Mô hình hóa Kiến trúc nghiệp vụ với ArchiMate

1. Mở đầu

Như đã giới thiệu trong bài Tổng quan về Ngôn ngữ mô hình hóa Kiến trúc Chính phủ điện tử ArchiMate, ArchiMate là ngôn ngữ mô hình hóa độc lập của Nhóm mở, cung cấp các công cụ để mô tả, phân tích và trực quan hóa mối quan hệ giữa các miền nghiệp vụ, ứng dụng, công nghệ theo cách rõ ràng. ArchiMate được sử dụng để mô hình hóa để mô tả kiến trúc tổ chức. Nó thể hiện một tập hợp các khái niệm rõ ràng bên trong và các mối quan hệ giữa các miền kiến trúc và cung cấp một cấu trúc đơn giản, thống nhất để mô tả nội dung của các miền này. ArchiMate phân biệt chính nó với các ngôn ngữ khác như Ngôn ngữ mô hình hóa thống nhất (Unified Modeling Language - UML) và Ký hiệu và mô hình hóa quy trình nghiệp vụ (Business Process Modelling and Notation - BPMN) bằng mô hình đặc tả (metamodel) rõ ràng, phạm vi mô hình hóa rộng hơn.

Xem thêm: Tổng quan về Ngôn ngữ mô hình hóa Kiến trúc Chính phủ điện tử ArchiMate

Theo Khung Kiến trúc của Nhóm Mở (The Open Group Architecture Framework - TOGAF), Kiến trúc tổ chức gồm các kiến trúc thành phần: Kiến trúc nghiệp vụ (Business Architecture - BA); Kiến trúc Các hệ thống thông tin ((Information System Architecture) gồm Kiến trúc dữ liệu (Data Architecture - DA) và Kiến trúc ứng dụng (Application Architecture)); Kiến trúc công nghệ (Technology Architecture). Trong đó, Kiến trúc nghiệp vụ (Business Architecture - BA) mô tả toàn bộ các nghiệp vụ theo cấu trúc tổ chức và mối tương tác giữa kế hoạch/chiến lược hoạt động, mục tiêu, chức năng, quy trình xử lý và nhu cầu thông tin phục vụ các quy trình trong phạm vi tác động của kiến trúc cần xây dựng. Kiến trúc nghiệp vụ có thể được mô hình hóa bằng tập các sơ đồ và tập gồm các phần tử của ArchiMate. Mục đích của bài viết này là giới thiệu một số loại sơ đồ điển hình có thể được sử dụng cho việc mô hình hóa lớp nghiệp vụ cũng như thể hiện kết nối lớp nghiệp vụ với lớp ứng dụng, lớp công nghệ. Lưu ý rằng, các sơ đồ đưa ra trong bài viết là các loại sơ đồ được phân lớp.

2. Góc nhìn Các dịch vụ nghiệp vụ

Đây là cách đơn giản hóa về Góc nhìn theo lớp của các dịch vụ nghiệp vụ. Góc nhìn này cung cấp các dịch vụ nghiệp vụ của tổ chức, cách thức các dịch vụ nghiệp vụ được tạo ra và các tác nhân nghiệp vụ cung cấp các dịch vụ nghiệp vụ này. Một dịch vụ nghiệp vụ là điểm khởi đầu cho việc mô hình hóa tất cả các quy trình, cấu trúc tổ chức cơ quan, do vậy, dịch vụ nghiệp vụ được coi là phần tử quan trọng trong kiến trúc của tổ chức.

Các phần tử ArchiMate được sử dụng trong sơ đồ bên dưới, bao gồm: Tác nhân nghiệp vụ (Business Actor); Dịch vụ nghiệp vụ (Business Service) và Quy trình nghiệp vụ (Business Process).

Hình 1: Góc nhìn Dịch vụ nghiệp vụ

Trong hình 1, các dịch vụ nghiệp vụ được nhóm trong một phần tử Dịch vụ nghiệp vụ. Đây là thể hiện thực tế của một miền dịch vụ nghiệp vụ (hay một nhóm dịch vụ nghiệp vụ). Các dịch vụ nghiệp vụ có thể được kết nối trực tiếp với Nhóm người sử dụng với mối quan hệ phục vụ, trong khi đó, sẽ có các quy trình nghiệp vụ thực hiện các dịch vụ nghiệp vụ này.

