‘BOOK SMART’ HAY ‘STREET SMART’?
Thông minh Sách vở (Book Smart) là việc trau dồi những kiến thức thông qua quá trình học tập và nghiên cứu sách vở, tài liệu. Những người sở hữu trí thông minh này hứng thú với các khái niệm, lý thuyết và nắm bắt được những kiến thức khó hiểu, trừu tượng. Bạn rất dễ nhận ra họ, bởi họ thường có kết quả học tập tốt hoặc đạt các giải thưởng cao khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Họ cảm thấy thoải mái trong môi trường học thuật và coi trọng việc không ngừng gia tăng hiểu biết về các tri thức của nhân loại, đặc biệt là qua hoạt động đọc sách.
Những người có trí thông minh sách vở thường dễ được nhận biết và khen ngợi hơn thông qua các thành tựu học thuật hoặc qua bề dày kiến thức của mình. Tuy nhiên, để có thể đối phó với những khó khăn trong cuộc sống thực, trí thông minh này chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ. Trong khi những người này có công cụ cần thiết là tri thức, là nguyên lý, họ lại thiếu tính thực hành, sự thử nghiệm và sự rèn luyện để đưa các tri thức vào cuộc sống thực tế. Vậy mảnh ghép thiếu ở đây là gì? Chính là trí Thông minh Đường phố.
Thông minh Đường phố (Street Smart) là sở hữu những kiến thức và trải nghiệm cần thiết để tự bảo vệ bản thân trước các khó khăn hoặc mối nguy hiểm trong môi trường xã hội. Điều này được thể hiện ở khả năng nhận thức tình huống xã hội, khả năng đánh giá môi trường, đánh giá những người xung quanh, và ý thức về các vấn đề tiềm ẩn có thể xảy ra. Đây cũng là điều kiện để phát triển các kỹ năng xã hội quan trọng như: quan sát, giao tiếp, phản ứng nhanh nhạy, linh hoạt,... Đặc biệt, trí Thông minh đường phố chỉ có thể được rèn luyện thông qua thực hành và trải nghiệm đời thực.
Điểm khác biệt giữa Thông minh Sách vở và Thông minh đường phố cũng nằm ở việc làm chủ kiến thức:
- Đối với Thông minh Đường phố, bạn chính là người tạo ra và làm chủ kiến thức bởi trải nghiệm của bạn về thế giới chỉ có một không hai. Bạn đã trực tiếp bắt tay vào làm, đã được thử thách, đã vượt qua và có thể tin tưởng vào trực giác hoặc kinh nghiệm từ quá khứ để dẫn dắt các quyết định trong tương lai.
- Còn nếu là Thông minh Sách vở, bạn đang học hỏi lại kiến thức của người khác. Cho dù người viết là người tài giỏi hay tuyệt vời như thế nào, bạn vẫn không hoàn toàn làm chủ kiến thức bởi bạn chưa từng thực hành, đó cũng không phải trải nghiệm cá nhân của bạn.
Vậy đâu là trí thông minh quan trọng hơn - Hàn lâm hay Đường phố?
Đây cũng là chủ đề từng gây tranh cãi trong một thời gian dài. Những người sở hữu trí Thông minh Sách vở vốn học giỏi, đạt nhiều thành tích nên thường là niềm tự hào của cha mẹ, thầy cô và được tôn vinh bởi mọi người xung quanh. Trong khi đó, có những người thậm chí chưa từng bước chân vào trường học, hoặc học hành không nổi trội, nhưng lại có kiến thức khôn ngoan, lanh lợi qua những lần va chạm khi bươn chải ngoài cuộc sống. Vì vậy sẽ là khập khiễng khi so sánh mức độ quan trọng của hai loại trí thông minh này bởi mỗi loại có những ưu thế riêng. Câu trả lời nằm ở sự cân bằng: chúng ta đều cần cả hai để có thể vượt qua khó khăn và trở nên thành công trong cuộc sống hiện đại.
