ĐỊNH HÌNH NỀN KINH TẾ SỐ HƯỚNG TỚI HÌNH THÀNH KHUNG KHỔ CHÍNH SÁCH – KINH NGHIỆM NGHIÊN CỨU QUỐC TẾ

Các nền tảng hợp tác và cạnh tranh mới trong khu vực công, tư và người dân đang đưa ra những yêu cầu cấp bách đối với các chính phủ về sự đổi mới, thiết kế lại các dịch vụ và tư duy làm chính sách. Các chính sách của chính phủ số phải thúc đẩy sự nhanh nhạy, đổi mới và tạo ra giá trị. Mọi cán bộ, công chức, chuyên gia các lĩnh vực và người dân phải đón nhận chuyển đổi số và được tiếp cận với các cơ hội học tập để phát triển sâu, toàn diện các kỹ năng nhằm phát triển mạnh trong kỷ nguyên mới này.

Định hình nền kinh tế số

Vào tháng 9 năm 2017, người dùng Alipay có thể bước vào bất kỳ cửa hàng KFC nào ở Hàng Châu (Trung Quốc) và kích hoạt tính năng “smile to pay” (mỉm cười để thanh toán) bằng công nghệ nhận dạng khuôn mặt (một phần chương trình thử nghiệm của Alibaba Ant Financial). Đến năm 2018, sinh viên tại khuôn viên Đại học Quốc gia Singapore thấy máy bay không người lái chở bưu kiện (một phần chương trình thử nghiệm của Airbus Helicopters và Cơ quan Hàng không Dân dụng Singapore). Hiện nay, ở hầu hết các cửa hàng dịch vụ, ăn uống phổ biến tại các đô thị như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội khách hàng chỉ cần quét mã QR code đều có thể thanh toán mà không cần dùng tiền mặt.

Đây chỉ là một vài ví dụ về sự thay đổi nhanh chóng của các nền kinh tế - xã hội khi chuyển sang kỹ thuật số. Sự xuất hiện của nền kinh tế số đang biến đổi thế giới ở quy mô, phạm vi và độ phức tạp chưa từng có. Về mặt thách thức, sự chuyển đổi được đặc trưng bởi sự gián đoạn (disruption) trong hầu hết các lĩnh vực công nghiệp và xã hội dẫn đến sự xuất hiện của các hình thức sản xuất, quản lý và quản trị mới. Chính phủ các quốc gia tiếp cận các cơ hội mới xuất hiện và tạo điều kiện để người dân được sử dụng các dịch vụ mới một cách tốt nhất và điều này cũng đặt chính phủ các quốc gia phải đánh giá lại vai trò và cách tiếp cận của mình. Để bắt đầu định hình ra, trước tiên cần tìm hiểu, tiếp cận khái niệm về kinh tế số là gì và tổng quan về tác động và tiềm năng của các công nghệ mới làm nền tảng và thúc đẩy sự đột phá kỹ thuật số.

Kinh tế số là gì?

Có rất nhiều khái niệm khác nhau và chưa có khái niệm nào được chấp nhận chính thức về kinh tế số (hay kinh tế kỹ thuật số), nhưng theo cách hiểu phổ biến nhất mà phần lớn các quốc gia và tổ chức quốc tế thống nhất thì kinh tế số là nền kinh tế dựa trên công nghệ số và nền tảng số, với các hoạt động kinh tế về và bằng công nghệ số và nền tảng số, đặc biệt là các giao dịch điện tử tiến hành trên Internet.

Các công nghệ số đã được triển khai ở các khu vực khác nhau của nền kinh tế quốc gia trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là trong các mạng truyền thông, nhưng chính Internet và các liên kết hỗ trợ giao thức Internet đã tạo ra một nền tảng phổ biến để hình thành nền móng kinh tế số cho tất cả các lĩnh vực. Sự khác biệt giữa nền kinh tế Internet và nền kinh tế số dựa trên sự khác biệt về tác động của từng ngành. Nền kinh tế Internet “đề cập đến các hoạt động kinh tế, đầu vào, đầu ra và việc làm liên quan trực tiếp đến việc sử dụng Internet”. Ngược lại, nền kinh tế số dựa trên sự thúc đẩy liên kết giữa các mạng và khả năng tương tác của các nền tảng số trong mọi lĩnh vực của kinh tế - xã hội để cung cấp các dịch vụ. Ví dụ: băng thông trao đổi giữa các mạng viễn thông và ngân hàng - chẳng hạn như trường hợp các ứng dụng thanh toán, ví điện tử hiện nay sử dụng các nhà cung cấp dịch vụ mạng di động và tổ chức tài chính khác nhau.