3. Góc nhìn Kênh truy cập nghiệp vụ

Các dịch vụ nghiệp vụ có thể được cung cấp qua một số kênh truy cập nhất định, những kênh truy cập này có thể được giới thiệu giữa các Dịch vụ nghiệp vụ và Người sử dụng. Phần tử Giao diện nghiệp vụ (Business Interface) được sử dụng giữa các phần tử Business Actor và Business Service. Mối quan hệ phục vụ từ các dịch vụ nghiệp vụ đến người sử dụng không được biểu diễn trong hình dưới nhưng nó vẫn luôn tồn tại.

Hình 2: Góc nhìn Kênh truy cập nghiệp vụ

So với Góc nhìn Dịch vụ nghiệp vụ, sơ đồ này đã bổ sung thêm các Kênh truy cập phục vụ cho Nhóm người sử dụng trong phần tử Business Interface, các kênh truy cập có thể gồm Web, Điện thoại, Gặp trực tiếp;...

Lưu ý rằng, có thể thay thế mối quan hệ “Giao việc“ bằng mối quan hệ “Phục vụ“ giữa các dịch vụ nghiệp vụ và các giao diện nghiệp vụ để thuận tiện cho việc đọc hiểu sơ đồ từ dưới lên trên.

4. Góc nhìn Thực hiện dịch vụ nghiệp vụ

            Góc nhìn này là mở rộng của Góc nhìn Dịch vụ nghiệp vụ với việc thể hiện chi tiết hơn về cách thức các dịch vụ nghiệp vụ được thực hiện. Các dịch vụ nghiệp vụ thường được thực hiện bởi các quy trình nghiệp vụ. Ngoài ra, các quy trình nghiệp vụ sử dụng các dịch vụ ứng dụng được cung cấp bởi các thành phần ứng dụng. Trong góc nhìn này, ngoài các phần tử thuộc lớp Nghiệp vụ, còn sử dụng các phần tử thuộc lớp Ứng dụng bao gồm: Dịch vụ nghiệp vụ (Application Service) và Thành phần ứng dụng (Application Component). Góc nhìn Thực hiện dịch vụ nghiệp vụ được minh họa trong Hình 3 dưới đây.

Hình 3: Góc nhìn Thực hiện dịch vụ nghiệp vụ

            Góc nhìn Thực hiện dịch vụ nghiệp vụ thể hiện được sự tương tác giữa các phần tử thuộc Lớp Nghiệp vụ với các phần tử thuộc Lớp Ứng dụng. Cụ thể, sơ đồ thể hiện các Quy trình nghiệp vụ thực hiện các Dịch vụ nghiệp vụ, các Dịch vụ ứng dụng phục vụ các Quy trình nghiệp vụ, và các Thành phần ứng dụng thực hiện các Dịch vụ ứng dụng. Lưu ý rằng, các phần tử màu vàng nhạt thuộc Lớp Nghiệp vụ, các phần tử màu xanh da trời thuộc Lớp Ứng dụng.

5. Góc nhìn Hợp tác giữa các Tác nhân nghiệp vụ

Góc nhìn Hợp tác giữa các Tác nhân nghiệp vụ cho phép các nhà phân tích nghiệp vụ có thể mô hình hóa các tương tác giữa các tác nhân nghiệp vụ tương ứng trong ngữ cảnh cụ thể. Có kịch bản tương tác như sau:

- Tương tác trong nội bộ tổ chức: mô tả cách thức các tác nhân nội bộ của tổ chức tương tác, cách thức chúng chuyển đổi thông tin.

- Tương tác liên tổ chức: mô tả cách thức các đối tác nghiệp vụ của các tổ chức của tương tác với nhau.

Góc nhìn Hợp tác giữa các Tác nhân nghiệp vụ được minh họa trong Hình 4 dưới đây.

Hình 4: Góc nhìn Hợp tác giữa các Tác nhân nghiệp vụ

Sơ đồ này thể hiện được sự hợp tác giữa các tác nhân nghiệp vụ thông qua các luồng thông tin giữa chúng, cụ thể là thể hiện sự hợp tác giữa Tác nhân nghiệp vụ B với 4 tác nhân nghiệp vụ (Tác nhân nghiệp vụ A; Tác nhân nghiệp vụ C; Tác nhân nghiệp vụ D; Tác nhân nghiệp vụ E) bằng các luồng thông tin (Thông tin A.1; Thông tin B.1; Thông tin D.1; Thông tin E.1) .

