ sơ mời thầu, trường hợp phải hủy thầu này các bên có liên quan phải đền bù các thiệt hại (nếu có) khi nhà thầu yêu cầu (tất nhiên với điều kiện chứng minh được các thiệt hại đó).
2.4. Trường hợp cuối cùng hủy thầu này khá phức tạp vì ở đây đòi hỏi phải "có bằng chứng" mới có thể tiến hành hủy thầu. Nhiều sự việc chúng ta thấy rõ có "dấu hiệu" thông thầu hoặc gian lận nhưng giữa có dấu hiệu và có bằng chứng nó còn cách xa nhau. Việc có bằng chứng thông thường chỉ khi cơ quan điều tra vào cuộc thì mới có thể xác định được những bằng chứng rõ ràng do trong cuộc đấu thầu các bên bị ràng buộc bởi nhiều yếu tố như bảo mật, hạn chế quyền tiếp cận thông tin...Tuy nhiên, trong không ít cuộc đấu thầu chiêu thức thông thầu hay gian lẫn của nhà thầu cũng dễ dàng bị bên mời thầu "bóc mẽ" qua một vài thao tác làm rõ và truy đến cùng các tài liệu mà nhà thầu đã kê khai.
Qua bài phân tích nhận định trên chúng ta thấy rằng để có thể tiến hành hủy thầu một gói thầu mà đã và đang diễn ra là không đơn giản, do đó ngay từ khâu chuẩn bị hồ sơ mời thầu bên mời thầu cần cẩn trọng đối với các yêu cầu đưa ra trong hồ sơ mời thầu, các nhà thầu cũng cần nên thượng tôn pháp luật để không rơi vào trường hợp có thể bị xử lý vi phạm dẫn đến cấm tham gia hoạt động đấu thầu.
Nguồn: dauthau.info