“Dịch chuyển số” (going digital) là một sự thay đổi toàn diện ngoài lĩnh vực kinh tế, tác động đến xã hội, văn hóa, chính trị và sự phát triển công nghệ. Do đó, các chính phủ và các cơ quan chính phủ cần phải hiểu chi tiết “dịch chuyển số” là gì và những thách thức và cơ hội mà nó đem lại.

Đã có nhiều nghiên cứu về tác động kinh tế của kinh tế số đối với GDP của các quốc gia. Những nỗ lực như vậy cũng có những vấn đề phát sinh do thiếu các tiêu chí đo lường được thiết lập tốt và do đó thiếu dữ liệu đáng tin cậy. Một nghiên cứu năm 2011 được trích dẫn bởi McKinsey Global Institute ước tính rằng Internet chiếm 3,4% tổng GDP của 13 quốc gia được nghiên cứu. Năm 2014, OECD đo lường nền kinh tế số và đã định nghĩa rộng hơn là toàn bộ lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông, chiếm 6% tổng giá trị gia tăng, 4% việc làm và 12% tổng đầu tư cố định trong khu vực OECD. Các nghiên cứu này cung cấp các tiêu chuẩn và chỉ số hữu ích về mức độ tác động, nhưng đã được chứng minh là ít được áp dụng như các hướng dẫn chính sách hay mô hình quản trị. Các nghiên cứu tập trung vào việc đo lường tác động đối với cấp độ ngành hoặc trên các chỉ số phi tài chính đưa ra những đánh giá đơn giản hơn, nhưng cũng khó đánh giá vì không thể phân tích so sánh nếu không có phương pháp luận để thu thập dữ liệu số nhất quán và có thể mở rộng.

Hình 1: Mô hình kinh tế số (Bukht & Heeks, Đại học Manchester, Anh)

 

Phá hủy số (digital disruption)

Phá hủy số xảy ra theo một số cách khác nhau:    

- Sản phẩm hoặc dịch vụ bị thay thế: Điển hình như sự vắng bóng trên thị trường âm nhạc của đĩa cát-sét hoặc phim Kodak. Hay trên đường phố du lịch, trong ba lô của du khách, trên cabin của bác tài xế không thấy những tấm bản đồ giấy truyền thống mà bị thay thế bởi hệ thống bản đồ số có định vị GPS trên điện thoại thông minh.

- Bỏ qua trung gian (bypass): Ví dụ như trong thanh toán, hoạt động chuyển tiền không thông qua hệ thống ngân hàng truyền thống hiện nay mà sử dụng thông qua nền tảng P2P (peer to peer), điều này sẽ loại bỏ nhu cầu đối với các dịch vụ này qua ngân hàng truyền thống.

- Sự thay đổi mô hình công nghệ: chẳng hạn như điện toán đám mây (cloud computing) là đại diện điển hình cho sự thay đổi cách người tiêu dùng mua sắm, truy cập và sử dụng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, đồng thời cung cấp chi phí thấp hơn và khả năng mở rộng nhanh chóng.

Điện toán đám mây, chuỗi khối (blockchain) hoặc Internet là những thứ mang lại sự thay đổi có tác động đáng kể trên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế và xã hội, các nhà kinh tế gọi các công nghệ này là công nghệ GPT (General Purpose Technology) - các công nghệ lõi có các chức năng chính sinh ra và phổ biến rộng rãi các đổi mới sáng tạo trong các hoạt động, lĩnh vực khác nhau. Tỷ lệ chấp nhận GPTs có thể khác nhau giữa các lĩnh vực, nhưng khi các nền kinh tế ngày càng trở nên liên kết với nhau, chúng trở nên gắn bó và phổ biến.