6. Góc nhìn Hợp tác giữa các Quy trình nghiệp vụ

            Sự tích hợp giữa các quy trình được thể hiện bằng việc thể hiện mối quan hệ giữa các quy trình nghiệp vụ. Góc nhìn Hợp tác giữa các Quy trình nghiệp vụ được minh họa trong Hình 5 dưới đây.

Hình 5: Góc nhìn Hợp tác giữa các Quy trình nghiệp vụ

            Sơ đồ trên thể hiện sự tương tác giữa 5 quy trình nghiệp vụ (Quy trình nghiệp vụ A; Quy trình nghiệp vụ B; Quy trình nghiệp vụ C; Quy trình nghiệp vụ D; Quy trình nghiệp vụ E) thông qua các luồng thông tin (Thông tin A.1; Thông tin A.2; Thông tin C.1; Thông tin D.1).

7. Góc nhìn Quy trình nghiệp vụ

            Góc nhìn Quy trình nghiệp vụ là cấu trúc và tổ hợp mức cao của một quy trình nghiệp vụ (hay một số quy trình nghiệp vụ), các dịch vụ được cung cấp, các vai trò của tác nhân được chỉ định rõ và các thông tin được sử dụng bởi quy trình nghiệp vụ.

Hình 6: Góc nhìn Quy trình nghiệp vụ

            Sơ đồ này thể hiện chi tiết Quy trình duyệt đơn của Dịch vụ tuyển dụng bắt đầu từ: Nhận đơn; Kiểm tra đơn; Nếu đơn xin việc phù hợp thì Nhận vào, nếu không phù hợp thì Từ chối nhận; Ra quyết định. Ngoài các quy trình nghiệp vụ chính được thể hiện, sơ đồ còn sử dụng các phần tử Tác nhân nghiệp vụ (Business Actor) là Người sử dụng; Dịch vụ nghiệp vụ (Business Service) là Dịch vụ tuyển dụng; Sự kiện nghiệp vụ (Business Event) gồm bắt đầu là Xin việc và kết thúc là Quyết định; Vai trò nghiệp vụ (Business Role) là Thư ký được giao thực hiện quy trình nghiệp vụ chính; Đối tượng nghiệp vụ (Business Object) được tạo ra ở đây chính là Đơn xin việc.

8. Góc nhìn Đối tượng nghiệp vụ

            Góc nhìn Đối tượng nghiệp vụ thể hiện liên kết của các đối tượng nghiệp vụ với các quy trình bằng việc mô hình hóa cách thức chúng truy cập đến các đối tượng nghiệp vụ. Góc nhìn Đối tượng nghiệp vụ được minh họa trong Hình 7 dưới đây.

Hình 7: Góc nhìn Đối tượng nghiệp vụ

9. Góc nhìn Sản phẩm và Dịch vụ nghiệp vụ

            Khái niệm Sản phẩm (Product) có thể được dùng như một phần tử hợp phần cho một nhóm các dịch vụ. Theo Ngôn ngữ mô hình hóa ArchiMate: Một sản phẩm đại diện cho một tập hợp các dịch vụ và/hoặc các phần tử cấu trúc bị động, đi kèm với một hợp đồng/một tập các thỏa thuận được cung cấp cho toàn bộ người sử dụng (cả trong nội bộ và bên ngoài). Một sản phầm có thể tổng hợp hoặc tạo ra các dịch vụ nghiệp vụ, dịch vụ ứng dụng, dịch vụ công nghệ, đối tượng nghiệp vụ, đối tượng dữ liệu và đối tượng công nghệ cũng như một hợp đồng. Do đó, một sản phẩm có thể tổng hợp hoặc tạo ra các phần tử từ các lớp khác ngoài Lớp nghiệp vụ. Một giá trị có thể liên kết với một sản phẩm. Tên của một sản phẩm thường là tên được sử dụng để giao tiếp với người sử dụng, có thể là một danh từ chung, ví dụ: Bảo hiểm du lịch,…Góc nhìn sản phầm và Dịch vụ nghiệp vụ được minh họa trong Hình 8 dưới đây.

Hình 8: Góc nhìn Sản phẩm và Dịch vụ nghiệp vụ

            Với Góc nhìn sản phẩm và Dịch vụ nghiệp vụ, phần tử Sản phẩm (Product) được sử dụng để tạo ra các dịch vụ nghiệp vụ trong một sản phẩm. Trong Hình 8, Sản phẩm B bao gồm các dịch vụ nghiệp vụ B.1 và dịch vụ nghiệp vụ B.2, Sản phẩm A là tập hợp của 2 dịch vụ nghiệp vụ A.1 và dịch vụ nghiệp vụ A.2.