‘BOOK SMART’ ĐÃ ĐƯỢC CHÚNG TA RÈN LUYỆN TỪ THỜI THƠ ẤU
Đối với học sinh, việc học luôn được đặt lên hàng đầu. Áp lực về thành tích và điểm số đã hình thành từ những ngày đầu tiên chúng ta ngồi trên ghế nhà trường, khi chúng ta ganh đua với bạn bè về thứ hạng và xếp loại học tập. Đặc biệt tại các quốc gia Châu Á, việc có được điểm số cao gần như là một tiêu chuẩn bắt buộc đối với mọi học sinh, vậy nên các phụ huynh thường sẵn sàng cho con đi học thêm đủ các môn bất cứ khi nào có lịch trống. Học sinh được tiếp xúc với đa dạng các kiến thức (toán, văn, lý, hóa, sinh, sử, địa…), nhưng phần lớn đều từ sách vở và các bài giảng của thầy cô. Những học sinh có thành tích nổi bật thường được mọi người xung quanh ngưỡng mộ và lấy đó làm gương, thậm chí còn được ví như “con nhà người ta”.
Không thể phủ nhận sự cần thiết của Thông minh Sách vở đối với rất nhiều ngành nghề như Giảng viên đại học, Bác sĩ, Luật sư, Kỹ sư… Tuy nhiên đây mới chỉ là điều kiện cần, chưa phải điều kiện đủ để thành công trong cuộc sống. Việc quá chìm đắm vào các kiến thức hàn lâm đôi khi có thể biến học sinh thành các con “mọt sách”, rất hiểu biết về mặt kiến thức, giỏi lý thuyết, giỏi tranh luận, nhưng khi va chạm xã hội lại gặp khó khăn vì đa phần thời gian các bạn đã dành hết cho việc học. Các bạn có thể ngại ngùng khi gặp người lạ, thiếu kỹ năng giao tiếp, khó thích nghi trong môi trường mới, thiếu sự linh hoạt trong cách ứng xử, không biết tự bảo vệ bản thân… Điều này sẽ gây nhiều trở ngại trong tương lai khi các bạn phải bước chân ra ngoài thế giới thực: đi học đại học, đi du học, đi làm và xây dựng sự nghiệp của mình.
LÀM THẾ NÀO ĐỂ CÓ ĐƯỢC ‘STREET SMART’?
Thông minh Đường phố không được dạy trong bất kỳ sách vở nào mà chỉ có được thông qua trải nghiệm. Có thể nói, mức độ va chạm trong các môi trường xã hội khác nhau tỷ lệ thuận với mức độ Thông minh Đường phố của bạn.
- Bạn học cách để thích nghi linh hoạt trong mọi tình huống:
Lên đại học, nhiều bạn sẽ bị choáng ngợp khi phải thay đổi nơi ở, xa gia đình, sống chung với những người bạn mới, làm quen với môi trường và phương pháp học tập mới, tự chủ về thời gian và lịch học, tự quản lý tài chính chi tiêu… Sẽ có nhiều mâu thuẫn và vấn đề nảy sinh từ những yếu tố mới này. Nếu không biết cách tự mình thích nghi, bạn sẽ khó tập trung hoàn thành tốt việc học và bị phân tán bởi các yếu tố xung quanh. Tương tự như vậy, sau khi ra trường đi làm, bạn lại một lần nữa bị “sốc” bởi thế giới ngoài kia khác xa so với trí tưởng tượng. Từ áp lực công việc cho tới các mối quan hệ với đồng nghiệp, cấp trên, cấp dưới, mối quan hệ gia đình, xã hội… Nếu có nhiều trải nghiệm, kỹ năng giải quyết các vấn đề phức tạp, khả năng giao tiếp khéo léo, năng lực quản lý và biết tự bảo vệ bản thân, bạn sẽ vươn lên được những vị trí đáng mơ ước. Nhưng nếu chỉ biết mỗi kiến thức chuyên môn trong công việc thì có lẽ sự thành công của bạn vẫn còn rất xa vời.