Bảng dưới đây mô tả tác động của các công nghệ có tính thay đổi “game changing” như vậy, đã hoặc sẽ có nhiều khả năng làm gián đoạn nền kinh tế - xã hội. Tiềm năng tác động của hầu hết các công nghệ này vẫn chưa được tiết lộ đầy đủ, nhưng các ứng dụng của chúng đã được dự báo rộng rãi có khả năng dẫn đến sự thay đổi trong mô hình công nghệ. Một số công nghệ số mang tính đột phá tạo sự thay đổi điển hình được mô tả theo góc độ tác động và thách sự dưới đây để chúng ta nhận biết thêm về tác động chúng.

Công nghệ 5G:

Tác động: Các mạng 5G cho phép thu thập và tính toán với hàng tỷ thiết bị bằng cách hỗ trợ kết nối liên tục và thông suốt. Kết nối nhanh hơn 3G, 4G LTE, 5G sẽ “trở thành hệ sinh thái kết nối toàn bộ cảm biến và thiết bị thông minh, có khả năng thay đổi nền kinh tế và các chính sách kinh doanh và xa hơn là làm mờ danh giới địa lý và dự báo sẽ tạo ra trên 12 nghìn tỷ USD doanh thu toàn thế giới trên hầu hết các lĩnh vực.

Thách thức: Dung lượng, tốc độ truyền tải mà 5G cần đạt được đòi hỏi các nhà khai thác phải đầu tư nhiều vào việc thử nghiệm và triển khai. Riêng tại Trung Quốc, các nhà khai thác mạng di động được dự báo sẽ chi tổng cộng 180 tỷ USD vào năm 2023.

IoT và M2M (machine to machine):

Tác động: Dự báo đến đầu những năm 2020, sẽ có hơn 20 tỷ thiết bị IoT được lắp đặt trên khắp thế giới tạo ra lượng dữ liệu khổng lồ. Với quyền truy cập vào loại thông tin này, các ngành thuộc mọi lĩnh vực có thể sẽ tạo ra hiệu quả lớn hơn khi sinh ra các sản phẩm, dịch vụ mới dựa trên dữ liệu khai thác.

Thách thức: Bảo mật là một thách thức lớn đối với IoT khi các sự vật (things) mới được kết nối lại với nhau, tạo ra các lỗ hổng mới. Việc truy cập trái phép hệ thống ca-me-ra giám sát hay thiết bị số của trẻ em, tủ lạnh thông minh,… là minh chứng cho mối đe dọa bảo mật chỉ có thể phát triển với quy mô của IoT. Khi số lượng các sự vật được kết nối tăng lên, lượng dữ liệu cá nhân được thu thập, lưu trữ và truyền qua mạng cũng sẽ tăng lên, do đó làm tăng nguy cơ dữ liệu đó bị xâm phạm. Hơn nữa, vì dữ liệu có thể bị xâm phạm tại bất kỳ điểm nào trong hệ sinh thái IoT, các bên liên quan (nhà sản xuất thiết bị, nền tảng, nhà cung cấp mạng, người dùng cuối,…) trong toàn bộ hệ sinh thái phải cảnh giác và chịu trách nhiệm về bảo mật IoT.

Điện toán đám mây (Cloud Computing):

Tác động: Công nghệ điện toán đám mây cung cấp tài nguyên công nghệ thông tin (chẳng hạn như phần mềm, năng lực tính toán để phân tích dữ liệu, lưu trữ dữ liệu) trực tuyến như một dịch vụ. Dịch vụ điện toán đám mây có thể mở rộng và đáp ứng theo yêu cầu, có thể truy cập từ tất cả các thiết bị được kết nối, điều này đang làm thay đổi các mô hình mua sắm cả trong khu vực công và khu vực tư. Dịch vụ điện toán đám mây cung cấp tính linh hoạt và chi phí thấp hơn, các tính năng bảo mật tăng lên so với các nguồn lực công nghệ thông tin truyền thống.