10. Góc nhìn Phân lớp

            Góc nhìn Phân lớp thể hiện đầy đủ, tổng quát và hữu ích nhất về các phần tử của các lớp khác nhau và mối quan hệ giữa chúng. Góc nhìn Phân lớp có thể được sử dụng làm sơ đồ ngữ cảnh tổng quan của một miền. Ưu điểm chính của Góc nhìn Phân lớp là minh họa việc sử dụng các ứng dụng trong các quy trình nghiệp vụ và dịch vụ nghiệp vụ mà chúng cung cấp. Ví dụ về Góc nhìn Phân lớp được minh họa trong Hình 9 dưới đây.'

Hình 9: Góc nhìn Phân lớp

            Trong Góc nhìn Phân lớp, về cơ bản, có 3 lớp chính trong ArchiMate: Lớp nghiệp vụ (màu vàng nhạt); Lớp Ứng dụng (màu xanh da trời); Lớp Công nghệ (màu xanh lá cây). Ngoài việc sử dụng các phần tử thuộc 3 lớp chính, Góc nhìn Phân lớp còn sử dụng phần tử Nhóm (Grouping). Trong Hình 9 có các Nhóm sau:

- Tác nhân và vai trò bên ngoài: là những người mà tổ chức cung cấp các dịch vụ, ví dụ như người sử dụng (khách hàng) hay các đối tác bên ngoài;

- Dịch vụ nghiệp vụ: là các dịch vụ được tổ chức cung cấp cho người sử dụng (khách hàng);

- Tác nhân và vai trò nghiệp vụ nội bộ: được giao thực thi các quy trình nghiệp vụ, trong đó, các quy trình nghiệp vụ thực hiện các dịch vụ nghiệp vụ;

- Dịch vụ ứng dụng: hỗ trợ các quy trình nghiệp vụ, ví dụ như Giao diện đồ họa người dùng (Graphical User Interface - GUI) hay Giao diện lập trình ứng dụng (Application Programming Interface - API);

- Ứng dụng và dữ liệu: ứng dụng thực hiện các dịch vụ ứng dụng và quản lý các tài sản dữ liệu;

- Dịch vụ công nghệ và hạ tầng: dịch vụ công nghệ hỗ trợ các ứng dụng, ví dụ như: dịch vụ nền tảng, dịch vụ mạng, dịch vụ DNS…

- Hạ tầng: là nền tảng, máy chủ, phần mềm hệ thống, thiết bị, mạng…          

11. Kết luận

Bài viết đã giới thiệu 9 loại sơ đồ cơ bản theo 9 góc nhìn khác nhau của để phục vụ việc mô hình hóa Kiến trúc nghiệp vụ, trong đó, sơ đồ theo Góc nhìn Phân lớp là sơ đồ tổng quát nhất. Kiến trúc nghiệp vụ có thể được mô hình hóa với một tập con các loại sơ đồ này và/hoặc các biến thể của chúng và với một tập các phần tử của ArchiMate. Có thể nói ArchiMate là một ký hiệu tiêu chuẩn mạnh mẽ, bao phủ nhiều lớp với rất nhiều phần tử khác nhau. Nó cho phép nhà phân tích nghiệp vụ mô hình hóa nhiều trường hợp về kiến trúc nghiệp vụ và mối quan hệ với các kiến trúc khác như kiến trúc ứng dụng, kiến trúc công nghệ, kiến trúc dữ liệu. Do vậy, tác giả hi vọng bài viết sẽ là nguồn tham khảo hữu ích cho các nhà phân tích, thiết kế nghiệp vụ trong việc mô hình hóa Kiến trúc nghiệp vụ, phục vụ xây dựng và phát triển Kiến trúc Chính phủ điện tử/Chính quyền điện tử của các bộ/tỉnh tại Việt Nam.

Đặng Thị Thu Hương

Tài liệu tham khảo

[1] An Introduction to the ArchiMate 3.0 Specification, Theo Open Group, June, 2016;

[2] https://www.hosiaisluoma.fi/blog/business-architecture-modeling-with-archimate/

[3] https://www.hosiaisluoma.fi/blog/togaf-adm-and-archimate-the-digital-transformation-method/