- Bạn học cách để trở nên ‘liều lĩnh’:
Việc chấp nhận các rủi ro là một điều cần thiết trong cuộc sống, bởi chỉ khi đó bạn mới khai phá hết tiềm năng thực sự của bản thân. Bạn sẽ không bao giờ biết mình có khả năng làm một việc hay không cho tới khi bạn thực sự bắt tay vào làm, bất kể hậu quả xảy ra như thế nào.
- Bạn học cách tương tác với những người xung quanh:
Trong cuộc đời, chắc hẳn bạn cùng từng biết tới hoặc gặp gỡ những người có tài ngoại giao cực kỳ khéo léo. Họ có thể hiểu được tính cách, thói quen của người đối diện để cư xử phù hợp và làm hài lòng tất cả mọi người. Nói cách khác, họ dường như có thể “đọc vị” được người khác. Đây là kỹ năng đặc biệt quan trọng trong cuộc sống, khi bạn ngày càng phải tiếp xúc với những mối quan hệ mới, trong học tập, hợp tác làm ăn, và ngay cả trong gia đình. Tới lúc đi làm, bạn sẽ nhận ra rằng người có kiến thức sâu rộng nhất lại không phải là người thành công nhất, mà chính những người có khả năng ứng biến linh hoạt và tương tác tốt với những người xung quanh lại đạt được nhiều thành tựu.
- Bạn học cách giải quyết những vấn đề phức tạp:
Thông minh Đường phố gắn liền với sự từng trải và sự va chạm trong cuộc sống. Do vậy, người sở hữu trí thông minh này luôn tìm ra được giải pháp sáng tạo và tối ưu cho một vấn đề trong thời gian ngắn nhất. Điều này chỉ có thể đến một khi đã trải nghiệm đủ nhiều, và được quyết định dựa trên những trực giác, kinh nghiệm và sai lầm từ quá khứ.
Tuy nhiên cần lưu ý rằng: Để một người trải nghiệm hết tất cả các môi trường xã hội gần như là điều không thể. Thậm chí, có những môi trường xã hội xuất hiện theo tuổi tác. Ngoại trừ những người vốn đã phải bươn chải từ rất sớm, ví dụ như các doanh nhân thành đạt từng có tuổi thơ hay quá khứ vất vả, còn lại thì chỉ khi đến tuổi đi làm, bạn mới biết môi trường làm việc thế nào, xã hội ngoài kia ra sao. Như vậy nếu phụ thuộc vào môi trường để phát triển trí Thông minh Đường phố, bạn sẽ đi rất chậm, mất rất nhiều thời gian trước khi có được kỹ năng mà bạn muốn. Vậy giải pháp ở đây là gì?
Hãy nhớ rằng: Thông minh Đường phố được học hỏi qua trải nghiệm. Như vậy thì chỉ cần được trải nghiệm, sau đó có sự luyện tập, bạn sẽ nâng cao được 'street smart' của mình. Các khóa học kỹ năng trong đó có các trải nghiệm "giả lập" sẽ là con đường tắt giúp bạn sớm có được kỹ năng bạn cần. Mặc dù chỉ là "giả lập", chính bạn biết điều đó, nhưng não bộ của chúng ta vẫn tiếp nhận giống như bạn đã thực sự trải nghiệm chúng trong các tình huống đời thực. Đây không chỉ là giải pháp hiệu quả, hữu ích, mà thậm chí còn rất an toàn, đặc biệt khi bạn muốn có kỹ năng để đối phó trong các tình huống nguy hiểm, ví dụ như: kỹ năng giải quyết căng thẳng, xung đột; kỹ năng tự bảo vệ bản thân...
Có thể nói, trí Thông minh Sách vở giúp bạn trở nên thông tuệ, ghi nhớ tốt về mặt kiến thức, trong khi Thông minh Đường phố giúp bạn phát triển các kỹ năng - công cụ để áp dụng các kiến thức này vào cuộc sống. Vì vậy hãy sớm rèn luyện cả hai loại trí thông minh này để đối phó với bất kỳ khó khăn nào trong cuộc sống và đạt được thành công như mong ước bạn nhé!
MVN