Thách thức: Mặc dù lợi ích của điện toán đám mây được hiểu và chấp nhận rộng rãi, nhưng việc áp dụng thành công đám mây đòi hỏi các tổ chức phải loại bỏ các rào cản nội bộ bằng cách đào tạo lại nhân lực và xem xét lại các quy trình, để khắc phục tốt các hạn chế của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cũ.

Phân tích dữ liệu (Data Analytics):

Tác động: Dữ liệu lớn (Big Data) là động lực của nền kinh tế số và phân tích dữ liệu là điều cần thiết để có thể đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu. Dữ liệu phân tích cũng hỗ trợ tối ưu hóa việc cung cấp dịch vụ và tạo ra các chuỗi giá trị cạnh tranh trong các ngành, lĩnh vực.

Thách thức: Việc thiếu khả năng tương tác và các tiêu chuẩn hoặc hướng dẫn tạo điều kiện cho việc áp dụng các phương pháp luận và định dạng dữ liệu chung trên các nền tảng khác nhau sẽ hạn chế tác động của dữ liệu lớn.

Danh tính số (Digital identity):

Tác động: Các chương trình định danh số phần lớn là các nền tảng sinh trắc học và do nhà nước vận hành, cho phép nhận dạng, xác minh và xác thực người dân. Là nền tảng của các dịch vụ chính phủ, các sáng kiến như vậy cho phép cung cấp dịch vụ công theo mục tiêu mà không cần sự tham gia và tăng cường tham gia của các trung gian.

Thách thức: Việc tạo ra định danh số duy nhất sẽ cần phải đáp ứng các rủi ro bảo mật tăng cao từ hệ thống quản lý danh tính số tập trung, có thể trở thành mục tiêu chính cho tội phạm mạng vì nó thiết lập một điểm lỗi duy nhất cho toàn bộ hệ thống nhận dạng.

Điện toán lượng tử (Quantum computing)

Tác động: Máy tính lượng tử sẽ trở thành mô hình thứ sáu trong việc tính toán thay thế các bit bằng các bit lượng tử, cho phép chúng giải quyết các vấn đề vượt quá khả năng của máy tính thông thường. Bước tiến nhảy vọt về khả năng tính toán này sẽ tăng cường xử lý dữ liệu và nhận dạng mẫu trong học máy, đồng thời cải thiện đáng kể khả năng mô hình hóa trong phát triển thuốc y tế, khoa học vật liệu, nghiên cứu biến đổi khí hậu và phát triển trí tuệ nhân tạo (AI).

Thách thức:

          Sự phát triển của máy tính lượng tử thực tế vẫn đang ở giai đoạn đầu do sự phức tạp trong việc xây dựng một máy tính lượng tử thực tế. Hệ thống lượng tử cần được bảo vệ khỏi sự can thiệp từ bên ngoài, nhưng vẫn có thể được sử dụng để tính toán và đưa ra câu trả lời. Các giải pháp hiện tại liên quan đến các tính năng như bộ giảm chấn và cực lạnh (gần bằng không tuyệt đối) để cách nhiệt cho chip máy tính lượng tử thực tế.

          Ngoài ra, còn một số công nghệ khác có tính chất tạo sự thay đổi lớn như công nghệ in 3D, trí tuệ nhân tạo (AI),… sẽ tác động tới nền kinh tế hoạt động dựa trên các công nghệ thông tin và truyền thông, đòi hỏi chính phủ các quốc gia, các nhà hoạch định chính sách đưa ra những chính sách, hành động phù hợp để thúc đẩy phát triển nền kinh tế.

Nguồn tham khảo:

https://www.igi-global.com/dictionary/general-purpose-technology-gpt/54211

- MIT Technology Review (2017);

https://www.mobileworldlive.com/asia/asia-news/china-operators-to-invest-180b-in-5g/

- ITU News (2013), Challenges to 5G standardization;

- The Straits Times, Benjamin Goh (17 Mar 2017), One digital ID to rule them all?, http://www.straitstimes.com/opinion/one-digital-id-to-rule-them-all

Nguyễn Thanh Thảo