Muốn giỏi phải đủ điên
Dạo gần đây, nhiều doanh nhân khởi nghiệp thường hỏi tôi “tại sao mình đã rất nỗ lực nhưng vẫn chưa thành công?”. Và câu trả lời của tôi trong tất cả trường hợp, đó là “bạn chưa đủ điên”.
Bạn thân mến, bạn có đồng ý rằng: ai cũng muốn trở nên thành đạt trong cuộc sống, ai cũng ngưỡng mộ những người thành đạt. Nhưng câu hỏi là, “tại sao thành đạt là điều ai cũng muốn, nhưng không phải ai cũng đạt được?”. Tôi đã dành trọn cả tuổi thanh xuân của mình để học, làm, trải nghiệm và tìm lời giải đáp cho câu hỏi này. Để rồi, tôi biết rằng “muốn giỏi phải đủ điên”.
Tôi không gọi “điên” là việc đầu tư toàn bộ số vốn mình có cho một dự án 5 ăn 5 thua nào đó, hoặc bán phá giá, trữ hàng, nói dối khách hàng để đạt mục tiêu doanh thu, cũng không phải là từ bỏ công ăn việc làm để ra khởi nghiệp mà không có bất kỳ một kế hoạch cụ thể nào. Những trường hợp này không gọi là điên, mà là khờ khạo.
“Điên” ở đây, tôi không nói là làm những điều điên rồ và mạo hiểm, để rồi gây ảnh hưởng cho bản thân và cộng đồng. “Điên” thật sự, đó là phải sẵn sàng làm những điều mình chưa bao giờ làm, làm những thứ người khác không sẵn sàng làm, làm những thứ mình không thích nhưng nó cần thiết cho sự phát triển của doanh nghiệp, làm với một thái độ hăng say, lòng nhiệt tình, quên cả thời gian; và dĩ nhiên làm mà không nghĩ đến lợi nhuận, nhưng làm tốt đến nỗi lợi nhuận cứ thế về một nhiều với doanh nghiệp.
Tôi nhớ vào năm 2012, khi tôi quyết định bắt đầu gầy dựng doanh nghiệp theo hướng ECIN (E-Commerce + Internet marketing + Network building), mọi người xung quanh đã gọi tôi là “thằng điên” – theo đúng nghĩa đen của nó. Bởi thời điểm này, tôi đang giữ vị trí trưởng nhóm thiết kế trong một tập đoàn của Nhật, vừa hoàn thành luận văn cao học và đang điều hành một cơ sở thiết kế điện tử ngoài giờ, con đường chuyên môn của tôi đang lên như diều gặp gió. Vậy mà đùng một cái, tôi quyết định ngừng việc đi Nhật tu nghiệp, cũng không về trường dạy, và chuyển giao luôn doanh nghiệp cho một người bạn. Tôi chỉ duy trì công việc kỹ thuật vào giờ hành chính vừa đủ để mình ổn định cuộc sống, rồi dùng thời gian còn lại và toàn bộ tâm huyết để xây dựng hướng đi mới. Hầu hết bạn bè và gia đình đều nghĩ tôi điên, vì tôi từ bỏ những thứ tốt đẹp mà nhiều người thậm chí đang mong muốn có, để theo đuổi một con đường mà tôi chưa hề có kinh nghiệm. Nhưng đời là thế, “đôi khi tôi cần phải từ bỏ những thứ tốt để có được thứ tốt nhất”, và tôi đã làm việc một cách điên như chưa bao giờ được điên để hoàn thiện tầm nhìn của mình từng ngày một.
Ở thời điểm hiện tại, tôi có thể vận hành cả doanh nghiệp lớn của mình chỉ thông qua một vài cuộc nói chuyện qua Internet, nhưng tôi phải thẳng thắn cho bạn biết, đó là thành quả của những nỗ lực không ngừng nghỉ trong nhiều năm trời. Giống như việc hầu hết chúng ta nhìn thấy một diễn viên lung linh trên ánh đèn sân khấu, nhưng không biết họ đã khổ luyện như thế nào đằng sau cánh gà. Nếu ai đó nói cho bạn thành công & giàu có là thứ dễ dàng, bạn đừng tin bởi vì đằng sau có thể là một cái bẫy nào đó. Vậy nên, nếu bạn muốn thành công, bạn phải sẵn sàng để “điên”.
Vậy nếu bạn đã sẵn sàng để điên, thì điên như thế nào cho đúng? Adam Khoo có nói: thu nhập = thời gian x giá trị x quy mô. Công thức này chính là lời giải đáp, trong suốt gần chục năm qua, những gì tôi làm việc một cách “điên cuồng” cũng nhằm tăng 3 tích số này.
Ø Thời gian: chưa bao giờ tôi nghĩ làm việc 8h/ngày là đủ. Một ngày làm việc của tôi luôn tối thiểu là 12h. Đặc biệt trong thời gian đầu lập nghiệp, khi tôi còn phải duy trì công việc hành chính, có những ngày tôi làm việc từ 8h sáng đến 12h đêm. Thậm chí những ngày thứ 7, CN không phải đi làm, tôi còn dậy sớm hơn, từ lúc 5h để bắt đầu ngày làm việc của mình. Tôi không có ý hù dọa bạn, nhưng mà trong cuộc đua lập nghiệp, muốn nhanh chóng rút ngắn khoảng cách với những người đi trước, điều dễ dàng nhất phải làm đó là làm việc chăm chỉ hơn số đông còn lại. Bạn thử nghĩ xem, ai cũng làm việc 8h/ngày, nếu tôi và bạn cũng làm việc như thế, thì ta cũng tiến khi mọi người cùng tiến, cũng nghỉ ngơi khi mọi người cùng nghỉ, và khoảng cách không thể nào san lấp. Tôi và bạn cần phải tiếp tục tiến lên khi hầu hết mọi người đang nghỉ ngơi, như vậy 5-10 năm sau, ở tuổi 40 ta mới có được những thứ mà người 60 tuổi đang có.
Ø Giá trị: nâng cao năng lực bản thân luôn là một ưu tiên hàng đầu của tôi. Đối với tôi, tài sản giá trị nhất của một người đó là sự thông thái (wisdom) – đây chính là chìa khóa để xoay chuyển mọi cuộc chơi. Ở đây, tôi không cổ súy cho trường phái lý thuyết suông, bởi kiến thức không phải là sức mạnh, mà sức mạnh chỉ có được thông qua việc áp dụng kiến thức vào thực tiễn. Trải qua nhiều năm lập nghiệp, tôi nhận thấy điều tạo nên sự khác biệt giữa người với người, doanh nghiệp với doanh nghiệp, chính là khả năng đưa ra quyết định của người lãnh đạo trong những thời khắc gian khó. Và để đưa ra được quyết định đúng, người lãnh đạo cần có sự thông thái. Đó là một quá trình, khởi đầu từ việc học kiến thức mới, sau đó áp dụng vào chính thực tiễn công việc, rồi tiếp tục thay đổi, sửa chữa để hoàn thành được mục tiêu, sau đó đúc kết lại những gì hiệu quả nhất thành một dạng trải nghiệm của bản thân, rồi tạo nên một công thức đơn giản hiệu quả nhất để truyền đạt lại cho các thế hệ đi sau.
Thời gian đầu khởi nghiệp, tôi từng học như điên. Tôi nghe ghi âm đào tạo trong lúc lái xe, đọc sách mỗi sáng và lúc nửa đêm, thậm chí phải đứng để đọc cho khỏi buồn ngủ, tôi cũng tham dự hàng trăm khóa huấn luyện kinh doanh từ trong đến ngoài nước. Tôi hiểu rằng, thao trường đổ mồ hôi thì chiến trường ít đổ máu, nên bất kỳ cơ hội nào giúp tôi có thể rút ngắn được khoảng cách hiểu biết với những người đi trước, tôi đều đón nhận. Cho đến tận thời điểm hiện tại, tôi luôn có thời gian để đọc sách, nghiên cứu tài liệu hàng ngày. Tôi không đọc để cho biết, mà đọc để có thể áp dụng ngay vào công việc đang làm. Hàng tuần tôi có khoảng 30 phút để chiêm nghiệm và tạo ra những sự thay đổi nhỏ cho bản thân trong tuần tới. Hàng tháng tôi có một buổi chỉ ngồi ngẫm nghĩ để tạo nên sự thay đổi cho tổ chức của mình.
Ø Quy mô: khác biệt duy nhất giữa người làm công và người làm chủ, đó là người làm chủ có cơ hội để mở rộng quy mô. Một doanh nghiệp nếu không tiếp tục mở rộng quy mô, điều đó có nghĩa doanh nghiệp đang chuẩn bị lụi tàn, hoặc người lãnh đạo đang ngưng việc phát triển chính năng lực của họ. Trong suốt gần chục năm qua, ngoài những công tác để vận hành kinh doanh, tôi luôn dành tối thiểu 1h để nói chuyện với những đối tác kinh doanh, khách hàng tương lai, hoặc ứng viên chuẩn bị gia nhập vào đội ngũ làm việc. Tôi hiểu rằng, nếu tôi không làm việc như điên để mở rộng quy mô doanh nghiệp, để tìm và chọn ra những cộng sự cùng chia sẻ gánh nặng, thì cuối cùng mình tôi phải gánh tất cả, tới lúc đó tôi sẽ phát điên thật sự.
Một điều khiến tôi cực kỳ thấm thía, đó là trong môi trường làm công ăn lương, tôi phải là người duy nhất đứng trên đỉnh núi để đảm bảo được công việc; tôi đã từng là người như thế, và tôi đã từng cảm thấy vô cùng đơn độc, thậm chí thấy mình có thể ngã xuống bất cứ lúc nào. Nhưng khi xây dựng doanh nghiệp của mình, ngoài việc tự mình chinh phục những đỉnh cao mới, tôi còn kéo theo những thế hệ sau leo lên cùng mình. Đó là cuộc hành trình cần nhiều thời gian, công sức hơn, nhưng lại vô cùng thú vị và xứng đáng, bởi đến thời điểm hiện tại, mọi vị trí trong doanh nghiệp của tôi đều có những thành viên chủ chốt thay tôi vận hành một cách vô cùng hiệu quả.
Bạn thân mến, nếu như hoàn cảnh công việc hiện tại chưa được như bạn mong muốn, hãy thẳng thắn chất vấn bản thân rằng “mình đã làm việc đủ điên chưa?”. Trong hành trình lập nghiệp, chắc chắn sẽ có những nốt trầm, nhưng việc thẳng thắn nhìn nhận lại bản thân và sửa chữa là vô cùng quan trọng. Trong 10 năm lập nghiệp, tôi đã không dưới vài chục lần phải tự kiểm điểm chính mình thông qua câu hỏi đó, và lần nào câu trả lời cũng là “Tôi chưa làm việc đủ điên”. Thật chẳng dễ chịu gì khi nhìn thấy những khuyết điểm của bản thân phơi ra trước mắt, nhưng tôi cho rằng đây là điều cần thiết để bản thân tôi thay đổi, sửa chữa và nâng tầm để vươn lên những đỉnh cao mới. Tôi chúc cho bạn đủ mạnh mẽ để chinh phục con đường lập nghiệp sắp tới.
Cho sự thành công của bạn.
Nguyễn Long Hải.